Ngân hàng Trung ương Malaysia cho biết, mặc dù phải đối mặt với khó khăn và những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng năm 2012 kinh tế Malaysia đã tăng trưởng 5,6%. Riêng trong quý 4/2012, kinh tế nước này tăng trưởng kỷ lục 6,4%.
Trong một báo cáo được công bố ngày 20/2, ngân hàng này cho biết tổng số vốn đầu tư tiếp tục tăng mạnh là nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng kỳ lục trong quý Tư vừa qua. Nhịp độ tăng trưởng qua các quý đã không bị ảnh hưởng do việc xuất khẩu bị ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Khu vực tư nhân đầu tư đạt mức tăng 20,2%, do nguồn vốn đầu tư vào các ngành sản xuất hướng tới nội địa và tiêu dùng liên quan đến khu vực dịch vụ chuyên ngành như viễn thông, bất động sản, hàng không và các dự án sắp được triển khai liên quan đến lĩnh vực xăng dầu, khí đốt. Đầu tư công tăng 11,1%, chủ yếu vào các ngành vận tải, ngành phục vụ công cộng, dầu và khí đốt và truyền thông.
Trong khi đó, tiêu dùng trong khu vực tư nhân tăng 6,1% trong quý 4/2012, nhờ điều kiện thị trường lao động ổn định và một sự cải thiện trong lòng tin của người tiêu dùng. Sự tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm 2012 là do tác động từ hàng loạt các chính sách của chính phủ đối với người dân được giải ngân trong giai đoạn này.
Mặt khác, tiêu dùng công tăng 1,1%, có thể là do việc tăng lương mới của chính phủ kích thích chi tiêu, trong bối cảnh cắt giảm chi tiêu trong lĩnh vực cung cấp và dịch vụ.
Tất cả khu vực kinh tế đều có tăng trưởng khá trong quý 4/2012, dẫn đầu tăng trưởng là các ngành công nghiệp chế tạo và khu vực dịch vụ, do nhu cầu nội địa và từng bước cải thiện môi trường xuất khẩu.
Trong lúc lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng khá nhanh do tăng mạnh trong sản lượng dầu cọ thô và các sản phẩm gia cầm, tăng trưởng trong lĩnh vực khai mỏ tăng trở lại với sự phục hồi trong các sản phẩm về khí đốt. Trong lĩnh vực xây dựng cũng ghi nhận sự tăng trưởng chắc chắn, do nhu cầu từ khu vực xây dựng dân dụng và các khu cư dân nhỏ.
Theo Ngân hàng Trung ương Malaysia, chỉ số lạm phát trong quý 4/2012 ở mức 1,3%, phản ánh mức độ lạm phát ít trong các mặt hàng thực phẩm và các đồ uống không cồn.
Dự báo về tương lai, ngân hàng nay cũng cho biết đã có những dấu hiệu cho thấy sự cải thiện của nền kinh tế thế giới, với những chỉ số kinh tế mới đây nhất cho thấy hiện đang có sự tăng trưởng vững tại châu Á.
Mặc dù có sự cải thiện này, nhưng cũng có những thách thức đáng kể về vấn đề cơ cấu vẫn đang tồn tại trong những nền kinh tế phát triển, điều cũng sẽ kìm hãm triển vọng về sự phục hồi của nền kinh tế. Ngân hàng Trung ương Malaysia cho rằng sự ổn định của nền kinh tế thế giới sẽ là động lực tăng trưởng của nền kinh tế Malaysia./.