(MPI) – Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam diễn ra ngày 30/5/2020, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự Hội nghị.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cộng đồng doanh nghiệp đưa ra các ý kiến kiến nghị với Chính phủ nhằm ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn về các thủ tục đất đai để xây dựng các khu công nghiệp, cũng như hỗ trợ phát triển đường giao thông liên vùng; tập trung ưu tiên quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng mang tính liên kết vùng, đặc biệt là tuyến đường cao tốc, hệ thống đường vành đai thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống cảng logictics...
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, ý kiến của các đại biểu tập trung nhiều vào đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng nếu chúng ta trông vào ngân sách thì không ổn, huy động dự án PPP thì rất khó khăn. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ xem xét để có gói kích thích đầu tư, tập trung đầu tư giải quyết một số công trình trọng điểm cấp bách cho các vùng, trong đó vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như các dự án được nêu ra tại Hội nghị.
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển nhất cả nước, là nơi tập trung hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế lớn như sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành, có 6/8 cảng biển quốc gia. Ngoài ra còn các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp với công nghệ hiện đại, tự động hóa cao. Đây cũng là trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước với hơn 15 nghìn dự án FDI còn hiệu lực, 140 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động. Đồng thời, là trung tâm kết nối với vùng Tây Nguyên, Nam Trung bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có nguồn nhân lực chất lượng cao với nhiều trường Đại học và trung tâm đào tạo lớn nhất cả nước, cung cấp lao động có trình độ cao và có tay nghề, cơ bản đáp ứng yêu cầu trong vùng và các vùng khác.
Vùng có đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP, là cực tăng trưởng mạnh nhất của cả nước. Trong giai đoạn 2011-2019, Vùng đóng góp bình quân hằng năm vào tốc độ tăng GDP cao nhất cả nước là 36,8%. Cứ 1% tăng trưởng GRDP của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ làm GDP của toàn nền kinh tế tăng 0,55%. Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu, đóng góp 19,9% và mức tăng trưởng chung cả nước.
Quy mô kinh tế lớn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực, tỷ trọng GRDP/GDP của Vùng là 35,91%, cao hơn 3 vùng kinh tế trọng điểm còn lại (Bắc Bộ: 25,18%; miền Trung: 7,29%; Đồng bằng sông Cửu Long: 5,48%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng. Là Vùng đạt thu ngân sách và kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước. Giai đoạn 2016-2020 dự kiến đóng góp đến 41,8% tổng thu ngân sách và 39,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Giai đoạn 2011-2019, GRDP bình quân đầu người của Vùng cao hơn cả nước từ 2,05-2,41 lần. Giá trị đăng ký các dự án FDI còn hiệu lực chiếm 48,1% cả nước với hơn 3.600 dự án đang hoạt động, vốn thực hiện hơn 41 tỷ đô la Mỹ. Các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu lần lượt đứng thứ 1, 3, 4, 5 cả nước về thu hút FDI. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là khu vực phát triển năng động, đổi mới, sáng tạo, được chọn để thí điểm nhiều cơ chế, chính sách mới về phát triển kinh tế, đổi mới sáng tạo, ứng dụng các công nghệ, khoa học mới nhất.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Vùng vẫn còn một số tồn tại như tốc độ tăng trưởng kinh tế của các địa phương trong Vùng có xu hướng chậm dần, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2019 của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ ngang mức bình quân cả nước là 6,61%, chưa đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 là 8,5-9%/năm. Tỷ trọng hai ngành mũi nhọn của Vùng trong cơ cấu ngành của cả nước lại có dấu hiệu chững lại hoặc giảm theo từng năm, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng của Vùng trong cơ cấu ngành cả nước giảm từ 44,44% năm 2016 xuống còn 41,04% năm 2019 và tỷ trọng ngành dịch vụ của vùng trong cơ cấu ngành cả nước giữ nguyên tỷ lệ 35,6% năm 2016 và năm 2019.
Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp chưa bền vững, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm dẫn đến sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguồn nguyên vật liệu, phụ tùng, giá thành sản phẩm chưa có sức cạnh tranh. Nguồn thu NSNN chưa bền vững, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) các địa phương trong Vùng chưa cao, thể hiện môi trường đầu tư chưa thực sự thông thoáng. Cơ sở hạ tầng bị quá tải, tính kết nối với các vùng lân cận chưa cao. Các thành phố gặp khó khăn trong quản lý đô thị, thực hiện quy hoạch do tốc độ đô thị hóa cao, tỷ lệ tăng dân số cao nhất nước. Hạ tầng giao thông chưa phát triển tương xứng đang là điểm nghẽn của sự phát triển, ngập úng và ô nhiễm môi trường thường xuyên xảy ra…
Do vậy, trong thời gian tới, để chuẩn bị sẵn sàng đón đầu làn sóng đầu tư sau dịch bệnh, như lời Thủ tướng Chính phủ đã nói là để thu hút các “đại bàng” đến làm tổ, các địa phương có tinh thần chủ động, nhất quán về chính sách, chuẩn bị môi trường đầu tư thuận lợi nhất và nguồn nhân lực để tận dụng cơ hội này. Đồng thời, tập trung giải ngân nhanh vốn đầu tư công trong đó trọng tâm là các dự án kết cấu hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông, phát triển đô thị. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, cần có tư duy đột phá trong phát triển đô thị, nhìn rộng vượt ra khỏi đất nước, phát triển các vùng đô thị, tạo động lực phát triển, tăng tính kết nối liên vùng. Có các giải pháp thực chất huy động đa dạng nguồn lực dành cho đầu tư phát triển, trong đó nghiên cứu đề xuất tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương hợp lý đồng thời huy động các tổ chức quốc tế cho vay vốn các công trình trọng điểm. Đổi mới, hoàn thiện cơ chế điều phối liên kết phát triển kinh tế vùng thông qua các hình thức điều phối vùng tương tự như đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng điều phối Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tăng cường hợp tác khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ, tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước để phát triển bền vững…
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận kiến nghị của các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khẳng định sẽ giải quyết cụ thể từng kiến nghị. Về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta vượt muôn vàn khó khăn, thách thức, đã kiểm soát, đẩy lùi được dịch bệnh, đây là thắng lợi bước đầu quan trọng, là thời cơ, làm nền tảng cho sự phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên, tuyệt đối không được chủ quan khi hiện nay chưa có vắc xin và dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều nước.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng lớn nhất cả nước, đóng góp cho Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và trong tương lai gần, đây sẽ là vùng siêu đô thị, có quy mô hàng đầu khu vực Đông Nam Á và cả Đông Á, đạt mục tiêu, về đích sớm hơn ít nhất 10 năm trong mục tiêu Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, tức là trở thành một vùng hùng cường vào năm 2035. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đề nghị cả Vùng phải đoàn kết để cùng phát triển trong một tầm nhìn mới, một ý chí, nghị lực, khát vọng của từng cá nhân lãnh đạo, cá nhân doanh nhân, từng địa phương, dám dấn thân, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm với sự phát triển của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu một gói hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương đầu tư sớm một số công trình hạ tầng giao thông kết nối quan trọng, cấp bách./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư