Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/05/2020-10:48:00 AM
Đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến dự án Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư
(MPI) - Ngày 28/5/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau về dự án Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
https://media.quochoi.vn/Uploads/Originals/2020/05/28/202005281742576541_To%C3%A0n%20c%E1%BA%A3nh%20phi%C3%AAn%20h%E1%BB%8Dp%20-%20B%E1%BB%99%20tr%C6%B0%E1%BB%9Fng%20B%E1%BB%99%20N%C3%B4ng%20nghi%E1%BB%87p%20v%C3%A0%20Ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20n%C3%B4ng%20th%C3%B4n%20Nguy%E1%BB%85n%20Xu%C3%A2n%20C%C6%B0%E1%BB%9Dng%20copy.jpg

Toàn cảnh Phiên họp

Tại phiên thảo luận đã có 14 đại biểu phát biểu ý kiến, 07 đại biểu tranh luận, trong đó, đa số ý kiến đều cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật PPP và tập trung thảo luận, cho ý kiến về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư; lĩnh vực đầu tư dự án; quy mô đầu tư dự án; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; vai trò của Kiểm toán Nhà nước đối với các dự án PPP; nguồn vốn thực hiện dự án; các quy định đối với hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT); giám sát đối với dự án PPP;…

Nâng cao hiệu quả và chống thất thoát, lãng phí vốn đầu tư

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh, việc ban hành Luật nhằm tạo khung pháp lý đủ mạnh để thay thế Nghị định số 15, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đấu thầu, nâng cao hiệu quả và chống thất thoát, lãng phí vốn đầu tư. Đồng thời, loại bớt những nhà đầu tư yếu kém về năng lực tài chính, góp phần làm giảm gánh nặng chi phí ngân sách cho đầu tư công và rủi ro thất thoát vốn. Bổ sung điều khoản về công khai thông tin hợp đồng dự án về thời hạn và nội dung thông tin, công khai thông tin rõ các vấn đề chi phí.

Theo Đại biểu, để nâng cao vai trò, hiệu quả của Luật, cần phải Kiểm toán nhà nước tham gia ngay từ đầu để quy định cụ thể quy mô đầu tư tối thiểu đối với các lĩnh vực cũng như làm rõ hơn căn cứ cơ sở của việc không quy định tổng mức đầu tư tối thiểu đối với các dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh quản lý nhằm góp phần phân loại dự án phù hợp với đặc thù của dự án đầu tư PPP. Bổ sung cụ thể vai trò kiểm toán trong dự án luật là phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật, sẽ giúp cho nhà nước thực hiện giám sát độc lập, tăng cường tính minh bạch, hiệu quả với công tác đầu tư PPP, không làm ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân, qua đó tạo động lực quan trọng cho đầu tư phát triển.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho rằng, Điều 4 Khoản 1 về lĩnh vực đầu tư xác định 5 lĩnh vực đầu tư là phù hợp theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, không dàn trải, có trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đến các dự án lớn, có tính cách liên vùng, miền, tính lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội chung.

Về chọn lựa nhà đầu tư, Đại biểu đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, sửa đổi, bổ sung cụ thể từ 9 Điều lên thành 16 Điều và cho rằng, các dự án có hiệu quả hay không thì công tác lựa chọn nhà đầu tư là tối quan trọng, bằng nhiều phương pháp, hình thức, biện pháp khác nhau mà luật pháp cho phép.

Về hoạt động kiểm toán trong các dự án PPP, đây là một vấn đề rất quan trọng nhằm đảm bảo tài sản nhà nước không bị thất thoát, đóng góp của người dân không bị vào túi riêng, không bị lợi ích nhóm chi phối, thời gian qua đã bộc lộ nhiều sai sót trong các dự án BOT giao thông. PPP là công trình đối tác công tư, sản phẩm cuối cùng là bàn giao cho nhà nước quản lý. Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, Kiểm toán nhà nước chỉ kiểm toán vốn, tài sản nhà nước tham gia các dự án PPP, nếu phát hiện vốn, tài sản nhà nước tham gia dự án sử dụng sai mục đích, không đúng đối tượng, có khả năng thất thoát thì Kiểm toán nhà nước đề nghị chủ đầu tư giải trình cụ thể, nếu phát hiện sai phạm sẽ kiểm toán toàn bộ dự án. Tuy nhiên, cũng không được lạm dụng kiểm toán để gây khó khăn hoạt động cho nhà đầu tư.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh, chúng ta làm Luật PPP thực chất là hợp tác công tư chứ không phải Luật đầu tư công. Trong quá trình bắt đầu triển khai dự án, đến lúc kết thúc quá trình vận hành, bàn giao tới nhà nước thì có cả vốn đầu tư công và vốn tư nhân. Chỉ khi nào nhà đầu tư hết quá trình vận hành, bàn giao cho nhà nước thì đấy mới là tài sản công 100%. Vì vậy, nếu kiểm toán một cách toàn diện thì không hợp lý. Bởi vì có những dự án, nhà đầu tư chỉ yêu cầu nhà nước hỗ trợ phần giao đất, hỗ trợ mặt bằng, đền bù thì trong phần đấy kiểm toán hoàn toàn là tài sản công. Còn toàn bộ phần vốn của nhà đầu tư đầu tư vào thì chỉ kiểm soát sản phẩm chất lượng đầu ra.

Đồng thời cho rằng, có ba nội dung phải kiểm toán toàn diện tất cả các dự án. Một là toàn bộ tuân thủ về quá trình lập, thẩm định, phê duyệt đấu thầu. Hai là kiểm toán toàn bộ về đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ đầu ra cung cấp cho xã hội. Ba là kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản khi nhà đầu tư chuyển giao cho nhà nước. Còn trong quá trình tổ chức thực hiện thì những cấu phần nào hoặc những dự án thành phần nào hoàn toàn độc lập, sử dụng ngân sách nhà nước được kiểm toán một cách toàn diện theo Luật đầu tư công. Còn những phần có cấu phần liên quan đến vốn nhà nước và vốn tư nhân hoặc là hoàn toàn vốn tư nhân thì trong Luật đã quy định là cơ quan ký hợp đồng phải phối hợp với nhà đầu tư để thuê kiểm toán độc lập kiểm toán một cách minh bạch. Cách thiết kế như vậy vừa đúng với Hiến pháp vừa đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư, của nhà nước và đảm bảo quyền lợi của Nhân dân.

Dự thảo Luật PPP: lựa chọn lĩnh vực đầu tư quan trọng, thiết yếu

Đại biểu Quốc hội Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến bày tỏ đồng tình với bố cục và nội dung dự thảo Luật, đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tham gia tại Kỳ họp thứ 8. Đồng thời bày tỏ đồng tình với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là thu hẹp lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP, chỉ tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực trọng điểm, trọng tâm, các dự án lớn có tính liên kết vùng, miền, tính lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương gồm 5 lĩnh vực giao thông vận tải, lưới điện, nhà máy điện trừ nhà máy thủy điện, thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải và xử lý chất thải, y tế, giáo dục đào tạo, công nghệ thông tin. Việc Chính phủ quy định tổng mức đầu tư tối thiểu đối với các dự án PPP theo từng lĩnh vực đầu tư quy định tại điểm a, b và c tại khoản 2 Điều 4 là phù hợp.

Đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư gồm Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương và cơ quan khác, Hội đồng nhân dân các cấp tại khoản 1, 2, 3 và 4 cũng như quy định về thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư theo khoản 2 Điều 18 là cấp nào quyết định chủ trương đầu tư thì cấp đó quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng, Luật PPP là luật mới, phức tạp, liên quan đến rất nhiều luật và là luật quan trọng trong bối cảnh đất nước đang hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Đồng thời bày thống nhất với nhiều nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Luật này. Về lĩnh vực đầu tư, Dự thảo quy định 5 nhóm lĩnh vực được lựa chọn lĩnh vực đầu tư vào phương thức PPP là những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu, trong đó lĩnh vực năng lượng nói chung và nhà máy điện, lưới điện nói riêng. Việc đưa lĩnh vực này vào đầu tư dự án theo phương thức PPP là phù hợp, nhằm thực hiện tính minh bạch trong định giá điện và tiến tới áp dụng giá thị trường đối với lĩnh vực năng lượng, để khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng, nhằm loại tính độc quyền, tăng tính cạnh tranh, bình đẳng, minh bạch trong việc phát triển năng lượng.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Bùi Thanh Tùng tán thành với việc thu hẹp các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP vào các nội dung, lĩnh vực đầu tư, kết cấu hạ tầng trọng điểm tại Điều 4. Cùng với việc sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của các bên liên quan từ các cơ quan quản lý nhà nước đến nhà đầu tư, doanh nghiệp, bên cho vay, bên mời thầu và bổ sung quy định nguyên tắc làm cơ sở quy định các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ này trong hợp đồng dự án PPP.

Liên quan đến quy định nhà máy điện và lưới điện tại mục b khoản 1 Điều 4, Đại biểu cho rằng, chính sách thu hút đầu tư tư nhân thông qua phương thức PPP vào lĩnh vực năng lượng nói chung và nhà máy điện, lưới điện nói riêng là phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bản chất dự án PPP là nhằm mục tiêu công nhưng lại có sự kết hợp công tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án. Dự án đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư với nhiều quy trình, thủ tục chặt chẽ, cơ chế chính sách pháp luật vừa phải đảm bảo chất lượng dịch vụ công, nhưng đồng thời cũng phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP.

Đại biểu tán thành với quan điểm của một số đại biểu và không đồng tình với một số quan điểm cho rằng chúng ta phải kiểm toán toàn diện đối với dự án PPP. Việc sửa đổi, bổ sung các khâu, lĩnh vực cũng như thời điểm kiểm toán trong quá trình triển khai và đưa vào vận hành dự án PPP như đã nêu trong các khoản 1, 2, 3, 4 của Điều 87 trong dự thảo Luật là đảm bảo tính chặt chẽ trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nhưng vẫn tạo điều kiện về tính độc lập nhất định đối với các nguồn vốn đầu tư tư nhân theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế về lĩnh vực kiểm toán. Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 63 quyết toán vốn đầu tư công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng cũng đã xác định vai trò của kiểm toán độc lập trong dự án PPP, như vậy, đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Huy động nguồn lực để thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội

Theo đại biểu tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo, nếu dự án Luật được Quốc hội thông qua sẽ tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ, công khai, minh bạch, đồng thời góp phần quan trọng vào việc huy động nguồn lực xã hội để thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, giữ vững độc lập, chủ quyền của đất nước và hội nhập quốc tế.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường cho rằng, cần phải thông qua dự án Luật PPP để làm khuôn khổ pháp lý cho việc kêu gọi đầu tư tư nhân vào thực hiện cung cấp dịch vụ công, đặc biệt là đầu tư hạ tầng. Về cơ chế chia sẻ rủi ro, Đại biểu nhất trí với phương án dựa vào doanh thu chứ không phải dựa vào con số về lỗ, lãi. Bởi vì doanh thu của dự án PPP được tính trên cơ sở số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ công khi thiết kế dự án. Nhưng khi triển khai thực hiện số lượng khách hàng thay đổi, sụt giảm. Nếu như số lượng khách hàng sụt giảm thì tổng doanh thu sụt giảm, như vậy những phương án tài chính của nhà đầu tư cũng sẽ bị thay đổi theo.

Về vấn đề liên quan đến lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để thực hiện dự án, Đại biểu đồng tình với quy định của Luật là chúng ta sẽ phải đấu thầu công khai, minh bạch để lựa chọn một nhà đầu tư, để tránh tình trạng chúng ta chỉ định thầu xảy ra những tiêu cực như những giai đoạn trước đây.

Luật PPP được ban hành nhằm tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác trong quá trình áp dụng, đồng thời, bảo đảm khung pháp lý ổn định cho hợp đồng PPP dài hạn, nhiều rủi ro, để tạo niềm tin, thu hút các nhà đầu tư. Cùng với đó là bổ sung các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư PPP để tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công.

Luật được xây dựng theo quan điểm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói chung và cơ chế huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng nói riêng. Đồng thời, bảo đảm quy định của Luật phù hợp với các cam kết quốc tế về đầu tư, thương mại; tuân thủ nguyên tắc kinh tế thị trường, lấy lợi ích cho người dân, nhà nước và nhà đầu tư là trọng tâm khi xây dựng chính sách. Tạo lập cơ chế thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả, đơn giản. Thu hút tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực của khu vực tư nhân cũng như các nguồn lực của Nhà nước trong dự án PPP, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế, xã hội của đất nước./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1561
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)