Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/04/2020-15:07:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2020

Quý I năm 2020, trong khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, dịch tả lợn Châu Phi, dịch bệnh trên gia cầm; nhưng với sự chỉ đạo tập trung của Tỉnh uỷ; sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời và đồng bộ các chủ trương, chính sách; các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ngay từ đầu năm để đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, nên tình hình kinh tế - xã hội cơ bản vẫn giữ ổn định, nhiều lĩnh vực có bước phát triển. Kết quả cụ thể như sau:

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

a) Kết quả sản xuất vụ đông

Tính đến ngày 15/3/2020, toàn tỉnh đã thu hoạch xong các cây trồng vụ đông, sản lượng thu hoạch một số loại cây trồng chính như sau: Ngô 69,5 nghìn tấn, giảm 10,9% so với cùng kỳ; khoai lang 22,3 nghìn tấn, giảm 12,4%; đậu tương 577 tấn, giảm 34,4%; lạc 2.854 tấn, giảm 5,3%; rau, đậu các loại 290,5 nghìn tấn, tăng 15,5% so với cùng kỳ… Sản lượng lương thực có hạt đạt 69,5 nghìn tấn, giảm 10,9% so với vụ đông năm 2018 - 2019.

b) Tiến độ sản xuất vụ chiêm xuân

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 15/3/2020, toàn tỉnh đã gieo trồng được 184.418 ha các loại cây trồng vụ chiêm xuân, đạt 90,8% kế hoạch, giảm 4,9% so với cùng thời điểm năm trước; trong đó lúa 115.158 ha, đạt 99,3% kế hoạch, giảm 1,6%; ngô 15.040 ha, vượt 0,3% kế hoạch, giảm 0,6%; lạc 6.871 ha, đạt 98,2% kế hoạch, giảm 11,9%; rau đậu các loại và cây trồng khác 45.643 ha, giảm 12,5%. Tính đến ngày 15/3/2020, diện tích mía nguyên liệu đã thu hoạch ước đạt 16.495 ha, đạt 67,6% kế hoạch; 3 nhà máy chế biến đường đã thu mua được 948,1 nghìn tấn mía; trong đó, Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn 390 nghìn tấn, Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan 466,1 nghìn tấn, Công ty Cổ phần Mía đường Nông Cống 92 nghìn tấn. Các nhà máy chế biến tinh bột sắn thu mua được 213,5 nghìn tấn sắn nguyên liệu; trong đó Nhà máy sắn Bá Thước 47 nghìn tấn, Nhà máy tinh bột sắn Như Xuân 56,5 nghìn tấn, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh (Ngọc Lặc) 110 nghìn tấn.

Thời tiết diễn biến phức tạp; các cấp, các ngành cần chủ động kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn nhân dân tiếp tục gieo trồng các loại cây trồng vụ chiêm xuân còn thời vụ; chủ động nguồn nước tưới phục vụ sản xuất; tích cực chăm sóc các loại cây đã gieo trồng; tăng cường theo dõi tình hình sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời; thu hoạch mía, sắn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đường, tinh bột sắn.

c) Chăn nuôi

Điều tra chăn nuôi kỳ 01/01/2020 được thực hiện theo phương án điều tra mới do Tổng cục Thống kê ban hành; theo đó, kết hợp giữa điều tra toàn bộ và điều tra chọn mẫu đối với chăn nuôi lợn và gia cầm ở 27/27 huyện, thị xã, thành phố. Kết quả tổng hợp sơ bộ như sau: Tại thời điểm 01/01/2020, toàn tỉnh có 194,8 nghìn con trâu; 256,4 nghìn con bò; 795,1 nghìn con lợn; 21,1 triệu con gia cầm; so với thời điểm 01/01/2019, đàn trâu giảm 1,7%, đàn bò tăng 0,4%, đàn lợn giảm 26,9%, đàn gia cầm tăng 5,9%.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 03/02/2020 đến 16 giờ ngày 18/3/2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, bệnh cúm gia cầm A/H5N6 đã xảy ra tại 55 hộ chăn nuôi, 24 thôn, 18 xã, 11 huyện (Nông Cống, Quảng Xương, Vĩnh Lộc, Như Xuân, thành phố Thanh Hóa, Triệu Sơn, Hậu Lộc, Thiệu Hóa, thị xã Bỉm Sơn, Thọ Xuân, Tĩnh Gia), buộc phải tiêu hủy 74.790 con gia cầm (vịt, ngan 61.611 con, gà 12.004 con, chim 1.175 con). 08 huyện và 13 xã đã công bố hết dịch, dịch bệnh đã qua 21 ngày chưa phát sinh dịch lại. Tính đến 16 giờ ngày 18/3/2020 trên địa bàn tỉnh có 07 thôn, 05 xã của 03 huyện (Tĩnh Gia, Thọ Xuân, thị xã Bỉm Sơn) chưa công bố hết dịch.

Tình hình dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh: Từ ngày 23/02/2019 đến 16 giờ ngày 13/3/2020, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 25.633 hộ thuộc 2.234 thôn, 457 xã của 27 huyện, thị xã, thành phố; buộc phải tiêu hủy toàn bộ số lợn 214.204 con, trọng lượng 14.390,2 tấn. Đến ngày 13/3/2020, có 457 xã của 27 huyện, thị xã, thành phố công bố đã hết dịch, dịch bệnh đã qua 30 ngày chưa phát sinh lại. Đến 16 giờ ngày 13/3/2020, toàn tỉnh đã công bố hết dịch.

Chi cục Thú y phối hợp với các địa phương tiêm phòng đợt 1 năm 2020 cho đàn gia súc, gia cầm; tính đến ngày 18/3/2020 đã có 27/27 huyện, thị xã, thành phố triển khai tiêm phòng vắc xin trên đàn gia súc, gia cầm; cụ thể: Vắc xin H5N1 cúm gia cầm 10.052.920 con, đạt 85,8% diện tiêm; vắc xin dại cho chó mèo 288.000 con, đạt 81,2% diện tiêm; vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò 171.067 con, đạt 58,2% diện tiêm; vắc xin lở mồm long móng trâu, bò 179.038 con, đạt 60,9% diện tiêm; vắc xin dịch tả lợn 130.851 con, đạt 21,3% diện tiêm; vắc xin tụ dấu lợn 92.312 con, đạt 15,3% diện tiêm.

1.2. Lâm nghiệp

Phục vụ “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ - Xuân Canh Tý 2020” và triển hai kế hoạch trồng rừng vụ xuân năm 2020; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ban, ngành và doanh nghiệp đã chuẩn bị hiện trường, cây giống, vật tư, nhân lực bảo đảm phục vụ Tết trồng cây và kế hoạch trồng rừng vụ xuân năm 2020; toàn tỉnh đã sản xuất được 18 triệu cây giống lâm nghiệp các loại, trong đó 7 triệu cây giống đủ tiêu chuẩn xuất vườn, đáp ứng nhu cầu Tết trồng cây và triển khai trồng rừng theo kế hoạch. Ước tính quý I/2020, toàn tỉnh trồng được 1.150 nghìn cây phân tán, tăng 20,0% so cùng kỳ; trồng rừng tập trung 1.200 ha, đạt 12,0% kế hoạch, tăng 49,1% so cùng kỳ; chăm sóc rừng trồng 42 nghìn ha, đạt 100,0% kế hoạch và bằng cùng kỳ. Khai thác lâm sản: Gỗ 215,2 nghìn m3, đạt 26,9% kế hoạch, tăng 8,3% so cùng kỳ; tre luồng 19,3 triệu cây, đạt 34,8% kế hoạch, tăng 8,1% so cùng kỳ; nguyên liệu giấy 22,8 nghìn tấn, đạt 27,5% kế hoạch, tăng 4,8% so cùng kỳ; củi 325 nghìn ste, tăng 3,2% so cùng kỳ.

1.3. Thuỷ sản

Những tháng đầu năm 2020 thời tiết tương đối thuận lợi; sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, nhiều địa phương tổ chức ra quân đánh bắt sớm, nên sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản quý I/2020 tăng khá so cùng kỳ. Sản lượng thủy sản quý I/2020 ước đạt 47,4 nghìn tấn, đạt 26,3% kế hoạch năm, tăng 7,2% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng nuôi trồng 17,7 nghìn tấn, tăng 5,4%; sản lượng khai thác 29,7 nghìn tấn, tăng 8,3%.

2. Sản xuất công nghiệp

Quý I/2020, do tác động của dịch bệnh Covid-19, một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: may trang phục, sản xuất giày dép do thiếu nguyên liệu và thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nên sản lượng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ giảm. Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp như: sản xuất bia, thuốc lá thị trường bị thu hẹp, nhu cầu tiêu dùng giảm, nên sản lượng sụt giảm; thu hoạch nguyên liệu phục vụ sản xuất của các nhà máy chế biến đường chậm, sản lượng đường đạt thấp so với cùng kỳ… Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn ổn định, sản lượng sản phẩm tăng khá cao so với cùng kỳ; các sản phẩm xi măng, gạch xây, đá ốp lát, thép cán duy trì được sản xuất do ít chịu tác động của dịch bệnh. Nhờ đó, sản xuất công nghiệp tăng khá so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 3/2020 tăng 2,92% so với tháng trước, tăng 29,65% so với tháng cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 5,40% so với tháng trước, giảm 15,51% so với tháng cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,12% so với tháng trước, tăng 33,58% so với tháng cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 0,32% so với tháng trước, giảm 11,26% so với tháng cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,27% so với tháng trước, tăng 4,04% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 3 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 15,21% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm 17,11%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,76%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 9,21%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,55% so cùng kỳ.

Trong toàn ngành công nghiệp, một số ngành có chỉ số sản xuất tính chung 3 tháng đầu năm 2020 tăng so với cùng kỳ như: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 61,20%; sản xuất kim loại tăng 21,95%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 20,13%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 16,58%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 12,69%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 12,14%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 9,21%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 8,43%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 7,18%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 5,22%;… Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ như: Sản xuất xe có động cơ giảm 86,44%; khai thác quặng kim loại giảm 50,04%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 29,06%; sản xuất trang phục giảm 20,35%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 2,51%; sản xuất đồ uống giảm 7,65%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 6,95%;…

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2020 dự kiến giảm 0,71% so với tháng trước, giảm 3,87% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng đầu năm 2020, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,48% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2020 dự kiến tăng 7,48% so với tháng trước; giảm 4,94% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 3/2020 dự kiến tăng 1,62% so với tháng trước; tăng 2,67% so với tháng cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 3,69% so với tháng trước; tăng 7,46% so với tháng cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 1,28% so với tháng trước; giảm 4,03% so với tháng cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,54% so với tháng trước; tăng 4,85% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng đầu năm 2020,sốlao độnglàm việctrong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 3,99%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 3,85%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,77% so với cùng kỳ năm trước.

3. Đầu tư

Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 từ nguồn cân đối ngân sách tỉnh, vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và trái phiếu Chính phủ do tỉnh quản lý đã được Chủ tịch UBND tỉnh giao chi tiết cho các chủ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư giải ngân và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Quý I/2020, các chủ đầu tư và nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, công trình chuyển tiếp.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội theo giá hiện hành quý I/2020 ước đạt 21.812,1 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ; trong đó, vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước 2.818,1 tỷ đồng, tăng 6,4% so cùng kỳ; vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước 1.357,7 tỷ đồng, tăng 8,7%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 4.955,5 tỷ đồng, tăng 9,0%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 10.593 tỷ đồng, tăng 8,0% so cùng kỳ...

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương quý I/2020 ước đạt 1.692,8 tỷ đồng, bằng 16,5% kế hoạch năm và tăng 4,5% so cùng kỳ; bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 738,2 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 503,6 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 451,1 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến các lĩnh vực sản xuất, làm giảm đầu tư của toàn nền kinh tế, nhất là đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài nhà nước. Các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng bị ảnh hưởng; các nhà đầu tư mới sẽ do dự chưa đưa ra các quyết định đầu tư ở thời điểm này; các dự án đã đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư.

4. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Quý I/2020, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động ổn định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhìn chung gặp khó khăn, hầu hết các khoản thu từ doanh nghiệp đều giảm so với quý I/2019. Tổng thu ngân sách Nhà nước quý I/2020 ước đạt 7.406 tỷ đồng, đạt 25,6% dự toán tỉnh giao, tăng 13,1% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đã trừ tiền sử dụng đất 2.927 tỷ đồng, đạt 19,8% dự toán, giảm 4,5% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 3.380 tỷ đồng, đạt 36,0% dự toán, tăng 30,9% so với cùng kỳ. Một số khoản thu chiếm tỷ trọng lớn so với cùng kỳ như sau: Thu từ doanh nghiệp Nhà nước Trung ương giảm 18,2%; thu từ doanh nghiệp Nhà nước địa phương giảm 11,5%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 8,3%; thuế CTN và DVNQD tăng 17,6%; thuế bảo vệ môi trường giảm 3,8%... Tổng chi ngân sách địa phương quý I/2020 ước đạt 7.755 tỷ đồng, đạt 22,0% dự toán, tăng 19,85% so cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 24,6% dự toán, tăng 54,0%; chi thường xuyên đạt 23,9% dự toán, tăng 5,7%; chi khác gấp 2,7 lần so cùng kỳ.

5. Tín dụng, ngân hàng

Ước tính đến 31/3/2020, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đạt 105.750 tỷ đồng, tăng 6,0% so với 31/12/2019; tổng dư nợ (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đạt 114.850 tỷ đồng, giảm 0,4% so với 31/12/2019, trong đó dư nợ ngắn hạn chiếm 48,0% tổng dư nợ, dư nợ cho vay bằng VND chiếm 99,0% tổng dư nợ.

Tình hình đầu tư tín dụng trên địa bàn tỉnh theo chủ trương, chính sách của Chính phủ cụ thể như sau:

- Cho vay hỗ trợ lãi suất trên địa bàn theo Nghị quyết 30a đạt 63,6 tỷ đồng, với 1.018 khách hàng vay vốn, số lãi tiền vay được hỗ trợ là 211 triệu đồng.

- Dư nợ cho vay 5 đối tượng thuộc các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, ngành công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phục vụ sản xuất kinh doanh công nghệ cao) đạt 62,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 62,4% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại, không bao gồm dư nợ của Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội.

- Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP là 67,1 tỷ đồng cho 141 khách hàng cá nhân và 01 khách hàng doanh nghiệp.

- Cho doanh nghiệp vay trên địa bàn, 7.274 lượt doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng với dư nợ đạt 43,7 nghìn tỷ đồng.

- Chương trình cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67 và Nghị định 89, dư nợ đến 31/12/2019 đạt 597,3 tỷ đồng, doanh số cho vay lũy kế từ đầu Chương trình đạt 651,3 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 54 tỷ đồng, nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đạt 18,9 tỷ đồng, nợ xấu 379,2 tỷ đồng (chiếm 63% dư nợ cho vay).

- Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt 307,5 tỷ đồng, trong đó ngắn hạn 200 tỷ đồng, dài hạn 207,5 tỷ đồng.

- Tín dụng chính sách xã hội đến 29/02/2020, tổng dư nợ cho vay đạt 9,5 nghìn tỷ đồng, tăng 164,3 tỷ đồng so với đầu năm.

6. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

6.1. Doanh thu bán lẻ hàng hóa

Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ngành Công Thương tăng cường hoạt động kết nối cung cầu và đẩy mạnh thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn gắn với thực hiện cuộc vân động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Các doanh nghiệp phân phối, kinh doanh chủ động tập trung nguồn lực tài chính, dự trữ hàng hóa thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Thực hiện bình ổn giá, không tăng giá các mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến các hoạt động khách sạn, nhà hàng, du lịch lữ hành.

Tháng Ba, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 7.181,9 tỷ đồng, giảm 3,7% so với tháng trước, giảm 2,4% so với tháng cùng kỳ. Quý I/2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 24.246,6 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ (quý I/2019 tăng 12,9%); trong đó nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 15,4%; may mặc giảm 1,2%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 1,8%; vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 10,5%; phương tiện đi lại tăng 2,1%; xăng, dầu tăng 8,1%...

Cục Quản lý Thị trường phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý; các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh thành lập các đoàn liên ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng giả tại các cửa hàng kinh doanh lớn, các điểm tập kết chứa hàng lậu, kho tàng, bến bãi, các chợ đầu mối, nơi giao nhận hàng hóa trên các tuyến đường sắt, đường bộ, đường thủy...; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng trong kinh doanh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo cung cầu hàng hóa thị trường, ổn định giá cả phục vụ tốt nhất nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 và các hành vi đầu cơ, găm hàng thu lợi bất chính và bảo đảm quyền lợi của người dân trên địa bàn tỉnh, Cục Quản lý Thị trường đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, ngành y tế phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh Covid-19 để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không bảo đảm chất lượng là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh và các hành vi vi phạm về giá theo quy định của pháp luật. Rà soát các cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế (chú trọng mặt hàng là khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế phục vụ công tác phòng, chống Covid-19), triển khai ký giấy cam kết niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; không găm hàng, đầu cơ tích trữ, tăng giá bất hợp hợp lý, đưa tin thất thiệt nhằm trục lợi; hàng hóa phải có đầy đủ chứng từ nguồn gốc xuất xử, đảm bảo chất lượng đúng theo quy định; tiến hành kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Hai tháng đầu năm 2020, Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 620 vụ, xử lý 567 vụ, trong đó 36 vụ vi phạm kinh doanh hàng nhập lậu, hàng cấm; 29 vụ vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ; 117 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá; 176 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm..., tổng số tiền thu nộp phạt là 1.985,5 triệu đồng.

6.2. Hoạt động lưu trú và ăn uống

Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động khách sạn, nhà hàng, du lịch lữ hành. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã có văn bản yêu cầu, kể từ 17 giờ ngày 13/3/2020, dừng đón khách tham quan du lịch tại các di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Các cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng) dừng đón khách lưu trú người nước ngoài và khách đến từ vùng có dịch.

Tháng Ba, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 462,2 tỷ đồng, giảm 48,5% so với tháng cùng kỳ; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 47,2 tỷ đồng, giảm 72,7%, doanh thu ăn uống ước đạt 415 tỷ đồng, giảm 42,8%. Tính chung quý I/2020, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 2.163,9 tỷ đồng, giảm 20,4% so với cùng kỳ (quý I/2019 tăng 16,3%); trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 350,8 tỷ đồng, giảm 33,1%, doanh thu ăn uống ước đạt 1.813,1 tỷ đồng, giảm 17,4%.

Quý I/2020, số lượt khách phục vụ của khách sạn ước đạt 951,2 nghìn lượt khách, giảm 32,4% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ ước đạt 1.607,8 nghìn ngày khách, giảm 31,5% so với cùng kỳ. Lượt khách du lịch theo tour ước đạt 7,2 nghìn lượt khách, giảm 74,7% so với cùng kỳ; ngày khách du lịch theo tour ước đạt 22,6 nghìn ngày khách, giảm 75,0% so với cùng kỳ.

6.3. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2020 giảm 0,88% so với tháng trước, chủ yếu do tác động của dịch bệnh Covid-19 làm cho giá dịch vụ du lịch, khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí giảm và giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm trong tháng. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 và bình quân 3 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước (tăng 6,26% và 6,70%) đều ở mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây (tốc độ tăng CPI tháng Ba so với cùng kỳ năm trước các năm 2016 - 2020 lần lượt là: 2,02%; 3,91%; 1,98%; 2,73%; 6,26%. Tốc độ tăng CPI bình quân 3 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2016 - 2020 lần lượt là: 1,28%; 3,55%; 3,38%; 2,58%; 6,70%)

Trong mức giảm 0,88% của chỉ số giá tiêu dùng tháng 03/2020 so với tháng trước có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,94% (lương thực tăng 1,41%, thực phẩm giảm 1,20%, ăn uống ngoài gia đình giảm 1,84%); nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,46%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,37%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,04%; nhóm giao thông giảm 4,07%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,08%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,52%. Duy nhất chỉ có nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng 0,03%. Hai nhóm hàng hóa còn lại giá cả ổn định, chỉ số giá không tăng là: nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 3 tháng đầu năm 2020 tăng 6,70% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2020 tăng 0,60% so với tháng 12/2019 và tăng 6,26% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá vàng tháng 3/2020 tăng 4,29% so với tháng trước, tăng 25,02% so với tháng 3/2019; bình quân 3 tháng đầu năm 2020 tăng 20,88% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2020 giảm 0,12% so với tháng trước, tăng 0,13% so với tháng 3/2019; bình quân 3 tháng đầu năm 2020 tăng 0,10% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

6.4. Vận tải hành khách và hàng hóa

Quý I năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sau Tết Nguyên đán Canh Tý, lượng khách đi Lễ hội, du lịch giảm nhiều so với quý I năm ngoái; mặt khác, tình hình sản xuất kinh doanh của một số ngành trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 là những yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa.

Tháng Ba, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 635,6 tỷ đồng, giảm 22,3% so với tháng trước, giảm 25,0% so với cùng kỳ; hàng hóa vận chuyển đạt 3.932 nghìn tấn, hàng hóa luân chuyển 175,9 triệu tấn.km; so với tháng trước, giảm 5,4% về hàng hóa vận chuyển, giảm 7,4% về hàng hóa luân chuyển; so với tháng cùng kỳ, giảm 14,4% về hàng hóa vận chuyển; giảm 19,1% về hàng hóa luân chuyển. Hành khách vận chuyển đạt 1.681 nghìn người, hành khách luân chuyển đạt 110,3 triệu người.km; so với tháng trước, giảm 44,3% về hành khách vận chuyển, giảm 44,3% về hành khách luân chuyển; so với tháng cùng kỳ, giảm 58,5% về hành khách vận chuyển, giảm 54,2% về hành khách luân chuyển.

Quý I/2020, thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ ước đạt 2.441,6 tỷ đồng, giảm 6,5% so với cùng kỳ (quý I/2019 tăng 13,3%). Vận chuyển hàng hoá đạt 13,2 triệu tấn, luân chuyển hàng hoá đạt 604,1 triệu tấn.km; so với cùng kỳ, giảm 6,5% về hàng hóa vận chuyển; giảm 10,5% về hàng hóa luân chuyển; vận chuyển hành khách 9,3 triệu người, luân chuyển hành khách 586,8 triệu người.km; so với cùng kỳ, giảm 25,3% về hành khách vận chuyển, giảm 21,7% về hành khách luân chuyển.

Cảng Hàng không Thọ Xuân hiện tại có 4 hãng hàng không đang khai thác, gồm: VietJet Air, Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Bamboo Airways. Từ đầu năm đến hết tháng Hai, lượng hành khách đi, đến trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý tăng mạnh; tính chung 02 tháng đầu năm 2020, chiều cất cánh đạt 932 chuyến, với lượt khách tương ứng 87,1 nghìn lượt khách; so với cùng kỳ, tăng 34,7% về số chuyến, tăng 8,3% về số lượt khách; chiều hạ cánh đạt 932 chuyến tương ứng với 168,3 nghìn lượt khách; so với cùng kỳ, tăng 34,9% về số chuyến, tăng 38,7% về số lượt khách. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, từ đầu tháng Ba đến nay, lượng hành khách đi, đến có xu hướng giảm mạnh.

7. Một số tình hình xã hội

7.1. Đời sống dân cư và an sinh xã hội

Đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh quý I/2020 nhìn chung ổn định. Các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện chi trả chế độ trợ cấp thường xuyên cho gần 75 nghìn đối tượng người có công với cách mạng với tổng kinh phí hàng tháng 141 tỷ đồng; cho hơn 204,6 nghìn đối tượng và hộ gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội, tổng kinh phí thực hiện hàng tháng 78,2 tỷ đồng. Thực hiện tốt công tác thăm hỏi, tặng quà của Chủ tịch nước, quà của tỉnh cho 196.260 lượt người có công với cách mạng dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 (97.850 đối tượng được nhận quà của Chủ tịch nước và 98.410 đối tượng được nhận quà của tỉnh), tổng kinh phí thực hiện 44,5 tỷ đồng. Ngoài ra các cấp chính quyền, địa phương cũng đã tổ chức thăm, tặng quà cho người có công, thân nhân người có công với kinh phí 16 tỷ đồng; tặng quà cho 104.873 người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tổng kinh phí 39,25 tỷ đồng và tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho 71.902 người cao tuổi với tổng kinh phí gần 19 tỷ đồng.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương cấp phát 384.060 kg gạo hỗ trợ trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý cho 9.472 hộ với 25.664 nhân khẩu tại 8 huyện: Quan Hoá, Mường Lát, Thường Xuân, Thiệu Hoá, Quan Sơn, Bá Thước, Yên Định, Tĩnh Gia và Hội Người mù tỉnh. Quỹ Bảo trợ trẻ em đã thăm, tặng quà dịp tết Nguyên đán Canh Tý cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại các huyện: Nga Sơn, Thường Xuân, Mường Lát, TP. Sầm Sơn và trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại 02 cơ sở trợ giúp xã hội, gồm: Trung tâm Hy Vọng, huyện Tĩnh Gia và Trung tâm Từ thiện xã hội Chùa Hồi Long, huyện Hoằng Hoá, tổng kinh phí khoảng 300 triệu đồng.

Ngày 27/02/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 671/QĐ-UBND về việc cấp gạo hỗ trợ cho học sinh học kỳ II năm học 2019 - 2020. Đối tượng hỗ trợ là những học sinh đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Số lượng học sinh được hưởng là 21.290 học sinh của 246 trường. Số lượng gạo hỗ trợ là 1.312.845 kg; mức hỗ trợ là 15kg/tháng/học sinh. Nguồn gạo hỗ trợ từ nguồn dự trữ quốc gia.

7.2. Lao động, việc làm

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được các cấp chính quyền, các đơn vị trên địa bàn tỉnh quan tâm. Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, quý I/2020, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 12.890 lao động (đạt 12,8% KH năm và bằng 82,5% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó số lao động được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 1.278 người; trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 3.549 lao động.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành, các cấp và các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh; tích cực hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định về cách ly, theo dõi lao động nước ngoài trở lại làm việc từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đã công bố dịch bệnh Covid-19. Tạm dừng việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài đến từ vùng dịch trong thời gian Việt Nam công bố dịch Covid-19 kể từ ngày 03/02/2020.

7.3. Công tác tuyển quân

Năm 2020, tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu tuyển quân là 3.550 người. Ngày 11/02/2020 (tức ngày 18 tháng Giêng năm Canh Tý) 3.552 thanh niên của 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã được bàn giao về các đơn vị quân đội, lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Chất lượng công dân nhập ngũ năm 2020 khá cao: sức khỏe loại 1, loại 2 đạt 72,8 %; trình độ văn hóa Trung học phổ thông đạt 60%; tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng, Trung cấp là 2%; tỷ lệ đảng viên đạt 0,16%; dân tộc ít người tỉnh Thanh Hóa tham gia nhập ngũ đạt 25,9 % với 922 đồng chí, đặc biệt có 6 đảng viên nhập ngũ. Buổi lễ giao quân ở các địa phương trong tỉnh đã diễn ra trong không khí trang trọng, đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, bảo đảm đủ chỉ tiêu và an toàn tuyệt đối.

7.4. Y tế

Trong quý I, ngành Y tế tập trung đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, chủ động giám sát các bệnh dịch phát sinh trong mùa Đông Xuân, đặc biệt là các dịch bệnh mới nổi, nguy hiểm như Covid-19; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; phát triển khoa học kỹ thuật; nâng cao chất lượng KCB, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, quản lý tốt khám chữa bệnh BHYT, tăng cường năng lực y tế tuyến xã; khống chế dịch bệnh; kiểm soát tốt an toàn thực phẩm; tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư; xử lý cơ bản chất thải y tế và xây dựng cơ sở y tế “Xanh - Sạch - Đẹp”.

Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19: Thực hiện các văn bản chỉ đạocủa Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ, ngành Trung ương, của Chủ tịch UBND tỉnh và các văn bản khác có liên quan, ngành Y tế đã triển khai các văn bản về phòng, chống dịch; chủ động tham mưu, tổ chức tốt các biện pháp phòng chống dịch; giám sát việc khai báo y tế và quản lý người lưu trú trên địa bàn bao gồm tất cả những người đến, lưu trú tại các địa phương, không kể thời gian lưu trú ngắn hay dài hạn; thực hiện công tác sàng lọc, kịp thời phát hiện các đối tượng nguy cơ, phân loại và tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe các đối tượng này tại nơi lưu trú, tại cơ sở cách ly tập trung hoặc cơ sở khám chữa bệnh. Tăng cường giám sát, cách ly tất cả các trường hợp người Việt Nam, người nước ngoài, nhất là người từ Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước Châu Âu và các quốc gia/vùng lãnh thổ có dịch trở về Thanh Hóa. Thông báo cho tất cả các công dân trong tỉnh tự giác khai báo với cơ quan y tế, chính quyền địa phương nơi cư trú nếu có tiền sử đến và đi qua vùng có dịch; tiền sử tiếp xúc với đối tượng dương tính với Covid-19 mới được ghi nhận hoặc với người có tiếp xúc với đối tượng trong vòng 14 ngày.

Theo thông báo cập nhật của Sở Y tế, tính đến 15 giờ 30’ ngày 23/3/2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh như sau:

- Điều trị thành công và xuất viện 01 ca dương tính với virut nCoV.

- Số ca nghi ngờ hiện được điều trị và theo dõi tại cơ sở y tế: 01 trường hợp(huyện Nga Sơn),hiện chưa có kết quả xét nghiệm.

- Số người hiện đang cách ly tập trung tại tuyến huyện(hiện đang được thực hiện tại các BVĐK tuyến huyện): Lũy kế 126 người; trong đó: 26 người đã hết thời gian cách ly; 100 người hiện tại đang được cách ly; 197 người được lấy mẫu sàng lọc (25 người đã có kết quả xét nghiệmâm tính với Sars-CoV-2, 172 người đang đợi kết quả xét nghiệm).

- Số người cách ly tập trung tại khu cách ly của tỉnh(tại Trung tâm Giáo dục AN-QP Trường ĐH Hồng Đức):46 người(là các chuyên gia quốc tịch Trung Quốcsang làm việc cho Tập đoàn HONGFU và các thuyền viên quốc tịch Việt Nam về địa phương); trong đó: 31 người đã hết thời gian cách ly; 15 người hiện đang được cách ly.

- Số người cách ly tập trung tại khu cách ly của Sư đoàn 390 - Quân đoàn 1- Thị xã Bỉm Sơn:Lũy kế 812 người(là các công dân đến từ vùng dịch, được cách ly tập trung theo quy định); trong đó, 409 người đã hết thời gian cách ly, 403 người hiện đang cách ly.

- Số người Việt Nam từ vùng dịch về Thanh Hóa được cách ly tại nhà, nơi cư trú: Lũy kế 5.109 người; trong đó: 3.236 người đã hết thời gian cách ly; 1.873 người hiện tại đang được cách ly.

- Số người nước ngoài đến Thanh Hóa được cách ly tại nhà, nơi cư trú: Lũy kế 1.059 người; trong đó: 959 người đã hết thời gian cách ly; 100 người hiện tại đang được cách ly.

- Số trường hợp tiếp xúc với ca nhiễm và nghi nhiễm Covid-19: Lũy kế số đối tượng tiếp xúc đã được theo dõi803người, đều có xét nghiệm âm tính vớiCovid-19, hiện không còn theo dõi sức khỏe.

7.5. Giáo dục

Qúy I/2020, theo kế hoạch ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức thực hiện triển khai học kỳ II năm học 2019 - 2020; phát động thi đua “Dạy tốt, học tốt” lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020); triển khai công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm học 2020 - 2021; xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh khối 12; tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh các môn văn hóa cấp tỉnh bậc THCS, THPT và bổ túc THPT năm học 2019 - 2020…; tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 và các dịch bệnh khác gây ra. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh do Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh đã cho các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh tiếp tục tạm nghỉ học đến hết ngày 29/3/2020; tạm dừng (không tổ chức) kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh các môn văn hóa cấp tỉnh bậc THCS, THPT và bổ túc THPT năm học 2019 - 2020. Trong thời gian học sinh nghỉ học, các nhà trường đã thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống Covid-19; tất cả cán bộ, giáo viên và học sinh đều an toàn; các đơn vị, trường học đảm bảo an ninh trật tự; chuẩn bị tốt các điều kiện để học sinh đi học trở lại và thực hiện đảm bảo chương trình đúng thời gian quy định. Riêng học sinh THPT, học viên Giáo dục thường xuyên, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh đã đi học trở lại từ ngày 02/03/2020.

UBND tỉnh đã ban hành quyết định điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học 2019 - 2020 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo đó, kết thúc năm học 2019 - 2020 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên (hệ bổ túc văn hóa) trước ngày 30/6/2020; việc xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS trước ngày 30/6/2020; hoàn thành tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2020 - 2021 trước ngày 20/8/2020. Riêng đối với giáo dục thường xuyên (hệ bổ túc văn hóa) trước ngày 31/8/2020; về thời gian tổ chức các kỳ thi: Thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên Lam Sơn, lớp 10 THPT và lớp 10 THPT Dân tộc nội trú năm học 2020 - 2021 vào đầu tháng 7/2020; xét tuyển sinh vào lớp 6 THCS năm học 2020 - 2021 trước ngày 15/8/2020; thi THPT quốc gia năm 2020 theo lịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn văn hoá THPT năm học 2019 - 2020, đoàn học sinh tỉnh Thanh Hoá có 76 thí sinh của 09 đội tuyển tham gia dự thi (Đội tuyển Toán, Vật lý mỗi đội 10 học sinh; các đội tuyển Hoá học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh mỗi đội 8 học sinh); trong đó 73 thí sinh của Trường THPT chuyên Lam Sơn, 01 thí sinh của Trường THPT Nông Cống 3 (môn Vật lý), 01 thí sinh Trường THPT Quảng Xương 1 (môn Tin học) và 01 thí sinh Trường THPT Hậu Lộc 2 (môn Lịch sử). Kết quả có 59 học sinh đạt giải (chiếm 77,6% số thí sinh dự thi), trong đó: 01 giải Nhất (môn Hoá học), 17 giải Nhì; 20 giải Ba và 21 giải Khuyến khích.

7.6. Văn hoá - Thể dục thể thao

Ngành Văn hóa - Thông tin tổ chức tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và đất nước, trọng tâm là: Tổ chức tuyên truyền rộng rãi các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh về tổ chức đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 18/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xiết chặt kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan đảng, nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, nghiêm cấm sử dụng rượu, bia, chất có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực; Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020); 73 năm Ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20/02/1947-20/02/2020); Kỷ niệm 60 năm Ngày kết nghĩa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Quảng Nam (12/3/1960 - 12/3/2020)…; góp phần nâng cao nhận thức chính trị, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Để tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt Mừng Xuân Canh Tý 2020 và tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp tại Quảng trường Lam Sơn (thành phố Thanh Hóa), thị xã Bỉm Sơn, và thị trấn huyện Ngọc Lặc vào thời khắc Giao thừa. Tại thành phố Thanh Hóa, các đô thị, các thị trấn, thị tứ, trung tâm các xã, thị trấn và khu dân cư đều được trang hoàng rực rỡ bằng cờ, hoa, cây cảnh, đèn trang trí và các pano, áp phích, khẩu hiệu, cờ hồng kỳ, bảng điện tử… Tổ chức triển lãm sách, báo, hình ảnh, tư liệu kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Lễ hội Thư pháp cho chữ ngày Xuân, Hội Báo Xuân, Hội diễn võ thuật Vovinam các Câu lạc bộ tỉnh Thanh Hóa… Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng, làm cho các hoạt động lễ hội thường niên đầu xuân giảm quy mô, không thực hiện dâng hương, tế lễ, không thực hiện các khóa tu, giải sao, giải hạn, viết sớ...; dừng 09 Lễ hội lớn quy mô cấp huyện và tỉnh: Bà Triệu (Hậu Lộc); Cầu Ngư (Hậu Lộc); Đền Đức Thánh Cả (Hậu Lộc); Am Tiên - Phủ Nưa (Như Thanh); Mường Khô (Bá Thước); Quang Trung (Tĩnh Gia); Đào Duy Từ (Tĩnh Gia); Khai Ấn Đền Trần (Hà Trung); Trung Túc Vương Lê Lai (Ngọc Lặc). Tạm dừng các giải đấu, hoạt động TDTT có tập trung đông người trên địa bàn tỉnh. Các HLV, VĐV thuộc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Thanh Hóa cũng được áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ, thực hiện “cấm trại”; tiến hành đo thân nhiệt cho tất cả các VĐV, HLV các bộ môn, yêu cầu sử dụng khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn trước khi tập luyện hàng ngày.

7.7. Tai nạn giao thông

Theo báo cáo của Ban An toàn Giao thông tỉnh, tháng 02/2020 (tính từ ngày 15/01/2020 đến 14/02/2020), toàn tỉnh xảy ra 52 vụ tai nạn giao thông, tăng 11 vụ so tháng trước, giảm 6 vụ so với cùng kỳ; làm chết 10 người, giảm 5 người so tháng trước, giảm 7 người so với cùng kỳ; bị thương 57 người, tăng 24 người so tháng trước, giảm 20 người so với cùng kỳ. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 93 vụ tai nạn giao thông, làm 25 người chết và 90 người bị thương; so với cùng kỳ, giảm 8 vụ, giảm 5 người chết và giảm 13 người bị thương.

Lực lượng Cảnh sát giao thông Cảnh sát cơ động, Thanh tra giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông. Tháng 02/2020, lực lượng Cảnh sát giao thông, trật tự, cơ động kiểm tra, xử lý 6.610 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tạm giữ 1.859 phương tiện các loại, phạt tiền gần 10,4 tỷ đồng; Thanh tra giao thông lập biên bản xử phạt 33 trường hợp, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 05 trường hợp và 05 phù hiệu có thời hạn, phạy tiền 117,8 triệu đồng. Đường sắt, lực lượng Cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý 13 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, tạm giữ 01 ô tô và tước giấy phép lái xe 12 trường hợp, phạt tiền 22,6 triệu đồng.

7.8. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

Môi trường: Tháng Hai, trên địa bàn tỉnh xảy ra 07 vụ vi phạm môi trường (Cẩm Thủy 03 vụ, Thọ Xuân 02 vụ, TX Bỉm Sơn và Quan Hóa mỗi địa phương 01 vụ), xử phạt hành chính 105,5 triệu đồng. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 30 vụ vi phạm môi trường, giảm 12 vụ so cùng kỳ, xử phạt hành chính 30 vụ, tổng số tiền phạt vi phạm 443,3 triệu đồng.

Cháy, nổ: Tháng Hai, xảy ra 10 vụ cháy (Vĩnh Lộc 03 vụ, TP. Thanh Hóa, Triệu Sơn mỗi địa phương 02 vụ, TP. Sầm Sơn, Thiệu Hóa, Tĩnh Gia mỗi địa phương 01 vụ), không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản khoảng 56,8 triệu đồng. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 19 vụ cháy, nổ; số người bị chết 02 người; số người bị thương 13 người, thiệt hại về tài sản 201,8 triệu đồng.


Cục Thống kê Thanh Hóa

    Tổng số lượt xem: 704
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)