I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ
1. Tăng trưởng kinh tế:
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2019 ước đạt 60.094 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 6,64% so với năm 2018, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,23% và khu vực dịch vụ tăng 7,32% (bao gồm thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm); Nếu tách riêng thuế sản phẩm thì khu vực dịch vụ tăng 6,4% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 11,93% so cùng kỳ. Trong 6,64% tăng trưởng thì khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 20,2%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 42,7%, khu vực dịch vụ đóng góp 27% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm là 10,1%.
GRDP nếu tính theo giá thực tế năm 2019 ước đạt 98.392 tỷ đồng; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 55,7 triệu đồng/người/năm, tăng 5,1 triệu đồng so với năm 2018 (năm 2018 đạt 50,6 triệu đồng). Tính theo giá USD, GRDP bình quân đầu người năm 2019 đạt 2.392 USD/người/năm, tăng 8,8%, tương đương tăng 193 USD so 2018 (năm 2018 đạt 2.199 USD/người/năm).
Cơ cấu kinh tế: chuyển dịch theo đúng định hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và giảm tỷ trọng nông nghiệp. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 38,8% (cùng kỳ 39,2%); khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 27,2% (cùng kỳ 26,5%); khu vực dịch vụ chiếm 28,2 % (cùng kỳ 28,7); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,8%, (cùng kỳ 5,6%).
2. Tài chính - Ngân hàng:
a. Tài chính:
- Thu ngân sách: Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2019 được 15.835 tỷ đồng, đạt 125,3% dự toán, tăng 6% so cùng kỳ; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn 11.260 tỷ đồng, đạt 121% dự toán và tăng 27,6% so cùng kỳ; thu nội địa 10.920 tỷ đồng, đạt 122,4% dự toán, tăng 29% so cùng kỳ...
- Chi ngân sách: Ước thực hiện chi ngân sách địa phương năm 2019 là 16.508 tỷ đồng, đạt 145% dự toán năm, tăng 34,4% so cùng kỳ; trong đó: Chi đầu tư phát triển 7.014 tỷ đồng, đạt 182,4% dự toán, tăng 117,7% so cùng kỳ; Chi thường xuyên 7.675 tỷ đồng, đạt 113% dự toán năm, tăng 12,6% so cùng kỳ cho thấy dự toán chi ngân sách được bố trí hợp lý, sát với các nhiệm vụ chi thực tế, đảm bảo việc sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả.
b. Ngân hàng:
Trong năm, bên cạnh những thuận lợi tỉnh Tiền Giang nói riêng cả nước nói chung có nhiều khó khăn như tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung đến các nền kinh tế trên thế giới, giá vàng tăng rất cao tại một số thời điểm trong năm, dịch tả lợn châu Phi xảy ra và lây lan trên diện rộng, giá thu mua cá tra tại các nhà máy của tỉnh sụt giảm, tình hình thời tiết bất thường… nhưng nhìn chung không ảnh hưởng đáng kể đến các tổ chức tín dụng trong tỉnh. Mặt bằng lãi suất về cơ bản là ổn định. Các tổ chức tín dụng chấp hành nghiêm các mức trần lãi suất huy động và cho vay. Trong năm, các ngân hàng mà đi đầu là các ngân hàng thương mại nhà nước đã có 2 đợt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển các lĩnh vực ưu tiên với mức giảm tối đa từ 0,5%-1%/năm so với mức quy định của Ngân hàng nhà nước.
Huy động vốn: công tác huy động vốn tương đối thuận lợi, vốn huy động liên tục tăng qua các tháng. Đến cuối tháng 10/2019, tổng vốn huy động đạt 68.268 tỷ đồng, tốc độ tăng 13,13% so với cuối năm trước, tốc độ tăng bình quân là 1,24%/ tháng. Tăng trưởng vốn huy động đã vượt so với kế hoạch năm 2019 (kế hoạch tăng vốn huy động là 7%). Ước đến cuối năm 2019, vốn huy động đạt 69.296 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cuối năm 2018.
Dư nợ: tiếp tục tăng trưởng, đạt mức tăng tốt và có nhiều thuận lợi nhất là đang vào thời kiểm các tháng cuối năm nên dự đoán tín dụng sẽ tiếp tục tăng trưởng theo đà tăng của các tháng trước nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của nền kinh tế trong những tháng cuối năm để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm. Cuối tháng 10/2019, tổng dư nợ đạt 54.405 tỷ đồng, tăng trưởng là 12,3% so với năm trước, mức tăng bình quân là 1,2%/ tháng. Ước đến cuối năm 2019, dư nợ tín dụng đạt 55.227 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2018.
3. Giá cả, lạm phát:
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2019 tăng 1,29% so tháng 11/2019 (thành thị tăng 1,15%, nông thôn tăng 1,33%) là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tiêu dùng trong 9 năm qua; nhưng chiều ngược lại, CPI bình quân năm 2019 so với năm 2018 chỉ tăng 2,81%, đây là mức tăng bình quân năm thấp nhất so 2 năm gần đây. Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ CPI bình quân năm 2019 dưới 4% đã đạt được trong bối cảnh điều chỉnh gần hết các mặt hàng do nhà nước quản lý đặt ra trong năm 2019 như: giá dịch vụ y tế, học phí, tăng lương tối thiểu vùng, lương cơ bản... CPI tháng 12/2019 so cùng kỳ năm trước tăng 4,74%.
So với tháng 11/2019, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 8 nhóm tăng: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất tăng 3,27% (trong đó: lương thực tăng 0,27%, thực phẩm tăng 4,65% và ăn uống ngoài gia đình tăng 1,79%); kế đến nhóm giao thông tăng 0,71%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,28%; may mặc, mũ, nón, giày dép tăng 0,2%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,05%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01% và nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,01%; Có 1 nhóm giảm là bưu chính viễn thông giảm 0,14%. Có 2 nhóm chỉ số giá ổn định: giáo dục và nhóm hàng hoá dịch vụ khác.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2019 tăng so tháng 11/2019 do:
- Ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi dẫn đến giá thịt lợn tháng 12/2019 tăng 28,5%, góp phần tác động đến CPI chung tăng 1,02%. Cùng với đó, nhóm thịt bò tăng 1,11%, nội tạng động vật tăng 12,4%, thực phẩm chế biến tăng 6,2%, trứng gia cầm các loại tăng 1,6%, mỡ ăn tăng 24,69% và thuỷ sản tươi sống tăng 2,21%...
- Giá gas thế giới tháng 12/2019 duy trì mức 447,5 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so tháng trước, dẫn đến giá gas trong nước tăng 1,24% tương ứng tăng 3.500 đồng/bình 12 kg vào ngày 01/12/2019.
- Nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa vào dịp cuối năm tăng, dẫn đến dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 1,08%. Cùng với đó, giá điện sinh hoạt tăng 1,21%, nước sinh hoạt tăng 0,02%.
- Giá xăng dầu trong bình quân trong tháng tăng 1,29% (xăng A95-III tăng 90 đồng/lít, xăng sinh học E5 tăng 220 đồng/lít, dầu Diezen 0,05S tăng 100 đồng/lít), tác động đến nhóm nhiên liệu tăng 1,23%, đóng góp vào mức tăng CPI chung khoảng 0,05%.
Bên cạnh đó, có một số mặt hàng chỉ số giá giảm nhưng tỷ trọng quyền số nhỏ nên tác động chưa đủ lớn đến chỉ số giá tiêu dùng chung như:
- Trên địa bàn tỉnh đang vào vụ thu hoạch hoa màu, thời tiết thuận lợi, năng suất thu hoạch cao nên sản lượng rau xanh dồi dào, giá giảm 6,45%.
- Trong tháng giá dầu hoả điều chỉnh tăng 50 đồng/lít, nhưng do tháng trước giá dầu hoả điều chỉnh giảm 175 đồng/lít (ngày 15/11/2019) nên tính bình quân chung trong tháng giá giảm 0,41% so tháng trước.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2019 so cùng kỳ tăng 2,81%; một số nhóm hàng có chỉ số giá tăng nhiều trong năm 2019 so cùng kỳ như: nhóm giáo dục tăng 6%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,2%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,17%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,56%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,8%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,78%...
Chỉ số giá vàng 24 kara Ngọc Thẩm trong tháng 12/2019 giảm 0,41% so tháng trước; giá bình quân tháng 12/2019 là 4.150 ngàn đồng/chỉ, tăng 634 ngàn đồng/chỉ so cùng kỳ.
Chỉ số giá đô la Mỹ trong tháng 12/2019 giảm 0,08% so tháng trước, giá bình quân 23.243 đồng/USD, giảm 118 đồng/USD so cùng kỳ.
4. Đầu tư và Xây dựng:
Vốn đầu tư toàn xã hội quý IV/2019, ước thực hiện 10.790 tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ; bao gồm: vốn Nhà nước 1.784 tỷ đồng, vốn ngoài Nhà nước 7.754 tỷ đồng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 1.252 tỷ đồng.
Vốn đầu tư toàn xã hội năm 2019, ước thực hiện 34.540,3 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch, tăng 10,6% so cùng kỳ, (trong đó: vốn đầu tư xây dựng cơ bản 23.718 tỷ đồng, chiếm 68,7% vốn đầu tư toàn xã hội, tăng 10% so cùng kỳ); bao gồm:
+ Nguồn vốn nhà nước: thực hiện 4.572,2 tỷ đồng, tăng 8,8% so cùng kỳ. Trong năm 2019, trên địa bàn tinh đã triển khai thực hiện 462 công trình (cấp tỉnh quản lý 147 công trình, dự án; cấp huyện 315 công trình, dự án, trong đó có 262 công trình sử dụng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng nông thôn mới theo nghị quyết 05/NQ-HĐND). Nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý các ban quản lý dự án, chủ đầu tư tạo điều kiện đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đối với các công trình trọng điểm và thiết yếu nên khối lượng thực hiện tăng hơn so cùng kỳ. Ngoài ra các nhà thầu khẩn trương thi công các công trình theo danh mục đã được tỉnh phân bổ vốn và công trình được Hội đồng nhân dân huyện thông qua; lập thủ tục giải ngân cho các công trình theo khối lượng hoàn thành. Đối với các dự án Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh các Ban quản lý dự án đã chủ động phối hợp với các Ban Quản lý dự án Trung ương để thực hiện. Các công trình còn lại đang tiếp tục thi công, tổ chức lựa chọn nhà thầu hoặc đang tiến hành công tác giải phóng mặt bằng.
+ Nguồn vốn ngoài nhà nước: thực hiện 25.001 tỷ đồng, tăng 14,6% so cùng kỳ. Nguồn vốn đầu tư thực hiện chủ yếu là các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động như sửa chữa tài sản phục vụ sản xuất kinh doanh, tập trung nhiều nhất là các ngành khai thác thủy sản, xay xát…
+ Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: thực hiện 4.967,1 tỷ đồng, giảm 5% so cùng kỳ. Năm 2019, các Khu và Cụm công nghiệp thu hút 5 dự án; trong đó có 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng 71,43% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư đăng ký 381.404.850 USD và 1.043,5 tỷ đồng, gấp 6 lần so cùng kỳ, diện tích cho thuê thêm 49,6 ha.
Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý quý IV/2019 thực hiện 1.356,1 tỷ đồng, tăng 7,1% so cùng kỳ; trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 1.111,6 tỷ đồng, tăng 7% so cùng kỳ. Năm 2019, thực hiện 3.368,7 tỷ đồng, đạt 104,5% kế hoạch, tăng 9,9% so cùng kỳ; gồm có: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 2.690,6 tỷ đồng, tăng 9,1%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 406,6 tỷ đồng, tăng 16,7%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 271,5 tỷ đồng, tăng 8,1% so cùng kỳ.
Thu hút đầu tư: ước năm 2019, trên địa bàn tỉnh thu hút được 24 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 13.592,6 tỷ đồng.
Giá trị sản xuất ngành xây dựng quý IV/2019, thực hiện 4.133,9 tỷ đồng, tăng 19,5% so quý III/2019; trong đó: doanh nghiệp nhà nước thực hiện 67 tỷ đồng, tăng 3%, doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện 2.059,3 tỷ đồng, tăng 3,4%, loại hình khác thực hiện 2.007,3 tỷ đồng, tăng 43,1%. Giá trị sản xuất ngành xây dựng quý IV/2019 tăng 16,5% so cùng kỳ; trong đó: doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 23,9%, loại hình khác tăng 6,5%.
Giá trị sản xuất ngành xây dựng năm 2019, thực hiện 12.650,6 tỷ đồng, tăng 10,3% so cùng kỳ; trong đó: doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện 6.134,7 tỷ đồng, tăng 24%, loại hình khác thực hiện 6.317,4 tỷ đồng, giảm 3%.
5. Tình hình phát triển của doanh nghiệp:
Tổng số doanh nghiệp thành lập mới ước tính trong quý IV/2019 là 205 doanh nghiệp. Từ đầu năm đến 15/11/2019 có 591 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 5.413 tỷ đồng; trong đó: vùng Trung tâm 370 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 2.702 tỷ đồng; vùng phía Tây 151 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 2.414 tỷ đồng và vùng phía Đông 70 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 297 tỷ đồng.
Ước năm 2019, có 750 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 7.000 tỷ đồng, đạt 100% so kế hoạch, tăng 7,1% về số doanh nghiệp so cùng kỳ. Vốn đầu tư bình quân là 9,3 tỷ đồng/doanh nghiệp (cùng kỳ 7 tỷ đồng/doanh nghiệp); có 600 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động. Bên cạnh đó, năm 2019 có 170 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm là 3.000 tỷ đồng; có 100 doanh nghiệp đăng ký giải thể, ngưng hoạt động. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh hiện có khoảng 5.565 doanh nghiệp hoạt động.
Trong năm 2019, có 24 hợp tác xã (HTX) được thành lập mới, giải thể 4 HTX. Đến cuối 2019, toàn tỉnh hiện có 01 Liên hiệp HTX nông nghiệp và 191 HTX, quỹ tín dụng nhân dân. Năm 2019, doanh thu hoạt động các HTX hoạt động trên các lĩnh vực ước 2.812 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ; thu nhập bình quân 4,9 triệu đồng/thành viên/tháng, tăng 2,7% so cùng kỳ.
6. Sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản:
a. Nông nghiệp:
* Trồng trọt:
Cây lương thực có hạt: năm 2019, gieo trồng 188.202 ha, đạt 95,5% kế hoạch, giảm 8,6% so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch 1.136.138 tấn, đạt 95,8% kế hoạch, giảm 10,6% chủ yếu là do diện tích gieo trồng lúa giảm 8,5% và năng suất thu hoạch giảm 2,3% do ảnh hưởng của thời tiết, nắng nóng, lúa trổ sớm, sương mù…; trong đó: cây lúa gieo sạ 184.236 ha, đạt 95,7% kế hoạch, giảm 8,5% so cùng kỳ; năng suất thu hoạch 60,9 tạ/ha, đạt 100,3% kế hoạch, giảm 2,3% so cùng kỳ với sản lượng thu hoạch 1.121.955 tấn, đạt 96% kế hoạch, giảm 10,6% so cùng kỳ.
- Cây lúa:
Vụ Đông Xuân 2018-2019: gieo sạ 64.860 ha, đạt 97,7% kế hoạch, giảm 5,7% so cùng kỳ do thực hiện đề án cắt vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với các vùng sản xuất lúa khó khăn về nguồn nước. Năng suất 71,9 tạ/ha, giảm 3,5% so cùng kỳ. Sản lượng 466.625 tấn, đạt 98,6% kế hoạch, giảm 9,1% so cùng kỳ.
Vụ Hè Thu: gieo sạ 92.466 ha, đạt 92% kế hoạch, giảm 11,4% so cùng kỳ; năng suất 55,7 tạ/ha, đạt 99,2% kế hoạch, giảm 2,6% so cùng kỳ; sản lượng 515.022 tấn, đạt 91,3% kế hoạch, giảm 13,7% so cùng kỳ do diện tích và năng suất đều giảm hơn cùng kỳ.
Vụ Thu Đông: gieo sạ 26.910 ha, đạt 105,2% kế hoạch, giảm 4,2% so cùng kỳ; năng suất 52,1 tạ/ha, đạt 101,8% kế hoạch, tăng 1,4% so cùng kỳ; sản lượng 140.308 tấn, đạt 107% kế hoạch, giảm 2,8% so cùng kỳ.
- Cây ngô: năm 2019 trồng 3.935 ha, đạt 84,4% kế hoạch, giảm 16,2% so cùng kỳ do người dân ở những xã thuộc hệ thống cống Bảo Định và một số xã hệ ngọt hóa Gò Công thuộc huyện Chợ Gạo đánh giá lợi nhuận từ cây ngô không cao, không ổn định nên đã chuyển đổi diện tích sang trồng cây Thanh long, một số cây ăn quả và hoa màu khác. Năng suất quy thóc 35,8 tạ/ha với sản lượng quy thóc 14.105 tấn, đạt 82,1% kế hoạch, giảm 16% so cùng kỳ chủ yếu do diện tích gieo trồng giảm.
Cây rau, đậu, gia vị các loại: năm 2019 gieo trồng 57.754 ha, đạt 100% kế hoạch, giảm 1,4% so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch 1.148.731 tấn, đạt 101,2% kế hoạch, tăng 0,6% so cùng kỳ; trong đó: rau, gia vị các loại 57.468 ha, giảm 1,4% so cùng kỳ với sản lượng 1.147.892 tấn, tăng 0,6% so cùng kỳ do tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật, mở rộng quy mô trồng rau trong nhà lưới kiểm soát được sâu bệnh, nhiều loại giống rau mới được đưa vào sản xuất nên năng suất tăng làm cho sản lượng tăng.
Cây lâu năm: toàn tỉnh hiện có 99.286 ha cây lâu năm, đạt 103,4% kế hoạch, tăng 5,8% so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch 1.652.323 tấn, đạt 102,3% kế hoạch, tăng 6,3% so cùng kỳ; trong đó cây ăn quả 78.675 ha, chiếm 79,2% diện tích, đạt 99,9% kế hoạch, tăng 6,5% so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch 1.485.566 tấn, đạt 99% kế hoạch, tăng 6% so cùng kỳ.
* Chăn nuôi: Ngành chuyên môn đã tham mưu Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên người, cây trồng và vật nuôi tỉnh tập trung chỉ đạo và phát huy tối đa nguồn nội lực để giữ vững, phát triển chăn nuôi và góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng theo phương châm “Phát hiện sớm, báo cáo nhanh, xử lý kịp thời và không để dịch lây lan trên diện rộng”, nhờ đó nông dân yên tâm sản xuất. Ước thời điểm 01/11/2019 tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 120,4 ngàn con, tăng 1,3%; đàn lợn 343,8 ngàn con, giảm 27,8%; đàn gia cầm (không kể chim cút) 15,5 triệu con, tăng 5,6% so cùng kỳ.
b. Lâm nghiệp:
Tổng diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh năm 2019 là 1.968,6 ha (không bao gồm diện tích rừng thuộc đất an ninh quốc phòng), gồm: rừng phòng hộ: 1.339,1 ha, rừng sản xuất: 629,5 ha. So với năm 2018, diện tích rừng giảm 78,6 ha do người dân khai thác rừng sản xuất ở huyện Tân Phước chuyển sang trồng cây ăn trái 70 ha và 8,6 ha rừng phòng hộ ven biển bị sạt lở. Năm 2019 không xảy ra cháy rừng.
Trồng cây phân tán: năm 2019 toàn tỉnh thực hiện trồng mới 638,1 ngàn cây các loại, giảm 45,9% so với cùng kỳ do giảm phát sinh trồng ở những xã đạt chuẩn nông thôn mới và dự kiến lên nông thôn mới. Những cây trồng mới chủ yếu là cây bạch đàn, tràm bông vàng lấy bóng mát, chắn gió cặp theo các tuyến đường đi, tuyến kênh, ven sông.
c. Thủy hải sản:
Quý IV/2019, thả nuôi 1.370 ha, giảm 3,7% so cùng kỳ. Thủy sản nước ngọt nuôi 691 ha, giảm 3,4% so cùng kỳ. Thủy sản nước mặn, lợ nuôi 679 ha, giảm 4,1% so cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch quý IV/2019 là 80.655 tấn, tăng 11,5% so cùng kỳ; trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi 41.857 tấn, tăng 1,4% so cùng kỳ; sản lượng khai thác 38.798 tấn, tăng 24,9% so cùng kỳ.
Năm 2019, thả nuôi 16.603 ha, đạt 103,9% kế hoạch, giảm 0,1% so cùng kỳ. Thủy sản nước ngọt nuôi 6.042 ha, đạt 106,5% kế hoạch, giảm 5,6% so cùng kỳ do thời tiết nắng nóng kéo dài, mực nước trên nội đồng thấp kết hợp với mặn xâm nhập vào nội địa nên người dân chỉ thả nuôi ở một số vùng có điều kiện thuận lợi. Thủy sản nước mặn, lợ nuôi 10.561 ha, đạt 102,5% kế hoạch, tăng 3,3% so cùng kỳ; diện tích nuôi tăng chủ yếu là diện tích nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông do thời tiết khá thuận lợi, giá tôm thương phẩm ổn định.
Sản lượng thủy sản năm 2019 thu hoạch được 320.301 tấn, đạt 111,2% kế hoạch, tăng 9,6% so cùng kỳ; trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi 189.067 tấn, đạt 112,5% kế hoạch, tăng 3,3% so cùng kỳ; sản lượng khai thác 131.234 tấn, đạt 109,4% kế hoạch, tăng 20,1% so cùng kỳ (trong đó: khai thác biển 125.534 tấn, đạt 108,3% kế hoạch, tăng 20,8% so cùng kỳ) do đầu tư cải hoán và đóng mới tàu, thời tiết thuận lợi cho hoạt động khai thác, ngư trường năm nay có nhiều loại cá hơn nên bà con ngư dân đã khai thác đạt sản lượng cao so cùng kỳ.
7. Sản xuất công nghiệp:
Giá trị sản xuất công nghiệp địa phương năm 2019 theo giá so sánh 2010 thực hiện 87.846,6 tỷ đồng, tăng 9,9% so cùng kỳ. Trong đó: khu vực kinh tế nhà nước 1.030,8 tỷ đồng, tăng 4,8%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước 40.624,3 tỷ đồng, tăng 9,9%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 46.191,5 tỷ đồng, tăng 10%. Phân theo ngành công nghiệp: ngành công nghiệp chế biến chế tạo thực hiện 86.743 tỷ đồng, tăng 9,8%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí thực hiện 617,8 tỷ đồng, tăng 8,1%; ngành công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải thực hiện 485,8 tỷ đồng, tăng 16% so cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 12/2019 tăng 3,7% so tháng 11/2019 và tăng 9,5% so cùng kỳ, các ngành chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh sản xuất ổn định và tăng so cùng kỳ; trong đó: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 4,6%, sản xuất đồ uống tăng 4,3%, sản xuất trang phục tăng 21,9%, sản xuất kim loại tăng 7%...
Chỉ số sản xuất công nghiệp quý IV/2019 tăng 10,3% so cùng kỳ; trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,2% (tập trung ở một số ngành chủ yếu sau: dệt tăng 23,9%, sản xuất trang phục tăng 15,4%, sản xuất đồ uống tăng 11,9%, sản xuất kim loại tăng 20,5%...); ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 10,3%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 16,1%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2019 tăng 11,1% so cùng kỳ; trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,1% (tập trung ở một số ngành chủ yếu sau: sản xuất trang phục tăng 36,2%, sản xuất đồ uống tăng 21,8%, sản xuất kim loại tăng 14,1%...); ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 8,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 18,9%.
* Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo:
- Chỉ số tiêu thụ tháng 12/2019 so với tháng trước tăng 2,3% và giảm 7,7% so cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 12/2019 giảm 1,2% so cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: sản xuất đồ uống tăng 21,8%; dệt tăng 14,6%; sản xuất trang phục tăng 21%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 4,9%; sản xuất sản phẩm cao su và plastic tăng 11,3%; sản xuất kim loại tăng 16,5%... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ là: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 7,9%; sản xuất da giảm 3,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 0,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 3,5%...
- Chỉ số tồn kho tháng 12/2019 so với tháng trước tăng 10,4% và so với cùng kỳ tăng 36%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ là: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 49,9%; sản xuất đồ uống bằng gấp 9,2 lần; dệt bằng gấp 3,1 lần; sản xuất trang phục bằng gấp 6,7 lần; sản xuất da tăng 53,7%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 27,6%… Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng kỳ là: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 65,8%; sản xuất kim loại giảm 62,5%; sản xuất thiết bị điện giảm 53,8%; công nghiệp chế biến chế tạo khác giảm 84,1%...
Tình hình thu hút đầu tư và phát triển các khu - cụm công nghiệp:
- Khu công nghiệp: tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.083,5 ha; trong đó có 4 khu công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động. Trong tháng, không thu hút dự án đầu tư mới.
Năm 2019, thu hút 4 dự án (trong đó có 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) bằng 42,9% so với cùng kỳ, tổng vốn đầu tư đăng ký 346,9 triệu USD và 715 tỷ đồng gấp 5,3 lần so cùng kỳ và gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch năm 2019; diện tích cho thuê thêm 41,4 ha, tăng 204% so với cùng kỳ và điều chỉnh 22 dự án, trong đó có 7 dự án điều chỉnh tăng vốn với vốn đầu tư tăng thêm là 34,5 triệu USD bằng 32% so với cùng kỳ, tăng diện tích thuê đất thêm 8,2 ha, giảm 23,1% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư trong các Khu công nghiệp năm 2019 là 381,4 triệu USD và 715 tỷ đồng, tăng 111,2% so với cùng kỳ, diện tích cho thuê là 49,6 ha, tăng 104,4% so với cùng kỳ.
Đến năm 2019, tổng số dự án tại các khu công nghiệp là 104 dự án (trong đó có 73 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.228 triệu USD và 4.781 tỷ đồng, diện tích đất đã cho thuê 544,2ha/765,2 ha, đạt 71,1% diện tích đất của 4 khu công nghiệp đang hoạt động.
- Cụm công nghiệp: trên địa bàn tỉnh có 27 cụm công nghiệp được quy hoạch; trong đó có 4 cụm công nghiệp đang hoạt động. Năm 2019, đã cấp mới 01 dự án với tổng vốn 250,3 tỷ đồng và điều chỉnh 2 dự án với vốn đầu tư tăng 78,2 tỷ đồng. Đến năm 2019, tổng số dự án đầu tư tại các cụm công nghiệp là 80 dự án (trong đó: có 7 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư 4.530,4 tỷ đồng, diện tích thuê đất là 78,6 ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 96,9%.
8. Thương mại, dịch vụ:
a. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng:
Ước tính doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 12/2019 đạt 4.351,6 tỷ đồng, tăng 2,4% so tháng trước. Phân ngành kinh tế, hầu hết các nhóm ngành hàng đều tăng so tháng trước, một số nhóm chiếm tỉ trọng cao tăng làm chỉ số tăng như: cao nhất là lương thực thực phẩm đạt 1.478,5 tỷ đồng, chiếm 34%, tăng 2,7% so tháng trước; đồ dùng dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 1,3%, gỗ và vật liệu xây dựng tăng 5%, xăng dầu các loại tăng 2,4%… do nhu cầu tiêu dùng các tháng cuối năm tăng.
Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng quý IV/2019 thực hiện đạt 16.121 tỷ đồng, tăng 12,7% so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 12.737 tỷ đồng, tăng 13%; lưu trú 26 tỷ đồng, tăng 16,7%; ăn uống 1.708 tỷ đồng, tăng 13,1%; du lịch lữ hành 24 tỷ đồng, tăng 5,7%; dịch vụ 1.626 tỷ đồng, tăng 10,3% so cùng kỳ.
Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2019 thực hiện 62.059,8 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch, tăng 10,1% so cung kỳ. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 49.156,6 tỷ đồng, tăng 10,3%; lưu trú 123,2 tỷ đồng, tăng 11,6%; ăn uống 6.500,7 tỷ đồng, tăng 10,1%; du lịch lữ hành 112,9 tỷ đồng, tăng 12,5%; dịch vụ 6.166,4 tỷ đồng, tăng 8,7% so cùng kỳ; trong đó: nhóm hàng chiếm tỉ trọng cao nhất là lương thực, thực phẩm 37,7% với doanh thu đạt 17.491,6 tỷ đồng, tăng 4,2% so cùng kỳ. Thị trường hàng hóa và giá cả tương đối ổn định, không có biến động lớn, hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các dịp như Tết Nguyên đán, Giỗ tổ mùng 10/3 và Lễ 30/4, 1/5 sức mua của người dân tăng hơn bình thường ở các nhóm như lương thực, đồ dùng gia đình, hàng may mặc và một số hàng hóa thiết yếu.
b. Xuất - Nhập khẩu:
* Xuất khẩu:
Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2019 ước 198,8 triệu USD, giảm 32,8% so tháng trước; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước 41,3 triệu USD, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 156,9 triệu USD. Xuất khẩu tập trung ở một số mặt hàng: thủy sản 19,4 triệu USD; túi xách, ví, vali, mũ và ô dù 20,1 triệu USD; dệt may 43,9 triệu USD, giài dép các loại 36,9 triệu USD…
Quý IV/2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước 685,5 triệu USD, đạt 22,9% kế hoạch, giảm 17,1% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế nhà nước 3,8 triệu USD, giảm 72,5%, kinh tế ngoài nhà nước 151,9 triệu USD, giảm 15,7%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 529,8 triệu USD, giảm 16,2% so cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất khẩu trong quý IV/2019 tăng so cùng kỳ như: thủy sản 87 triệu USD, tăng 22,9%; rau quả 7 triệu USD, tăng 52,4%; sắt thép 11,7 triệu USD, tăng 5,9%; giày dép các loại 116 triệu USD, tăng 9,2%...
Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2019 ước đạt 3.051,5 triệu USD, đạt 101,7% kế hoạch, tăng 13,7% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế nhà nước 23 triệu USD, giảm 76,5%; kinh tế ngoài nhà nước 676,2 triệu USD, tăng 7,2%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 2.352,3 triệu USD, tăng 20,3% so cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh trong năm 2019 như sau:
- Thủy sản: ước xuất 134.618 tấn, tăng 24,9% so cùng kỳ, về giá trị đạt 348,7 triệu USD, tăng 17,9% so cùng kỳ.
- Gạo: ước tính xuất 136.511 tấn, giảm 48,2% so cùng kỳ, về giá trị đạt 63,3 triệu USD, giảm 54,9% so cùng kỳ.
- May mặc: xuất 74.750 ngàn sản phẩm, giảm 7,1%, trị giá đạt 576,5 triệu USD, tăng 3,5% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc chiếm 19% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh nhưng nguyên phụ liệu chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
* Nhập khẩu:
Tháng 12/2019, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 94,9 triệu USD, giảm 11,2% so tháng trước; trong đó: kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhập 86 triệu USD, giảm 8,9% so tháng trước.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa quý IV/2019 thực hiện 289,9 triệu USD, đạt 16,1% kế hoạch, giảm 17,3% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước 28,4 triệu USD, giảm 24,9%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 261,5 triệu USD, giảm 16,4% so cùng kỳ. Một số mặt hàng nhập khẩu quý IV/2019 tăng so cùng kỳ như: xơ, sợi dệt các loại 3,4 triệu USD, tăng 76,1%; sản phẩm từ kim loại thường 3,2 triệu USD, tăng 28,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ 21,5 triệu USD, tăng 266,7%...
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2019 thực hiện 1.942,5 triệu USD, đạt 107,9% kế hoạch, tăng 38% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước 121,6 triệu USD, giảm 10,3%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 1.820,9 triệu USD, tăng 43,2% so cùng kỳ; nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng cho ngành dệt may 376,2 triệu USD, chiếm 19,4%; kim loại thường 447 triệu USD, chiếm 23%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 537,3 triệu USD, chiếm 27,7%... trong tổng kim ngạch nhập khẩu.
c. Vận tải:
- Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải:
Quý IV/2019 thực hiện 638 tỷ đồng, tăng 6,3% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu vận tải hành khách thực hiện 199 tỷ đồng, giảm 0,8% so cùng kỳ; vận tải hàng hóa thực hiện 380 tỷ đồng, tăng 6,5% so cùng kỳ. Vận tải đường bộ thực hiện 321 tỷ đồng, giảm 3,2%; vận tải đường thủy thực hiện 257 tỷ đồng, tăng 14,3%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 60 tỷ đồng, tăng 37,6% so cùng kỳ.
Năm 2019 thực hiện 2.496 tỷ đồng, tăng 8,2% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu vận tải hành khách thực hiện 782 tỷ đồng, tăng 8,9% so cùng kỳ; vận tải hàng hóa thực hiện 1.516 tỷ đồng, tăng 8,7% so cùng kỳ. Vận tải đường bộ thực hiện 1.326 tỷ đồng, tăng 4,1%; vận tải đường thủy thực hiện 972 tỷ đồng, tăng 15,9%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 198 tỷ đồng, tăng 2,2% so cùng kỳ.
- Vận chuyển hành khách:
Quý IV/2019 đạt 9.154 ngàn hành khách, tăng 18,4% và luân chuyển 201.378 ngàn hành khách.km, tăng 5,6% so cùng kỳ; trong đó: vận chuyển đường bộ 4.215 ngàn hành khách, tăng 0,8% và luân chuyển 190.631 ngàn hành khách.km, tăng 2,6% so cùng kỳ; vận chuyển đường thủy 4.939 ngàn hành khách, tăng 39% và luân chuyển 10.747 ngàn hành khách.km, tăng 119,3% so cùng kỳ.
Năm 2019 đạt 33.069 ngàn hành khách, tăng 16,5% và luân chuyển 904.357 ngàn hành khách.km, tăng 1,6% so cùng kỳ; trong đó: vận chuyển đường bộ 17.509 ngàn hành khách, tăng 2,3% và luân chuyển 904.357 ngàn hành khách.km, tăng 1,6% so cùng kỳ; vận chuyển đường thủy 15.560 ngàn hành khách, tăng 38,3% và luân chuyển 32.831 ngàn hành khách.km, tăng 73% so cùng kỳ.
- Vận tải hàng hóa:
Quý IV/2019 đạt 3.525 ngàn tấn, tăng 24,1% và luân chuyển được 478.664 ngàn tấn.km, tăng 2,6% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ thực hiện 784 ngàn tấn, tăng 17,1% và luân chuyển được 103.917 ngàn tấn.km, tăng 18,6% so cùng kỳ; vận tải đường thủy thực hiện 2.741 ngàn tấn, tăng 26,3% và luân chuyển được 374.747 ngàn tấn.km, giảm 1,1% so cùng kỳ.
Năm 2019 đạt 14.265 ngàn tấn, tăng 8,3% và luân chuyển được 1.750.959 ngàn tấn.km, tăng 3,6% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ thực hiện 3.691 ngàn tấn, tăng 4,7% và luân chuyển được 404.734 ngàn tấn.km, tăng 5,1% so cùng kỳ; vận tải đường thủy thực hiện 10.574 ngàn tấn, tăng 9,6% và luân chuyển được 1.346.225 ngàn tấn.km, tăng 3,2% so cùng kỳ.
d. Du lịch:
Tổng số khách du lịch trong tháng 12/2019 đạt 176,1 ngàn lượt, tăng 1,2% so tháng trước; trong đó: khách quốc tế đạt 57,9 ngàn lượt tăng 0,5%.
Quý IV/2019, khách du lịch đạt 523,1 ngàn lượt, tăng 13,4% so cùng kỳ; trong đó: khách quốc tế 172,9 ngàn lượt, tăng 20,3%.
Ước tính lượng khách du lịch đến tỉnh trong năm 2019 đạt 2.025,5 ngàn lượt, đạt 96,5% kế hoạch, tăng 7,5% so cùng kỳ; trong đó: khách quốc tế 649,7 ngàn lượt, đạt 77,3% kế hoạch, tăng 4,9% so cùng kỳ. Trong tổng số khách du lịch thì khách do các cơ sở lưu trú phục vụ 1.153,4 ngàn lượt, khách do các cơ sở du lịch lữ hành hành phục vụ 872,1 ngàn lượt. Doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt 6.736,8 tỷ đồng, tăng 10,1% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 98,3%.
e. Bưu chính viễn thông:
Năm 2019, doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông đạt 2.834 tỷ đồng, đạt 113,3% kế hoạch, tăng 9,1% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính 224 tỷ đồng, tăng 2,2%; doanh thu viễn thông 2.610 tỷ đồng, tăng 9,7%; doanh thu tăng tập trung vào tháng có ngày nghỉ lễ do nhu cầu sử dụng dịch vụ tăng.
Tổng số thuê bao điện thoại có trên mạng đến cuối tháng 12/2019 là 110.630 thuê bao (chỉ tính thuê bao cố định và di động trả sau); thuê bao điện thoại bình quân đạt 6,3 thuê bao/100 dân. Số lượng điện thoại cố định có dây, không dây tiếp tục giảm, do thị trường phát triển thuê bao dần bảo hòa và giá cước điện thoại ngày càng giảm cho nên khách hàng chuyển sang sử dụng điện thoại di động, trong đó chủ yếu là điện thoại di động trả trước. Số điện thoại di động có sử dụng Internet 3G đến cuối tháng 11/2019 là 994.365 thuê bao.
Tổng số thuê bao Internet phát triển mới trong năm 2019 là 66.517 thuê bao (trong đó: ADSL giảm 3.863 thuê bao; FTTH tăng 70.380 thuê bao); số thuê bao Internet trên mạng có đến cuối tháng 12/2019 là 226.560 thuê bao; mật độ Internet bình quân ước đạt 12,8 thuê bao/100 dân.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Lao động, giải quyết việc làm:
Dân số trung bình của tỉnh năm 2019 ước tính 1.765.962 người, tăng 0,1% so với năm 2018, bao gồm: dân số nam 865.620 người, chiếm 49% tổng dân số, tăng 0,1%; dân số nữ 900.342 người, chiếm 51%, tăng 0,2%. Dân số khu vực thành thị là 247.583 người, chiếm 14% tổng dân số, giảm 9,4% so với năm trước; dân số khu vực nông thôn là 1.518.379 người, chiếm 86%, tăng 1,9% so với năm trước. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2019 là 1.381.079 người, tăng 0,9% so với năm 2018, trong đó lao động nam là 662.009 người, chiếm 47,9%; lao động nữ là 719.070 người, chiếm 52,1%; lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 210.346 người, chiếm 15,2%; lực lượng lao động ở nông thôn là 1.170.733 người, chiếm 84,8%.
Các hoạt động hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm và tổ chức các phiên giao dịch việc làm được thực hiện tốt. Trong năm đã giới thiệu việc làm cho 2.650 lượt lao động; có 1.378 lao động có được việc làm ổn định; có 349 lao động đi làm việc ở nước ngoài; có 15.351 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có 15.042 người đã có quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền chi trả trên 213,1 tỷ đồng. Tổ chức 14 phiên giao dịch việc làm với 63 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với nhu cầu tuyển dụng là 13.500 lao động, thu hút trên 1.841 lượt lao động tham gia trực tiếp và hàng ngàn lượt tham gia gián tiếp qua website của Trung tâm dịch vụ việc làm.
Tình hình lao động việc làm trong các khu - cụm công nghiệp:
- Khu công nghiệp: có khoảng 90.622 lao động, trong đó có 952 lao động nước ngoài, không thuộc diện cấp giấy phép 29 lao động, đã cấp giấy phép 872 lao động, còn lại chưa nộp hồ sơ cấp giấy phép lao động và xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép 51 lao động.
- Cụm công nghiệp: có khoảng 17.473 lao động, trong đó có 27 lao động nước ngoài, không thuộc diện cấp phép 3 lao động, đã cấp phép 24 lao động.
Qua công tác giám sát, kiểm tra và ghi mã điều tra lao động việc làm năm 2019 trên địa bàn tỉnh cho thấy: Hiện nay tại địa bàn của tỉnh đang có hình thức làm việc mới và ngày càng nhiều so với các năm trước đây đó chính là buôn bán hàng trực tuyến (online) các mặt hàng chủ yếu là quần áo, giày dép, túi xách,… Vì vậy đã góp phần giải quyết được phần nào tình trạng việc làm cho người lao động trong thời gian qua nhưng nguy cơ thất nghiệp của những người này lại cao do đây là công việc thời vụ.
Theo số liệu sơ bộ trong năm 2019 thì tỷ lệ lao động thất nghiệp chung của toàn tỉnh là 1,6% (không tăng/giảm so cùng kỳ). Nhưng xét riêng cho khu vực thành thị thì tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị trong năm lại tăng so với cùng kỳ từ 2,8% năm 2018 lên 3,3% năm 2019 (tăng 0,5 điểm phần trăm) và khu vực nông thôn từ 1,1% xuống còn 0,9% (giảm 0,3 điểm phần trăm).
Sở dĩ, số lao động thất nghiệp khu vực thành thị năm 2019 có phần tăng hơn so cùng kỳ là do có một số lao động đã làm việc những công việc không phù hợp nên đã nghỉ việc; một số lao động làm việc theo thời vụ hay do thời tiết nên tạm thời nghỉ việc và đang tìm việc làm; một số lao động là lao động phổ thông làm việc tại các doanh nghiệp lớn, thuộc các nhóm ngành nghề: may mặc, giày da, túi xách, bao bì, thủy sản,…đã chủ động nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp, sau đó tìm kiếm công việc mới vì hiện nay nhu cầu tuyển dụng nguồn lao động phổ thông rất lớn nên người lao động phổ thông dễ tìm việc làm và một số khác là sinh viên mới tốt nghiệp ra trường đang tìm kiếm việc làm,.... Vì vậy, đã làm cho tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị năm 2019 tăng so với cùng kỳ năm 2018.
2. Đời sống dân cư và an sinh xã hội:
Tình hình sản xuất nông nghiệp cũng gặp không ít khó khăn như tình hình giá đầu ra một số loại nông sản, thủy sản không ổn định; bệnh trên người, vật nuôi còn xảy ra nhiều nơi; biến đổi khí hậu; tình trạng sạt lở, xâm thực khu vực bờ biển, bờ sông, kênh rạch đang diễn ra khá nghiêm trọng ở vùng phía Đông và phía Tây; tình hình ô nhiễm môi trường nhiều nơi chưa được xử lý triệt để; công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều bất cập, chưa được kiểm soát tốt… gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân. Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cùng với đoàn thể các cấp đã kịp thời có những chính sách hỗ trợ giúp người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh.
Công tác đền ơn, đáp nghĩa, các chính sách đối với gia đình người có công với cách mạng: Tổ chức tốt công tác thăm, tặng quà gia đình chính sách nhân dịp Tết cổ truyền 2019, lễ 30/4, kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7; tổ chức lễ trao bằng Danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 22 mẹ và huân chương Độc lập cho 136 gia đình có nhiều liệt sĩ; lập quyết định đưa 855 lượt người có công (chia thành 9 đợt) đi điều dưỡng tập trung tại Lâm Đồng, Đà Nẵng, Phú Yên và tổ chức đưa 125 người có công (chia thành 5 đợt) đi Hà Nội, Phú Quốc và Côn đảo. Vận động đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa được 12,9 tỷ đồng, đạt 128,9% kế hoạch năm; xây mới 140 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 5,6 tỷ đồng, đạt 107,7% kế hoạch; sửa chữa 131 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 2,6 tỷ đồng đạt 374,3% kế hoạch từ nguồn vận động.
Công tác giảm nghèo: tập trung thực hiện các giải pháp giảm nghèo, chú trọng đầu tư cho những vùng khó khăn; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp chỉ đạo triển khai chương trình dự án giảm nghèo của tỉnh và những dự án do ngành làm chủ; đẩy mạnh tổ chức thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, tỉnh đã chú trọng đầu tư cho những vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, nhất là huyện Tân Phú Đông, 11 xã bãi ngang viên biển; triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo tỉnh giảm từ 3,41% xuống còn 2,51% vào cuối năm.
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em: luôn được chú trọng, tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí đa dạng và phong phú cho trẻ em, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền với chủ đề “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số” nhằm thực hiện hiệu quả quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và thế giới công nghệ số; tuyên truyền và phát động mọi thành phần xã hội cùng tham gia hưởng ứng “Tháng hành động vì trẻ em từ 01/6/2019 – 30/6/2019; tổ chức “Diễn đàn trẻ em” và Hội thi kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em với chủ đề “Trẻ em với các vấn đề về trẻ em”. Quỹ Bảo trợ trẻ em vận động gần 12,7 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và hàng hóa), hỗ trợ cho khoảng 75 ngàn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trong toàn tỉnh.
3. Hoạt động giáo dục:
Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2019 Tiền Giang đạt 8 giải, trong đó có 01 giải nhất (Sinh học), 01 giải nhì (Sinh học), 02 giải ba (Sinh học, Ngữ văn), 04 giải khuyến khích (Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Địa lý), xếp hạng 60/69 đơn vị dự thi toàn quốc; xếp hạng 7/13 các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.
Xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) sau phúc khảo, kết quả có 12.897/13.378, tỷ lệ 96,4% (trong đó có 11 thí sinh diện miễn thi; 6 thí sinh diện đặc cách và 7 thí sinh tự do); Có 22.678/22.700 (tỷ lệ 99,9%) học sinh được công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở năm 2019, trong đó 7.521 xếp loại giỏi, 8.082 loại khá và 7.215 loại trung bình (hỏng 22 học sinh). Số liệu thống kê học sinh đầu năm học 2019 - 2020 như sau: Tiểu học có 188 trường, 136.706 học sinh; Trung học cơ sở 124 trường, 100.044 học sinh; Trung học phổ thông có 38 trường, 43.890 học sinh.
Trường Đại học Tiền Giang triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm theo đúng kế hoạch. Trình độ giảng viên từng bước được nâng lên cơ bản đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Quy mô đào tạo của trường là 7.543 học sinh, sinh viên, trong đó trường đào tạo cấp bằng là 6.026 và liên kết đào tạo là 1.517. Kết quả tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019 được 1.428 sinh viên, đạt 68,3% kế hoạch; trong đó: đại học có 1.062 sinh viên, đạt 75,3%; cao đẳng có 365 sinh viên, đạt 53,7%.
4. Hoạt động y tế:
Công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh, tuyên truyền giáo dục và vận động cộng đồng tham gia vào công tác phòng chống dịch; tăng cường công tác giám sát dịch trễ, phát hiện sớm và bao vây dập tắt ổ dịch kịp thời khi xảy ra, khống chế không để dịch lớn bùng phát. So với cùng kỳ có 12 bệnh giảm (bệnh do liên cầu lợn ở người giảm 75%, bệnh quai bị giảm 56,3%, bệnh cúm giảm 50%, ho gà giảm 42,9%, bệnh sốt rét giảm 33,3%,…); có 12 bệnh tăng (bệnh sốt xuất huyết Dengue tăng 127,2%, bệnh thương hàn tăng 108.3%, bệnh viêm gan vi rút B tăng 59,8%, bệnh thủy đậu tăng 22,4%, bệnh tay-chân-miệng tăng 10,7%, bệnh tiêu chảy tăng 8,7%,…); có 5 trường hợp tử vong do bệnh sốt xuất huyết (03 trường hợp), tay-chân-miệng (01 trường hợp) và cúm (01 trường hợp). Nhiễm HIV/AIDS: phát hiện 279 cas mới nhiễm HIV giảm 32 cas so cùng kỳ, số cas mới AIDS là 24 cas giảm 12 cas; lũy kế đến nay số người nhiễm HIV là 5.407 cas, số cas AIDS là 1.773 cas và tử vong do AIDS là 959 cas.
Tình hình khám chữa bệnh tại các tuyến tương đối ổn định. Trong năm đã khám chữa bệnh cho 5.680.233 lượt người giảm 1,5% so cùng kỳ, trong đó điều trị nội trú 256.830 lượt người giảm 6,2%. Công suất sử dụng giường bệnh bình quân của các cơ sở điều trị đạt 100,2%, bệnh viện tuyến tỉnh đạt 119,5%, các bệnh viện chuyên khoa đạt 84,5%, bệnh viện tuyến huyện đạt 75,9%... Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được ngành y tế quan tâm thực hiện, có 12.495 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra; kết quả có 12.188 lượt cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt 97,5%; ngộ độc thực phẩm xảy ra 2 vụ với 45 người mắc, không có trường hợp tử vong.
5. Hoạt động văn hóa - thể thao:
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ với nhiều hình thức đa dạng, sôi nổi, phong phú về nội dung gắn liền với các ngày lễ, sự kiện quan trọng của đất nước: kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 90 năm ngày truyền thống Liên đoàn lao động Việt Nam; 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng; 40 năm ngày thành lập huyện Gò Công Tây; 30 năm ngày truyền thống Hội Cựu chiến binh; 340 năm Đô thị Mỹ Tho; lễ truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Lễ hội Anh hùng dân tộc Trương Định; lễ hội Văn hóa Du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp lần IV, lễ truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và trao Huân chương Độc lập cho gia đình liệt sĩ; … Trung tâm văn hóa tỉnh Tham gia liên hoan Tuyên truyền lưu động kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh và truyền thống Bộ đội Trường Sơn 19/5/1959-19/5/2019 với chủ đề “Trường Sơn – Con đường huyền thoại”, kết quả đạt: 01 giải A, 03 giải B; Liên hoan tiếng hát Đường 9 xanh năm 2019 tại tỉnh Quảng Trị, kết quả đạt 03 HCB; Tổ chức 7 cuộc thi liên hoan cấp tỉnh và 05 cuộc trưng bày, triển lãm với các chủ đề: “Sắc màu cuộc sống”, “Sức sống”, “Công nhân Tiền Giang trên chặng đường mới”, và 02 cuộc trưng bày hoa lan chào mừng các ngày kỷ niệm; thực hiện 500 buổi chiếu phim lưu động, triển khai 1.170 lá cờ các loại, 154 tấm băng ron, 10 pano, thu âm 12 đĩa, 62 lượt xe hoa tuyên truyền...
Hoạt động thư viện tỉnh đã phục vụ được 100 nghìn lượt bạn đọc, với 200 nghìn lượt sách báo được lưu hành, bổ sung được 5.711 bản sách; tiếp nhận 1.774 bản sách các loại, luân chuyển trên 7.010 bản sách đến các thư viện huyện, phòng đọc cơ sở và các trường tiểu học trong tỉnh.
Phong trào thể dục, thể thao tiếp tục được duy trì và phát triển với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Tham gia giải Bóng đá hạng nhì Quốc gia năm 2019, kết quả xếp hạng 4/6 đội; tham dự 50 giải Quốc tế, Quốc gia và khu vực, kêt quả đạt: 53 HCV, 90 HCB, 126 HCĐ, trong đó tham dự giải quốc tế đạt 3 HCV, 5 HCB và 8 HCĐ.
6. Tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội: (Theo báo cáo của Ngành công an).
Tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống có hiệu quả một số tội phạm, tệ nạn xã hội; tích cực vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc... Qua đó đã giữ vững ổn định an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, kiềm giảm tội phạm. Đến nay, tội phạm về trật tự xã hội xảy ra 718 vụ giảm 1,6% so với năm 2018, làm chết 17 người, bị thương 79 người, tài sản thiệt hại trị giá khoảng 21,1 tỷ đồng. Điều tra khám phá án đạt 75,2%, bắt xử lý 540 đối tượng, thu hồi tài sản trị giá khoảng 3,8 tỷ đồng; làm tan rã 6 ổ nhóm, bắt xử lý hình sự 43 đối tượng chuyên trộm cắp, cướp tài sản và gây rối trật tự công cộng...; triệt xóa 331 tụ điểm với 2.164 đối tượng cờ bạc (trong đó, xử lý hình sự 16 vụ, 65 đối tượng đánh bạc và tổ chức đánh bạc).
Công tác phòng chống tội phạm kinh tế, ma túy, môi trường, xử lý tệ nạn cờ bạc tiếp tục được tăng cường và phát huy hiệu quả. Phát hiện, xử lý 196 vụ, 221 đối tượng phạm tội về ma túy, xử lý vi phạm hành chính 2.377 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy; phát hiện, khởi tố 8 vụ với 7 bị can phạm tội trên lĩnh vực kinh tế; 2 vụ-3 bị can phạm tội trên lĩnh vực tham nhũng, thiệt hại tài sản khoảng 253 tỷ đồng (đã thu hồi 210 tỷ đồng);...
7. Trật tự an toàn giao thông: (Theo báo cáo của Ngành công an).
Giao thông đường bộ: Năm 2019 đã xảy ra 326 vụ tai nạn, làm chết 220 người, làm bị thương 182 người; so cùng kỳ tai nạn tăng 14 vụ, số người chết tăng 9 người, số người bị thương giảm 3 người. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ xảy ra 80.775 vụ giảm 20.233 vụ so cùng kỳ. Đã xử lý tạm giữ giấy tờ và phương tiện 39.513 vụ, tước giấy phép lái xe 2.357 vụ và phạt tiền 44.517 vụ với số tiền 29.943 triệu đồng.
Giao thông đường thủy: Năm 2019, xảy ra 6 vụ tai nạn, giảm 1 vụ so cùng kỳ. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy xảy ra 20.323 vụ, giảm 5.170 vụ so cùng kỳ. Đã xử lý lập biên bản tạm giữ giấy tờ 4.191 vụ và phạt tiền 16.132 vụ với số tiền phạt: 6.124,5 triệu đồng.
8. Tình hình cháy nổ, môi trường:
Từ đầu năm đến nay xảy ra 17 vụ cháy, làm chết 01 người, tổng giá trị tài sản thiệt hại ước tính trên 16 tỷ đồng, nguyên nhân do sự cố điện 06 vụ, bất cẩn 02 vụ, tự sinh nhiệt 01 vụ, hàn gây cháy 01 vụ, khác 03 vụ, đang điều tra 04 vụ. Vi phạm môi trường được phát hiện và xử lý 72 vụ với tổng số tiền xử phạt trên 01 tỷ đồng. Nội dung vi phạm chủ yếu do thực hiện không đúng kế hoạch bảo vệ môi trường, thải khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật, xả nước thải vào nguồn nước vượt chuẩn cho phép, khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường không giấy phép, khoan thăm dò và khai thác nước dưới đất không giấy phép, sử dụng đất không đúng mục đích, lấn chiếm đất; xử lý khí thải lò không đạt quy chuẩn môi trường.
9. Thiệt hại do thiên tai:
Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 cơn lốc xoáy ở các huyện: Cái Bè, Tân Phước, Cai lậy, Châu Thành, Gò Công Tây, TX. Gò Công và Thành phố Mỹ Tho đã gây thiệt hại về nhà 330 căn (chủ yếu tốc mái), 1.160 cây ăn quả thiệt hại 100%, sập 17 Ki ốt, 120 gian hàng (hội chợ), ngã 04 trụ điện, sạt lở 30m, tốc mái 01 trường học, 12 điểm trường bị ảnh hưởng, 60m dây điện, 02 cái trung và cao thế, 6.000 hộ bị ảnh hưởng, 15.000 người bị ảnh hưởng. Ước tổng thiệt hại khoảng 12.278 triệu đồng. Ngay sau khi xảy ra vụ việc trên, Ban chỉ huy Phòng cống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện đã chỉ đạo các ngành phối hợp địa phương tổ chức khắc phụ để ổn định cuộc sống người dân.
Tại các huyện đầu nguồn phía Tây của tỉnh đã xảy ra hàng trăm điểm sạt lở lớn, nhỏ với tổng chiều dài gần 4.700m. Ước tính kinh phí đầu tư khắc phục trên 48 tỷ đồng. Trong đó, tại huyện Cái Bè có 42 điểm sạt lở với tổng chiều dài 2.550m; huyện Cai Lậy có 48 điểm sạt lở có chiều dài 1.709m, các điểm sạt lở còn lại nằm trên địa bàn thị xã Cai Lậy. Trước tình hình trên, tỉnh đã trích kinh phí trên 42 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương xử lý các điểm sạt lở không để ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân./.