(MPI) - Tham gia phiên thảo luận toàn thể tại Hội trường về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Đồng thời, đánh giá cao về công tác điều hành, quản lý nhà nước và công tác phòng, chống dịch Covid-19. Báo cáo đã phản ánh đầy đủ, nhận định thẳng thắn, khách quan về những kết quả đạt được, những khó khăn, thách thức và đưa ra các giải pháp, chủ trương phục hồi kinh tế.
|
Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn |
Kinh tế - xã hội đạt được những kết quả tích cực
Về thực hiện mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu, các đại biểu cho rằng, năm 2019, mặc dù tình hình trong nước gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, nhưng với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, kinh tế - xã hội đạt được kết quả tích cực, tạo tiền đề phát triển cho năm 2020. Đồng thời, đánh giá cao công tác điều hành, quản lý nhà nước của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội; công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 của nước ta với nhiều giải pháp kịp thời, phù hợp đã được cộng đồng quốc tế khen ngợi.
Về kinh tế và ngân sách nhà nước, các đại biểu tập trung cho ý kiến về cơ cấu lại nền kinh tế; kinh tế vĩ mô; hoạt động tín dụng; đầu tư phát triển, giải ngân vốn đầu tư công; tình trạng phá rừng; về giao thông vận tải; doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh… Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến về vấn đề lao động, đào tạo nguồn nhân lực; đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quản lý tài nguyên; cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước; phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông; quốc phòng, an ninh; về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế…
Về tình hình triển khai kế hoạch năm 2020, các đại biểu đã cho ý kiến về tình hình phòng chống đại dịch Covid-19, những ảnh hưởng của đại dịch đối với đời sống kinh tế - xã hội; những bài học rút ra từ sự lãnh đạo của Đảng, công tác điều hành đúng đắn, kịp thời, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ; sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống dịch. Các đại biểu cũng cho rằng, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng tăng trưởng GDP trong quý I/2020 đã đạt 3,82%, thuộc nhóm những nước tăng trưởng cao của khu vực và trên thế giới; lạm phát được kiểm soát, giá tiêu dùng được bình ổn; an ninh năng lượng, an toàn thực phẩm được bảo đảm,…
Về các giải pháp, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020, các đại biểu cơ bản đồng tình với 9 nhóm giải pháp được nêu trong Báo cáo của Chính phủ nhằm khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 trong việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Để tiếp tục duy trì những thành tựu, kết quả đạt được, các đại biểu đề nghị cần thực hiện hiệu quả những giải pháp sau: bảo đảm nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng; cải cách chế độ công chức, công vụ; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao hiệu quả công tác tư pháp, thi hành pháp luật, phòng ngừa tội phạm; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới; nâng cao chất lượng biên soạn sách giáo khoa; có chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục, đào tạo chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19 nhất là tại khu vực nông thôn, miền núi; chú trọng công tác phát triển và bảo vệ rừng; tập trung kích cầu du lịch trong nước sau đại dịch Covid-19…
Về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, các đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đồng thời, đánh giá cao kết quả thu ngân sách nhà nước vượt dự toán 8,5%, nhiều khoản thu đạt hoặc vượt dự toán đã thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc tổ chức triển khai các giải pháp quản lý thu, đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Thống nhất cao với Báo cáo của Chính phủ
Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An Phan Thị Mỹ Dung bày tỏ đồng tình, ủng hộ và niềm tin của cử tri đối với sự điều hành của Chính phủ trong thời gian qua, đặc biệt là sự quyết liệt của Chính phủ trong việc đề ra, chỉ đạo và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua. Hiện nay, cả nước đang dồn lực, triển khai các giải pháp đồng bộ, phù hợp, ứng phó linh hoạt để thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội toàn diện trên các lĩnh vực, phù hợp với tình hình.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến bày tỏ thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về bổ sung, đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, những tháng đầu năm 2020 và các báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội và nhấn mạnh, năm 2019, trong bối cảnh tình hình kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, nhưng với sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương và địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong cả nước, kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trên 7% cao hơn kế hoạch đã đề ra, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.
Những tháng đầu năm 2020, trước tình hình ảnh hưởng rất lớn của đại dịch Covid-19, nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, sự năng động, chủ động, quyết liệt trong quản lý, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của toàn dân tộc Việt Nam, việc khống chế, đẩy lùi dịch bệnh và nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới không chỉ tạo ra niềm tin rất lớn trong Nhân dân, khơi dậy được sức mạnh từ lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc. Hơn một tháng qua, đất nước ta không có ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, đặc biệt không có ca nào tử vong. Xã hội gần như trở lại hoạt động bình thường, các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch nhộn nhịp trở lại, các vấn đề an sinh xã hội được giải quyết cơ bản. Vì thế, niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước ngày càng cao. Cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã chủ động xây dựng và trình Quốc hội phê duyệt các cơ chế, chính sách đặc thù, các giải pháp kịp thời phù hợp với tình hình thực tế. Tổ chức làm việc với các tỉnh, thành phố, 4 vùng kinh tế trọng điểm, gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy, phục hồi và phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng, chống dịch bệnh. Kinh tế nước ta phục hồi khá nhanh và khá mạnh. Đại biểu cũng bày tỏ nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới của Chính phủ.
Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa, những đánh giá kết quả thời gian qua và những thách thức trong thời gian tới, vấn đề quan trọng hàng đầu là phục hồi nền kinh tế, ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân, tạo việc làm và kích cầu tiêu dùng.
“Tôi rất tâm đắc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phương châm đặt ra là không lùi bước trước khó khăn. Mọi cấp, mọi ngành phải có tinh thần cương quyết, có giải pháp cụ thể để đưa nền kinh tế vượt lên, đạt mục tiêu cao nhất của năm 2020. Những giải pháp của Chính phủ đề ra rất cụ thể trong báo cáo tôi hoàn toàn nhất trí”, Đại biểu phát biểu.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (tỉnh Bắc Kạn) nhấn mạnh, năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, cũng là năm tập trung hoàn thành các chỉ tiêu của giai đoạn, chuẩn bị tạo đà cho Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống, kinh tế - xã hội của thế giới và trong nước. “Cá nhân tôi thống nhất cao với Báo cáo của Chính phủ về những kết quả đã làm được trong giai đoạn khó khăn cũng như những nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, đồng tình với việc xác định càng trong điều kiện khó khăn, chúng ta càng phải thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”, Đại biểu phát biểu.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đồng thời cho rằng, cách chúng ta vượt qua đại dịch và tái khởi động nền kinh tế là một kỳ tích mang dấu ấn lịch sử. Báo cáo của Chính phủ đã đề ra 9 giải pháp trọng tâm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới cho thấy tầm nhìn, sự linh hoạt, ứng biến nhưng cũng rất nhất quán trong những chủ trương, định hướng chiến lược phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.
Niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và sự đồng hành của cả hệ thống chính trị
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Lâm Thành nhất trí với Báo cáo đánh giá của về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ và nhiều nội dung đề cập trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Có thể nói trong bối cảnh đặc biệt của năm 2019 và năm 2020, trước đại dịch Covid -19, của thiên tai, hạn hán và được xem là tác động kép thì Việt Nam đã có những ứng phó tuyệt vời, để lại dấu ấn quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trị trong nước và quốc tế. Đây cũng là nhận định, đánh giá của cử tri và Nhân dân, cũng là đánh giá của cộng đồng quốc tế. Trong khi ở thời điểm hiện tại, nhiều quốc gia vẫn đang căng mình chống chọi với dịch bệnh thì Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn cả trước và sau dịch bệnh. Vị thế chính trị của Việt Nam tăng lên trên mặt trận ngoại giao, kinh tế - xã hội. Năm 2019 nhiều chỉ tiêu tăng trưởng đạt và vượt và trong những tháng đầu năm 2020 theo dự báo thì vẫn đạt ở mức tăng trưởng gần 3%. Đây là một dấu ấn, một dấu mốc rất quan trọng trong bối cảnh của quốc tế hiện nay. Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành quyết liệt với phương án kịch bản ứng phó kịp thời các hình huống trước, trong và sau đại dịch. Cử tri và Nhân dân cả nước có thêm niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và sự đồng hành của cả hệ thống chính trị.
Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu Tạ Văn Hạ, những tháng đầu năm 2020 thế giới và trong nước chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 làm ngưng trệ hoạt động hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và mọi mặt đời sống xã hội. Chúng ta đã giành được những thành công đáng khích lệ. Qua cuộc chiến với đại dịch một lần nữa cho thấy truyền thống quý báu về một ý chí Việt Nam, về tinh thần đoàn kết dân tộc, khi Tổ quốc lâm nguy hay đứng trước đại dịch nguy hiểm, cả dân tộc Việt Nam triệu người như một chung sức đồng lòng hướng tới mục tiêu cuối cùng là giành chiến thắng. Cũng qua cuộc chiến với đại dịch cho thấy sự ủng hộ niềm tin không phai nhạt của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của đất nước. Đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và sự điều hành linh hoạt, sáng tạo và quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc hiệu quả của cả hệ thống chính trị. Cuộc chiến chống đại dịch một lần nữa khẳng định tính ưu việt của chế độ ta, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La Đinh Công Sỹ thống nhất với các nội dung trong Báo cáo bổ sung về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch năm 2020 của Chính phủ. Năm 2019, Chính phủ đã điều hành và đạt được nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên nhiều mặt phát triển kinh tế - xã hội. Các chỉ tiêu đánh giá đều đạt và vượt số báo cáo trước Quốc hội. Những thành quả trong công tác chống dịch của nước ta có được đó là sự điều hành có hiệu quả của Chính phủ và sự đồng lòng của toàn thể Nhân dân. Thế giới ghi nhận và coi Việt Nam là 1 điển hình cho sự thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Công tác hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực và mới đây nhất, Chính phủ đã trình Quốc hội phê chuẩn với tỷ lệ tán thành rất cao Hiệp định EVFTA và EVIPA.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Nhân dân Việt Nam, mỗi khi đất nước đứng trước những thử thách lớn thì lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cùng với những giá trị tốt đẹp nhất của mấy nghìn năm văn hiến lại được bừng lên và giúp chúng ta chiến thắng được rất nhiều các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và bây giờ là cuộc chiến chống giặc Covid-19. Chúng tôi rất mong rằng, tinh thần đó tiếp tục được khơi dậy, được nhân lên để khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ở trên tất cả các lĩnh vực. Đợt chống dịch Covid-19 vừa qua chúng ta đã thành công, bởi vì trên một tinh thần như Thủ tướng Chính phủ đã xác định “không để ai bỏ lại phía sau”./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư