Một nhà máy sản xuất ôtô của Volkswagen. (Nguồn: AP) Sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng Tư vừa qua giảm tới 17,9% so với tháng trước đó trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải áp dụng các biện pháp phong tỏa.
Ngày 8/6, Cơ quan thống kê Destatis của Đức cho biết sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng Tư vừa qua giảm tới 17,9% so với tháng trước đó.
Số liệu này là mức giảm kỷ lục theo tháng kể từ tháng 1/1991, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế Đức phải áp dụng các biện pháp phong tỏa. Nếu so với cùng kỳ năm 2019, con số này lên tới 25,3%.
Theo Destatis, sau khi giảm 8,9% trong tháng Ba, sản lượng công nghiệp của Đức đã chứng kiến mức giảm lớn nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu thống kê dữ liệu này vào tháng 1/1991. Sản lượng công nghiệp thực tế của Đức giảm mạnh hơn so với mức trung bình 16% mà các nhà phân tích dự báo.
Cụ thể, trong tháng Tư vừa qua, sản lượng máy công cụ của Đức giảm hơn 35%, các mặt hàng tiêu dùng giảm 8,7%. Ngành công nghiệp sản xuất ôtô giảm lớn nhất tới hơn 74% trong khi xây dựng chỉ giảm hơn 4%.
Viện thống kê quốc gia Italy (ISTAT) ngày 8/6 dự báo tăng trưởng kinh tế của Italy trong năm 2020 có thể giảm tới 8,3% do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo ISTAT, hiện rất khó để định lượng những tác động của "cú sốc chưa từng có tiền lệ" đối với nền kinh tế lớn thứ 3 trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), và dự báo mà viện này đưa ra chứa đựng nhiều yếu tố chưa chắc chắn so với trước đây.
Giới phân tích cũng cho rằng nền kinh tế Italy có thể rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai sau khi chính phủ nước này áp đặt các biện pháp phong tỏa trong hơn hai tháng nhằm khống chế sự lây lan của dịch COVID-19. Tuy nhiên, dự báo được ISTAT đưa ra vẫn còn cao hơn một số thể chế tài chính khác.
Ngân hàng trung ương Italy dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm 2020 có thể giảm từ 9,2-13,1%, trong khi Ủy ban châu Âu (EC) ước tính con số này là 9,5%.
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ thậm chí còn đưa ra dự báo bi quan hơn, khi cho rằng kinh tế Italy có thể giảm tới 14%./.