Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/12/2014-16:25:00 PM
Hợp tác phát triển Việt Nam – EU giai đoạn 2014-2020
(MPI Portal) – Ngày 03/12/2014, cuộc họp lần thứ 10 của tổ công tác Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EU) về hợp tác phát triển đã diễn ra tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tham dự cuộc họp, phái đoàn công tác EU do ông Pierre Amilhat, Cục trưởng phụ trách khu vực Châu Á, Trung Á, Trung Đông của EU dẫn đầu. Về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cùng đại diện các Bộ, ban ngành và cơ quan hữu quan.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng (giữa). Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ghi nhận những kết quả hết sức tốt đẹp trong quan hệ hợp tác phát triển hai bên. Thời gian qua, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của EU dành cho Việt Nam không ngừng được mở rộng về quy mô cũng như phương thức tài trợ. Ngân sách viện trợ không ngừng tăng, từ 140 triệu Euro giai đoạn 1996-2001 lên 162 triệu Euro giai đoạn 2002-2006 và khoảng 304 triệu Euro trong giai đoạn 2007-2013. Các lĩnh vực ưu tiên tài trợ của EU như y tế, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ kỹ thuật, thương mại, hợp tác tư pháp gắn liền với các mục tiêu ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Các chương trình, dự án do EU tài trợ đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.

Trong hơn 20 năm qua, quan hệ hợp tác Việt Nam – EU không ngừng được củng cố và mở rộng, chuyển từ quan hệ “Bên tài trợ-bên nhận viện trợ” sang quan hệ hợp tác và đối tác toàn diện. Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA) ký tháng 6/2012 thể hiện cam kết thúc đẩy mối quan hệ đối tác rộng lớn và đôi bên cùng có lợi. Chương trình Hợp tác định hướng của EU với Việt Nam (MIP) giai đoạn 2014-2020 với tổng ngân sách tài trợ lên đến 400 triệu Euro, một sự gia tăng lên đáng kể so với giai đoạn trước thể hiện một cam kết mạnh mẽ, cũng như sự hỗ trợ to lớn của EU trong mối quan hệ dài hạn, hợp tác bền chặt của hai bên.

Ông Pierre Amilhat, Cục trưởng phụ trách khu vực Châu Á của EU (giữa).
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Cục trưởng phụ trách khu vực Châu Á của EU cho rằng 2 yếu tố quan trọng thúc đẩy hợp tác trong tương lai là Hiệp định PCA với việc nâng cấp đối thoại nhân quyền định kỳ, tiến hành tham vấn chính trị thường kỳ ở cấp Thứ trưởng, thực hiện tham vấn thường xuyên về an ninh và quản lý khủng hoảng; hơn nữa với việc ký kết FTA Việt Nam – EU trong thời gian ngắn sắp tới sẽ giúp hàng hóa Việt Nam dễ dàng thâm nhập thị trường EU rộng lớn. Mặt khác, EU có sứ mệnh giúp Việt Nam giải quyết những thách thức trong vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, năng lượng, luật pháp, tư pháp, việc không ngừng tăng cường viện trợ cho Việt Nam trong bối cảnh kinh tế khó khăn là một minh chứng rõ rệt. Ông Pierre Amilhat nhấn mạnh cải cách phát triển hết sức quan trọng đối với Việt Nam để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và giảm thiểu chênh lệch giàu nghèo.

Ông Lê Quang Mạnh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ KH&ĐT.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Báo cáo về tình hình sử dụng và phân bổ nguồn vốn ODA, ông Lê Quang Mạnh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ KH&ĐT cho biết mặc dù tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2014 có những chuyển biến tích cực, song nợ công (ODA) của Việt Nam đang ở mức cao, gần đạt trần cho phép. Do vậy, Chính phủ đã cam kết không để nợ công vượt trần, hướng tới giảm dần trong những năm 2015-2016, do vậy vấn đề nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay được đặt lên hàng đầu, đảm bảo khả năng trả nợ của quốc gia trong tương lai. Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình dẫn đến các khoản vay ưu đãi, viện trợ đang giảm một cách nhanh chóng. Trong khi đó, nhu cầu phát triển về hạ tầng và các dự án trọng điểm của đất nước ngày một tăng lên, dẫn đến nhu cầu mạnh mẽ về vốn. Do vậy, Chính phủ Việt Nam đã triển khai hàng loạt các biện pháp chính sách như hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực quản lý ODA, phân bổ ngân sách… Trong định hướng thu hút, sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ trong thời gian tới, dự kiến sẽ sử dụng các ODA viện trợ không hoàn lại cho các mục tiêu về xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải cách thể chế; vốn ODA vay ưu đãi được dùng cho các công trình hạ tầng đồng bộ quốc gia quy mô lớn, mỗi năm Việt Nam dành hơn 1 tỷ USD cho các công trình về năng lượng điện, đa dạng hóa các nguồn năng lượng trong tương lai; các dự án đô thị như đường sắt cũng nhận được nguồn vốn vay lớn; ngoài ra, các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng nông thôn, chống biến đổi khí hậu và tăng trưởng bền vững cũng rất được quan tâm đầu tư.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Tại cuộc họp, các đại biểu được nghe đại diện Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch,Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính báo cáo về tình hình thực hiện các chương trình, dự án giai đoạn 2007-2013 trong các lĩnh vực có liên quan. Với định hướng tài trợ 400 triệu Euro cho 2 lĩnh vực năng lượng bền vững và quản trị pháp luật giai đoạn 2014-2020, đại diện EU cho biết hai bên sẽ thống nhất xem xét các chương trình/dự án cho phù hợp mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam thời gian tới, thể hiện cam kết của EU đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trải qua giai đoạn quá độ, tiến tới phát triển vững mạnh.

Đánh giá cao những trao đổi thẳng thắn, cụ thể từ đại diện các Bộ ngành và phía EU, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai các chương trình, dự án. Thứ trưởng cho rằng Chính sách phát triển của EU hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam. Trong đó, năng lượng bền vững, năng lượng tái tạo sẽ đáp ứng nhu cầu về điện của Việt Nam, phục vụ cho tiêu dùng và sản xuất; ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của mục tiêu công nghiệp hóa đến năm 2020; hỗ trợ DNNVV chính là hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân tiếp cận các nguồn vốn, tín dụng, công nghệ, thông tin, thị trường, đây là nguồn lực mới cho sự phát triển kinh tế VN, bên cạnh các lĩnh vực pháp quyền, cơ sở hạ tầng.

Kết thúc buổi làm việc, hai bên cùng thống nhất các nội dung đạt được sau cuộc họp, một lần nữa khẳng định mối quan hệ chính trị, thương mại, đầu tư, hỗ trợ ODA giữa EU và Việt Nam đang, được tăng cường thúc đẩy trên mọi mặt. EU cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế - xã hội - môi trường, tạo sự ổn định về chính trị - xã hội.

Liên minh Châu Âu (EU) là đối tác kinh tế và chính trị gồm 28 nước thành viên. EU cùng các nước thành viên hiện là nhà tài trợ không hoàn lại lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai và là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn của Việt Nam.

Ngày 13/10/2014 tại Bỉ, Cao ủy phụ trách Phát triển của EU Andris Piebalgs và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã ký kết bản thông báo khởi động Chương trình Định hướng hỗ trợ đa niên cho Việt Nam giai đoạn 2014-2020, trước sự chứng kiến của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu José Manueal Barroso và Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.

Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 4380
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)