Một dây chuyền sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN) EABC sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cùng các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại các nước Đông Á tiếp cận với nguồn vốn, thị trường quốc tế...
Tập trung thúc đẩy các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ là chủ đề được chọn cho năm 2020 củaHội đồng Doanh nghiệp các quốc gia Đông Á(EABC) sau khi Việt Nam được chuyển giao vai trò Chủ tịch từ đại diện Trung Quốc.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, sẽ có rất nhiều nhiệm vụ cần phải thực hiện khi Việt Nam ở cương vị này trong năm 2020.
Ưu tiên việc thúc đẩy các chính sách kinh tế và thương mại liên quan đến kinh doanh nhằm bảo đảm hội nhập khu vực và tăng trưởng bền vững cho Đông Á thông qua việc hiện thực hóa Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Bên cạnh đó, năm nay,EABCsẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) cùng cácdoanh nghiệp do phụ nữ làm chủtại các nước Đông Á tiếp cận với nguồn vốn, thị trường quốc tế và tham gia thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua sự hợp tác với các đối tác của EABC.
Ngoài ra, EABC sẽ tối ưu hóa tiềm năng nguồn nhân lực, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới dựa trên số hóa cho một tương lai kỹ thuật số bao trùm cho khu vực Đông Á.
"Điều này phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước; đồng thời là cơ hội cho nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các nền kinh tế Đông Á và thế giới," Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Năm nay cũng là năm Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và tiếp nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) với nhiều chủ trương, ý tưởng và hành động ưu tiên nhằm tăng cường hợp tác của doanh nghiệp trong khu vực, thúc đẩy hơn nữa trao đổi thương mại và đầu tư và hội nhập kinh tế quốc tế.
Tiếp nối chủ đề của ASEAN BAC 2019 là “Trao quyền ASEAN 4.0”, năm nay, chủ đề của ASEAN BAC 2020 sẽ là "ASEAN số vì sự phát triển bền vững." Theo đó, tiếp tục nhấn mạnh tác động của kỷ nguyên số; gắn kết phát triển kinh tế với phát triển xã hội: bền vững, và bao trùm.
Chủ đề cũng thể hiện tính tiên phong của cộng đồng doanh nghiệp trong thập kỷ mới, đó là đổi mới, sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm vì sự phát triển bền vững của khu vực.
Năm nay, ASEAN BAC sẽ tập trung hỗ trợ và chuẩn bị cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs) - động lực phát triển kinh tế chính của các nước ASEAN để giúp họ sẵn sàng ứng phó với các cơ hội và thách thức đến từ kỷ nguyên số; cũng như sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh, để phát triển lớn mạnh và bền vững hơn.
Việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chuyển đổi số giúp mang đến các cơ hội bình đẳng cho các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, doanh nhân trẻ, người nghèo... Qua đó, đưa con người vào trung tâm, thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đây cũng là những mục tiêu hướng tới của dự án di sản ASEAN Digital Startup do ASEAN BAC chủ trì năm 2020.
Theo VCCI, dự kiến, Hội nghị Thượng đỉnh về Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2020 (ASEAN BIS 2020) sẽ được tổ chức liền kề với Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 vào tháng 11/2020 tại Hà Nội./.