(MPI) - Phát biểu tại Phiên họp Thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ngày 14/5/2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Trần Quốc Phương cho biết, với những lợi thế thuận lợi để phát triển, trong thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã có nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, Tỉnh còn rất nhiều dư địa cần phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là kết nối hạ tầng khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng đối với các địa phương khác trong cả nước nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa, thương mại dịch vụ…
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Trần Quốc Phương phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: MPI |
Tham dự Phiên họp, có đại diện các Bộ, ngành là thành viên Hội đồng, các chuyên gia và đại diện Lãnh đạo Tỉnh và các Sở, ngành liên quan của tỉnh Gia Lai.
Xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xác định vai trò của tỉnh Gia Lai với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Duyên Hải Miền Trung và với cửa ngõ quốc tế Lào, Campuchia. Định hướng phát triển của Tỉnh giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo (tăng tốc độ tăng trưởng từ 8 lên 10-11%), xây dựng tỉnh Gia Lai trở thành trung tâm kinh tế chính trị khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Theo Báo cáo thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, thay đổi cơ cấu kinh tế tạo tính đột phá giữa các ngành. Xác định nông nghiệp là ngành sản xuất trọng điểm với xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn, đưa phát triển vùng động lực vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái.
Đồng thời, xây dựng thành phố Pleiku thành đô thị thông minh, đô thị mang tính riêng có và độc đáo, là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội với tính chất đô thị, là cao nguyên xanh vì sức khỏe con người, có chiến lược, chính sách hấp dẫn các nhà đầu tư để trở thành đô thị có tính lan tỏa lớn, phát triển các đô thị vệ tinh để trở thành các điểm sáng lan tỏa đến các khu vực nông thôn.
Mục tiêu, nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Gia Lai là tạo sự đồng bộ về quy hoạch giữa tỉnh Gia Lai và các địa phương khác, có sự kết nối giữa quy hoạch cấp quốc gia với quy hoạch vùng. Phát huy tiềm năng và lợi thế xây dựng phát triển tỉnh Gia Lai theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái hiệu quả và bền vững.
Đồng thời, xác định rõ những vấn đề mang tính đặc thù là điểm nhấn trong các nội dung quy hoạch Tỉnh, là công cụ quan trọng giúp các địa phương trong Tỉnh hoạch định không gian phát triển, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của các vùng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Tập trung đầu tư nguồn lực phân bố sản xuất, chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp, thu hút đầu tư tạo khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Nhiệm vụ và nguyên tắc xây dựng lập quy hoạch phù hợp với căn cứ pháp lý hiện hành về lập, thẩm định và tổ chức thực hiện quy hoạch cấp Tỉnh, bao quát hết các công việc cần triển khai trong quy hoạch cấp Tỉnh. Đồng thời, quan tâm đến các đặc thù, lợi thế tiềm năng và các điểm nhấn trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và các vấn đề khác của địa phương.
Bên cạnh đó, lập quy hoạch Tỉnh phải đảm bảo sự tuân thủ, bám sát các quy trình, nội dung, nguyên tắc theo Luật quy hoạch, Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật quy hoạch, đảm bảo tính thống nhất, tổng thể, đồng bộ, tính kế thừa và tính mở để tiếp cận các phương pháp quy hoạch hiện đại. Đồng thời, đảm bảo tính thị trường trong việc huy động các yếu tố, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh cũng như trong xây dựng định hướng phát triển.
Chuyên gia phản biện, nguyễn Đắc Nhẫn cho biết, hồ sơ thẩm định của Tỉnh tuân thủ theo đúng quy định của Luật quy hoạch, Nghị định 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ. Các căn cứ pháp lý lập quy hoạch thực hiện đúng theo quy định, thể hiện cơ quan tư vấn đã tiếp cận đúng thông tin. Tuy nhiên, về báo cáo thuyết minh chỉ nên tập trung vào một số điểm chính, chỉ lựa chọn một số văn bản cần thiết.
Về báo cáo rà soát đánh giá thực hiện quy hoạch thời kỳ trước đề nghị nghiên cứu bổ sung các nhiệm vụ, lĩnh vực của các sở, ngành, địa phương cấp huyện để có phương án xây dựng đến thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về báo cáo thuyết minh nhiệm vụ quy hoạch cơ bản thể hiện theo đúng quy định của Luật quy hoạch, tuy nhiên cần rà soát, tên gọi của từng hợp phần, theo ngành, lĩnh vực đúng với quy định của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP và Thông tư 08/2019/TT-BKHĐT.
Đại diện đơn vị giúp việc Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đinh Trọng Thắng trình bày bản nhận xét về Hồ sơ trình thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cho biết, cấu trúc báo cáo thuyết minh nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Gia Lai cần được rà soát, chỉnh sửa để đảm bảo tương thích với các nội dung chủ yếu của Nhiệm vụ lập quy hoạch đã được quy định của Luật quy hoạch và hướng dẫn chi tiết của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.
Nội dung báo cáo thuyết minh nhiệm vụ lập quy hoạch Tỉnh cần bám sát nội dung quy hoạch Tỉnh theo quy định của Luật quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP. Tên các đề mục nội dung và yêu cầu đối với nhiều nội dung quy hoạch chưa đúng với quy định cần rà soát, chỉnh sửa.
Do Quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng chưa được phê duyệt, do đó trong quá trình lập quy hoạch tỉnh Gia Lai cần chủ động phối hợp, cập nhật thông tin trong quá trình lập quy hoạch để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch đúng theo quy định.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Văn Thành cảm ơn các chuyên gia, Cơ quan thường trực, thành viên Hội đồng đã có những ý kiến góp ý thẳng thắn, đồng thời khẳng định, Tỉnh sẽ sớm tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện.
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao ý kiến của các đại biểu, qua đó, giúp tỉnh Gia Lai hoàn thiện nhiệm vụ lập Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, cho biết, hiện có một số địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định nhiệm vụ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được cập nhật đầy đủ trên Hệ thống thông tin và dữ liệu quốc gia về quy hoạch, Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Do vậy, đề nghị tỉnh Gia Lai có thể tham khảo để xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch với quan điểm, mục tiêu và nguyên tắc phù hợp với thực tế, đẩy nhanh tiến độ trong quá trình xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại phiên họp, 20/21 thành viên Hội đồng tham dự thống nhất thông qua với điều kiện có tiếp thu chỉnh sửa, nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư