Đồng rupiah. (Nguồn: The Jarkata Post) Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia cho biết các ngân hàng sẽ có nghĩa vụ mua trái phiếu chính phủ sau khi BI giải phóng 102.000 tỷ rupiah thanh khoản.
Ngày 29/4, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) đã bơm 503.800 tỷ rupiah (gần 33 tỷ USD) vào các ngân hàng và thị trường nợ để ổn định đồng nội tệ, giúp hỗ trợ các nhu cầu tài chính của chính phủ nhằm chống lại các cú sốc kinh tế do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tại cuộc họp báo trực tuyến, Thống đốc BI Perry Warjiyo cho biết các ngân hàng sẽ có nghĩa vụ mua trái phiếu chính phủ sau khi BI giải phóng 102.000 tỷ rupiah thanh khoản. Bắt đầu từ ngày 1/5 tới, tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giảm xuống 200 điểm cơ bản (bps) đối với các ngân hàng thương mại và 50 bps đối với các ngân hàng Hồi giáo (Sharia).
Nghĩa vụ của các ngân hàng nhằm thực hiện Tỷ lệ vĩ mô trung gian (RIM) sẽ bổ sung thêm 15.800 tỷ rupiah thanh khoản. Chính sách tài khóa sẽ rất quan trọng trong việc chuyển các quỹ này vào nền kinh tế.
Ông Perry cho biết thêm, ngoài khoản thanh khoản trị giá 386.000 tỷ rupiah do BI đưa ra kể từ đầu năm để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh hệ thống tiền tệ bị sập và tăng cường khả năng thanh khoản cho các ngân hàng, BI đã mua trái phiếu chính phủ trị giá 166.200 tỷ rupiah trên thị trường thứ cấp khi các nhà đầu tư rút vốn ra khỏi Indonesia vì lo ngại dịch COVID-19, dẫn đến sự sụt giảm giá trị của đồng rupiah, vốn đã mất giá 18,5% vào đầu tháng 3/2020.
Đồng rupiah đã bắt đầu tăng giá so với đồng bạc xanh trong vài tuần qua, và tăng lên 15.394 rupiah/USD vào ngày 29/4. Mức thấp nhất từ đầu năm là 16.625 rupiah đổi 1 USD./.