Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 18/06/2020-16:38:00 PM
Quốc hội thông qua Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư
(MPI) – Với kết quả 92,75% đại biểu tán thành, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chính thức được thông qua chiều ngày 18/6/2020 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Luật gồm 11 chương, 101 điều, quy định về hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư; quản lý nhà nước, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo PPP.
Kết quả biểu quyết thông qua Luật PPP. Ảnh: MPI

Trước khi biểu quyết, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật PPP. Theo báo cáo, về lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP (khoản 1 Điều 4), dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 đã được nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý theo hướng thu hẹp lĩnh vực, tập trung vào 5 nhóm lĩnh vực quan trọng, thiết yếu và đã có thực tiễn triển khai trong 20 năm qua. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tại Điều 99 cũng đã đề xuất sửa đổi một số điều, khoản tại một số luật liên quan để thống nhất lĩnh vực đầu tư theo quy định của Luật PPP.

Về quy mô đầu tư dự án PPP (khoản 2 Điều 4), dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 đã được tiếp thu, sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 4 theo hướng những dự án PPP đầu tư ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo thì có tổng mức đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng; các dự án PPP tại các địa bàn, lĩnh vực khác có tổng mức đầu tư tối thiểu là 200 tỷ đồng. Quy định này phù hợp với nhiều địa phương, các lĩnh vực đầu tư khác nhau nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở những nơi khó khăn, có ý nghĩa lớn về mặt xã hội và giúp nhiều đối tượng được thụ hưởng trong khi nguồn lực đầu tư công còn hạn hẹp, không đáp ứng được nhu cầu. Riêng đối với dự án PPP áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý thì không khống chế tổng mức đầu tư tối thiểu do loại dự án này không có cấu phần xây dựng. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho được giữ như dự thảo Luật.

Về lựa chọn nhà đầu tư (Chương III), đấu thầu rộng rãi là hình thức lựa chọn nhà đầu tư áp dụng cho tất cả các dự án PPP; 3 hình thức khác trong lựa chọn nhà đầu tư, bao gồm đàm phán cạnh tranh, chỉ định nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt chỉ được thực hiện trong một số trường hợp và có điều kiện cụ thể như có không quá 03 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu, dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án ứng dụng công nghệ mới, dự án cần bảo đảm về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước, lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng... Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu (Điều 82), dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 quy định biên độ tăng, giảm doanh thu ở mức 25% (tương ứng với mức tăng doanh thu từ 125% trở lên và mức giảm doanh thu từ 75% trở xuống). Từ kinh nghiệm một số nước và thực tiễn triển khai một số dự án BOT giao thông, dự thảo Luật quy định khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính trở xuống, với các dự án đủ điều kiện, Nhà nước bắt đầu xem xét, tính toán việc chia sẻ phần giảm doanh thu; khi doanh thu thực tế đạt từ 125% doanh thu trong phương án tài chính trở lên, Nhà nước bắt đầu xem xét, yêu cầu nhà đầu tư chia sẻ phần tăng doanh thu. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thể hiện một phương án như dự thảo Luật và cho giữ biên độ tăng, giảm doanh thu ở mức 25%.

Về Kiểm toán nhà nước trong hoạt động đầu tư theo phương thức PPP (Điều 85), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, sửa đổi Điều 85 theo hướng Kiểm toán nhà nước kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tham gia vào dự án PPP theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước; kiểm toán khi thực hiện cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu; kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP khi được chuyển giao cho Nhà nước. Dự thảo Luật không quy định cụ thể về nội dung kiểm toán là kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động hay kiểm toán tài chính. Thời điểm kiểm toán, nghiệp vụ kiểm toán và kế hoạch kiểm toán thực hiện theo quy định của Luật kiểm toán nhà nước.

Báo cáo cũng làm rõ một số nội dung liên quan đến thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP; các quy định đối với hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Luật PPP được ban hành nhằm tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác trong quá trình áp dụng, đồng thời, bảo đảm khung pháp lý ổn định cho hợp đồng PPP dài hạn, nhiều rủi ro, để tạo niềm tin, thu hút các nhà đầu tư. Cùng với đó là bổ sung các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư PPP để tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công.

Luật được xây dựng để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói chung và cơ chế huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng nói riêng. Luật đã được nghiên cứu và hoàn thiện để có thể đạt các mục đích xây dựng luật với giá trị pháp lý cao điều chỉnh hoạt động đầu tư PPP, trên cơ sở kế thừa các quy định đã triển khai hiệu quả; xử lý các khác biệt, thiếu đồng bộ giữa quy định hiện hành về PPP với các Luật khác; khắc phục các tồn tại, bất cập trên tinh thần tránh xáo trộn, ảnh hưởng các dự án đã và đang triển khai. Đồng thời, bảo đảm quy định của Luật phù hợp với các cam kết quốc tế về đầu tư, thương mại; tuân thủ nguyên tắc kinh tế thị trường, lấy lợi ích cho người dân, nhà nước và nhà đầu tư là trọng tâm khi xây dựng chính sách. Tạo lập cơ chế thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả, đơn giản. Thu hút tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực của khu vực tư nhân cũng như các nguồn lực của Nhà nước trong dự án PPP, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế, xã hội của đất nước.Luật này nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư mang tính đặc thù, phản ánh bản chất của mối quan hệ đối tác công và tư; khắc phục những khó khăn, bất cập đang tồn tại hiện nay và bảo đảm tính pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, cũng như tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan. Việc ban hành Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia nói chung và huy động nguồn lực tư nhân thông qua đầu tư PPP nói riêng, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Kết quả biểu quyết Điều 4 về lĩnh vực đầu tư. Ảnh: MPI

Trước khi biểu quyết thông qua dự án Luật PPP, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 4 về lĩnh vực đầu tư, quy mô và phân loại dự án PPP; Điều 82 về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu và Điều 85 về kiểm toán nhà nước trong hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.

Theo quy định, lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP bao gồm: Giao thông vận tải; Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực; Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; Y tế; giáo dục - đào tạo; Hạ tầng công nghệ thông tin.

Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, Luật quy định việc chia sẻ phần giảm doanh thu được áp dụng khi đáp ứng các điều kiện sau đây: Dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, BTO, BOO; Quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm giảm doanh thu; Đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công, điều chỉnh thời hạn hợp đồng dự án PPP theo quy định tại các điều 50, 51 và 65 của Luật PPP nhưng chưa bảo đảm mức doanh thu tối thiểu là 75%; Đã được Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán phần giảm doanh thu.

Cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu phải được xác định tại quyết định chủ trương đầu tư. Chi phí xử lý cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu được sử dụng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương đối với dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác quyết định chủ trương đầu tư hoặc dự phòng ngân sách địa phương đối với dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.

Định kỳ hằng năm, các bên trong hợp đồng dự án PPP xác định doanh thu thực tế, gửi cơ quan tài chính có thẩm quyền thực hiện cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu. Việc hạch toán thu, chi ngân sách nhà nước khi chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Luật quy định kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tham gia vào dự án PPP theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước. Đồng thời, kiểm toán khi thực hiện cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo quy định tại Điều 82 của Luật và kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP khi được chuyển giao cho Nhà nước./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3427
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)