(MPI) - Ngày 25/3/2020, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda đến chào nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.
|
Toàn cảnh buổi tiếp. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại buổi tiếp, Đại sứ Kunio Umeda cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã dành thời gian đón tiếp, đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam là đối tác tin cậy và quan trọng đối với Nhật Bản trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giao lưu Nhân dân, điều này đã được Lãnh đạo cấp cao hai nước khẳng định.
Đại sứ Kunio Umeda chia sẻ các nội dung liên quan đến Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, viện trợ ODA của Nhật Bản cho Việt Nam, Dự án Tuyến xe buýt nhanh ở Bình Dương, Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô môn 3, Dự án Trường đại học Việt - Nhật và Dự án xây dựng đường cao tốc. Trong hơn 2 năm qua, có gần 100 vướng mắc liên quan tới ODA đã được giải quyết, đó là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.
Về tình hình dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của Việt Nam, Đại sứ Kunio Umeda nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các giải pháp bước đầu đạt được những kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Bản thân các doanh nghiệp Nhật Bản cũng gặp khó khăn khi các chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn. Tình hình dịch đến giai đoạn nào đó sẽ được kiểm soát, khi đó, dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ gia tăng, Nhật Bản mong Việt Nam sẽ nắm bắt được cơ hội để có bước phát triển nhảy bậc, trong đó những giải pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ trở nên quan trọng hơn nữa.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ đồng tình với những đánh giá của Đại sứ về quan hệ hợp tác giữa hai nước và cho biết quan hệ hai nước hiện đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất, đồng thời khẳng định luôn luôn coi trọng và đặc biệt thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.
Về dịch Covid-19, đây là thời khắc thách thức toàn cầu cho tất cả chúng ta, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên kết quả đạt được trong thời gian qua rất tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam không chủ quan mà vẫn tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống, dịch bệnh Covid-19.
Tình hình hiện nay còn rất phức tạp, bên cạnh việc phòng chống dịch, dập dịch, Việt Nam còn cần có giải pháp để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch như doanh nghiệp, người lao động để họ thực sự vượt qua được giai đoạn khủng hoảng này. Bên cạnh đó, Việt Nam coi đây là dịp để nhìn nhận lại những khiếm khuyết, hạn chế của mình, cần phải cấu trúc lại, cải cách mạnh hơn, cơ cấu lại nền kinh tế nhanh hơn, chuẩn bị tốt nhất để sau khi kết thúc dịch, bật nhanh trở lại và phát triển mạnh mẽ hơn. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh vào giải ngân nguồn vốn đầu tư công, nếu tháo gỡ được những khó khăn với nguồn vốn này sẽ tạo động lực đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ là cơ quan tham mưu tổng hợp, đánh giá các tác động của Covid-19 và tìm ra giải pháp hỗ trợ cũng như thúc đẩy nền kinh tế. Bộ đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 và tiếp tục tổng hợp các vấn đề để báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội để sắp tới tổ chức hội nghị toàn quốc về tình hình dịch bệnh và tìm các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế.
Để tiếp tục thúc đẩy đầu tư giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra bốn đề xuất. Thứ nhất, các tổ chức của Nhật Bản có thể khảo sát tác động, đánh giá của dịch bệnh đối với doanh nghiệp Nhật Bản, đưa ra đề xuất để Chính phủ Việt Nam có thể hỗ trợ. Thứ hai, phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại các vướng mắc của các dự án ODA để tháo gỡ khó khăn cho từng dự án, có thể thông qua việc thành lập một tổ công tác để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩycác dự án triển khai nhanh hơn.
Thứ ba, Việt Nam mong muốn Chính phủ Nhật Bản xem xét hỗ trợ Việt Nam trong việc chống dịch bệnh Covid-19 cũng như khắc phục hậu quả của dịch bệnh và ổn định phát triển trong giai đoạn tới. Thứ tư, Việt Nam đang triển khai xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia và mong muốn Chính phủ Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam quan tâm, hỗ trợ một khoản viện trợ không hoàn lại để thúc đẩy phát triển vì đây là một trung tâm rất có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Cùng với đó, Việt Nam đã thành lập một mạng lưới tri thức người Việt tại Nhật Bản, quy tụ hàng nghìn các kỹ sư, nhà khoa học, chuyên gia người Việt làm việc tại Nhật Bản. Việt Nam mong muốn Chính phủ Nhật Bản ủng hộ cho Mạng lưới này phát triển tại Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Ngành Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho Đại sứ Kunio Umeda. Ảnh: MPI |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gửi lời cảm ơn Chính phủ và người dân Nhật Bản đã luôn cung cấp các nguồn vốn ưu đãi, các doanh nghiệp Nhật Bản đã luôn ủng hộ, sát cánh cùng Việt Nam. Đồng thời, chúc mừng Đại sứ Kunio Umeda đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở Việt Nam để trở về nước nhận nhiệm vụ mới. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đại sứ Nhật Bản kế nhiệm để thúc đẩy mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp cho sự phát triển của ngành Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Ngành Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho Đại sứ Kunio Umeda và mong muốn ông trên cương vị công tác mới, tiếp tục có những đóng góp thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư