Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/05/2020-09:58:00 AM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 năm 2020 tỉnh Hà Tĩnh

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

- Trồng trọt: Sản xuất trồng trọt trong tháng 5/2020 chủ yếu tập trung thu hoạch cây trồng vụ Đông Xuân 2019-2020 và chuẩn bị các điều kiện để gieo cấy lúa vụ Hè Thu 2020.

Diện tích gieo trỉa các loại cây trồng chủ lực vụ Đông Xuân năm nay như lúa, ngô, lạc, khoai lang đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Chỉ có diện tích rau tăng so với cùng kỳ. Nguyên nhân giảm chủ yếu do một số địa phương có quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, đất làm đường cao tốc, đường vượt lũ nên thu hẹp đất sản xuất nông nghiệp.

Cơ cấu giống được chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng sử dụng giống ngắn ngày, năng suất, chất lượng để nétránh thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Vụ Xuân năm nay chủ yếu sử dụng các giống lúa chất lượng cao như: nếp 97, BQ, BT7 và giống thái xuyên 111,…Một số huyện đã triển khai thành công hàng trăm hecta cánh đồng lớn, cánh đồng 1 giống, đồng thời cơ cấu các loại giống mới chất lượng cao như: ADI 168, Hương thơm Kinh Bắc, VTNA6, Đài Thơm 8,…với năng suất bình quân ước đạt trên 60 tạ/ha. Bên cạnh đó, một số huyện cơ cấu giống lúa chưa tập trung, còn giàn trải nhiều loại giống, những giống lúa truyền thống như Khang dân 18, Khang dân đột biến, VTNA2, TH3-3, RVT, HT1, DT68,…

Vụ Đông Xuân 2019-2020 diễn ra trong điều kiện thời tiết đầu vụ tương đối thuận lợi cho các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển, đặc biệt là cây lúa. Tuy nhiên, vào những thời điểm trổ bông và thu hoạch thì liên tục bị ảnh hưởng bởi điều kiện bất thường của thời tiết gây mưa, rét, giông lốc làm cho lúa trổ không phơi mau được và lúa chắc xanh bị gãy đỗ. Cùng với đó, theo số liệu thống kê bước đầu vụ Xuân 2020 toàn tỉnh có 737,1 ha lúa bị nhiễm rầy lá và 31,4 ha bị nhiễm đạo ôn cổ bông đã gây ảnh hưởng giảm năng suất và sản lượng. Một số huyện có năng suất lúa theo đánh giá ban đầu giảm so với cùng kỳ năm trước như: Thị xã Kỳ Anh giảm 3,94 tạ/ha; huyện Cẩm Xuyên giảm 3,06 tạ/ha; huyện Thạch Hà giảm 1,65 tạ/ha; huyện Kỳ Anh giảm 1,33 tạ/ha;…Bên cạnh đó, một số huyện vẫn có năng suất lúa tăng như: huyện Can Lộc tăng 3,33 tạ/ha; Thị xã Hồng Lĩnh tăng 3,16 tạ/ha;…Do cả diện tích và năng suất đều giảm nên đã làm cho sản lượng lúa ước tính giảm 3.107 tấn. Cùng với cây lúa, năng suất các laoij cây trồng khác như khoai lang, lạc, rau cũng giảm so với cùng kỳ mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do yếu tố thời tiết. Kết quả cụ thể một số cây trồng chủ lực khác vụ Đông Xuân như đã phản ánh ở phần trên.

Tình hình sâu bệnh, thiệt hại: Vụ Đông Xuân năm nay các đối tượng sâu bệnh vẫn phát sinh gây hại đối với các loại cây trồng và đã ảnh hưởng đến năng suất. Đối với cây lúa đã có 31,4 ha nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông (nhiễm nặng 5,5 ha) trên giống P6, TBR225, KDĐB, BTE1, BT09, tỷ lệ trung bình 1-2%, nơi cao 3-5, cục bộ 15-20%, phân bố trên địa bàn toàn tỉnh; có 737,1 ha nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng (nhiễm nặng là 74,1 ha), tập trung ở huyện Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Anh; bệnh khô vằn phát sinh gây hại hầu hết các địa phương trong tỉnh với tỷ lệ trung bình 3-10%, nơi cao 25-30%, diện tích nhiểm bệnh là 46 ha; bệnh bạc lá gây hại trên giống Bắc thơm 7, BTe1, Ht1 ở Lộc Hà, Can Lộc, Thành phố Hà Tĩnh với tỷ lệ trung bình 5-7%, nơi cao 20-25%, diện tích nhiễm bệnh là 21 ha và có 45 ha bị chuột phá hại xẩy ra trên địa bàn toàn tỉnh. Trên cây ngô bệnh khô vằn, đốm lá gây hại với tỷ lệ 3-5%, nơi cao 7-10%, diện tích nhiễm bệnh 17 ha ở huyện Đức Thọ và huyện Hương Sơn. Bệnh khảm lá trên cây sắn với tỷ lệ trung bình 10-15%, nơi cao 30-50%, diện tích nhiễm bệnh là 205 ha (20 ha nhiễm nặng) tập trung ở huyện Kỳ Anh. Bọ xít xanh, sâu đục quả, rệp muội, bệnh vàng lá thối rễ...cũng đã xuất hiện gây hại trên cây ăn quả có múi ở huyện Hương Khê và huyện Vũ Quang.

- Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi trên địa bàn trong tháng 5/2020 vẫn tiếp tục gặp khó khăn, số lượng đàn gia súc giảm hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng đã có sự phụ hồi tăng nhẹ so với tháng trước (đàn bò tăng 0,85%, đàn lợn tăng 1,25% và đàn gia cầm tăng 21,4%). Hiện nay, việc tái đàn lợn đang được tập trung chỉ đạo theo hướng an toàn, bền vững, chủ yếu tái đàn tại các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, cơ sở chăn nuôi lợn nái chủ động được nguồn con giống và cơ sở không bị bệnh dịch tả lợn châu Phi, đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi. Còn việc tái đàn lợn trong các hộ chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn, do đàn lợn nái trong các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã bị thiệt hại bởi dịch tả lợn Châu Phi nên nguồn lợn giống giảm mạnh, chi phí con giống cao. Trong khi chăn nuôi gia súc gặp khó khăn thì chăn nuôi gia cầm vẫn duy trì mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước và đang đưa đến những hiệu quả kinh tế tích cực cho người dân. Khi dịch bệnh ít xẩy ra và giá cả đầu ra tương đối ổn định thì phát triển chăn nuôi gia cầm đang là giải pháp thích hợp trong giai đoạn hiện nay đối với ngành chăn nuôi ở Hà Tĩnh mà các địa phương cần quan tâm.

Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Trong tháng 5/2020, dịch tả lợn Châu Phi tái nhiễm tại xã Cẩm Vĩnh và xã Nam Phúc Thăng ở huyện Cẩm Xuyên, hiện có 02 con lợn nái bị nhiễm bệnh. Tình hình dịch bệnh đối với đàn vật nuôi đang được các ngành chuyên môn, các địa phương và các hộ chăn nuôi theo dõi chặt chẽ và tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm không để dịch bệnh bùng phát trở lại.

1.2. Lâm nghiệp

Hoạt động sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn trong tháng qua nhìn chung ổn định không có nhiều biến động so với tháng trước. Tháng 5/2020, trên địa bàn điều kiện thời tiết có mưa nên hoạt động sản xuất lâm nghiệp bên cạnh việc khai thác, chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ rừng thì người dân vẫn tiến hành trồng cây lâm nghiệp.

Công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Trong tháng 5 năm 2020, trên địa bàn Hà Tĩnh không xẩy ra cháy rừng nhưng đã xẩy ra 5 vụ phá rừng với diện tích thiệt hại là 0,82 ha (huyện Hương Sơn xẩy ra 2 vụ với diện tích 0,32 ha và huyện Cẩm Xuyên 3 vụ với diện tích 0,5 ha). Từ đầu năm đến nay chưa xẩy ra cháy rừng, nhưng hiện nay đang là mùa nắng nóng, khô hạn rất dễ xẩy ra cháy rừng nên người dân khi vào rừng cần phải nêu cao ý thức để tránh gây thiệt hại về rừng.

1.3. Thủy sản

Hoạt động sản xuất thủy sản tháng 5/2020 nhìn chung vẫn duy trì ổn định và tiếp tục có bước phát triển hơn so với cùng kỳ năm trước.

Với những chuyến biển của ngư dân ra khơi khá thuận lợi và được mùa là yếu tố tích cực trong kết quả sản xuất thủy sản 5 tháng đầu năm 2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, sản lượng hải sản khai thác biển ước đạt 13.482 tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 67,6% tổng sản lượng thủy hải sản. Sau thời gian thực hiện giản cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, dịch vụ ăn uống hoạt động trở lại nên nhu cầu sử dụng sản phẩm thủy hải sản tăng hơn so với những tháng trước là điều kiện thuận lợi để ngư dân tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh hoạt động khai thác thì hoạt động nuôi trồng vẫn tiếp tục được quan tâm thực hiện. Trong đó nuôi tôm vẫn được xem là hoạt động tạo ra sản phẩm thủy sản chủ lực và có lợi thế của tỉnh. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, diện tích nuôi tôm ước đạt 2.344 ha, bằng 95% so với cùng kỳ năm trước và bằng 85,2% kế hoạch năm, trong đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng chiếm đến 80% tổng diện tích nuôi tôm, diện tích tôm chủ yếu mới được xuống giống thả nuôi vụ Xuân Hè năm 2020.

Tình hình dịch bệnh: Từ ngày 20/4/2020 đến nay đã xẩy ra bệnh đốm trắng trên tôm với diện tích nhiễm bệnh là 16,94 ha (Thị xã Kỳ Anh 8,31 ha; huyện Kỳ Anh 6,9 ha và huyện Cẩm Xuyên 1,73 ha). Các cơ quan chức năng đang phối hợp với các hộ nuôi trồng thủy sản tiến hành xử lý để tránh bùng phát và lây lan dịch bệnh.

2. Sản xuất công nghiệp và vốn đầu tư

2.1. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tháng 5/2020 ước tính tăng so với tháng trước và tăng đều ở cả 4 ngành công nghiệp cấp I. Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tháng 5 ước tính tăng mạnh so với tháng trước như: sản xuất trang phục tăng 159,79%; giường, tủ, bàn, ghế tăng 112,92%; hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 90,57%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 48,65%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 38,48%; chế biến thực phẩm tăng 36,71%.

Tháng 5 hoạt động công nghiệp trên địa bàn tỉnh thuận lợi hơn do đã kết thúc thời gian giản cách toàn xã hội, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên toàn quốc cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, tính chung 5 tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp phải giảm sản xuất do không tiêu thụ được sản phẩm, đặc biệt là Dự án Formosa những tháng qua vì giá nguyên liệu vẫn tăng cao, giá thép thành phẩm thấp và nhiều ngày phải ngừng sửa chữa lớn dây chuyền cán nóng, đã làm cho chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 5 tháng tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 7,97%). Trong mức biến động chung, ngành khai khoáng giảm 4,1%, làm giảm 0,03 điểm phần trăm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 15,97%, làm giảm 12,88 điểm phần trăm (là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất); sản xuất và phân phối điện tăng 29,11%, đóng góp 4,68 điểm phần trăm; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 10,85%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 5/2020 tăng 3,66% so với tháng trước, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng giảm 6,79% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 5/2020, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thuộc khu vực Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn ổn định; riêng khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước, sau khi bỏ giãn cách xã hội, các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại đã tạo việc làm cho nhiều lao động, nên lao động ở khu vực này đạt mức tăng khá so với tháng trước (tăng 14,22%).

2.1. Vốn đầu tư

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 5/2020 ước tính tăng so với tháng trước (tăng 25,1%). Tính chung 5 tháng, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý vẫn tăng khá so với cùng kỳ năm trước với mức tăng 19,58% và tăng ở cả ba cấp ngân sách tỉnh, huyện, xã. Do các công trình xây dựng đã trở lại thi công ổn định sau thời gian giản cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg; đồng thời, UBND tỉnh cũng có quyết định hỗ trợ kinh phí xử lý nợ xây dựng cơ bản và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn, nên các dự án chuyển tiếp từ năm 2019 được đẩy mạnh thi công, các công trình năm 2020 đẩy nhanh thủ tục hồ sơ, triển khai thi công theo đúng kế hoạch; làm cho công tác giải ngân vốn tháng 5/2020 tăng khá cao so tháng trước.

3. Thương mại, dịch vụ

Hiện nay, cũng như cả nước Hà Tĩnh đã qua những ngày khó khăn nhất của dịch Covid-19 và bước sang giai đoạn mới phòng, chống dịch bệnh đồng thời với khôi phục, phát triển nền kinh tế. Thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và công văn số 2927/UBND-VX1 của UBND tỉnh, các cơ sở, sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ được trở lại hoạt động bình thường (trừ vũ trường và karaoke); các phương tiện giao thông công cộng cũng được dỡ bỏ giản cách và giới hạn về số lượng hành khách dẫn tới nhu cầu tiêu dùng nhiên liệu tăng; các cơ sở giáo dục hoạt động trở lại nên nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, vật tư văn phòng cũng tăng mạnh; đây chính là những nguyên nhân làm cho kết quả hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ tháng 5 năm 2020 tăng mạnh so với tháng trước.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Ước tính tháng 5/2020 tăng mạnh so với tháng trước (tăng 43,35%) và giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 3,91%). Hầu hết các nhóm hàng đều tăng so với tháng trước, trong đó một số nhóm ngành hàng tăng mạnh là: vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 413,06%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 182,54%; hàng may mặc tăng 179,84%; sữa chữa ô tô, mô tô xe máy và xe động cơ khác tăng 114,87%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 108,09%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (chịu tác động mạnh nhất là vào tháng 4/2020), nên tính chung 5 tháng đầu năm 2020 tổng mức bán lẻ hàng hóa vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có một số nhóm ngành hàng giảm mạnh như: vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 50,77%; phương tiện đi lại (kể cả phụ tùng) giảm 30,78%; hàng hóa khác giảm 29,4%; gỗ và vật liệu xây dựng giảm 28,51%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) giảm 25,55%...

- Dịch vụ l­ưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác: doanh thu hoạt động dịch vụ l­ưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 5/2020 ước tính tăng mạnh so với tháng trước (tăng 188,07%) và giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (giảm 63,97%). Tính chung 5 tháng, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước tính vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước với mức giảm 43,58% và giảm ở cả 3 nhóm ngành dịch vụ.

Doanh thu dịch vụ khác tháng 5/2020 ước tính tăng mạnh so với tháng trước (tăng 59,31%) và giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (giảm 43,29%). Tính chung 5 tháng, doanh thu hoạt động dịch vụ khác dự ước giảm 24,38% so với cùng kỳ năm trước.

- Hoạt động vận tải: Sang tháng 5/2020 cũng như các cơ sở, sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ, ngành vận tải cũng đã hoạt động trở lại bình thường, đặc biệt là vận tải hành khách. Do thời tiết nắng nóng ngay từ đầu hè, cùng với tháng trùng dịp lễ 30/4 và 01/5 nên lượng khách tham gia phương tiện công cộng tăng mạnh; ngoài ra, do hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi làm cho nhu cầu vận chuyển nguyên liệu sản xuất, hàng hoá tiêu dùng, hàng hoá xuất nhập khẩu cũng tăng đã làm cho hoạt động vận tải tháng 5/2020 tăng mạnh so với tháng trước. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên 5 tháng đầu năm 2020, hoạt động vận tải vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 5/2020, ước tính vận tải hành khách so với tháng trước tăng 212,95% về số lượng lượt khách vận chuyển và tăng 243,63% về số lượng luân chuyển; doanh thu tăng 221,63%. Tính chung 5 tháng, vận tải hành khách so với cùng kỳ năm trước giảm 47,88% về số lượng lượt khách vận chuyển và giảm 41,29% về luân chuyển; doanh thu giảm 37,3%.

Vận tải hàng hóa so với tháng trước cũng tăng mạnh, nhưng có mức tăng thấp hơn mức tăng vận tải hành khách (vận chuyển tăng 49,77%; luân chuyển tăng 47,17%); doanh thu tăng 49,19%. Tính chung 5 tháng, vận tải hàng hóa so với cùng kỳ năm trước giảm 32,69% về khối lượng vận chuyển và giảm 23,83% về khối lượng luân chuyển; doanh thu giảm 24,89%.

Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải giảm 10,31% so với tháng trước và giảm 15,69% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng, doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

4. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá CPI tháng 5 năm 2020 tăng 0,27% so tháng trước, giảm 1,03% so với tháng 12 năm trước và tăng 2,73% so cùng tháng năm trước. So với tháng trước khu vực thành thị tăng 0,65% và khu vực nông thôn tăng 0,01%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính so với tháng trước thì có: 6 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng (Hàng ăn và dịch vụ ăn uống; đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép; thiết bị và đồ dùng gia đình; giáo dục; văn hóa, giải trí và du lịch); 3 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm (Nhà ở và vật liệu xây dựng; giao thông; đồ dùng và dịch vụ khác); còn lại 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ không thay đổi so với tháng trước.

CPI tháng 5 năm 2020 tăng so với tháng trước, do các nguyên nhân chủ yếu sau: (1) Việc bãi bỏ cách ly toàn xã hội trên địa bàn tỉnh từ ngày 23/4/2020 khiến nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh được hoạt động trở lại. Các loại hàng hoá, dịch vụ được cung cấp đầy đủ cho người dân, thúc đẩy cung - cầu tiêu dùng hàng hoá, giao thương trên thị trường; (2) Do thời tiết nắng nóng kéo dài nên nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng điện tử điện lạnh, đồ dùng gia đình, hàng may mặc, đồ uống, điện và nước tăng; (3) Đầu vụ thu hoạch lúa Đông Xuân nên giá thóc và giá gạo vẫn đang tăng; đồng thời, giá lợn hơi vẫn còn tăng mạnh khiến giá các loại mặt hàng thịt lợn và chế biến từ thịt tăng .

Chỉ số giá vàng tháng 5/2020 tăng 2,58% so với tháng trước, tăng 13,7% so với tháng 12 năm trước và tăng 29,17% so với cùng tháng năm trước. Giá vàng ngày 21/5/2020 tại địa bàn thành phố Hà Tĩnh ở mức 4.820 ngàn đồng/chỉ.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5/2020 giảm 0,81% so với tháng trước, tăng 0,83% so với tháng 12 năm trước và tăng 0,28% so cùng tháng năm trước. Giá USD bình quân thị trường Hà Tĩnh ngày 21/5/2020 mức giá bán ra 2.333 ngàn đồng/100 USD.

CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2020 tăng 4,35% so với bình quân cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, điều đó thể hiện nhu cầu tiêu dùng cũng như giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ đang có sự biến động lớn. Trong đó, một số nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá biến động lớn tác động đến chỉ số chung là: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 8,28% (trong đó hàng thực phẩm tăng 11,25%, ăn uống ngoài gia đình tăng 4,37%); nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 7,41%; may mặc, mũ nón và dày dép tăng 5,01% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số CPI tháng 6/2020 dự kiến tiếp tục tăng. Sau khi bỏ lệnh cách ly xã hội, cùng với thời tiết nắng nóng nên nhu cầu đi biển của người dân sẽ tăng, dẫn đến giá các mặt hàng và dịch vụ liên quan đến hoạt động lưu trú, lữ hành, ăn uống ngoài gia đình tăng; đồng thời, giá điện và nước sinh hoạt có thể tăng mạnh do thời tiết nắng nóng kéo dài. Một số mặt hàng khác dự kiến có thể tăng giá gồm hàng điện lạnh, văn phòng phẩm và xăng dầu.

5. Một số vấn đề xã hội

5.1. Tình hình đời sống dân cư

Hà Tĩnh đã đi qua những ngày khó khăn nhất của dịch Covid-19. Dù vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng nhờ công tác an sinh xã hội được đảm bảo tốt trong và sau “bão dịch”; các cấp, ngành làm tốt công tác huy động nguồn lực, tổ chức thăm hỏi, tặng quà người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo; đồng thời, hiện bà con nông dân đang thu hoạch lúa Đông Xuân, ngư dân phấn khởi vươn khơi khi hải sản được mùa, được giá; ngoài ra, Hà Tĩnh đã và đang thực hiện trao trả tiền hỗ trợ cho người dân theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. Vì vậy, tính đến ngày 15/5/2020 trên địa bàn Hà Tĩnh không xảy ra thiếu đói và dự kiến trong tháng tới tình hình thiếu đói cũng không xảy ra.

5.2. Tình hình thiên tai

Trong tháng, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xảy ra 2 đợt lốc xoáy kèm theo mưa lớn và sét đánh (đợt 1 vào ngày 11/5/2020; đợt 2 vào ngày 17/5/2020). Lốc xoáy làm 8 người bị thương; 335 nhà ở bị tốc mái (trong đó có 13 nhà bị thiệt hại trên 50%); 1 trường học và 1 nhà văn hóa bị tốc mái; 1 con bò bị chết; 53,2 ha lúa, 610,5 ha mạ lúa lai, 38,8 ha hoa màu, 3 ha cây lâu năm và 2 ha diện tích rừng bị đổ, gãy, hư hỏng. Ngoài ra một số cột điện, cây keo tràm, cao su, cây ăn quả, cây bóng mát bị đổ gãy; số lượng tàu thuyền bị chìm, hư hỏng đang được thống kê. Ước tính tổng thiệt hại 9,5 tỷ đồng. Sau khi xảy ra lốc xoáy và mưa lớn, các địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ tổ chức khắc phục kịp thời các thiệt hại để đảm bảo cuộc sống và sinh hoạt của người dân.

5.3. Hoạt động y tế

- Tình hình dịch bệnh: Cũng như cả nước, hiện nay Hà Tĩnh đang bước sang giai đoạn mới phòng, chống dịch bệnh đồng thời với khôi phục, phát triển nền kinh tế. Thời gian này, Hà Tĩnh đã ban hành công văn số 2927 /UBND-VX1 ngày 8/5/2020 về việc hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới với các nội dung như đưa các hoạt động lao động, sản xuất, làm việc, học tập và đời sống xã hội trở về tình trạng bình thường trong điều kiện mới; tập trung ưu tiên mọi nguồn lực, biện pháp, giải pháp phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19; kiểm soát chặt chẽ các ca bệnh đã âm tính ở trên địa bàn và người bị bệnh đã điều trị khỏi từ ngoài tỉnh về (đề phòng trường hợp dương tính trở lại) gây nguy cơ lây lan dịch bệnh; thắt chặt người đi từ nước ngoài về nhằm ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập và tuyệt đối không để người nhập cảnh vào Hà Tĩnh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng; tiếp tục thực hiện các biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học; riêng đối với các cơ sở dịch vụ như nhà hàng, quán ăn thì yêu cầu sát khuẩn tay.

Tính đến ngày 17/5/2020, ở Hà Tĩnh cả 4 trường hợp dương tính với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 đã khỏi bệnh và được ra viện. Ngoài ra, Hà Tĩnh hiện đang cách ly tập trung 704 trường hợp và theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 191 trường hợp. Tất cả các trường hợp trên đều có sức khỏe ổn định.

Trong tháng, toàn tỉnh xảy ra 18 trường hợp sốt rét, 2 trường hợp quai bị, 14 trường hợp mắc thủy đậu, 17 trường hợp mắc lỵ trực trùng, 26 trường hợp mắc lỵ a míp. Tính chung 5 tháng, toàn tỉnh có 176 trường hợp sốt rét, 42 trường hợp quai bị, 195 trường hợp mắc thủy đậu, 140 trường hợp mắc lỵ trực trùng, 138 trường hợp mắc lỵ a míp, 12 trường hợp sởi và 10 trường hợp mắc bệnh do virut adeno. Tất cả đều là ca mắc đơn lẻ, không tạo thành dịch và không có trường hợp nào tử vong.

- Công tác phòng chống HIV/AIDS: Để hạn chế số người mắc bệnh HIV/AIDS, ngành y tế Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào phòng chống các bệnh tệ nạn xã hội, đặc biệt là công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng chống cũng như tác hại của HIV/AIDS đối với cá nhân và cộng đồng bằng nhiều hình thức như qua phương tiện thông tin đại chúng: truyền thanh, truyền hình,báo...Trong tháng, Hà Tĩnh có 5 người nhiễm HIV (tăng 2 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019), 7 người chuyển thành AIDS (tăng 3 trường hợp) và có 2 người chết vì AIDS (tăng 2 trường hợp). Tính chung 5 tháng, có 26 người nhiễm HIV, 23 người chuyển thành AIDS và có 2 người chết vì AIDS.

- Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Thời gian qua, công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hà Tĩnh đã được chính quyền các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo kịp thời. Các hoạt động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ và có hiệu quả. Trong tháng, trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ có 81 ca ngộ độc thực phẩm đơn lẻ, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2019. Không có trường hợp nào tử vong do ngộ độc thực phẩm. Tính chung 5 tháng, có 452 ca ngộ độc thực phẩm đơn lẻ, giảm 34,01% so với cùng kỳ.

5.4. Hoạt động văn hoá, thể thao

Thực hiện văn bản số 2927/UBND-VX1 của UBND tỉnh, các cơ sở hoạt động dịch vụ được trở lại hoạt động bình thường (trừ vũ trường và karaoke); các hoạt động văn hóa tập trung đông người được phép hoạt động nhưng người tham gia phải tuân thủ quy định phòng chống dịch, các cá nhân, đơn vị đứng ra tổ chức phải đảm bảo bố trí đầy đủ các điều kiện phòng, chống dịch bệnh theo quy định; tuy vậy hoạt động văn hóa, thể thao trong tháng vẫn còn rất trầm lắng, chưa sôi động trở lại. Trong tháng chủ yếu tập trung chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; treo cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu...chào mừng 45 năm ngày giải phóng miền nam thống nhất đất nước và 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đối với hoạt động thể thao, sau thời gian tạm dừng vì dịch Covid-19, sáng 17/5, tại thành phố Hà Tĩnh, với hơn 100 người dân, vận động viên và những người yêu thích bộ môn chạy bộ cùng tham gia chạy, nhằm lan tỏa lối sống lành mạnh, tích cực tới cộng đồng.

Về công tác kiểm tra, thanh tra văn hóa vẫn được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc. Trong tháng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp 6 giấy phép, trong đó: 5 giấy phép thuộc lĩnh vực VHCS; 01 giấy phép thuộc lĩnh vực du lịch.

5.5. Tai nạn giao thông

Tính từ ngày 15/4/2020 đến ngày 14/5/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 9 người và 6 người bị thương. So với tháng trước tăng 1 vụ, tăng 1 người chết và tăng 6 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước không thay đổi số vụ tai nạn giao thông đường bộ, giảm 1 vụ tai nạn đường sắt, tăng 2 người chết và giảm 2 người bị thương.

Như vậy, tính từ 15/12/2019 đến 14/5/2020, Hà Tĩnh xảy ra 55 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 51 người và bị thương 20 người. So cùng kỳ năm 2019 tăng 1 vụ tai nạn giao thông đường bộ, giảm 1 vụ tai nạn đường sắt, tăng 1 người chết và giảm 11 người bị thương.

5.6. Môi trường

- Tình hình cháy, nổ: Trong tháng 5/2020 xảy ra 2 vụ cháy (ở thành phố Hà Tĩnh và huyện Hương Khê), gồm 1 vụ cháy nhà dân và 1 vụ cháy cơ sở sản xuất kinh doanh, với tổng giá trị thiệt hại ước tính 500 triệu đồng; so với cùng kỳ năm trước giảm 4 vụ cháy và 1 vụ nổ. Tính chung 5 tháng, xẩy ra 13 vụ cháy, làm 2 người chết, với tổng giá trị thiệt hại ước tính 4,24 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2019 giảm 22 vụ cháy và 5 vụ nổ, số người chết không thay đổi và giảm 8 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu do chập điện và bất cẩn khi sử dụng lửa.

- Công tác bảo vệ môi trường: Trong tháng 5/2020, đã phát hiện và xử lý 9 vụ vi phạm môi trường (giảm 6 vụ so với cùng kỳ năm 2019), với số tiền xử phạt là 44 triệu đồng. Tính chung 5 tháng, đã phát hiện và xử lý 16 vụ vi phạm môi trường (giảm 25 vụ so với cùng kỳ năm 2019), với số tiền 96 triệu đồng. Các vụ vi phạm chủ yếu là hoạt động khai thác đất, cát trái phép./.


Cục Thống kê Hà Tĩnh

    Tổng số lượt xem: 666
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)