Trong nước, triển vọng kinh tế trong nước lạc quan, có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp song vẫn còn nhiều thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt như thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, ngành chăn nuôi thiệt hại rất lớn do dịch tả heo Châu Phi diễn ra trên diện rộng; nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản không thuận lợi về thị trường và giá xuất khẩu; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.
Đối với thành phố Cần Thơ, lãnh đạo thành phố đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các Sở, Ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/4/2019 về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo thực hiện tăng trưởng kinh tế, đồng thời thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện trong từng tháng, từng quý. Kết quả đạt được các ngành, lĩnh vực năm 2019 của thành phố như sau:
1. Tăng trưởng kinh tế
Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) năm 2019 ước tính tăng 7,84% so với năm 2018. Trong mức tăng 7,84% của kinh tế thành phố, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,50%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,40%, đóng góp 4 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,74%, đóng góp 3,59 điểm phần trăm; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,11%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung của thành phố.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: năm 2019 sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của thành phố không thuận lợi. Sản lượng lương thực giảm mạnh với 60.386 tấn lúa hàng hóa (giảm 4,23% so cùng kỳ) nguyên nhân do giảm diện tích đất trồng lúa 12.183 ha chuyển sang gieo trồng rau màu, cây ăn trái, mục đích khác... Dịch tả heo Châu Phi trên diện rộng phải tiêu hủy 59.260 con với sản lượng ước tính 3.300 tấn thịt làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình chăn nuôi heo trên địa bàn thành phố, với những khó khăn nêu trên 6 tháng đầu năm 2019, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng âm (0,26%) nhưng với nỗ lực lớn của ngành nông nghiệp và bà con nông dân, cả năm 2019 khu vực này tăng 0,50%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm vào mức tăng chung của thành phố.
Khu vực công nghiệp và xây dựng: Đây là khu vực rất quan trọng, luôn được sự quan tâm đầu tư của địa phương, trong đó ngành công nghiệp chế biến và xây dựng là 2 ngành chủ lực, năm 2019 giá trị tăng thêm (giá so sánh) tăng 11,40% so năm 2018, đóng góp 4 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá cao với 12,52%; ngành khai khoáng tăng 3,7%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 9,44%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 9,73%; ngành xây dựng tăng 7,84% so năm 2018.
Khu vực dịch vụ: Năm 2019 giá trị tăng thêm (giá so sánh) khu vực thương mại dịch vụ tăng 7,74% so năm 2018, đóng góp 3,59 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Là khu vực luôn chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế; những năm gần đây giá trị tăng thêm của ngành này tương đối ổn định tăng từ 7% trở lên. Là khu vực rất năng động của nền kinh tế thành phố, những năm gần đây nhiều doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, nhà đầu tư nước ngoài cũng đang quan tâm đến những dự án lĩnh vực thương mại-dịch vụ của thành phố. Ðiều này đang tạo lực phát triển cho đô thị Cần Thơ, xứng đáng vị trí trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long; gắn thị trường Cần Thơ với thị trường các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, các thành phố lớn, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Về cơ cấu kinh tế: ước năm 2019, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 9,23%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,85%; khu vực dịch vụ chiếm 48,03%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,90%.
2. Tài chính, ngân hàng
a. Tài chính ngân sách
* Thu ngân sách: Thực hiện đến 20 ngày tháng 12/2019, tổng thu NSNN 13.218,45 tỷ đồng đạt 88,26% dự toán, trong đó thu nội địa là 10.414,33 tỷ đồng với các nguồn thu chủ lực như thu thuế khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh 2.380,91 tỷ đồng đạt 112,68% dự toán, thu từ doanh nghiệp nhà nước 1.599,57 tỷ đồng đạt 99,66% so dự toán, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 1.074,91 tỷ đồng đạt 87,39% so dự toán, thuế thu nhập cá nhân 847,69 tỷ đồng đạt 96,33% so dự toán. Tính đến 20/12/2019 hoạt động thu thuế hải quan ước đạt 676,25 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 5,12% trong tổng thu ngân sách nhà nước và đạt 67,63% so dự toán.
* Chi ngân sách: Ước đến 20 ngày tháng 12/2019 ngân sách đã chi 9.839,53 tỷ đồng chiếm 81,63% dự toán, bao gồm hoạt động chi đầu tư phát triển 4.431,07 tỷ đồng, chi thường xuyên 5.312,9 tỷ đồng.
b. Tín dụng ngân hàng: Vốn huy động đến cuối tháng 12 năm 2019 ước đạt 80.000 tỷ đồng, tăng 0,91% so với đầu tháng, tăng 10,34% so với tháng 12/2018. Trong đó, vốn huy động VNĐ là 78.100 tỷ đồng, chiếm 97,63%, tăng 0,89%, vốn huy động ngoại tệ là 1.900 tỷ đồng, chiếm 2,37%, tăng 1,88% so với đầu tháng; vốn huy động ngắn hạn là 52.400 tỷ đồng, chiếm 65,50%, tăng 0,61%, vốn huy động trên 12 tháng là 27.600 tỷ đồng, chiếm 34,50%, tăng 1,50% so với đầu tháng.
Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 12 năm 2019 ước đạt 89.200 tỷ đồng, tăng 0,94% so với đầu tháng, tăng 14,91% so với tháng 12/2018, trong đó dư nợ cho vay VNĐ đạt 85.000 tỷ đồng, tăng 0,87% so với đầu tháng, chiếm 95,29%, dư nợ cho vay ngoại tệ đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 2,31% so với đầu tháng, chiếm 4,71% trong tổng dư nợ cho vay; Phân theo thời hạn dư nợ cho vay ngắn hạn là 46.900 tỷ đồng, tăng 1,01% so với đầu tháng, chiếm 52,58%, dư nợ cho vay trung dài hạn 42.300 tỷ đồng, tăng 0,86% so đầu tháng, chiếm 47,42% tổng dư nợ cho vay.
Nợ xấu đến cuối tháng 12 năm 2019 ước là 1.200 tỷ đồng, chiếm 1,35% trong tổng dư nợ cho vay.
Lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn chấp hành đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất trên địa bàn phổ biến như sau:
- Lãi suất huy động VNĐ: Lãi suất huy động không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng phổ biến mức 0,2 - 0,8%/năm; lãi suất huy động có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng mức 4,8% - 5,0%/năm; lãi suất huy động từ 6 đến 12 tháng phổ biến 5,5% - 6,8%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến ở mức 6,8% - 7,4%/năm tùy theo từng loại kỳ hạn.
- Lãi suất cho vay: Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên tối đa 6,0%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến từ 7,0% - 9,0%/năm đối với ngắn hạn, 9,0% - 11%/năm đối với trung, dài hạn.
- Lãi suất USD: Lãi suất huy động thực hiện theo quy định là 0%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến ngắn hạn 4,0% - 5,0%/năm, trung dài hạn 5,0% - 6,5%/năm.
3. Giá cả thị trường
Thị trường hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng những ngày cuối năm 2019 trên địa bàn thành phố diễn ra khá sôi động. Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong dịp cuối năm cũng đang tăng mạnh, hàng hóa tiêu dùng khá đa dạng, phong phú cả về chủng loại, chất lượng. Giá một số nguyên liệu chế biến, nguyên liệu sản xuất biến động do ảnh hưởng của giá trong nước cũng như ảnh hưởng của giá thế giới, chi phí nhân công dịp cuối năm cũng đang dần tăng lên làm giá nhiều mặt hàng tăng trong tháng này. Giá mặt hàng thịt heo đang tăng rất cao, kéo theo nhiều mặt hàng thực phẩm, dịch vụ ăn uống tăng giá. Giá gas, xăng dầu điều chỉnh tăng trong tháng. Đây là nguyên nhân chính tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2019 tăng so với tháng trước.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2019 tăng 1,49% so với tháng trước, tăng 5,30% so với tháng 12 năm trước. Chỉ số giá CPI bình quân năm 2019 tăng 1,95% so với năm 2018.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính tháng 12/2019:
+ 09 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng với mức tăng từ 0,04% đến 3,26% so với tháng trước, gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,26%, đồ uống và thuốc lá tăng 0,04%, may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,43%, nhà ở, điện, nuớc, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,04%, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,47%, thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%, giao thông tăng 0,83%, bưu chính viễn thông tăng 0,05%, hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,22%.
+ 01 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá giảm là nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,04% so với tháng trước.
+ 01 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá không đổi so với tháng trước là nhóm Giáo dục.
Diễn biến giá tiêu dùng tháng 12 năm 2019 của các nhóm hàng chính
- Hàng ăn và dịch vụ ăn uống
Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,26% so với tháng trước, so với tháng 12 năm trước tăng 10,63%, bình quân cả năm tăng 4,34% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
+ Lương thực
Chỉ số nhóm lương thực có chỉ số giá không đổi so với tháng trước, tăng 0,80% so với tháng 12 năm trước. Giá gạo tẻ thường, giá khoai lang tại các chợ giảm so với tháng trước trong khi giá các loại gạo nếp đang tăng lên do nhu cầu tiêu dùng gạo nếp sẽ tăng dần dịp cuối năm và đầu năm. Giá khoai lang giảm từ 2.000-3.000 đồng/kg do nguồn cung về các chợ đang tăng, giá gạo tẻ thường giảm 500 đồng/kg so với tháng trước do giá lúa thường giảm nhẹ, giá gạo nếp tăng từ 500-1000 đồng/kg.
Trên địa bàn thành phố gạo tẻ thường Hàm Châu giá phổ biến 11.500đ/kg-13.000đ/kg; gạo tẻ thường Tài Nguyên giá 13.000đ/kg-14.000đ/kg, gạo tẻ ngon thơm Đài Loan giá 16.000đ/kg-17.000đ/kg, gạo tẻ ngon thơm Thái Lan giá 14.000đ/kg-16.000đ/kg, giá gạo nếp thường (nếp lá) dao động từ 15.000đ/kg-17.000đ/kg, gạo nếp ngon (nếp Thái) dao động từ 18.000đ/kg- 21.000đ/kg. Giá khoai lang dao động từ 15.000-18.000 đồng/kg.
+ Thực phẩm
Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 3,76% so với tháng trước, tăng 13,96% so với tháng 12 năm trước.
Thịt gia súc tươi sống tăng 18,87% so với tháng trước, trong đó thịt heo tăng 24,74%, thịt bò tăng 1,64%, nội tạng heo tăng 16,96%. Nguyên nhân do giá heo hơi hiện nay đang tăng rất cao, cao gấp 2 lần giá heo hơi cuối tháng 9 đầu tháng 10, giá heo tăng trong hoàn cảnh thị trường đang bị thiếu hụt nguồn cung, giá thịt heo dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong dịp đầu năm và Tết Nguyên đán nếu không có sự can thiệp của nhà nước vào thị trường cung ứng thịt gia súc. Tại các chợ trên địa bàn thành phố giá thịt ba chỉ heo khoảng từ 140.000-160.000 đồng/kg, thịt đùi heo giá khoảng 120.000-140.000 đồng/kg, nạc thăn từ 150.000-160.000 đồng/kg, sườn non từ 180.0000-200.000 đồng/kg, cật heo giá từ 120.000-140.000 đồng/kg, bao tử heo giá từ 130.000-150.000 đồng/kg, tim heo giá từ 180.000-200.000 đồng/kg. Giá thịt bò tăng do giá thịt heo tăng quá cao đã khiến cho một bộ phận người tiêu dùng chuyển sang sử dụng thịt bò, thịt gia cầm, thủy sản để thay thế, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm này tăng lên kéo theo giá bán cũng tăng lên.
Nhóm thịt gia cầm tươi sống tăng 2,91% so với tháng trước do giá gà thịt, giá vịt thịt tăng. Nguyên nhân do người tiêu dùng đang chuyển sang sử dụng thịt gia cầm để thay cho việc sử dụng thịt heo trong thời điểm giá thịt heo đang tăng cao từng ngày.
Trứng các loại tăng 5,88%, nguyên nhân do nhu cầu trứng nguyên liệu để phục vụ cho dịp năm mới đang tăng mạnh nên nguồn cung trứng gia cầm về các chợ giảm.
Nhóm thịt chế biến tăng 10,09%, nhóm dầu mỡ ăn và các loại chất béo khác tăng 2,49% so với tháng trước. Nguyên nhân do tác động tăng giá của giá heo hơi.
Nhóm thủy sản tươi sống tăng 1,01%, thủy sản chế biến tăng 4,31% so với tháng trước. Nguyên nhân do nhu cầu nguyên liệu chế biến của thị trường dịp cuối năm tăng và nhu cầu tiêu dùng thủy sản tươi sống của người dân tăng vì giá thịt heo tăng quá cao đã tác động làm tăng giá nhóm thủy sản.
Nhóm thủy sản chế biến tăng 4,31% do nhu cầu tiêu dùng, tặng biếu đang tăng, giá nguyên liệu chế biến, chi phí đang tăng dịp cuối năm.
Trong khi đó chỉ số giá nhóm rau tươi, khô và chế biến giảm 0,81% so với tháng trước, nhóm quả tươi và chế biến giảm 0,64% so với tháng trước. Nguyên nhân giá nhiều mặt hàng rau tươi tại các chợ giảm do giá một số loại rau, củ về chợ đang giảm như cà chua, cải, dưa leo, rau muống, đậu que, rau gia vị...do các loại này đang vào thời kỳ thu hoạch, nguồn cung về chợ tăng. Giá một số loại trái cây đang giảm như xoài, dưa hấu, nhãn vì đang vào vụ thu hoạch, nguồn cung đang tăng dần.
+ Ăn uống ngoài gia đình
Dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tháng 12/2019 tăng 4,14% so với tháng trước, tăng 8,80% so với tháng 12 năm trước. Nguyên nhân tăng giá là do tác động tăng giá của giá thịt heo đã kéo theo nhiều mặt hàng thực phẩm khác tăng giá, làm cho chi phí nguyên liệu chế biến của các dịch vụ này tăng mạnh.
- Đồ uống và thuốc lá
Đồ uống và thuốc lá tăng 0,04% so với tháng trước, so với tháng 12 năm trước tăng 1,81%, bình quân cả năm tăng 1,46% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do giá mặt hàng nước ngọt, bia tăng do nhu cầu tiêu dùng cuối năm và đầu năm mới đang tăng lên.
- May mặc, mũ nón, giầy dép
May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,43% so với tháng trước, so với tháng 12 năm trước tăng 0,68%, bình quân cả năm tăng 0,44% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá nhóm mặt hàng này tăng do mặt hàng quần áo may sẵn, may mặc mũ nón, giầy dép tăng giá vì nhu cầu mua sắm dịp cuối năm và đầu năm mới đang tăng mạnh.
- Nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng
Nhà ở, điện, nuớc, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,04% so với tháng trước, tăng 2,40% so với tháng 12 năm trước; bình quân cả năm giảm 1,61% so với bình quân cùng kỳ.
Nguyên nhân chỉ số nhóm này tăng trong tháng đó là từ 01/12/2019 giá gas tăng 3.500 đồng/bình 12kg, tăng 1,06% so với giá tháng trước. Nguyên nhân do giá CP (giá gas thế giới) bình quân tháng 12/2019 ở mức 447.5 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với tháng 11. Lượng điện, nước tiêu thụ của người dân trong tháng tăng do thời tiết ít mưa, việc dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, nhu cầu thắp sáng trang trí dịp lễ hội, giáng sinh của người dân cũng tăng lên. Nhóm nhà ở thuê tăng giá do một số nhà ở thuê tăng giá cho thuê trong tháng cuối năm. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở như bột trát, sơn nội thất tăng giá do chi phí sản xuất tăng và nhu cầu sử dụng cũng đang tăng mạnh.
- Thiết bị và đồ dùng gia đình
Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,47% so với tháng trước, tăng 2,72% so với tháng 12 năm trước, bình quân cả năm tăng 2,11% so với bình quân cùng kỳ.
Chỉ số giá trong tháng tăng chủ yếu ở nhóm đồ dùng trong nhà tăng 0,64% chủ yếu tăng ở mặt hàng đồ điện, đồ dùng nấu ăn, giường tủ bàn ghế, hóa mỹ phẩm, hàng dệt trong nhà, các vật phẩm tiêu dùng khác như ổ khóa, giấy ăn, giấy vệ sinh, dụng cụ làm vườn... do nhu cầu mua sắm dịp cuối năm tăng cũng như chi phí sản xuất, chi phí nhân công cũng tăng vào dịp cuối năm. Các dịch vụ trong gia đình tăng 2,27% so với tháng trước do nhu cầu sửa chữa thiết bị trong gia đình, nhu cầu thuê mướn dọn dẹp nhà cửa dịp cuối năm tăng mạnh thêm vào đó giá nhân công cũng tăng lên đã làm tăng giá nhiều dịch vụ phục vụ trong gia đình.
- Thuốc và dịch vụ y tế
Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05% so với tháng trước, tăng 2,33% so với tháng 12 năm trước, bình quân cả năm tăng 0,60% so với bình quân cùng kỳ.
Thời tiết giao mùa là môi trường thuận lợi cho nhiều loại bệnh phát triển, nhất là các bệnh về đường hô hấp ở trẻ em, bệnh sốt xuất huyết tại một số quận, huyện đang có chiều hướng tăng so với năm trước làm tăng giá một số loại thuốc, giá một số thiết bị, dụng cụ y tế cũng tăng lên.
- Giao thông
Giao thông tăng 0,83% so với tháng trước, tăng 4,66% so với tháng 12 năm trước, bình quân cả năm giảm 1,15% so với bình quân cùng kỳ.
Chỉ số giá nhóm này tăng so với tháng trước nguyên nhân do giá xăng, dầu được điều chỉnh trong các ngày 30/11/2019 và 16/12/2019, sau 2 đợt điều chỉnh giá xăng A95 tăng 90 đồng/lít so với giá cuối tháng 11, xăng E5 tăng tổng cộng 220 đồng/lít, dầu diezen tăng tổng cộng 100 đồng/lít, đã tác động làm chỉ số giá nhiên liệu tăng 1,17% so với tháng trước. Giá nhiều mặt hàng phụ tùng xe đạp, xe máy tăng giá ở nhiều cửa hàng kinh doanh do giá sản xuất tăng. Giá dịch vụ trông giữ xe máy đang tăng lên tại một số địa bàn trên thành phố.
Trong khi đó, trong tháng giá một số sản phẩm ô tô, xe máy giảm giá nhằm kích thích người dân mua sắm dịp cuối năm.
- Bưu chính viễn thông
Bưu chính viễn thông tăng 0,05% so với tháng trước, giảm 0,07% so với tháng 12 năm trước, bình quân cả năm giảm 0,60% so với bình quân cùng kỳ.
Nguyên nhân do một số mẫu điện thoại giảm giá khuyến mãi trong tháng trước hiện đã trở về giá bán trước khi giảm nên chỉ số nhóm này tăng so với tháng trước. Tuy nhiên do đặc thù là hàng công nghệ nên mức độ lỗi thời diễn ra rất nhanh nên giá nhóm này xét về mặt thời gian thường giảm giá so với giá ban đầu khi mới xuất hiện trên thị trường.
- Giáo dục
Giáo dục chỉ số không đổi so với tháng trước, tăng 3,83% so với tháng 12 năm trước, bình quân cả năm tăng 7,70% so với bình quân cùng kỳ.
Dịch vụ giáo dục tăng 1,78% so với quý trước nguyên nhân do học phí năm học mới 2019-2020 các trường Đại học, Cao đẳng điều chỉnh tăng theo Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố và theo lộ trình của Nghị định 86/2015/NĐ-CP, học phí của các trường dân lập cũng điều chỉnh tăng trong năm học này.
- Văn hóa, giải trí và du lịch
Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,04% so với tháng trước, tăng 1,34% so với tháng 12 năm trước, bình quân cả năm tăng 1,97% so với bình quân cùng kỳ.
Chỉ số giá trong tháng giảm do tác động của nhóm mặt hàng thiết bị hoa tươi giảm 2,49% so với tháng trước do lượng hoa tươi về chợ đang tăng cao, trong khi giá các thiết bị dụng cụ thể thao tăng 0,23% vì chi phí sản xuất tăng.
- Hàng hóa và dịch vụ khác
Hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,22% so với tháng trước, tăng 2,41% so với tháng 12 năm trước, bình quân cả năm tăng 2,27% so với bình quân cùng kỳ.
Chỉ số giá nhóm này tăng trong tháng, do tác động tăng giá của nhóm hàng hóa, dịch vụ cá nhân tăng 0,44% so với tháng trước. Nguyên nhân do các mặt hàng chăm sóc cơ thể, túi xách, dịch vụ cắt uốn tóc, gội đầu, dịch vụ cưới hỏi tăng giá do nhu cầu của người dân đang tăng, mùa cưới hỏi cũng đã đến.
- Chỉ số giá vàng
Chỉ số giá vàng tháng 12/2019 giảm 0,57% so với tháng trước, tăng 16,99% so với tháng tháng 12 năm trước, bình quân cả năm tăng 8,12% so với bình quân năm 2018. Nguyên nhân giá vàng trong nước chịu tác động của giá vàng thế giới, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, tình hình chính trị ở khu vực Trung Đông là nguyên nhân chính tác động đến giá vàng thế giới.
Giá vàng nhẫn 99,99 ngày 21/12/2019 trên địa bàn thành phố dao động quanh mức 4.170.000đ/chỉ.
- Chỉ số giá đô la Mỹ
Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,09% so với tháng trước, giảm 0,51% so với tháng 12 năm trước, bình quân cả năm tăng 1,06% so với bình quân năm 2018. Nguyên nhân là do việc điều chỉnh tỷ giá của các ngân hàng thương mại.
Giá đô la Mỹ ngày 21/12/2019 trên địa bàn thành phố dao động quanh mức 23.230 đồng/USD.
4. Đầu tư, xây dựng
a. Tình hình thực hiện vốn đầu tư
Ước năm 2019, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 52.086,34 tỷ đồng, tăng 14,37% so năm 2018, bao gồm: vốn ngân sách nhà nước 6.254,04 tỷ đồng, giảm 25,52% (vốn Trung ương quản lý 919,13 tỷ đồng, giảm 55,06%; vốn nhà nước do địa phương quản lý thực hiện 5.334,91 tỷ đồng, giảm 16,01%); nguồn vốn ngoài nhà nước 44.800 tỷ đồng, tăng 25,54%; nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 1.032,3 tỷ đồng, giảm 29,2% so năm 2018.
Thu hút đầu tư nước ngoài (Dự án FDI): cấp giấy chứng nhận đầu tư 09 dự án, tổng vốn đăng ký 43,42 triệu USD; tăng vốn 03 lượt với tổng vốn tăng 4,5 triệu USD, chấm dứt hoạt động 05 dự án với tổng vốn đăng ký 10,59 triệu USD. Lũy kế đến cuối năm 2019, thành phố có 86 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 726,35 triệu USD.
* Tình hình thực hiện các công trình chủ yếu của thành phố
Dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, dự án có tổng mức đầu tư 7.339,33 tỷ đồng, được thực hiện bằng nguồn vốn ODA, do Ban quản lý ODA thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư. Kế hoạch vốn năm 2019 được giao 1.087,26 tỷ đồng (đã điều chỉnh). Dự tính thực hiện lũy kế từ đầu dự án đến cuối tháng 12/2019, thực hiện được 3.336,2 tỷ đồng, đạt 45,87% tổng mức đầu tư toàn dự án, dự tính tháng 12 năm 2019 thực hiện được 90,53 tỷ đồng, chủ đầu tư đang quyết liệt thực hiện để đảm bảo tiến độ của công trình trong năm 2019.
Dự án đường Nguyễn Văn Cừ nối dài (đoạn Mỹ Khánh - Phong Điền), dự án có tổng mức đầu tư là 546,47 tỷ đồng do Ban Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng thành phố làm chủ đầu tư. Kế hoạch vốn năm 2019 được giao 13 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán năm 2020 để phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân.
Dự án mở rộng đường Quang Trung Cái Cui, dự án có tổng mức đầu tư là 1.097 tỷ đồng do Sở Giao thông Vận tải thành phố làm chủ đầu tư. Kế hoạch vốn năm 2019 là 100 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu dự án đến cuối tháng 12 năm 2019 ước thực hiện 1.075 tỷ đồng.
Dự án xây dựng Cầu Quang Trung, dự án có tổng mức đầu tư là 227,92 tỷ đồng do Ban ODA làm chủ đầu tư. Dự kiến dự án được phép thông xe tháng 01/2020 phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Dự án Bệnh viện Ung bướu, dự án có tổng mức đầu tư là 1.727,94 tỷ đồng do Sở Y tế thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư, được thực hiện bằng nguồn vốn ODA, kế hoạch vốn năm 2019 là 765,83 tỷ đồng, hiện nay đã san lắp xong mặt bằng, nhà văn phòng và ép cọc thử tải và đã giải ngân được 143 tỷ đồng.
Để hoàn thành công tác đầu tư xây dựng cơ bản năm 2019 đề nghị các chủ đầu tư, sở, ngành phải tập trung giải quyết dứt điểm các hồ sơ, thủ tục đầu tư chưa hoàn thành. Công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phải thực hiện đúng trình tự. Đẩy mạnh công tác giám sát các dự án đầu tư, nhất là các dự án có vốn đầu tư lớn các chủ đầu tư phải đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh thi công, thanh toán vốn.
b. Kết quả hoạt động xây dựng
Ước thực hiện giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá hiện hành năm 2019 thực hiện được 14.447,06 tỷ đồng, trong đó công trình nhà ở thực hiện được 8.200,93 tỷ đồng, công trình nhà không để ở thực hiện được 3.505,98 tỷ đồng, công trình kỹ thuật dân dụng thực hiện được 2.201,94 tỷ đồng, hoạt động xây dựng chuyên dụng thực hiện được 538,21 tỷ đồng.
Ước thực hiện giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh năm 2019 thực hiện được 9.922,77 tỷ đồng, trong đó công trình nhà ở thực hiện được 5.610,16 tỷ đồng, công trình nhà không để ở thực hiện được 2.398,4 tỷ đồng, công trình kỹ thuật dân dụng thực hiện được 1.506,32 tỷ đồng, hoạt động xây dựng chuyên dụng thực hiện được 407,89 tỷ đồng.
Năm 2019 các đơn vị xây lắp còn nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ gần như không nhận được công trình do thiếu vốn cạnh tranh, không đấu thầu được những công trình lớn.
Để tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp xây lắp làm tốt trong năm 2019 kiến nghị: Ủy ban nhân dân thành phố, các sở ngành có liên quan, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị xây lắp địa phương được xây dựng nhiều công trình lớn do thành phố quản lý. Chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư đã có dự kiến kế hoạch xây dựng cơ bản năm 2020 bao gồm các nguồn vốn khẩn trương hoàn thành các thủ tục ban đầu để bước qua đầu năm mới là có thể khởi công ngay, tranh thủ những tháng mùa khô thuận cho công tác xây dựng cơ bản.
5. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
a. Nông Nghiệp
- Trồng trọt
+ Cây lúa
* Về diện tích: Diện tích gieo trồng cây lúa cả năm 2019 là 225.143 ha, so cùng kỳ năm 2018 giảm 5,13%, bằng 12.183 ha. Trong đó: Diện tích gieo trồng lúa Đông xuân đạt 81.283 ha, so với cùng kỳ giảm 1,48%; Diện tích lúa Hè thu gieo trồng được 79.612 ha, so với cùng kỳ giảm 1,41%; Diện tích lúa vụ Thu đông là: 64.248 ha so với cùng kỳ giảm 13,26%.
Nguyên nhân: Do hầu hết quận, huyện nông dân lên vườn trồng cây lâu năm, cây hàng năm khác trên nền đất gò khó giữ nước hoặc diện tích canh tác lúa nhỏ, lẻ không đồng nhất hay bị chuột cắn phá nên cho năng suất thấp, khó khăn trong thu hoạch và một số diện tích chuyển đổi sang mục đích xây dựng nhà ở, công trình công cộng.
* Về năng suất và sản lượng: Năng suất lúa cả năm 2019 ước đạt 60,67 tạ/ha, so với cùng kỳ tăng 0,95%, tăng 0,57 tạ/ha; Sản lượng lúa ước đạt 1.365.923 tấn, so với cùng kỳ giảm 4,23%, giảm 60.386 tấn. Trong đó, năng suất lúa Đông xuân đạt 69,59 tạ/ha, so cùng kỳ giảm 2,85%, sản lượng đạt 565.622 tấn, so với cùng kỳ giảm 25.295 tấn; năng suất lúa Hè thu đạt 59,14 tạ/ha, so với cùng kỳ tăng 2,57%, sản lượng đạt 470.837 tấn, so cùng kỳ tăng 5.198 tấn; năng suất gieo trồng vụ Thu đông đạt 51,28 tạ/ha, so với cùng kỳ tăng 2,73%, sản lượng đạt 329.464 tấn, thấp hơn 40.289 tấn so cùng kỳ.
Nguyên nhân năng suất tăng và sản lượng giảm là do:
Năng suất lúa cả năm tăng tập trung chủ yếu vụ lúa Hè thu và Thu đông, do các địa phương đã hoàn thiện hệ thống thủy lợi, tuân thủ nghiêm túc các khuyến cáo của ngành nông nghiệp như làm đất kỹ, vệ sinh đồng ruộng, gieo sạ đồng loạt, né rầy, đúng lịch, áp dụng “4 đúng” trong phòng trừ sâu bệnh, thâm canh tổng hợp, quản lý dịch hại theo phương pháp IPM, áp dụng “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, bón phân cân đối trong quá trình sản xuất, nhờ đó lúa phát triển tốt, diện tích lúa nhiễm sâu rầy không nhiều.
Tuy nhiên Vụ lúa Đông xuân 2019 giảm do thời tiết không thuận lợi, khô hạn, nhiệt độ cao, rầy nâu phát triển (cháy rầy) vào giai đoạn lúa trổ, đến chín làm lúa bị lép nhiều, hạt ít và nhỏ,… ảnh hưởng đến năng suất cây lúa.
Diện tích dịch bệnh cây lúa 21.477 ha; tuy nhiên, dịch bệnh đã được kiểm soát, xử lý bằng các giải pháp kỹ thuật kịp thời nên đã khống chế sự bùng phát trên diện rộng.
Sản lượng giảm do diện tích gieo trồng lúa giảm.
Lĩnh vực sản xuất giống lúa: Ngành nông nghiệp chú trọng đẩy mạnh phát triển hệ thống sản xuất giống lúa 3 cấp. Đến nay, trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện có 124 cơ sở, hộ sản xuất và cung ứng lúa giống với năng lực cung ứng 52.700 tấn/năm. Thành phố hiện đang triển khai đề án “Xây dựng hệ thống sản xuất và cung ứng giống lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng tại thành phố Cần Thơ” để nâng cao năng lực cung ứng giống lúa, đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn theo qui định.
Năm 2019, thực hiện chủ trương nhân rộng mô hình cánh đồng lớn trên địa bàn thành phố Cần Thơ vụ Đông xuân tiếp tục duy trì 95 cánh đồng lớn, với tổng diện tích khoảng 25.622 ha; vụ lúa Hè thu 115 mô hình cánh đồng lớn với diện tích ước đạt 29.490 ha, tăng so với cùng kỳ 4.073 ha, với khoảng 21.238 hộ tham gia,… Sản xuất cánh đồng lớn đã tăng cường thực hiện liên kết và đảm bảo sản xuất bền vững, giúp nâng cao lợi nhuận cho nông dân từ 2 triệu đồng/ha đến 4,5 triệu đồng/ha.
Hiện nay, tổng số máy gặt đập liên hợp toàn thành phố hiện có khoảng 789 máy, có khả năng đảm bảo cắt gặt trên 92% diện tích gieo trồng; hệ thống lò sấy lúa có khoảng 1.300 lò, đáp ứng sấy trên 70% sản lượng lúa Hè thu và Thu đông trên địa bàn. Việc cơ giới hóa trong các khâu: làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch... đã góp phần đáp ứng nhu cầu sản xuất, tăng năng suất lao động, khắc phục tình trạng thiếu lao động nông nghiệp lúc thời vụ, đồng thời giảm tổn thất trong và sau thu hoạch.
Giá lúa bình quân năm nay giảm so với năm 2018 từ 400-950đ/kg. Nguyên nhân giá lúa giảm do các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) ký hợp đồng xuất khẩu gạo không được thuận lợi so với năm trước.
Đến nay, lúa vụ Đông xuân 2020 toàn thành phố xuống giống ước được 79.123 ha, thấp hơn so với cùng kỳ 2.039 ha; cây lúa chủ yếu ở giai đoạn mạ đến đẻ nhánh sinh trưởng và phát triển khá tốt.
Ngành Nông nghiệp địa phương cử cán bộ thường xuyên kiểm tra đê bao, tăng cường công tác gia cố đê bao để tránh ngập úng. Đồng thời, triển khai tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, tưới tiêu nước tiết kiệm, công nghệ sinh thái trong canh tác lúa, hướng dẫn nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và các biện pháp phòng trừ dịch bệnh, nhất là rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoán lá. Tổng diện tích nhiễm dịch hại 186 ha tăng 98 ha so với tháng trước và cao hơn 65 ha so với cùng kỳ vụ Đông xuân 2018 chủ yếu cao hơn diện tích nhiễm rầy nâu, chuột, bệnh đạo ôn lá.
Hiện nay, giá lúa khô cụ thể như sau: lúa IR 50404 5.000-5.100 đồng/kg, các lúa giống OM 5.700-5.800 đồng/kg; Tuy nhiên, hiện tại lúa trong nông dân không còn nhiều. Giá lúa khô giảm trung bình 100 đồng/kg so với tháng trước.
+ Nhóm cây rau đậu, hoa, cây cảnh: Diện tích gieo trồng nhóm cây rau đậu, hoa, cây cảnh sơ bộ đạt 13.080 ha, so cùng kỳ năm trước tăng 893 ha, trong đó rau các loại tăng 1.082 ha, đậu các loại giảm 193 ha, cây hoa các loại tăng 04 ha. Nguyên nhân: Do giá rau, màu đang đứng ở mức cao đảm bảo nông dân có lãi sau khi thu hoạch, ngoài ra một số quận, huyện Bình Thủy, Phong Điền,… đang phát động bà con nông dân phát triển diện tích rau an toàn thực phẩm, chất lượng cao cung cấp cho thị trường thành phố Cần Thơ và các vùng lân cận,... và nông dân tận dụng diện tích vườn mới lên đất còn trống vì cây lâu năm mới trồng còn nhỏ tán cây chưa phát tán rộng, độ che phủ chưa cao nên bà con trồng xen trên phần diện tích này nhằm tạo ra thu nhập và không cần phải làm cỏ vườn. Nhóm cây hoa các loại tăng do bà con trồng cúc, vạn thọ,… để bán phục vụ trong dịp tết và những ngày rằm.
Ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai các đề tài, dự án, mô hình giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập trong sản xuất như: dự án WB6, VnSAT, dự án xây dựng mô hình sản xuất rau theo hướng VietGAP,… Theo dõi và hướng dẫn HTX rau an toàn Long Tuyền duy trì sản xuất sản phẩm rau an toàn phù hợp với Quy trình VietGAP. Mô hình trồng rau, dưa lưới theo công nghệ Israel: 0,9 ha; Mô hình trồng rau nhà lưới kết hợp tưới phun mưa tự động 0,2 ha;...
Trong năm, tổng diện tích nhiễm dịch hại trên rau, đậu 1.261 ha. Tuy nhiên, dịch bệnh đã được kiểm soát, xử lý bằng các giải pháp kỹ thuật kịp thời.
+ Các loại cây lâu năm: Tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn TP Cần Thơ năm 2019 sơ bộ đạt 21.650 ha, tăng 1.522 ha so cùng kỳ năm trước; Trong đó diện tích cây ăn quả ước tính đạt 20.125 ha, chiếm 92,95% trong tổng diện tích cây lâu năm, tăng 1.834 ha so cùng kỳ năm 2018. Chủ yếu các cây sầu riêng tăng 383 ha, cây na (mãng cầu) tăng 164 ha; cây mận 355 ha, cây bưởi tăng 20,83%,...
Nguyên nhân: Thời gian qua, các quận, huyện trên địa bàn thành phố được các cấp chính quyền, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn hỗ trợ đầu tư đê bao khép kín bảo vệ vườn cây ăn quả, vận động nông dân cải tạo vườn tạp và đẩy mạnh chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển vườn cây ăn trái để tăng hiệu quả kinh tế. Được trợ giá cây giống, nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, hiện nay đã xây dựng được 12 vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái, lợi nhuận cao gấp 1,5- 2 lần so với trồng chuyên cây ăn trái và triển khai kế hoạch xây dựng vùng sản xuất vú sữa, xoài và nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hiện nay toàn thành phố có 58 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây ăn trái với năng lực cung ứng 650.000 cây/năm.
Diện tích dịch bệnh cây ăn trái là 806 ha. Trong đó diện tích nhiễm bệnh chổi rồng trên nhãn 191 ha (Diện tích nhiễm nặng 11 ha (tỷ lệ bệnh>40%), diện tích nhiễm trung bình 32 ha (tỷ lệ bệnh 20-40%), diện tích nhiễm nhẹ 148 ha (10-20%). Tuy nhiên, dịch bệnh đã được kiểm soát, xử lý bằng các giải pháp kỹ thuật kịp thời nên đã khống chế sự bùng phát trên diện rộng.
- Chăn nuôi
+ Đàn trâu, bò: Đàn trâu, bò toàn thành phố ước năm 2019 là 4.945 con, trong đó đàn bò là 4.818 con, so cùng kỳ 2018 tăng 396 con; đàn bò sữa đạt 1.725 con so cùng kỳ tăng 193 con. Nguyên nhân là do đàn bò thịt tăng nhằm cung cấp sản phẩm thịt trong những dịp cuối năm; đàn bò sữa tăng là do người dân chủ động tăng đàn tham gia vào chuỗi sản xuất liên kết với công ty Vinamilk mô hình kinh tế này làm nâng cao đời sống người dân.
Sản lượng thịt bò xuất chuồng trong năm ước đạt 263 tấn, so cùng kỳ năm 2018 tăng 4.54%. Nguyên nhân, do đàn bò thịt đã đến thời điểm xuất chuồng tăng. Sản lượng sữa tươi ước đạt 1.152 tấn, tăng so cùng kỳ 6,67%.
+ Đàn heo: Đàn heo toàn TP ước năm 2019 là 110.522 con, giảm 28,48% so với năm 2018. Trong đó, đàn heo thịt ước 91.385 con, so với thời điểm 01/01/2019 giảm 24,03%; đàn heo nái ước đạt 8.452 con giảm so với cùng kỳ là 38,23%; đàn heo đực giống có 62 con.
Nguyên nhân đàn heo biến động giảm là do ảnh hưởng của dịch lở mồm long móng, dịch tả heo Châu phi đã xảy ra trên địa bàn thành phố, số lượng heo bị chết và phải tiêu hủy nhiều.
Trong tháng 2/2019 bệnh lở mồm long móng trên heo đã xảy ra tại 01 hộ chăn nuôi thuộc xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ; tổng đàn heo trong ổ dịch 321 con, số heo bệnh 100 con; bệnh đã được ngành thú y xử lý kịp thời, không phát sinh thêm ổ dịch.
Dịch tả heo Châu phi đã lây lan trong địa bàn thành phố từ ngày 23/5/2019 đến ngày 02/12/2019, đã xảy ra tại 2.377 hộ chăn nuôi heo thuộc 526 ấp, khu vực, 76 xã, phường, thị trấn thuộc 09 quận/huyện. Tổng đàn heo trong ổ dịch 65 ngàn con. Số heo mắc bệnh 32 ngàn con, số chết 13,9 ngàn con. UBND các quận, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý các hố chôn hủy động vật bị bệnh chết trên địa bàn, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường khi xử lý, tiêu hủy heo bệnh.
Sản phẩm thịt heo xuất chuồng trong năm ước đạt 20.315 tấn, so cùng kỳ 2018 giảm 3,92%.
+ Đàn gia cầm: Ước năm 2019, đàn gia cầm có 2.001 ngàn con, so cùng kỳ năm trước tăng 0,40%. Trong đó, đàn gà đạt 633 ngàn con, so cùng kỳ tăng 0,95%; đàn vịt ước đạt 1.299 ngàn con, so cùng kỳ tăng 0,19%.
Nguyên nhân: Trong năm không xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng, nên bà con nông dân yên tâm phát triển đàn gia cầm trở lại và do tình hình dịch bệnh ở trên heo nên người dân đang chuyển sang sử dụng thịt gia cầm và các loại trứng nhiều hơn, bên cạnh đó, giá bán thịt gia cầm ở mức cao, người chăn nuôi có lãi ổn định nên tăng đầu tư, tăng quy mô nên đàn gia cầm của thành phố tăng so với cùng kỳ.
Sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng trong năm ước đạt 6.261 tấn, so cùng kỳ năm 2018 tăng 4,03%.
Sản lượng trứng gia cầm trong năm ước đạt 77.005 ngàn quả, so cùng kỳ năm 2018 tăng 2,03%. Nguyên nhân, chủ yếu là do sản phẩn trứng của đàn gia cầm thời vụ tăng.
Hiện trên địa bàn thành phố có 13 cơ sở sản xuất giống gia súc, gia cầm. Trong đó có 8 cơ sở chăn nuôi heo sản xuất con giống, với khả năng cung cấp gần 5.000 con giống/năm và 5 cơ sở chăn nuôi vịt sản xuất con giống, với khả năng cung ứng khoảng 700.000 -750.000 con giống/năm; cơ sở nuôi giữ heo đực giống hiện có 29 cơ sở với tổng đàn 127 con; hàng năm sản xuất và tiêu thụ khoảng 110.000-115.000 liều tinh.
Lĩnh vực chăn nuôi có sự chuyển dịch từ các quận trung tâm về các huyện theo hướng tập trung, vệ sinh an toàn: mô hình nuôi bò thịt giống cao sản, nuôi heo siêu thịt, mô hình chăn nuôi bán công nghiệp,… đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị như nuôi thỏ, gà lôi, các giống đặc sản... tập trung tại vùng ven các quận như Bình Thủy, Thốt Nốt, Cái Răng và huyện Phong Điền nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ và tăng thu nhập cho nông hộ.
b. Lâm nghiệp
Triển khai Kế hoạch Tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2019 (Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 13 tháng 02 năm 2019); Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Thới Lai tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ vào ngày 19/5/2019 tại huyện Thới Lai. Đến nay, cây lâm nghiệp phân tán trồng mới trong nhân dân là 865 ngàn cây, so với cùng kỳ 2018 tăng 1,76%.
c. Thủy sản
- Diện tích nuôi trồng: Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2019 toàn TP Cần Thơ đạt 6.477 ha, so với cùng kỳ năm 2018 giảm 11,44%, giảm 836 ha. Nuôi thủy sản lồng bè ước đạt 334 cái bè nuôi cá.
Nguyên nhân diện tích nuôi thủy sản giảm do:
Do ảnh hưởng của chất lượng nguồn nước nên một số khu vực sâu trong nội đồng không còn phù hợp để nuôi thủy sản; đầu ra sản phẩm không ổn định và giá thức ăn tăng cao như hiện nay nên bà con lỗ, vì vậy nhiều hộ đã treo ao hoặc nuôi cầm chừng để giảm chi phí đầu tư.
Những năm gần đây, mô hình nuôi thủy sản trong bể bồn, vèo được người dân phát triển mạnh mẽ cho năng suất và sản lượng cao. Hiện nay toàn TP Cần Thơ có 1.183 hộ nuôi thủy sản trong bể, bồn, vèo với thể tích nuôi 66.834 m3, tăng 8,39% so cùng kỳ 2018. Không ít hộ nông dân trên địa bàn các quận, huyện Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai đã thoát nghèo nhờ mô hình nuôi ếch, lươn thương phẩm. Do nguồn ếch đồng, lươn đồng ngày càng khan hiếm trong khi nhu cầu vẫn gia tăng, nhiều mô hình nuôi ếch, lươn trong bể bồn trên địa bàn đã và đang mang lại lợi nhuận cao cho nông dân góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và nâng cao thu nhập.
Tuy nhiên diện tích cá tra tăng do giá bán cá tra liên tục tăng cao từ giữa năm 2018 đến tháng 5 năm 2019 (giá cá tra dao động từ 25.500-30.500 đồng/kg), nên nhiều hộ và doanh nghiệp mạnh dạn mở rộng diện tích thả nuôi, tăng mật độ nuôi cũng như tăng lượng thức ăn để thúc bán cá với giá cao. Nhưng giá cá tra trong 6 tháng cuối năm giảm sâu người nuôi lỗ nặng, do người dân thả nuôi quá nhiều làm cung vượt cầu, các cơ sở nuôi cung cấp nguồn cá tra nguyên liệu cho thị trường xuất khẩu và chế biến trong những tháng đầu năm từ đủ cho đến dư, dự báo nguồn cung cấp cá tra nguyên liệu cho việc xuất khẩu và chế biến vẫn đủ và có thể dư do nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp vẫn còn. Giá cá tra tuy có biến động nhưng người nuôi gia công vẫn có lợi nhuận.
Hiện tại các công ty chế biến thủy sản trên địa bàn TP Cần Thơ có khuynh hướng xây dựng vùng nuôi tập trung để ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy chế biến. Ngành Nông nghiệp đang chú trọng phát triển các mô hình nuôi theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa thủy sản.
Trong năm xuất hiện rải rác các bệnh gan thận mủ, phù đầu, xuất huyết trong các ao nuôi cá tra, đặc biệt các ao ương cá giống và ao mới thả giống, tỷ lệ hao hụt cá tra thả nuôi cao do khan hiếm con giống chất lượng không cao. Để hạn chế xảy ra bệnh, người nuôi cần chuẩn bị ao nuôi đúng quy trình kỹ thuật, chọn con giống khỏe, có nguồn gốc rõ ràng, có kiểm dịch của cơ quan thủy sản.
- Giống thủy sản: hiện nay, có 199 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn TP Cần Thơ, cung ứng cá giống ước đạt 2.536 triệu con, tăng 139 triệu con so cùng kỳ 2018, cá tra giống 412 triệu con, cá bột 1.625 triệu con, cá giống khác đạt 409 triệu con, tôm giống 68 triệu con. Nhằm đáp ứng nhu cầu con giống thủy sản của thành phố và một phần xuất sang các tỉnh lân cận.
- Sản lượng nuôi trồng: Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản năm 2019 của thành phố Cần Thơ sơ bộ đạt 221.792 tấn, so với cùng kỳ 2018 tăng 5,4% tấn. Trong đó cá tra ước đạt 196.159 tấn, so cùng kỳ năm 2018 tăng 7,62%, chiếm 88,86% trong tổng sản lượng cá nuôi nước ngọt, tăng chủ yếu sản lượng cá tra thâm canh.
- Sản lượng khai thác: Sản lượng khai thác thủy sản nội địa năm 2019 ước đạt 6.550 tấn, tăng 3,14% so cùng kỳ, cụ thể cá khai thác ước đạt 5.382 tấn, tôm khai thác là 12 tấn, thủy sản khai thác khác (cua đồng, ốc, hến, …) đạt 1.156 tấn. Nguyên nhân tăng do các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, xử phạt việc khai thác nguồn lợi thủy sản bằng chất độc, chất nổ, xung điện nên nguồn thủy sản tự nhiên dồi dào hơn cùng kỳ các năm trước.
Sản xuất nông nghiệp năm 2019 diện tích sản xuất được giữ vững, phương thức sản xuất chuyển dần sang hướng tập trung, hiện đại hóa, hình thành sự liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao hiệu quả và ổn định trong sản xuất; Tuy nhiên, sản xuất vẫn còn gặp nhiều khó khăn về thời tiết, thách thức do giá lúa, cá tra giảm; Dịch tả heo Châu phi diễn biến phức tạp; nhưng nông dân chủ động hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ đầu vụ ở các cánh đồng mẫu lớn nên việc tiêu thụ lúa tương đối thuận lợi, tạo tâm lý an tâm cho người sản xuất để tập trung đầu tư và mở rộng sản xuất; vừa góp phần phát triển kinh tế của địa phương, đồng thời nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
6. Sản xuất công nghiệp và hoạt động của doanh nghiệp
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước tháng 12 tăng 0,35% so với tháng trước và tăng 11,48% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,63%; ngành phân phối điện tăng 22,81%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 2,12 % so với cùng kỳ.
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước thực hiện 12 tháng tăng 8,16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,04%; ngành phân phối điện tăng 9,93%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 5,50%. Trong đó, có một số sản phẩm đạt mức tăng trưởng khá như: Phi lê đông lạnh tăng 23,28%; tôm đông lạnh tăng 9,83%; thức ăn cho thủy sản tăng 10,48%; bao và túi dệt tăng 8,38%; quần áo tăng 2,18%; bao và túi bằng giấy tăng 7,70%; sản phẩm in khác tăng 28,72%; thuốc diệt cỏ tăng 11,55%; dược phẩm tăng 16,27%; bao và túi bằng plastic khác tăng 13,83%; xi măng tăng 16%; sắt thép tăng 5,54%. Với chỉ số phát triển công nghiệp tăng ở mức 8,16% cho thấy công tác xúc tiến thương mại được thực hiện khá tốt, góp phần mở rộng phạm vi sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tiếp cận và mở rộng thị trường nhằm thúc đẩy xuất khẩu và đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nội địa. Hiện nay nhiều doanh nghiệp rất quan tâm đến yếu tố chất lượng nên việc sản xuất luôn được gắn liền với việc đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm, không ngừng quan tâm từ khâu thiết kế, quá trình chế tạo đến khâu kiểm tra chất lượng kỹ thuật và cuối cùng là sản phẩm hoàn thiện đem ra sử dụng. Chất lượng sản phẩm là yếu tố có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc tạo uy tín của doanh nghiệp với khách hàng, nó là tiêu chí kết nối doanh nghiệp với khách hàng tạo điều kiện cho việc tiêu thụ sản phẩm được dễ dàng, nhanh chóng và thuận lợi. Ngoài ra, giá cả cũng được các doanh nghiệp thường xuyên quan tâm và được xem như một công cụ hữu hiệu để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và tăng doanh thu cho doanh nghiệp.
Bên cạnh những thuận lợi vẫn còn một số khó khăn hạn chế trong quá trình sản xuất kinh doanh như: tài chính của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang trong tình trạng yếu kém, tiềm ẩn rủi ro, yếu và thiếu về năng lực lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh mặc dù lãi suất ngân hàng hạ thấp nhưng doanh nghiệp không còn tài sản để thế chấp vay vốn…
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tháng 12 tăng 0,62% so với tháng trước. Tính chung 12 tháng chỉ số tiêu thụ tăng 4,10% so cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,65%; sản xuất dệt tăng 6,87%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 28,72%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 9,69%; sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu tăng 16,67%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 9,74%; sản xuất kim loại tăng 5,55%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 11,04%. Với chỉ số trên cho thấy tình hình tiêu thụ đã được các doanh nghiệp thường xuyên nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng tình hình nhu cầu thị trường, không ngừng nâng cao năng lực sản xuất của mình để chuẩn bị khối lượng sản phẩm đưa ra tiêu thụ một cách hợp lý và hiệu quả nhất. Đồng thời các doanh nghiệp cũng đã linh hoạt trong các hình thức bán hàng nhằm tạo mọi thuận lợi cho người mua hàng để thúc đẩy quá trình tiêu thụ nhanh hơn.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/12/2019 là 71,61% so với tháng cùng kỳ.
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp tháng 12/2019 tăng 1,39% so với cùng kỳ tháng trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm nhẹ 1,64%, doanh nghiệp Ngoài Nhà nước tăng 1,55% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 2,40%. Số lao động tại các doanh nghiệp không có biến động nhiều, vẫn duy trì ở mức ổn định.
Tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp: tính đến 30/11/2019 cấp mới đăng ký kinh doanh cho 1.529 doanh nghiệp các loại hình với tổng vốn đăng ký 11.568 tỷ đồng, tăng 9,45% về số doanh nghiệp và tăng 47,85% vốn đăng ký so năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên 8.469 doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng đã có 730 doanh nghiệp giải thể, bỏ địa điểm kinh doanh; 237 doanh nghiệp ngừng hoạt động có thời hạn.
Để tháo gỡ phần nào những khó khăn vướng mắc cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều chính sách và các giải pháp kinh tế. Chính quyền địa phương cần tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn ưu đãi, tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong dịp cuối năm nhất là nguồn vốn và có chính sách hợp lý, kích cầu đầu tư để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa các chính sách thuế, chính sách giá cả, chính sách ngành nghề kinh doanh… và phải có các giải pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng nhái tràn lan nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp có môi trường kinh doanh ổn định, có sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Ngoài ra, cần khuyến khích, kêu gọi và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, nhất là các khu công nghiệp trên địa bàn, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế biến nông thuỷ sản, ngành công nghiệp mới, thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất để tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đối với doanh nghiệp để tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp phải luôn tìm cách thay đổi các mặt hàng sản xuất với nhiều loại sản phẩm đa dạng và phong phú hơn nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của đại bộ phận khách hàng một cách tốt nhất. Ngoài ra phải nghiên cứu để đưa ra những kết cấu sản phẩm mới ưu việt hơn kết cấu sản phẩm cũ, không ngừng mở rộng - chiếm lĩnh thị trường, tổ chức mạng lưới phân phối sản phẩm phù hợp. Đồng thời áp dụng triệt để các hình thức bán buôn, bán lẻ, bán hàng tại kho, tại cửa hàng, bán trả góp… nhằm thu lại lợi nhuận cao nhất, hiệu quả nhất. Hơn nữa, cần định hướng rõ công tác tiếp cận thị trường, tạo dựng thương hiệu và kết nối với nhà đầu tư. Tăng cường tìm kiếm nhiều thị trường và các kênh phân phối sản phẩm, chú trọng đầu tư chiều sâu và nắm bắt kịp thời nhu cầu thị trường để đảm bảo cân đối cung - cầu và nâng cao khả năng cạnh tranh thị trường trong nước và quốc tế.
7. Bán lẻ hàng hóa, hoạt động của các ngành dịch vụ
a. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ
Ước tháng 12/2019, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 11.807,43 tỷ đồng tăng 11,96% so cùng kỳ, trong đó thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt 6.950,51 tỷ đồng tăng 12,50% so cùng kỳ, thành phần kinh tế cá thể đạt 3.490,61 tỷ đồng tăng 11,72% so cùng kỳ, thành phần kinh tế Nhà nước đạt 1.150,21 tỷ đồng tăng 9,82% so cùng kỳ.
Phân theo ngành kinh tế thì ngành Thương nghiệp chiếm 82,59% trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 12/2019 đạt 9.751,65 tỷ đồng tăng 11,85% so cùng kỳ. Dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 870,51 tỷ đồng tăng 15,16% so cùng kỳ. Du lịch lữ hành ước đạt 40,02 tỷ đồng tăng 10,07% so cùng kỳ. Dịch vụ ước đạt 1.145,25 tỷ đồng tăng 10,58% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn Thành phố ước tính năm 2019 đạt 134.336,20 tỷ đồng tăng 11,45% so cùng kỳ, trong đó thành phần kinh tế tư nhân ước đạt 79.094,10 tỷ đồng tăng 12,14% so cùng kỳ, thành phần kinh tế cá thể ước đạt 39.481,93 tỷ đồng tăng 10,91% so cùng kỳ, thành phần kinh tế Nhà nước ước đạt 13.168,07 tỷ đồng tăng 9,54% so cùng kỳ.
Phân theo ngành kinh tế thì ngành Thương nghiệp chiếm 81,89% trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2019, ước đạt 110.004,73 tỷ đồng tăng 11,12% so cùng kỳ. Dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 10.363,13 tỷ đồng tăng 16,90% so cùng kỳ. Du lịch lữ hành ước đạt 489,63 tỷ đồng tăng 10,57% so cùng kỳ. Dịch vụ ước đạt 13.478,71 tỷ đồng tăng 10,24% so với cùng kỳ.
b. Giao thông vận tải
- Vận tải hàng hoá: Tháng 12/2019, ước vận chuyển 921,72 ngàn tấn hàng hoá tăng 3,83% so cùng kỳ; luân chuyển đạt 156,76 triệu T.Km đạt 102,35% so cùng kỳ. Ước quý IV năm 2019 vận chuyển 2.572,88 ngàn tấn hàng hoá tăng 3,66% so cùng kỳ; (luân chuyển đạt 439,62 triệu T.Km đạt 102,23% so cùng kỳ). Ước năm 2019 vận chuyển 10.272,26 ngàn tấn hàng hóa tăng 3,05% so cùng kỳ; luân chuyển đạt 1.650,57 triệu T.Km đạt 101,84% so cùng kỳ.
Chia ra: Đường bộ tháng 12/2019, ước vận chuyển đạt 344,11 ngàn tấn tăng 3,68% so cùng kỳ; luân chuyển 60,03 triệu T.Km đạt 102,08% so cùng kỳ. Đường sông ước vận chuyển đạt 549,28 ngàn tấn tăng 3,90% so cùng kỳ; luân chuyển 68,4 triệu T.Km đạt 102,18% so cùng kỳ. Đường biển ước vận chuyển đạt 28,33 ngàn tấn tăng 4,47% so cùng kỳ; luân chuyển 28,33 triệu T.Km đạt 103,34% so cùng kỳ.
- Vận tải hành khách: Tháng 12/2019, ước vận chuyển 5.687,59 ngàn lượt hành khách tăng 3,76% so cùng kỳ; luân chuyển 86,66 triệu lượt HK.Km đạt 102,94% so cùng kỳ. Ước quý IV năm 2019 vận chuyển 16.632,66 ngàn lượt hành khách tăng 3,26% so cùng kỳ; (luân chuyển 257,14 triệu lượt HK.Km đạt 102,84% so cùng kỳ). Ước năm 2019 vận chuyển 61.091,14 ngàn lượt HK tăng 2,94% so cùng kỳ; luân chuyển đạt 998,28 triệu HK.Km đạt 102,70% so cùng kỳ.
Chia ra: Đường bộ tháng 12/2019, ước vận chuyển 3.908,10 ngàn lượt HK tăng 3,68% so cùng kỳ; luân chuyển 84,52 triệu HK.Km đạt 102,95% so cùng kỳ. Đường sông ước vận chuyển 1.779,49 ngàn lượt HK tăng 3,93% so cùng kỳ; luân chuyển 2,14 triệu HK.Km đạt 102,33% so cùng kỳ.
- Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải: Tháng 12/2019 doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước thực hiện 286,93 tỷ đồng, tăng 13,57% so cùng kỳ. Trong đó: vận tải hành khách thực hiện 78,83 tỷ đồng, tăng 12,79%; vận tải hàng hóa thực hiện 149,74 tỷ đồng, tăng 13,91%; dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện 58,37 tỷ đồng, tăng 13,73% so cùng kỳ.
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước quý IV năm 2019 thực hiện 821,57 tỷ đồng, tăng 13,37% so cùng kỳ. Trong đó: vận tải hành khách thực hiện 227,57 tỷ đồng tăng 15,19%; vận tải hàng hóa thực hiện 422,14 tỷ đồng, tăng 12,28%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện 171,86 tỷ đồng, tăng 13,68% so cùng kỳ.
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước năm 2019 thực hiện 3.137,94 tỷ đồng, tăng 11,83% so cùng kỳ. Trong đó: vận tải hành khách thực hiện 857,32 tỷ đồng tăng 10,52%; vận tải hàng hóa thực hiện 1.578,77 tỷ đồng, tăng 12,67%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện 701,86 tỷ đồng, tăng 11,59% so cùng kỳ.
8. Các vấn đề xã hội
a. Tình hình đời sống dân cư
Đời sống cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hưởng lương:
Đời sống cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hưởng lương năm 2019 rất được các cấp, các ngành và UBND thành phố quan tâm và chăm lo, đặc biệt là công đoàn thành phố Cần Thơ tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân, viên chức và người lao động.
Đời sống cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hưởng lương trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2019 được cải thiện và phấn khởi hơn do chính sách tăng lương cho cán bộ, công chức viên chức, người lao động làm việc trong các đơn vị trực thuộc nhà nước. Từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng thay cho mức lương cũ là 1.390.000 đồng/tháng.
Ngoài ra, vào đầu năm thời điểm Tết nguyên đán 2019 của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương đối với cán bộ, công nhân viên và người lao động. Hầu hết các doanh nghiệp đều thưởng lương tháng 13, tặng quà cho công nhân lao động. Mức thưởng Tết Nguyên đán năm 2019 ở các loại hình doanh nghiệp khác nhau, thấp nhất là 200 nghìn đồng, cao nhất là 229 triệu đồng, trung bình là khoảng 8 triệu đồng. Qua báo cáo của các doanh nghiệp và qua khảo sát của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, số lượng doanh nghiệp thực hiện thưởng Tết năm 2019 nhiều hơn so với năm 2018 (hơn 6.000 doanh nghiệp), đồng thời mức thưởng bình quân năm 2019 cũng cao hơn so với năm 2018 (khoảng 01 triệu đồng). Thực hiện chủ trương của Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành Thông báo trợ cấp khó khăn Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 với tổng số tiền 106,3 tỷ đồng, tăng 10,3 tỷ đồng so với cùng kỳ. Ngoài ra, tại buổi họp mặt Công đoàn Viên chức thành phố Cần Thơ vào dịp Tết Nguyên đán, thành phố Cần Thơ đã thăm hỏi động viên các đoàn viên còn khó khăn, và trao tặng 150 phần quà vui Tết Sum vầy năm 2019 cho đoàn viên công chức, viên chức và người lao động với tổng số tiền hơn 85 triệu đồng.
Hưởng ứng chào mừng “Tháng công nhân” vào tháng 5/2019 Liên đoàn lao động các cấp của thành phố Cần Thơ đã hỗ trợ xây dựng thêm 01 “Mái ấm Công đoàn” tại quận Bình Thủy; trao 50 suất quà cho công nhân, người lao động khó khăn, tặng quà cho 4 công đoàn viên bị bệnh hiểm nghèo từ nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp, trao 29 suất học bổng cho con công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi từ nguồn Quỹ "Tấm lòng vàng Công đoàn Cần Thơ", tổng giá trị các phần quà là 250 triệu đồng.
Nhìn chung, đời sống cán bộ, công nhân và người lao động thành phố Cần Thơ năm 2019 được cải thiện, phấn khởi hơn. Đặc biệt là công nhân, người lao động nghèo được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các đơn vị Sở ngành, các Doanh nghiệp và mạnh thường quân chung tay chăm lo đời sống qua các chính sách hỗ trợ nên đời sống cán bộ, công nhân viên chức và người lao động được nâng cao hơn. Thu nhập của người lao động đặc biệt là cán bộ công chức tuy có tăng lên nhưng với sự tăng giá của các nhu yếu phẩm và dịch vụ cũng tăng theo nên việc tăng lương không bù đắp kịp thời cho việc chi tiêu của người lao động.
Thực trạng đời sống dân cư nông thôn: Đời sống dân cư nông thôn được cải thiện nhiều, do tiếp tục thực hiện thành công chủ trương xây dựng xã nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông hộ bằng việc phát triển sản xuất có tổ chức, ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, nhân rộng mô hình liên kết hợp tác hiệu quả trong nông nghiệp theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp, với thị trường, đưa nông nghiệp lên sản xuất quy mô lớn, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông hộ, thu nhập bình quân hộ nông thôn tăng đáng kể.
b. Công tác an sinh xã hội
- Lao động việc làm: Ước năm 2019, giải quyết việc làm cho 75.500 lao động, (lao động trong nước 75.220 và 280 lao động đi làm việc ở nước ngoài), tăng 18,58% so năm 2018.
- Công tác bảo trợ xã hội, đền ơn đáp nghĩa và giảm nghèo:
Công tác chăm lo đời sống gia đình người có công với cách mạng chu đáo, kịp thời, toàn thành phố hiện có 6.485 người có công cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên, tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng; chú trọng công tác xã hội, trẻ em, bình đẳng giới và thanh niên (trợ cấp thường xuyên trên 40.000 đối tượng bảo trợ xã hội ở ngoài cộng đồng với tổng kinh phí hơn 173 tỷ đồng; 100% đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế). Tổ chức thăm và tặng 1.036 phần quà người cao tuổi nhân Quốc tế người cao tuổi với tổng kinh phí 469,2 triệu đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,75% tổng số hộ.
Các hoạt động, chính sách dân tộc triển khai thực hiện hiệu quả, đặc biệt trong các dịp lễ, tết; công tác giảm nghèo được các cấp quan tâm thực hiện; số hộ nghèo là 2.462 hộ, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,75% tổng số hộ. Tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên 2 tỷ đồng. Tổ chức bàn giao 29 căn Nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo là người DTTS tại huyện Cờ Đỏ; Xây dựng 03 căn Nhà đại đoàn kết cho hộ DTTS thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, bố trí đất ở cho 06 hộ DTTS nghèo tại quận Ninh Kiều (được thụ hưởng theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); Xây dựng 03 căn Nhà đại đoàn kết cho hộ DTTS nghèo, tổ chức trao nền đất ở cho 42 hộ DTTS nghèo và triển khai xây dựng nhà ở cho 42 hộ tại quận Ô Môn (hộ nghèo, hộ cận nghèo và thoát nghèo sẽ được UBND quận chi ứng trước để xây dựng nhà ở và có cam kết hoàn trả thành nhiều đợt trong vòng 03 năm); đời sống trong đồng bào DTTS được nâng lên (đầu năm 2019, hộ nghèo DTTS còn 483 hộ, chiếm tỷ lệ 5,08%, ước đến cuối năm 2019, giảm còn 2 - 3% hộ nghèo).
c. Giáo dục và Đào tạo
Chất lượng giáo dục được đảm bảo và nâng cao. Trong năm học 2018 - 2019, có 1.890 HS đạt thành tích cao trong các kỳ thi, cuộc thi cấp thành phố, cấp quốc gia, quốc tế (tăng 312 HS so với năm học 2017 - 2018). Kỳ thi chọn HSG cấp quốc gia năm 2019, thành phố Cần Thơ đạt 17 giải (01 giải Nhất, 03 giải Nhì, 05 giải Ba và 8 giải Khuyến khích). Cần Thơ là 01 trong 10 địa phương có điểm trung bình thi THPT quốc gia năm 2019 cao nhất cả nước với 5,7 điểm.
Đối với việc tổ chức tuyển sinh lớp 10 năm 2019 - 2020 đã ứng dụng công nghệ thông tin vào tư vấn tuyển sinh và đăng ký, xem kết quả thi tuyển bằng hình thức trực tuyến. Tổng số thí sinh dự thi: 12.768, trúng tuyển vào các trường công lập: 11.585, tỷ lệ 90,73%. Số học sinh chưa trúng tuyển đăng ký vào học các trường ngoài công lập, các TTGDNN-GDTX hoặc học nghề.
Kết quả tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 năm học 2019 - 2020 (thời điểm ngày 11 tháng 8 năm 2019): Tỷ lệ HS trong địa bàn trúng tuyển vào lớp 1 là 100%; trúng tuyển vào lớp 6 là 99,16%.
Quy mô trường lớp và HS đầu năm học 2019 - 2020 (thời điểm ngày 30/10/2019): toàn thành phố hiện có 455 trường với 248.746 HS, trong đó: mầm non 175 trường, tổng số trẻ 47.915; tiểu học 176 trường, tổng số HS 100.568; trung học cơ sở 68 trường, tổng số HS 69.160; trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học 36 trường, tổng số HS 31.103.
Các cấp học, bậc học triển khai thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo; quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực người học; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho HS.
Trong những năm qua, chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngành giáo dục và đào tạo thành phố đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nhằm nâng cao phẩm chất, năng lực thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu đổi mới, trong đó chú trọng nâng cao ý thức giữ gìn đạo đức nhà giáo theo đúng định hướng của ngành.
d. Y tế
Tình hình dịch bệnh ổn định, không có vụ dịch nguy hiểm xảy ra. Tuy nhiên trong tháng một số bệnh như: sốt xuất huyết ghi nhận 374 trường hợp mắc, giảm 127 trường hợp so với tháng trước (501 trường hợp); lũy tích từ đầu năm đến nay 2.215 trường hợp mắc, tăng 1.220 trường hợp so cùng kỳ (995 trường hợp), không có tử vong. Tay chân miệng ghi nhận 277 trường hợp mắc, giảm 232 trường hợp so với tháng trước (509 trường hợp); lũy tích từ đầu năm đến nay ghi nhận 2.103 trường hợp mắc, tăng 907 trường hợp so cùng kỳ (1.196 trường hợp), không có tử vong. Sởi và sốt phát ban nghi sởi ghi nhận 46 trường hợp mắc, tăng 32 trường hợp so với tháng trước (14 trường hợp); lũy tích từ đầu năm đến nay ghi nhận 457 trường hợp mắc, không có tử vong. Thủy đậu không ghi nhận trường hợp mắc; lũy tích từ đầu năm đến nay 26 trường hợp mắc, giảm 01 trường hợp so với cùng kỳ 2018 (27 trường hợp). Tiêu chảy 447 trường hợp, tăng 1,13% so với tháng trước.
Công tác phòng, chống HIV/AIDS: Lũy tích số nhiễm HIV phát hiện được 6.419 trường hợp; trong đó, tử vong 2.495 trường hợp, số nhiễm HIV còn sống 3.924 trường hợp. Duy trì điều trị ARV cho 3.270 trường hợp. Tiếp tục duy trì điều trị Methadone cho bệnh nhân, hiện có 379 người đang điều trị.
e. Văn hóa, thể dục thể thao
Tuyên truyền cổ động trực quan và tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, du lịch vào các ngày lễ, kỷ niệm: 15 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và Mừng Đảng quang vinh - Mừng Xuân Kỷ Hợi 2019; hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương; Kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng Cần Thơ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019), Ngày Quốc tế Lao động 1/5 và 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2019), kỷ niệm 74 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2019) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2019) gắn với kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2019),… Tổ chức các hoạt động đối ngoại của thành phố như: Tuần lễ Văn hóa Hungary tại thành phố Cần Thơ (từ ngày 15-17/11/2019, tại Công viên Lưu Hữu Phước), Tuần Văn hóa Campuchia tại Việt Nam (từ ngày 19-22/11/2019, tại Trung tâm Văn hóa thành phố), Chương trình Giao lưu Văn hóa và Thương mại Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 5, tại thành phố Cần Thơ (từ ngày 29/11-02/12/2019, tại Công viên Sông Hậu).
Công tác bảo tàng, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa được chú trọng, thu hút 564.553 khách tham quan; sưu tầm và xác minh 729 hiện vật. Xếp hạng 02 di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố và đề nghị xếp hạng 01 di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp phần mềm quản trị thư viện và Cổng thông tin điện tử Thư viện thành phố, phục vụ hơn 3 triệu lượt người đọc. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra các dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển rộng khắp; số người tập luyện TDTT thường xuyên 385.246 người; 71.468 gia đình thể thao; 1.214 CLB TDTT. Thể thao thành tích cao tổ chức 09 giải thể thao quốc gia và quốc tế; cử 151 lượt huấn luyện viên, 768 lượt vận động viên (348 nữ) tham dự 103 giải thể thao (80 giải quốc gia và 23 giải quốc tế), kết quả đạt 507 huy chương các loại (152 HCV - 153 HCB - 202 HCĐ).
f. Tai nạn giao thông
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ tình hình tai nạn giao thông (từ ngày 15/12/2018 đến 14/12/2019) trên địa bàn thành phố đã xảy ra 101 vụ tai nạn giao thông, làm chết 105 người, bị thương 27 người. So cùng kỳ năm 2018, số vụ giảm 04 vụ, số người chết giảm 06 người, số người bị thương giảm 10 người.
Cục Thống kê thành phố Cần Thơ