(MPI) - Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2020, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị và phối hợp với các Bộ, ngành tổng hợp thông tin, số liệu để xây dựng báo cáo đánh giá tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (dịch nCoV) tới tăng trưởng kinh tế.
Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cung cấp tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 01/2020 diễn ra chiều ngày 05/02/2020.
Tại họp báo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã làm rõ các vấn đề được phóng viên quan tâm liên quan đến kịch bản phát triển kinh tế - xã hội mới do ảnh hưởng của dịch nCoV và gói hỗ trợ kinh tế trong trường hợp dịch bệnh vẫn có diễn biến phức tạp đến quý II/2020.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại họp báo. Ảnh: MPI |
Về kịch bản phát triển kinh tế - xã hội mới do ảnh hưởng của dịch nCoV, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, từ năm 2016 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải xây dựng một kịch bản tăng trưởng kinh tế để phục vụ cho công tác điều hành, can thiệp chính sách…
Kịch bản tăng trưởng GDP là kịch bản dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế theo quý, 6 tháng đầu năm, 6 tháng cuối năm… Trong trường hợp các điều kiện tốt hơn thì tốc độ tăng trưởng cao hơn. Trong điều kiện có những tác động tiêu cực thì tốc độ tăng trưởng có thể sẽ thấp hơn. Tùy theo các cấp độ cập nhật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu, kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ những giải pháp thích hợp theo từng điều kiện để cố gắng phấn đấu thực hiện được kịch bản đã đề ra.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trên cơ sở dữ liệu của tháng 01/2020 để có những tính toán dự kiến mức độ tác động của Dịch đối với tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy mức độ ảnh hưởng là rất nghiêm trọng. Nếu dịch nCoV được khống chế kịp thời trong quý I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm 2019. Trường hợp dịch nCoV kéo dài sang quý II/2020 thì tăng trưởng quý II là 5,81% thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP là 0,89 điểm phần trăm, dẫn tới ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm 2019. Tuy nhiên, đây chỉ là con số ước tính, dự báo, còn thực tế tùy thuộc vào dịch được kiểm soát ở thời điểm nào cũng như những chính sách, tác động, sự điều hành của Chính phủ đối với nền kinh tế. Đây cũng là phương án để theo dõi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thường xuyên cập nhật thông tin, rà soát phương án kịch bản để báo cáo kịp thời Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Về gói hỗ trợ kinh tế trong trường hợp dịch bệnh vẫn có diễn biến phức tạp đến quý II/2020, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, đây là một trong những chính sách để khắc phục tác động của dịch cúm đến tăng trưởng. Trong kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hai nhóm giải pháp. Một là, trong giai đoạn phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, các Bộ, ngành và địa phương cần chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nghiêm túc các biện pháp, chủ động phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát không để dịch bệnh lây lan rộng và tiến tới dập dịch thành công theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, chú trọng truyền thông, khuyến cáo cách phòng, chống dịch bệnh nhằm nâng cao hiểu biết, ổn định tâm lý của người dân. Đấu tranh quyết liệt với những thông tin thất thiệt, thiếu chính xác, nhất là trên môi trường mạng để củng cố niềm tin, tạo đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp, đồng lòng, tham gia phòng, chống, kiểm soát thành công dịch bệnh.
Hai là, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ kiến nghị nhóm giải pháp tập trung hỗ trợ khôi phục sản xuất, bảo đảm cung cầu, ổn định giá cả hàng hóa, ổn định đời sống Nhân dân và thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, các gói hỗ trợ cũng là những phương án cần phải tính đến, tuy nhiên còn tùy thuộc vào một số yếu tố như: nguồn lực, đối tượng hỗ trợ. Trước mắt, có một số đối tượng đang chịu thiệt hại như người nông dân trồng thanh long, dưa hấu… Do vậy, cũng giống như hỗ trợ đối với dịch tả lợn châu Phi, cần có những tính toán cụ thể về đối tượng, mức độ và phương thức hỗ trợ. Đây là những dự kiến trong gói giải pháp sau khi dịch bệnh đi qua và khẩn trương phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, do năm 2020 có nhiều đổi mới về mặt thủ tục, quy định do Luật đầu tư công mới có hiệu lực, khả năng giải ngân có tốt hay không phụ thuộc vào việc thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, các địa phương cũng cần khẩn trương hoàn thành thủ tục đưa các dự án chuẩn bị cấp phép, các dự án mới sớm đi vào hoạt động để thúc đẩy tăng trưởng.
|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại họp báo. Ảnh: Chinhphu.vn |
Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ xác định, việc chống dịch nCoV là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay nhưng chúng ta tuyệt đối không được lơ là việc thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra; phải chủ động để giữ được nhịp độ phát triển. Đồng thời, sau khi kiểm soát, dập dịch thành công phải tập trung để khôi phục sản xuất, bảo đảm cung cầu, giá cả hàng hóa, đời sống Nhân dân và thực hiện linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Chính phủ tiếp tục khẳng định nhất quán tinh thần bàn tiến không bàn lùi, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà phấn đấu ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm; mục tiêu trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển bền vững; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng. Chúng ta phải điều hành, vận dụng linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi từ dịch nCoV. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ lạm phát theo kịch bản đã đề ra từ đầu năm; trong đó tập trung giảm giá thịt lợn về mức bình thường. Theo dõi chặt chẽ sự biến động của giá cả thị trường nhằm có những giải pháp phù hợp hạn chế sự tăng bất thường của giá cả; xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá. Với tình hình phức tạp như hiện nay, yêu cầu giảm giá xăng dầu theo giá thị trường; không tăng giá điện và các dịch vụ công trong thời gian tới. Đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ.
Công tác xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách cần được đặc biệt chú trọng và phải coi là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của năm 2020. Cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải sửa đổi, bổ sung ngay, không được chậm trễ.
Trong năm 2020, Việt Nam triển khai mạnh mẽ chủ trương hội nhập quốc tế, trong đó nâng cao hiệu quả tham gia, chủ động, tích cực đóng góp vào xây dựng, định hình các tổ chức, diễn đàn đa phương, trọng tâm đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Đặc biệt, năm 2020, các Bộ, ngành và địa phương cần chủ động, tích cực tham gia chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Tập trung tổng kết và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của cả nước, cũng như của từng ngành, địa phương./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư