(MPI Portal) – Trong khuôn khổ Chiến lược Hợp tác Phát triển Quốc gia (CDCS) của cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, ngày 24/01, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương đã có buổi tiếp Giám đốc USAID tại Việt Nam ông Joakim Parker bàn về các vấn đề được nêu trong biên bản ghi nhớ GIG.
|
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương phát biểu tại buổi tiếp. Ảnh: Thanh Sơn
(MPI Portal)
|
Việt Nam vừa trải qua thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh trong 15 năm qua, phấn đấu hội nhập quốc tế toàn diện hơn và trở thành một nước công nghiệp trước năm 2020. Tuy nhiên các thành tựu Việt Nam đạt được đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi các vấn đề y tế và môi trường. Do vậy, chương trình của USAID lần này tập trung chủ yếu vào các mục tiêu quan trọng, trong đó có lĩnh vực y tế toàn cầu, tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai.
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương chia sẻ Việt Nam là một trong 5 nước trên thế giới dễ bị tác động nhất bởi biến đổi khí hậu do có đông dân cư sống tại các vùng duyên hải thấp và trải dài. Thống kê của Bộ Tài nguyên Môi trường cho thấy, trong 10 năm trở lại đây, thiên tai làm chết và mất tích khoảng 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính chiếm 1,5% GDP mỗi năm. Riêng năm 2013 đã có hơn 10 cơn bão xuất hiện trên Biển Đông, trong đó có 5 cơn bão đổ bộ vào đất liền. Như vậy có thể thấy thách thức từ biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là rất lớn. Nếu Việt Nam không tìm ra giải pháp ứng phó phù hợp thì ảnh hưởng sẽ vô cùng nghiêm trọng, có thể là 8-10% GDP.
Về vấn đề này, ông Joakim Parker cho biết USAID sẽ hỗ trợ các cơ quan chính phủ Việt Nam và các tổ chức dân sự xã hội xây dựng, triển khai các chiến lược thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó cần chú trọng đồng thời 3 nhóm giải pháp. Thứ nhất là giảm tình trạng dễ bị tổn thương như hỗ trợ giảm nghèo, tạo sinh kế. Thứ hai là hỗ trợ áp dụng và thực hành sử dụng đất, làm giảm tốc độ, ngăn chặn hoặc đảo ngược mức độ phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng. Thứ ba là nâng cao khả năng phục hồi, tức là khả năng của một cộng đồng hay hệ thống có thể tồn tại trong khủng hoảng, thiên tai. Vấn đề này liên quan chặt chẽ với phát triển bền vững, nâng cao khả năng thích ứng cho cả hệ thống tự nhiên và xã hội.
|
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal) |
Song song với sự tăng trưởng của nền kinh tế, Việt Nam phải đối mặt với những bất cập đến từ quá trình đô thị hóa cùng với sự phát triển “nóng” theo chiều rộng như tài nguyên thiên nhiên ngày càng giảm, việc khai thác và chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai chưa hợp lý, vấn đề phát thải khí nhà kính ngày càng tăng từ các quá trình sản xuất công nghiệp, các tòa nhà, sản xuất điện và giao thông vận tải. Để đẩy nhanh quá trình Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng xanh, USAID sẽ hỗ trợ củng cố cơ sở để thiết lập các hệ thống sản xuất năng lượng phát thải thấp thông qua việc cải thiện thu nhập và quản lý dữ liệu về năng lượng và tăng hiệu suất sử dụng năng lượng, giảm phát thải khí các-bon.
Về vấn đề sức khỏe cộng đồng, Giám đốc USAID cho biết trong khuôn khổ Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Phòng chống HIV/AIDS (PEPFAR), USAID quản lý các hoạt động với quy mô lớn giúp Việt Nam phòng chống HIV/AIDS cũng như điều trị và chăm sóc người có HIV. Hiện nay Việt Nam đang duy trì tỷ lệ người lớn nhiễm HIV thấp, khoảng 0.45%. Theo ước tính có khoảng 255.000 người Việt Nam nhiễm HIV và hơn nửa số bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV). Sau thành công của 6 phòng khám thí điểm điều trị cai nghiện
|
Giám đốc USAID Việt Nam ông Joakim Parker. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
ma túy bằng Methadone do PEPFAR tài trợ ở Hải Phòng, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, USAID đang hỗ trợ Việt Nam nhân rộng một cách bền vững mô hình này ra 10 tỉnh thành khác.
USAID sẽ hỗ trợ để Chính phủ Việt Nam có thể cung cấp các dịch vụ phòng chống, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS một cách hiệu quả với nguồn tài chính trong nước. Ngoài ra, USAID còn phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các tổ chức xã hội dân sự để cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật nhằm cải thiện hệ thống y tế quốc gia, đối phó với các nguy cơ đại dịch mới nổi, ngăn chặn và ứng phó với các bệnh nhiệt đới bị lãng quên. Vừa qua, hỗ trợ của USAID giúp phòng chống cúm gia cầm và các nguy cơ đại dịch khác đã góp phần giảm bùng phát cúm gia cầm từ gần 2.000 ổ dịch trong năm 2005 xuống còn dưới 100 ổ dịch trong năm 2013.
Cảm ơn những chia sẻ và giải pháp của Giám đốc USAID Việt Nam về những vấn đề cấp bách hiện nay tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cam kết sẽ hợp tác với các Bộ ban ngành có liên quan, điều phối tới cấp cơ sở, địa phương, hỗ trợ tối đa USAID trong quá trình công tác nhằm mang lại hiệu quả cao nhất./.
Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư