Ảnh minh họa (MPI) - Ngày 18/3/2020, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố gói hỗ trợ ban đầu trị giá 6,5 tỷ USD nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt của các quốc gia thành viên đang phát triển trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo nhận định của Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa, đại dịch COVID-19 đã trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng, đòi hỏi hành động mạnh mẽ ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. ADB đã đề ra những hành động quyết liệt để đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ người nghèo, người dễ tổn thương, người dân nói chung trong toàn khu vực và bảo đảm rằng các nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh chóng hết mức có thể.
Dựa trên đối thoại với các thành viên ADB và các thể chế tài chính, ông Asakawa cho biết ADB đang triển khai gói giải cứu trị giá 6,5 tỷ USD này nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các nước thành viên. Đồng thời, ADB sẵn sàng cung cấp thêm hỗ trợ tài chính và tư vấn chính sách trong tương lai khi điều kiện cho phép, bên cạnh gói cứu trợ 6,5 tỷ USD.
Theo đó, gói hỗ trợ ban đầu này bao gồm xấp xỉ 3,6 tỷ USD trong các hoạt động thuộc kênh chính phủ cho một loạt các biện pháp ứng phó trước những hậu quả về kinh tế và y tế của đại dịch và 1,6 tỷ USD trong các hoạt động không thuộc kênh chính phủ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thương mại trong nước và khu vực, cũng như các công ty bị tác động trực tiếp.
Bên cạnh đó, ADB cũng sẽ huy động khoảng 1 tỷ USD nguồn vốn ưu đãi thông qua tái phân bổ từ các dự án đang triển khai và đánh giá khả năng cần thiết sử dụng các nguồn dự phòng và sẽ cung cấp 40 triệu USD viện trợ hỗ trợ kỹ thuật và giải ngân nhanh.
ADB sẽ tăng cường hơn nữa sự hợp tác chặt chẽ với Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới, các ngân hàng phát triển khu vực, Tổ chức Y tế thế giới và các cơ quan tài trợ song phương chủ chốt - bao gồm Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản cũng như Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ và các tổ chức thuộc khu vực tư nhân, để bảo đảm triển khai hiệu quả hoạt động ứng phó với đại dịch./.
Kể từ phản ứng đầu tiên của ADB đối với dịch COVID-19 vào ngày 07/02/2020, ADB đã cung cấp hơn 225 triệu USD để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của cả chính phủ và doanh nghiệp ở các quốc gia thành viên đang phát triển. Các hoạt động ứng phó của ADB với COVID-19 tới nay bao gồm:
• 07/02/2020: Một khoản viện trợ trị giá 2 triệu USD để tăng cường năng lực phòng chống, phát hiện và ứng phó tại Trung Quốc và Tiểu vùng Mê-kông mở rộng;
• 25/02/2020: Một khoản vay cho khu vực tư nhân trị giá 130 triệu Nhân dân tệ (18,6 triệu USD) được cung cấp cho một đơn vị phân phối dược phẩm có trụ sở tại Vũ Hán, Trung Quốc nhằm cho phép duy trì cung cấp thuốc men và trang thiết bị bảo hộ cá nhân thiết yếu;
• 26/02/2020: Một Khuôn khổ cho khoản viện trợ thứ hai đã được thiết lập, với số vốn phân bổ ban đầu 2 triệu USD để giúp các quốc gia thành viên đang phát triển ngăn chặn COVID-19 và cải thiện khả năng ứng phó. Nguồn tài trợ bổ sung đang được huy động cho quỹ viện trợ này;
• 12/3/2020: 200 triệu USD đã được chuẩn bị sẵn sàng thông qua Chương trình Tài trợ chuỗi cung ứng của ADB cho các công ty sản xuất và phân phối thuốc và các vật tư khác cần thiết cho cuộc chiến chống COVID-19. Thông qua các thể chế tài trợ đối tác, ADB có thể cung cấp nguồn vốn lưu động thiết yếu cho các công ty này;
• 13/3/2020: Một khoản viện trợ trị giá 3 triệu USD để hỗ trợ Chính phủ Phi-líp-pin ứng phó với COVID-19, bao gồm việc mua các trang thiết bị y tế thiết yếu và cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế;
• 13/3/2020: Một khoản viện trợ trị giá 600.000 USD từ Dự án Tăng cường hệ thống y tế để tài trợ các nỗ lực phòng ngừa và ứng phó dịch bệnh tại Xri Lan-ca, bao gồm giám sát bệnh tật và cung cấp trang thiết bị và vật tư y tế;
• 13/3/2020: 100.000 USD đã được tái phân bổ từ Dự án Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại Tát-gi-kít-xtan để tài trợ cho việc phòng ngừa và giảm thiểu COVID-19, thiết bị và vật tư y tế;
• 18/3/2020: 1,4 triệu USD đã được tái phân bổ từ Dự án Phát triển lĩnh vực y tế giai đoạn 5 tại Mông Cổ để mua sắm thiết bị y tế thiết yếu cho việc phát hiện sớm, chăm sóc khẩn cấp và quản lý các bệnh đường hô hấp nghiêm trọng. ADB cũng đã phê duyệt hỗ trợ kỹ thuật quy mô nhỏ trị giá 225.000 USD để tăng cường năng lực quốc gia trong phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm của Mông Cổ.
|
Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư