(MPI) – Ngày 30/3/2020, Hội đồng châu Âu đã thông qua Quyết định phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sau khi Hiệp định này được Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào ngày 12/02/2020. Đây là bước pháp lý cuối cùng theo thủ tục phê chuẩn nội bộ của EU để Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định, Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực.
|
Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu ngày 30/6/2019. Ảnh: MPI
|
Nhiều nước thành viên EU, đặc biệt là Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ… đã ra tuyên bố hoan nghênh quyết định của EU, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hiệp định, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu đang chịu những tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19.
Việc EU sớm hoàn tất toàn bộ tiến trình phê chuẩn EVFTA, thậm chí thúc đẩy chuẩn y bằng hình thức văn bản khi không thể thực hiện các cuộc họp như thường lệ, thể hiện EU coi trọng quan hệ với Việt Nam và đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong khu vực. Quyết định này cũng khẳng định mạnh mẽ thông điệp của EU và các quốc gia thành viên tiếp tục đi đầu thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế, duy trì các dòng chảy thương mại và chuỗi cung ứng, hạn chế xu hướng bảo hộ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu.
EVFTA được Việt Nam và EU ký và phê chuẩn trong bối cảnh quan hệ hai bên phát triển hết sức tốt đẹp sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1990-2020), đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. EU hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD.
Việc EU sớm hoàn tất toàn bộ tiến trình phê chuẩn EVFTA tiếp tục khẳng định nỗ lực hiệu quả của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành liên quan của Việt Nam trong việc thúc đẩy, trao đổi với EU về những vấn đề hai bên cùng quan tâm.
EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn đến từ EU và các nước khác. EVFTA quy định loại bỏ gần như hoàn toàn thuế hải quan giữa hai bên, đồng thời giảm nhiều hàng rào phi thuế quan hiện có, mở ra các thị trường dịch vụ và mua sắm công của Việt Nam cho các công ty EU.
Đây là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính gồm: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý - thể chế./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư