(MPI) – Tiền Giang là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí địa lý kinh tế - chính trị khá thuận lợi, có nhiều lợi thế trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phát triển sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng cường khả năng hợp tác kinh tế, văn hóa, du lịch với các tỉnh trong Vùng, đặc biệt là với thành phố Hồ Chí Minh và địa bàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: MPI |
Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Trần Quốc Phương tại Phiên họp trực tuyến Thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, diễn ra ngày 26/3/2020.
Tham dự Phiên họp trực tuyến, tại điểm cầu Trung tâm Điều hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đại diện các Bộ, ngành là thành viên Hội đồng, các chuyên gia. Tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang có đại diện Lãnh đạo Tỉnh và các Sở, ngành liên quan.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang là đơn vị được giao chủ trì xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo Dự thảo, mục tiêu lập quy hoạch Tỉnh là xây dựng phương án tổng thể, phù hợp với Chiến lược phát triển chung của cả nước, đảm bảo kết nối giữa quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của Tỉnh. Đây sẽ là cơ sở để triển khai kế hoạch trung hạn, hằng năm, các chương trình phát triển của Tỉnh đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Quy hoạch Tỉnh cung cấp các căn cứ pháp lý quan trọng để quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội trong không gian trên địa bàn Tỉnh phù hợp với các định hướng quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng.
Đồng thời, lập quy hoạch Tỉnh là cơ sở pháp lý để triển khai lập các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng huyện, liên huyện, quy hoạch đô thị, nông thôn và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành theo quy định nhằm cụ thể hóa phương án quy hoạch, cung cấp công cụ quản lý cho các ngành và lĩnh vực cấp huyện đảm bảo tính tổng thể và khả thi trong triển khai. Đánh giá lại các điểm nghẽn trong khả năng huy động của nguồn lực cho phát triển để tìm ra các giải pháp trọng tâm, loại bỏ các chồng chéo cản trở đầu tư phát triển trên địa bàn, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai minh bạch…
Quan điểm lập quy hoạch giai đoạn tới của Tỉnh Tiền Giang là phù hợp với chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng. Cụ thể hóa các đối tượng quy hoạch cấp quốc gia, vùng trên địa bàn, đề xuất các kiến nghị không khả thi triển khai ở cấp tỉnh. Đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành trong tỉnh phù hợp với khả năng đáp ứng về nguồn lực triển khai. Đánh giá đầy đủ các điều kiện và bối cảnh tác động từ bên ngoài có tác động trực tiếp đến phát triển của Tỉnh, các cơ hội liên kết các tỉnh đáp ứng tính tổng thể của vùng.
Bên cạnh đó, lập quy hoạch Tỉnh đảm bảo tính khả thi trong triển khai, đáp ứng các nhu cầu trong giai đoạn hiện nay và tạo nền tảng phát triển cho các giai đoạn kế tiếp, phù hợp với tầm nhìn đề ra. Đảm bảo tính công khai, minh bạch giúp cho quá trình hỗ trợ ra quyết định của Tỉnh trong thu hút và triển khai các dự án đầu tư.
Trên cơ sở đó, đưa ra phương án bố trí hợp lý không gian kinh tế - xã hội đồng thời giải quyết các vấn đề xung đột hiện tại và định hướng không gian phục vụ tốt các nhu cầu xuất hiện trong tương lai trên cơ sở huy động hợp lý các điều kiện bên trong và thu hút các điều kiện bên ngoài, là cơ sở để triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, đảm bảo tính khách quan, khoa học, hướng tới phát triển bền vững giữa các mặt kinh tế - xã hội - môi trường đảm bảo phát triển trong dài hạn…
Việc lập quy hoạch Tỉnh đảm bảo nguyên tắc bền vững và dài hạn được dựa trên cả 04 trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng an ninh. Đảm bảo tính thị trường trong việc huy động các yếu tố, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh cũng như trong xây dựng định hướng phát triển, tổ chức không gian phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn, đảm bảo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước trong phân bổ nguồn lực. Đảm bảo tính khả thi trong triển khai, phù hợp với nguồn lực thực hiện của Tỉnh giai đoạn 2021-2030 và khả năng huy động nguồn lực trong tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng các phương án, định hướng phát triển phù hợp với xu thế phát triển và vận động của bối cảnh trong và ngoài nước, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Tham gia phản biện, chuyên gia Ngô Công Thành, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, về căn cứ xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch, tỉnh Tiền Giang cần rà soát theo quy định của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quy hoạch. Về nội dung nhiệm vụ, quan điểm, nguyên tắc lập quy hoạch, Tỉnh có thể tham khảo các quyết định quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đại diện đơn vị giúp việc Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đinh Trọng Thắng trình bày bản nhận xét về nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc tổ chức triển khai lập quy hoạch Tỉnh đã thực hiện theo quy định của Luật quy hoạch, Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật quy hoạch.
Báo cáo thuyết minh nhiệm vụ lập quy hoạch phù hợp với quy định của Luật quy hoạch số 21/2017/QH14 và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, đồng thời, cơ bản đã thể hiện đầy đủ các nội dung, bám sát đúng quy trình lập quy hoạch và yêu cầu đặt ra.
Tham gia ý kiến thảo luận, các đại biểu đánh giá cao nội dung lập quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và cho rằng, nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch nhìn chung đầy đủ, khá chi tiết, cụ thể, sát với điều kiện của Tỉnh. Tuy nhiên, để tăng tính khả thi và phục vụ tốt hơn cho quá trình lập quy hoạch, Tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở các ý kiến đã góp ý của các chuyên gia, thành viên Hội đồng.
Tại phiên họp, 20/21 thành viên Hội đồng tham dự thống nhất thông qua với điều kiện có chỉnh sửa, hoàn thiện.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng cảm ơn các chuyên gia, Cơ quan thường trực, thành viên Hội đồng đã có những ý kiến góp ý thẳng thắn, đồng thời khẳng định, Tỉnh sẽ sớm tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện.
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao ý kiến của các đại biểu, qua đó giúp tỉnh Tiền Giang hoàn thiện nhiệm vụ lập Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời đề nghị tỉnh Tiền Giang sửa lại niên độ là tầm nhìn đến năm 2050 để phù hợp với Luật quy hoạch. Hoàn thiện báo cáo đánh giá thực hiện quy hoạch thời kỳ trước và tiêu chí đánh giá cũng như hoàn thiện báo cáo thuyết minh nhiệm vụ lập quy hoạch, rà soát các khoản mục chi phí lập quy hoạch theo quy định của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ trên cơ sở các ý kiến góp ý của chuyên gia, thành viên Hội đồng thẩm định./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư