(MPI) – Ngày 27/3/2020, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra buổi họp Tổ công tác liên Bộ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước) về tình hình kinh tế vĩ mô quý I/2020 trong bối cảnh chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.
Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, buổi họp sẽ tập trung đánh giá những tác động của dịch bệnh Covid-19 đến tình hình kinh tế vĩ mô quý I/2020, đánh giá chính sách tác động đến doanh nghiệp, người dân. Từ đó đưa ra các dự báo và đề xuất các phương án, chính sách trong quản lý, điều hành, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay để tổng hợp, đề xuất kịp thời các giải pháp có tính thống nhất cao giữa các cơ quan quản lý kinh tế vĩ mô.
Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của quý I/2020, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2019.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu sản phẩm nông sản. Sản xuất lâm nghiệp phát triển ổn định; sản xuất thủy sản quý I/2020 tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2019.
Khu vực công nghiệp và xây dựng quý I/2020 chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 nên đạt mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng thấp nhất giai đoạn 2016-2020; sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định; ngành khai khoáng giảm sâu chủ yếu do khai thác dầu thô giảm mạnh. Tính chung quý I/2020, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp ở mức 2,8% so với quý I/2019 (thấp hơn nhiều so với mức tăng 8% của quý I/2019).
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tác động tới sản xuất, kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước trong những tháng đầu năm 2020. Chi ngân sách Nhà nước tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế, quản lý Nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn.
CPI bình quân quý I/2020 tăng 5,56% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; CPI tháng 3/2020 tăng 0,34% so với tháng 12/2019 và tăng 4,87% so với cùng kỳ năm 2019. Lạm phát cơ bản bình quân quý I/2020 tăng 3,05% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Trình bày báo cáo của Tổ Điều phối 1317 về tình hình kinh tế vĩ mô quý I/2020 trong bối cảnh chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phạm Xuân Kiên cho biết, các tổ chức quốc tế đã hạ mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong thời gian tới. Tình hình kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid đang diễn biến ngày càng phức tạp, hạn hán, xâm nhập mặ ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long…Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đối diện với rất nhiều khó khăn do hạn hán ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn, dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát…Khu vực sản xuất công nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, ngành sản xuất, chế biến thực phẩm có xu hướng tăng trưởng chậm do dịch bệnh và xuất khẩu sang Trung Quốc bị đình trệ. Các dự án sử dụng vốn, chuyên gia, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị của Trung Quốc bị ảnh hưởng. Khu vực du lịch, dịch vụ đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề.
Báo cáo đưa ra những đánh giá về ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế liên quan đến các lĩnh vực giá cả, thu chi NSNN, thị trường chứng khoán, đầu tư công, đầu tư nước ngoài, phát triển doanh nghiệp…đồng thời, dự báo tình hình kinh tế trong nước và trong nước trong thời gian tới. Từ đó đề xuất các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, tài khóa, sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ…
|
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Đức Trung
|
Tại buổi họp, các đại biểu cơ bản đồng ý với những đánh giá, nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô quý I/2020. Theo đánh giá chung của các đại biểu, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-2019 đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực như nông, lâm, thủy sản; Sản xuất công nghiệp ; FDI và tình hình đăng ký doanh nghiệp...
Đại diện Bộ Công Thương thông tin về tình hình xuất nhập khẩu do tác động của dịch bệnh Covid và cho biết Bộ đã có các đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh, tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp, ngày 13/3/2020, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid - 19 với các quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí… Cùng với đó, Ngân hàng đã thực hiện các giải pháp giảm mặt bằng lãi suất, ban hành các văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng có các biện pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.
Đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống Nhân dân trước tác động của dịch bệnh Covid-19 vào cuối tháng 3/2020. Hội nghị tập trung bàn về 4 nội dung: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch Covid-19.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu và sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành trong bối cảnh hiện nay. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, các thành viên Tổ công tác liên Bộ đã đề xuất những giải pháp hỗ trợ rất kịp thời đối với nền kinh tế và doanh nghiệp.
Thứ trưởng đề nghị, Tổ công tác liên Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, kịp thời đưa ra các giải pháp để tập trung phòng chống, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn đời sống và sức khỏe của Nhân dân./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư