Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/02/2020-23:19:00 PM
Họp trực tuyến Nhóm học hỏi lẫn nhau về Báo cáo đánh giá đa chiều (Xem tin ảnh)
(MPI) - Thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) xây dựng Báo cáo đánh giá đa chiều (MDR) nhằm góp phần phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030. Để hoàn thiện Dự thảo, ngày 10/02/2020, lần đầu tiên, tại Trung tâm Điều hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra cuộc họp trực tuyến Nhóm học hỏi lẫn nhau (MLG) giữa đầu cầu Trụ sở OECD tại Pa-ri, Pháp với đầu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan đầu mối phía Việt Nam phối hợp với OECD xây dựng Báo cáo và nhiều thành viên của MLG để góp ý cho dự thảo cuối cùng của Báo cáo MDR. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng chủ trì cuộc họp phía đầu cầu Việt Nam.
Thứ trưởng Vũ Đại thắng phát biểu tại Cuộc họp. Ảnh: MPI

Tham dự cuộc họp có các thành viên Tổ Biên tập của Tiểu Ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, đại diện Bộ Ngoại giao và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.

Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao

Tại điểm cầu Pa-ri, Pháp,Trưởng bộ phận MDR của Trung tâm Phát triển của OECD, Trưởng nhóm xây dựng Báo cáoJan Rielander đã trình bày Báo cáo MDR, đề xuất đối với nền kinh tế “Việt Nam 4.0” hội nhập, minh bạch và bền vững. Báo cáo nhằm đưa ra những đánh giá, đề xuất cho nền kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia hội nhập sâu rộng và đạt được tốc độ phát triển như hiện nay.

OECD rất ấn tượng với những thành tựu Việt Nam đã đạt được. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, việc tham gia các hiệp định thương mại song phương, đa phương, góp phần giúp Việt Nam tăng trưởng GDP. Việt Nam đã tận dụng được cơ hội từ bối cảnh nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, Việt Nam đã đạt tỷ lệ nghèo giảm mạnh. Kết quả thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) rất ấn tượng và trong thời gian tới, sẽ có nhiều dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam; giáo dục được coi trọng và trình độ học vấn được nâng cao…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam đang gặp phải những thách thức như: sự thiếu gắn kết giữa các khu vực kinh tế doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân; chưa thu hút được vốn FDI có giá trị gia tăng cao để tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Các chương trình an sinh - xã hội còn manh mún, độ bao phủ thấp và lợi ích mang lại còn hạn chế. Việt Nam đang có sự thay đổi về nhân khẩu học rất lớn. Chất lượng môi trường kém gây ra các chi phí lớn.

Cùng với đó, năng suất của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong các ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo còn thấp, những nghề trước đây được thực hiện thủ công thì bây giờ đã được số hóa nhiều hơn, phần lớn lao động có thể bị thay thế bởi công nghệ (số hóa và tự động hóa đe dọa 70% việc làm của người Việt), do vậy Việt Nam cần phát triển nhanh hơn để xử lý thách thức này tốt hơn. Bên cạnh đó, tình hình biến đổi khí hậu gia tăng, mực nước biển dâng có thể gây các hậu quả nghiêm trọng về kinh tế - xã hội; số người Việt Nam trong độ tuổi lao động ngày càng ít, đồng nghĩa với việc già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng…

Từ những đánh giá nêu trên, OECD đưa ra các khuyến nghị nhằm tạo ra cơ hội kinh tế mới như cần xóa bỏ các hạn chế để khu vực nông nghiệp tự chuyển đổi. Cùng với đó là, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tiến hành các cải cách thể chế để nâng cao hiệu quả thực thi, tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người trong nền kinh tế. Thúc đẩy các dịch vụ để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả và năng suất cao hơn. Ví dụ như: Đưa ra các dự báo cho chủ doanh nghiệp; Tập trung vào FDI chất lượng cao và củng cố xúc tiến đầu tư, xác định các mục tiêu quốc gia mà dòng FDI cần hỗ trợ để đạt mục tiêu đó; Các loại hình công nghệ đi liền với FDI.

Trong việc cải cách doanh nghiệp nhà nước, Việt Nam cần tập trung vào kết quả hoạt động, tính minh bạch và hiệu suất, điều này sẽ làm gia tăng ít nhất 2,5% GDP của Việt Nam và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ông Jan Rielander cũng đưa ra các khuyến nghị nhằm đổi mới quản trị và nâng cao năng suất của doanh nghiệp nhà nước; nâng cao chất lượng giáo dục bậc cao, thúc đẩy đổi mới và cải thiện kỹ năng; nâng cao tính hòa nhập xã hội và bảo đảm nguồn lực cho phát triển trong tương lai; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của nhà nước, nâng cao hệ thống quản trị;…

Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của OECD trong quá trình phát triển bao trùm và bền vững

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp đánh giá cao các khuyến nghị của OECD trong việc xây dựng Báo cáo, đóng góp cho việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng như xác định đường hướng phát triển cho Việt Nam. Báo cáo thực sự là một tài liệu tham khảo hữu ích cho xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 mà Chính phủ Việt Nam đang tiến hành. Kết quả nghiên cứu của Báo cáo MDR giúp Việt Nam có thêm thông tin đánh giá toàn diện hơn cũng như xác định hướng phát triển trong 10 năm tới của đất nước. Các phiên bản của báo cáo kể từ Đánh giá bước đầu đến bản mới nhất được trình bày tại cuộc họp này đều được các thành viên chủ chốt của Tổ Biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Tổ trưởng.

Đặc biệt, Báo cáo sẽ là tài liệu đầu vào cho việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030. Báo cáo đã đưa ra được bức tranh phát triển của Việt Nam trong 3 thập niên qua kể từ khi đổi mới, cũng như xác định những thành tựu, những điểm nghẽn, từ đó đưa ra các đề xuất, khuyến nghị cần cải cách mạnh mẽ hơn để Việt Nam đạt được kết quả bền vững vào năm 2030.

Đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của OECD trong quá trình phát triển bao trùm và bền vững. Đây là diễn đàn đặc biệt trong việc hỗ trợ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới. Báo cáo không chỉ nhằm mục đích xây dựng Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, mà còn phục vụ cho công tác lãnh đạo, điều hành của Chính phủ cũng như của các cơ quan trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch của mình phù hợp với kế hoạch, chiến lược phát triển của quốc gia. Đây cũng là tài liệu tham khảo tốt cho các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, các khu vực doanh nghiệp. Đại sứ hy vọng, cuộc họp sẽ thu nhận được những bình luận hữu ích để hoàn thiện Báo cáo và dự kiến được công bố vào tháng tới (tháng 3/2020) theo kế hoạch đề ra.

Tham gia thảo luận tại các đầu cầu, đại diện Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… đều bày tỏ đồng tình với dự thảo Báo cáo và đánh giá cao quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Quá trình phối hợp xây dựng Báo cáo cho thấy, các cơ quan liên quan của Việt Nam luôn cởi mở, sẵn sàng trong việc thực hiện các giải pháp cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội. Báo cáo được xây dựng công phu, đưa ra được nhiều bằng chứng thuyết phục và nhận định, đề xuất cụ thể. Sau khi Báo cáo MDR được hoàn thiện, ban hành sẽ là tài liệu có giá trị tham khảo cho các cơ quan của Việt Nam. Đồng thời tin tưởng, Báo cáo MDR sẽ có giá trị thiết thực đối với Việt Nam trong quá trình thực hiện các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Toàn cảnh cuộc họp phía đầu cầu Việt Nam. Ảnh: MPI

Xây dựng đất nước Việt Nam hội nhập, minh bạch và thịnh vượng

Phát biểu tại đầu cầu Việt Nam, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đánh giá cao sự hỗ trợ, giúp đỡ của OECD đối với Việt Nam thông qua việc xây dựng Báo cáo MDR. Điều này rất có ý nghĩa khi Việt Nam đang triển khai tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược, kế hoạch thời gian qua để tổ chức xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển cùng với những tiến bộ vượt bậc trong các lĩnh vực và đang trên con đường hướng tới một tương lai phát triển nhanh, bền vững. Mục tiêu đặt ra là rất lớn như cam kết hoàn thành các mục tiêu thuộc Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG) tới năm 2030; hướng tới một xã hội “thịnh vượng, công bằng, sáng tạo và dân chủ” vào năm 2035, trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045, thời điểm Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước.

Tuy nhiên, hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức như năng suất, chất lượng tăng trưởng và năng lực tranh của nền kinh tế chưa cao, chưa thực sự dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các đột phá chiến lược và chương trình cải cách quan trọng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Tiến bộ xã hội vẫn chưa đồng đều, các nhóm yếu thế chưa được tham gia và hưởng lợi bình đẳng từ tăng trưởng so với các nhóm dân cư khác trong xã hội. Vấn đề về môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước… vẫn chưa được giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, các yếu tố bất định của tình hình quốc tế, nhất là trong điều kiện hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, khu vực và tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư... cũng tác động sâu sắc tới kinh tế Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đánh giá cao sáng kiến của OECD về báo cáo MDR được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm và triển khai thực hiện. Qua lần báo cáo đầu tiên vào tháng 7/2019 và qua bản Báo cáo được trình bày hôm nay, Việt Nam đánh giá cao nỗ lực và tâm huyết mà OECD, đặc biệt là Nhóm xây dựng MDR đã dành cho Báo cáo này. Mặc dù thời gian xây dựng báo cáo không nhiều.

Chúng tôi đánh giá cao những phân tích, đánh giá, đặc biệt là những khuyến nghị chính sách về tổ chức thực hiện và nhất là các chỉ số thực hiện vẫn đạt chất lượng tốt, đáp ứng phần lớn kỳ vọng của phía Việt Nam khi đặt đầu bài với OECD trong quá trình xây dựng. Đặc biệt chúng tôi đánh giá rất cao nhưng nội dung mà Báo cáo đã thẳng thắn, khách quan chỉ ra những điểm nghẽn cần khắc phục, những cơ hội cần phải nắm bắt nhanh chóng và hiệu quả, trong đó có Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đổi mới sáng tạo, các ngành dịch vụ… Qua đó có thể thực hiện được những cải cách mạnh mẽ để đạt được những mục tiêu cuối cùng là xây dựng đất nước Việt Nam với nền kinh tế hội nhập, minh bạch, bền vững và thịnh vượng, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, qua những bình luận, ý kiến của Nhóm công tác, của các đại biểu là Đại sứ đại diện cho các nước Thái Lan, Ai-len, Liên minh châu Âu, … góp phần tạo thêm giá trị gia tăng rất quan trọng cho Báo cáo. Bên cạnh các ý kiến tại cuộc họp phía đầu cầu Việt Nam, chúng tôi sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý và chuyển tới Nhóm xây dựng Báo cáo và mong Nhóm công tác tiếp thu các ý kiến, bình luận của các đại biểu tại các đầu cầu, sớm hoàn thiện bản Báo cáo cuối cùng để công bố vào tháng 3/2020 tại Việt Nam, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, bên cạnh các cơ quan ngoại giao, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm và mong muốn được “lắng nghe” nội dung chi tiết của Báo cáo này. Đồng thời khẳng định, những khuyến nghị, đặc biệt là khuyến nghị về chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ được Việt Nam tích hợp trong Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới đang được xây dựng và sẽ lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng đối tác quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp… Chiến lược sẽ được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tạo cơ sở quan trọng, là “kim chỉ nam” để toàn thể người dân và doanh nghiệp thực hiện hướng tới mục tiêu thịnh vượng, bền vững như mong muốn mà Việt Nam đã đề ra. Báo cáo MDR Việt Nam sẽ là một tài liệu tham khảo rất hữu ích cho các nhà lập kế hoạch và chiến lược, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các nhà quản lý…

Phát biểu kết luận, chủ trì phiên họp phía điểm cầu trụ sở OECD, ông Albelghni Lakhdar đánh giá, Báo cáo đã đưa ra được những kết quả hữu ích, đạt được nhiều thành công từ khi bắt đầu thực hiện vào đầu năm 2019. Dựa trên cơ sở phương pháp luận mới, Nhóm xây dựng Báo cáo đã thực hiện việc rà soát đánh giá các khía cạnh và hoàn thành đúng thời hạn.

Báo cáo đưa ra các khía cạnh mà Việt Nam cần phải xử lý trong tương lai, khuyến khích Việt Nam lồng ghép, hội nhập để các chủ thể trong nền kinh tế thực hiện cải cách. Cùng với đó, Việt Nam phải thực hiện cải thiện khu vực y tế, xã hội bởi Việt Nam đang đối mặt với già hóa dân số. Với cách tiếp cận đa chiều, liên ngành kết hợp với so sánh kinh nghiệm phát triển kinh tế của một số quốc gia, OECD đã đề xuất các khuyến nghị chính sách về xử lý các rào cản nêu trên nhằm hướng đến một nền kinh tế hội nhập, minh bạch và bền vững hơn. Theo đó, cần nâng cao chất lượng các ngành nông nghiệp, chế tạo, du lịch và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cùng chất lượng giáo dục. Cùng với đó là nâng cao năng lực quản trị môi trường, đẩy nhanh chuyển đổi sang mô hình kinh tế ít cacbon. Đồng thời, nâng cao năng lực để tiến hành các cải cách mới, nâng cao hiệu quả cho các doanh nghiệp và các chủ thể tham gia vào nền kinh tế…

Báo cáo MDR trước đây có tên gọi là Báo cáo Đánh giá quốc gia đa chiều của Việt Nam (MDCR Vietnam). Báo cáo do Nhóm Nghiên cứu của Bộ phận Đánh giá đa chiều thuộc Trung tâm Phát triển của OECD chủ trì xây dựng, được thực hiện với sự tài trợ của Liên minh châu Âu, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc, Cơ quan Phát triển và Hợp tác Thụy Sỹ và sự hỗ trợ của Quỹ Hanns Seidel. Báo cáo được bắt đầu triển khai xây dựng từ tháng 02/2019. Cho đến thời điểm hiện tại, tiến trình xây dựng Báo cáo đã hoàn thành giai đoạn 1: đánh giá sơ bộ (tháng 02-5/2019), giai đoạn 2: phân tích sâu, đề xuất chính sách (tháng 6-9/2019) và hiện đang vào giai đoạn cuối - giai đoạn 3: xây dựng kế hoạch hành động, tập trung vào khuyến nghị các chính sách và kế hoạch hành động. Dự kiến, Báo cáo sẽ được hoàn thành và công bố vào khoảng tháng 3/2020./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 4381
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)