Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 27/06/2020-17:44:00 PM
Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển (Xem tin ảnh)
(MPI) – Nhằm thu hút mạnh mẽ các nguồn lực để khôi phục, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 và đạt mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 cũng như các năm tiếp theo, ngày 27/6/2020, thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự Hội nghị.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: MPI

Hội nghị vinh dự có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tham dự Hội nghị có Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng hơn 1800 đại biểu là Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội; lãnh đạo 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quận, huyện của Thành phố, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ Đô; các Đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế và các chuyên gia kinh tế. Đặc biệt, Hội nghị có sự tham dự của hơn 1200 nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, trong đó có nhiều doanh nghiệp tham dự để nhận quyết định chủ trương đầu tư dự án hoặc đề xuất đầu tư dự án mới trên địa bàn Thành phố.

Kiên trì thực hiện chỉ đạo của Trung ương về thực hiện nhiệm vụ “kép”

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, trong giai đoạn 2016-2019, kinh tế Thủ đô có mức tăng trưởng cao, bình quân 7,3-7,5%/năm; quy mô GRDP hiện nay đạt 1,06 triệu tỷ đồng, khoảng 45 tỷ USD. GRDP bình quân đầu người đạt 5.420 USD, bằng 1,8 lần so với bình quân cả nước.

Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế Thủ đô, giảm sâu trong tháng 4, hồi phục trở lại từ giữa tháng 5 và tăng trưởng mạnh lên trong tháng 6/2020. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, GRDP tăng 3,39%, là mức tăng trưởng khá cao so với bình quân cả nước và trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng âm 4,9% cả năm 2020 theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế.

Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” là cơ hội thể hiện sự gắn kết giữa chính quyền Thành phố Hà Nội, lãnh đạo các tỉnh, thành phố tham dự Hội nghị với các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như với các đơn vị, tổ chức làm chức năng cầu nối, đưa nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với Thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung.

Bên cạnh đó, trên cơ sở thông tin kết quả thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội từ năm 2016 đến nay; kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2020; đại diện lãnh đạo các bộ ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp sẽ cùng nhau trao đổi, đề xuất các giải pháp thu hút hiệu quả các dự án hợp tác đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm đóng góp cho sự phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô cũng như của cả nước trong thời gian tới.

Hội nghị diễn ra sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và cơ bản được đẩy lùi sẽ là thông điệp mạnh mẽ của Thủ đô Hà Nội trong kiên trì thực hiện chỉ đạo của Trung ương về thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội; khẳng định thành phố Hà Nội là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; kết quả của Hội nghị không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội và cả nước trong năm 2020 mà còn cho những năm tiếp theo.

Qua Hội nghị, thành phố Hà Nội tiếp tục thể hiện quyết tâm là địa phương tiên phong đi đầu trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch bệnh”, ông Vương Đình Huệ nói. Đây cũng là giải pháp căn cơ nhằm tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, phấn đấu tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước và phấn đấu hoàn thành 285 nghìn tỷ đồng dự toán thu ngân sách năm 2020.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Điểm đến hấp dẫn hơn đối với du lịch và đầu tư

Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã điều hành phiên trao đổi, thảo luận của các đại biểu là đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành về các giải pháp thu hút, hợp tác đầu tư. Hội nghị cũng được nghe tham luận của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như Ngân hàng Thế giới, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuCham)… Qua các tham luận cho thấy, thành phố Hà Nội tiếp tục được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của du lịch và đầu tư. Các đại biểu cũng đánh giá cao thành công của Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như các giải pháp, chính sách kịp thời để khôi phục, phát triển kinh tế sau đại dịch, đưa đất nước trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với du lịch và đầu tư. Đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục có nhiều bước tiến mới trong cải cách hành chính, cung cấp thông tin trực tuyến cho các nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất để thành phố Hà Nội sẽ ngày càng thu hút được mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư và phát triển.

Theo Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra hậu quả khôn lường về sức khỏe, đời sống, kinh tế - xã hội nhưng dịch bệnh cũng mang lại cơ hội chưa từng có, đó là sự dịch chuyển đầu tư của các công ty đa quốc gia. Điều này sẽ mang lại cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng. Thách thức của chúng ta là làm thế nào để biến nguy cơ thành hiện thực và tiến lên.

Việc thu hút FDI là quan trọng nhưng quan trọng hơn nữa là phải tạo được mối quan hệ, liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp này với doanh nghiệp trong nước. Khuyến khích doanh nghiệp FDI thông qua các chính sách phù hợp, chuẩn bị lực lượng lao động, thực hiện cải cách toàn diện trong giáo dục dạy nghề, tăng cường hợp tác giữa công và tư; Xây dựng môi trường pháp lý phù hợp, nâng cao chất lượng sống, môi trường, giao thông, rác thải, quản lý chất lượng không khí để đưa Hà Nội tiếp tục trở thành Thành phố đáng sống.

Ông Ousmane Dione nhấn mạnh, với Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vừa mới được Quốc hội Việt Nam thông qua, thành phố Hà Nội cần có sự chuẩn bị để có thể dẫn đầu trong việc phát triển dự án trong lĩnh vực hạ tầng, đô thị theo hình thức này.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Hà Nội tự tin định vị mình là một trong những trung tâm của khu vực Đông Nam Á và Đông Á

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của thành phố Hà Nội trong tổ chức sự kiện xúc tiến đầu tư quy mô lớn. Đồng thời chia sẻ niềm vui với thành phố Hà Nội về thành công của Hội nghị với 229 dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư. Hội nghị còn có ý nghĩa đặc biệt khi đất nước kiểm soát được dịch Covid-19 trong cộng đồng và chuyển sang trạng thái bình thường mới, hướng tới thực hiện "mục tiêu kép".

Hội nghị đã nhấn mạnh nội hàm hợp tác phát triển với quan điểm chân thành hợp tác được đề cao, theo đó hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, người dân và Nhà nước trong tầm nhìn dài hạn. Đây là thông điệp quan trọng về thu hút đầu tư của Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho rằng, thành phố Hà Nội ngày nay đã tích cực đối thoại, tích cực tháo gỡ, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển, đã tôn vinh doanh nghiệp, hợp tác tháo gỡ bất cập, xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Với vị thế mới của mình, thành phố Hà Nội giờ đây không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam mà thành phố Hà Nội cần được định nghĩa bằng một tầm nhìn mới xứng đáng hơn, đó phải là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2045, khi Việt Nam ở vị thế nước phát triển, thành phố Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Á như khát vọng hùng cường của dân tộc ta và như tinh thần của “Chiếu dời đô” cách đây tròn 1010 năm.

Vì vậy, giờ đây, thành phố Hà Nội không còn đặt mục tiêu cạnh tranh với các địa phương khác trong nước mà phải vươn tầm cạnh tranh với các thành phố trong khu vực. Để hiện thực hóa điều này, thành phố Hà Nội phải gây dựng được 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong phát triển. Theo đó, thành phố Hà Nội phải có chất lượng thể chế tốt, phải tranh thủ các cơ chế đặc thù mà thành phố Hà Nội đang có như Luật thủ đô, Nghị định của Chính phủ, đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội. Chính quyền thành phố Hà Nội, cộng đồng doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế hãy nắm bắt, tận dụng triệt để các cơ chế, chính sách đặc thù này như yếu tố thiên thời hiếm có của thành phố Hà Nội.

Thứ hai, thành phố Hà Nội phải tận dụng tối đa lợi thế về địa chính trị, kinh tế của Việt Nam, hẹp hơn là Vùng Thủ đô. Theo đó, thành phố Hà Nội phải hợp tác liên kết vùng và xem các địa phương là đối tác chứ không phải đối thủ cạnh tranh.

Thứ ba, thành phố Hà Nội phải có được “cổ đông chiến lược” cùng đồng hành với chiến lược của mình. Đó chính là các doanh nghiệp tốt, người giàu, người giỏi, đặc biệt các giới khoa học, công nghệ. Vì vậy, Hội nghị hôm nay là cơ hội để thành phố Hà Nội tìm “cổ đông chiến lược” cho mình, đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp đặt niềm tin vào gây dựng sự nghiệp ở vùng đất rồng bay. Đây có thể nói là yếu tố "nhân hòa".

Để có được nhân hòa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thành phố Hà Nội cần xây dựng 3 trụ cột quan trọng. Một là, kiến tạo một nền kinh tế cạnh tranh, khẳng định được qua sức mạnh kinh tế, quy mô, cấu trúc kinh tế mạnh, môi trường kinh doanh hiệu quả, chất lượng thể chế và năng lực quản trị nhà nước thích ứng, tính hiệu lực, hiệu quả của thể chế, chất lượng vốn con người và sự phát triển của hệ thống tài chính.

Hai là, hun đúc bản sắc, là Thành phố đáng sống. Đó là nền văn hóa trải nghiệm, môi trường tự nhiên tốt, hệ thống giáo dục tiên tiến, hệ thống chăm sóc y tế, phúc lợi xã hội tuyệt vời, hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông hiện đại. Đặc biệt, phải bật ra được hình ảnh về thành phố Hà Nội trong trí nhớ và trái tim của mọi người giống như lời bài hát “Dù có đi 4 phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”.

Ba là, thành phố Hà Nội cần nuôi dưỡng các giá trị tinh thần, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, được khẳng định qua môi trường khuyến khích các ý tưởng mới, các hoạt động đổi mới sáng tạo, số lượng phát minh sáng chế, hun đúc tinh thần khởi nghiệp hấp dẫn và thực sự Hà Nội hoàn toàn có tiềm năng này.

Để xây dựng 3 trụ cột trên, Thủ tướng cho rằng, thành phố Hà Nội cần có đội ngũ cán bộ lãnh đạo với 5 chữ “tinh”: Tinh thông trong công việc, tinh nhuệ trong hành động, tinh gọn về bộ máy, tinh túy về chất lượng cán bộ và phải tinh ý, phải hiểu được người dân, doanh nghiệp đang cần gì để có hành động kịp thời, hiệu quả.

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế của thành phố Hà Nội và mong muốn Thành phố tiếp tục hành động, thực hiện một cách nhất quán phương châm hợp tác đầu tư và phát triển. Hợp tác ở đây không chỉ là với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư mà còn là hợp tác với các địa phương trong Vùng Thủ đô, với cả nước và quốc tế để phát triển. Thành công của thành phố Hà Nội cũng chính là thành công chung cho tất cả các địa phương, Vùng Thủ đô cũng như cả nước và ngược lại, “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.

Nhắc lại ý kiến của một đại biểu Quốc hội, Thủ tướng nhất trí rằng “chúng ta đang làm tổ cho đại bàng nhưng cũng phải đãi thóc gạo cho chào mào, chim sẻ ăn no và phát triển tốt” ở Thủ đô. Hộ cá thể, hợp tác xã, làng nghề, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thủ đô cũng phải được phát triển tốt ở thành phố Hà Nội.

Thu nhập bình quân đầu người của thành phố Hà Nội hiện đạt gần 5.500 USD và nếu duy trì được tăng trưởng bình quân 9 %/năm thì chỉ trong vòng 10 năm tới, đến năm 2030, thành phố Hà Nội sẽ chạm ngưỡng nền kinh tế có thu nhập cao. Mục tiêu tối thiểu thành phố Hà Nội cần đặt ra là phải cán đích nền kinh tế có thu nhập cao trước mục tiêu năm 2045 của cả nước ít nhất 10 năm, thậm chí 15 năm.

Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thành phố Hà Nội tự tin định vị mình là một trong những trung tâm của khu vực Đông Nam Á và Đông Á.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trao giấy chứng nhận đầu tư cho một số nhà đầu tư. Ảnh: MPI

Tại Hội nghị, thành phố Hà Nội trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án với tổng số vốn là 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng. Đồng thời cũng tại Hội nghị, Thành phố và các nhà đầu tư ký kết 38 Biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD, trong đó có 26 đề xuất của nhà đầu tư trong nước (dự kiến khoảng 20,5 tỷ USD), 12 đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài (dự kiến khoảng 8,32 tỷ USD).

Cũng tại Hội nghị, UBND thành phố Hà Nội công bố danh mục 282 dự án mong muốn thu hút đầu tư với tổng số vốn dự kiến 483,1 nghìn tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu đô thị thông minh, giáo dục, dạy nghề, bệnh viện, môi trường, xử lý rác thải, nông nghiệp, logistics,…/.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 8422
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)