(MPI) - Cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương để bàn về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân trước tác động của dịch Covid-19 đã diễn ra ngày 27/3/2020 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự cuộc họp.
Dự kiến, Hội nghị tập trung bàn về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách cho 4 nội dung: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch Covid-19.
Tại Công văn số 2182/VPCP-KTTH ngày 20/3/2020 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về việc tổ chức Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân trước tác động của dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị các nội dung về nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tổng hợp báo cáo, đề xuất của các Bộ, cơ quan, hoàn thiện các nội dung, tài liệu phục vụ Hội nghị.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến 200 quốc gia, hơn 530 nghìn người nhiễm và hơn 24 nghìn người tử vong. Con số này không ngừng tăng lên.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã chủ động, quyết liệt phòng chống dịch và hôm nay (27/3), Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Đây là Chỉ thị hết sức quan trọng, thực hiện các biện pháp khắt khe nhất, coi như “tiền khẩn cấp” khi có nhận định rằng trong 2 tuần tới, dịch có nguy cơ bùng phát. Chúng ta đang cố gắng giảm hết mức số người nhiễm để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân và điều đáng mừng là đến nay chưa có trường hợp tử vong, nhiều người bình phục, xuất viện. Trong thời gian tới, trước mắt là trong nửa tháng tới và có thể kéo dài thêm, chúng ta phải tập trung mọi sức lực, mọi biện pháp để chống dịch, coi đó là nhiệm vụ số 1 ở nước ta hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh toàn cầu. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế, tăng trưởng kinh tế thế giới bằng 0, hãng tin Bloomberg cũng cùng nhận định, nhiều nước tăng trưởng âm. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng một cuộc suy thoái kinh tế mới, lớn hơn cuộc suy thoái năm 2008 sẽ diễn ra trên toàn cầu. Trung Quốc được dự báo tăng trưởng thấp, còn Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước có thể tăng trưởng âm.
|
Hình ảnh tại cuộc họp. Ảnh: Chinhphu.vn |
Về tình hình trong nước, những tháng đầu năm, chúng ta gặp khó khăn do tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nặng nề ở các tỉnh miền Nam, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm… Đặc biệt, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt cuộc sống xã hội. Trước tình hình đó, Thường trực Chính phủ đều có suy nghĩ phải vực dậy nền sản xuất để giải quyết việc làm, tăng trưởng bằng các biện pháp căn cơ, mạnh mẽ. Vì vậy, việc tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các nội dung lớn là rất cần thiết. Thứ nhất là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh khi nhiều doanh nghiệp phải đình trệ sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực hàng không, du lịch. Năm 2020, Việt Nam dự kiến đón khoảng 20 triệu du khách mà chủ yếu đi bằng đường hàng không nhưng do dịch, lượng lớn du khách không thể đến Việt Nam trong thời gian qua; các khách sạn cũng phải đóng cửa. Do vậy, phải có biện pháp giữ ổn định sản xuất kinh doanh, nếu không, không thể giải quyết việc làm và tăng trưởng.
Về giải ngân vốn đầu tư công, một kênh quan trọng cho tăng trưởng, Thủ tướng cho biết, có khoảng 30 tỷ USD vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm 2020, bao gồm vốn ngân sách Nhà nước và vốn vay. 3 tháng đầu năm 2020, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng số vốn chưa giải ngân theo kế hoạch còn rất lớn. Do vậy, để giải ngân hết số vốn này cần phải có chế tài mạnh để giải quyết dứt điểm, đặc biệt các cơ quan sử dụng nhiều nguồn vốn đầu tư công phải có biện pháp mạnh mẽ.
Nội dung thứ ba cần bàn tại Hội nghị sắp tới là vấn đề an sinh xã hội khi mà tình trạng nghỉ việc không lương, thất nghiệp diễn ra trên toàn cầu và trong nước. Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta bàn nhiều thứ nhưng cuối cùng vẫn là đời sống của Nhân dân, công nhân, đối tượng chính sách. An sinh xã hội là câu chuyện lớn ở nước ta. Bên cạnh đó, ổn định vĩ mô, chống đầu cơ nâng giá, không để tình trạng thiếu gạo cũng như các vật tư, nhu yếu phẩm khác.
Nội dung thứ tư là bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội vì đời sống khó khăn sẽ dẫn tới những nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Nước ta còn nghèo, còn nhiều khó khăn nhưng trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, chúng ta phải cố gắng giữ được nhịp độ phát triển, khắc phục mọi khó khăn, nhất là trong các quý tới để làm sao như lò xo bị nén lại, sẵn sàng bật lên sau khi hết dịch. Ngay sau khi dịch kết thúc phải bắt tay vào việc thì mới vực dậy được nền kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp, với nền kinh tế đang hội nhập quốc tế sâu rộng, có độ mở lớn và liên kết chặt chẽ về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động,... với thế giới, Việt Nam đã và đang bị ảnh hưởng toàn diện tới nền kinh tế, cùng lúc chịu tác động “kép”, cả từ phía cung và cầu, tác động đến tất cả các thị trường đầu ra và thị trường đầu vào chủ lực, cả sản xuất và tiêu dùng. Cùng lúc Việt Nam đối mặt với khó khăn cả về tư liệu sản xuất và thị trường xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng điện tử, điện thoại, may mặc, da giày.
Du lịch, vận tải, hàng không, dịch vụ khách sạn, nhà hàng... cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giảm lượng khách du lịch cả trong và ngoài nước. Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh trong nước với năng lực tài chính, sản xuất còn nhiều hạn chế chịu nhiều tác động từ dịch.
Tại cuộc họp, các Bộ, ngành đã thảo luận về các gói hỗ trợ cho cho các lĩnh vực như sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội… cũng như một số gói giải pháp khác dự kiến sẽ đưa ra tại hội nghị tới đây.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Thường trực Chính phủ cơ bản đồng ý với báo cáo đề xuất của các Bộ, ngành về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kích thích kinh tế trên các lĩnh vực, đẩy nhanh đầu tư công, hỗ trợ việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời lưu ý, các báo cáo lớn đối với 4 nội dung của Hội nghị cần chuẩn bị công phu và sẽ do 4 đồng chí Bộ trưởng trình bày tại Hội nghị. Những nội dung Hội nghị đề cập cũng là những vấn đề người dân, xã hội quan tâm, do đó, phải nâng cao tinh thần trách nhiệm để Hội nghị đạt kết quả tốt.
Các báo cáo phải nêu rõ quyết tâm của Chính phủ, của tư lệnh ngành, bộ trưởng để vực dậy nền kinh tế, làm sao để Việt Nam phục hồi nhanh sau dịch bệnh Covid-19, làm sao các doanh nghiệp, các địa phương và người dân thấy được tình hình này để trước hết là tự cứu mình, tự tái cơ cấu, vươn lên chứ không phải tinh thần ỷ lại. Do vậy, Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về các biện pháp để “qua cơn đại dịch, chúng ta phải làm gì để vực dậy nền kinh tế”.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị, từng chuyên đề phải đi sâu vào những biện pháp thuộc trách nhiệm của Chính phủ, ngành và địa phương.Đây là dịp để tái cơ cấu lại doanh nghiệp và nền kinh tế, tái cơ cấu thị trường, tổ chức lại sản xuất, đào tạo… Bên cạnh lo phát triển sản xuất phải lo cả đời sống Nhân dân, làm sao bảo đảm cung cấp đầy đủ hàng hóa cho người dân trong lúc diễn ra dịch và sau dịch. Một số mặt hàng ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng phải được ổn định. Phải đổi mới cách làm nhanh hơn, như trong “thời chiến”, cải cách thủ tục hành chính. Càng khó khăn chúng ta càng quyết tâm, đoàn kết, nhất trí.
Thủ tướng nhấn mạnh, bên cạnh nêu các giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương, cần đề xuất các giải pháp phải xin ý kiến của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổng hợp báo cáo.
Theo dự kiến, Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân trước tác động của dịch Covid-19 sẽ được tổ chức vào ngày 31/3/2020 với sự tham dự của Bí thư, Chủ tịch các tỉnh trong toàn quốc. Đặc biệt, Hội nghị sẽ nghe các Bộ trưởng trình bày chương trình hành động của mình để đóng góp xây dựng đất nước./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư