(MPI) – Ngày 28/02/2020, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tổ chức Hội thảo Thúc đẩy, tạo thuận lợi gia nhập thị trường: Vấn đề và giải pháp cải thiện Khởi sự kinh doanh và Bảo vệ cổ đông thiểu số nhằm giới thiệu một số kết quả chính của báo cáo nghiên cứu và những đề xuất sửa đổi trong dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu chủ trì Hội thảo.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Trong thời gian qua, Luật doanh nghiệp và các Nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp.Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, một số nội dung của Luật doanh nghiệp không còn phùhợp với thực tiễn, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ.Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 5/2020. Một trong những nội dung quan trọng của sửa đổi lần này là các quy định liên quan đến đăng ký kinh doanh và bảo vệ nhà đầu tư.
Ông Phan Đức Hiếu cho biết, Chính phủ hiện nay đang rất nỗ lực và quyết liệt trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ đã được ban hành 5 năm liên tiếp, trong đó đều nhấn mạnh đến nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh.
Theo ông Phan Đức Hiếu, mỗi doanh nghiệp ngoài việc cạnh tranh trên thị trường thì đều phải có trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định về thể chế và nếu thể chế không tốt sẽ có nguy cơ tạo ra các loại chi phí cho doanh nghiệp, làm gia tăng chi phí cho sản phẩm, dịch vụ. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh, do thời gian thủ tục kéo dài hoặc thủ tục không đúng hẹn ….
Để tạo thuận lợi cho hoạt động khởi sự kinh doanh của doanh nghiệp cần phải tiếp tục trao quyền tự quyết về con dấu, bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu do không cần thiết. Đối với thủ tục sử dụng lao động cần sửa đổi, bãi bỏ thủ tục này khi mới đăng ký thành lập doanh nghiệp và phải xây dựng cơ chế trao đổi thông tin điện tử giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý lao động. Những bất cập trong hoạt động này đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, khi khai trình thông tin người lao động, Bộ luật Lao động yêu cầu 3 thủ tục, trong 30 ngày kể từ ngày đi vào hoạt động, doanh nghiệp phải khai báo cho cơ quan quản lý lao động, nhưng lại yêu cầu định kỳ 6 tháng hoặc một năm, hoặc bất kỳ khi nào doanh nghiệp phát sinh lao động thì đều phải đi khai trình lao động.
Theo bà Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, phương pháp tiếp cận vấn đề này trước hết cần phải dựa vào thông lệ quốc tế, từ đó có những giải pháp cụ thể. Giải pháp hữu hiệu nhất là liên thông các thủ tục hành chính bằng việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước thông qua kết nối điện tử. Từ đó sẽ đạt được những mục tiêu như cắt giảm thủ tục, tiết kiệm chi phí hành chính và giảm thời gian cho doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Việt Anh thống nhất về kiến nghị trao quyền tự quyết về con dấu cho doanh nghiệp. Đồng thời cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất với Bộ Tài chính tích hợp đơn xin mua hoặc in hóa đơn cùng với mẫu giấy đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp nộp hồ sơ đang ký thành lập cho đầu mối cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh thì Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia sẽ gửi thông tin đó đến cơ quan thuế. Sau khi cơ quan thuế gửi mã số thuế doanh nghiệp thì đồng thời gửi trả kết quả thông báo sử dụng hóa đơn cho doanh nghiệp.
Vấn đề nộp lệ phí môn bài, cần điều chỉnh thời gian nộp thuế môn bài, doanh nghiệp sẽ nộp lệ phí môn bài sau 1 năm thành lập, tức là năm đầu tiên sẽ không phải nộp thuế môn bài. Đối với thủ tục khai trình sử dụng lao động, giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là doanh nghiệp không cần đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động để nộp tờ khai sử dụng lao động. Thay vào đó, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh sau khi cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp sẽ đồng thời chia sẻ dữ liệu về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và số lao động mà doanh nghiệp đó khai báo… Những giải pháp liên thông này sẽ cắt giảm những thủ tục phải gửi cho cơ quan thuế, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Theo phương án này, doanh nghiệp không cần phải khai trình lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ khi bắt đầu hoạt động nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Kết luận Hội thảo, Phó Viện trưởng Phan Đức Hiếu đánh giá cao ý kiến trao đổi thẳng thắn của các đại biểu về các kiến nghị giải pháp nhằm nâng cao cơ chế bảo vệ cổ đông, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp.../.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư