Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/07/2020-15:47:00 PM
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
(MPI) - Sáng ngày 16/7/2020 đã diễn ra phiên họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự và phát biểu tại phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Chinhphu.vn

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, nhờ có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, người dân và xã hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, đến nay nước ta cơ bản thực hiện thành công nhiệm vụ kép, vừa kiểm soát dịch thành công và phục hồi nền kinh tế ở mức hợp lý, trạng thái bình thường mới dần được thiết lập trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội.

Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 1,81% là đáng ghi nhận trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên thế giới và khu vực tăng trưởng âm, rơi vào tình trạng suy thoái. Tuy nhiên, mức tăng trưởng GDP của Quý II chỉ đạt 0,36% là điều đáng quan tâm. Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp ưu tiên, quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc phân tích, làm rõ các nguyên nhân, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cá nhân để rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra các giải pháp hiệu quả, phù hợp là rất cần thiết.

Việc giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 khác so với các năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2020 theo tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết định cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, giao một lần toàn bộ kế hoạch vốn trước ngày 30/11/2019; các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2020, danh mục, mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp dưới.Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN kế hoạch năm 2020 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngày 12/11/2019 là 470.600 tỷ đồng, chia ra vốn trong nước: 410.600 tỷ đồng, vốn nước ngoài: 60 nghìn tỷ đồng, trong đó tỷ lệ vốn đầu tư của các bộ, cơ quan trung ương chiếm 22,9% và vốn đầu tư của các địa phương chiếm 77,1% tổng số.

Đến nay đã có 52/53 các bộ, cơ quan trung ương và 63/63 địa phương có phương án phân bổ vốn NSNN năm 2020 cho các đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp dưới, tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, phân bổ vốn đầu tư công quy định tại Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội về NSNN năm 2020.

Tuy vậy, hiện nay mới có 35 bộ, cơ quan trung ương và 22 địa phương giao chi tiết hết 100% kế hoạch vốn cho các dự án; 06 bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương giao chi tiết trên 90% cho các dự án; còn lại 12 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương giao chi tiết dưới 90% cho các dự án.

Tổng số vốn NSNN các bộ, cơ quan trung ương và địa phương giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là 443.195,829 tỷ đồng, đạt 94,2% kế hoạch đầu tư vốn được Thủ tướng Chính phủ giao (470.600 tỷ đồng). Số vốn còn lại chưa giao chi tiết cho các dự án là 27.404,171 tỷ đồng, số vốn này không lớn chiếm 5,8% kế hoạch. Tuy nhiên trong năm 2020 việc chậm giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn cho các dự án vẫn xảy ra tại một số bộ, cơ quan trung ương. Từ năm 2021 trở đi, việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục khi có đề xuất sẽ khắc phục được hạn chế này của năm 2020.

Về tình hình giải ngân, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ước giải ngân 6 tháng đầu năm là 159.397,188 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch (cùng kỳ đạt 28,56% kế hoạch Quốc hội giao), trong đó, vốn trong nước là 145.270,055 tỷ đồng (đạt 37,55% kế hoạch), vốn nước ngoài là 7.061,952 tỷ đồng (đạt 12,52% kế hoạch), vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là 7.065,181 tỷ đồng (đạt 25,85% kế hoạch).

Mặc dù các cấp, các ngành và địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, số vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ năm 2019 song tỷ lệ giải ngân 06 tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu. Có 03 Bộ, cơ quan trung ương và 09 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%; 33 Bộ, cơ quan trung ương và 03 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, có 07 Bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%.

Nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Chinhphu.vn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã tồn tại cố hữu từ lâu như: công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh một lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, tính chất đặc thù của chi đầu tư so với chi thường xuyên… Bên cạnh đó, niên độ ngân sách nhà nước là 1 năm, giao kế hoạch vốn đầu năm, quyết toán cuối năm, nên kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng các công trình, dự án cũng phụ thuộc vào kế hoạch vốn. Sau khi được giao kế hoạch đầu năm, các cấp, các ngành mới bắt tay vào triển khai các hoạt động chuẩn bị đầu tư, xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công… nên mất nhiều thời gian để có khối lượng thanh toán, kế hoạch đấu thầu được phê duyệt đầu năm thì phải đến giữa năm mới lựa chọn được nhà thầu và ký hợp đồng, việc tạm ứng vốn hợp đồng, hay giải ngân khối lượng thực hiện thường xảy ra vào thời điểm cuối năm.

Bên cạnh những nguyên nhân cố hữu nêu trên, trong những tháng đầu năm xuất hiện thêm một số nguyên nhân khác làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đó là những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và năm 2020 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn nên các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương vừa hoàn thành dự án, vừa hoàn tất thủ tục dự án khởi công mới vừa chuẩn bị dự án cho giai đoạn 2021-2025.

Kết quả giải ngân chậm bên cạnh nguyên nhân khách quan còn có một số nguyên nhân chủ quan như một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chậm ban hành đơn giá, định mức xây dựng cho các công việc đặc thù, chuyên ngành làm cơ sở để xác định tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng và quản lý chi phí theo quy định tại Nghị định số 68/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Chưa có quy định cụ thể về cơ sở pháp lý, hồ sơ tài liệu cần đảm bảo để cơ quan tài chính thực hiện hạch toán ghi thu NSNN về giá trị tài sản công đối với giá trị tài sản công thanh toán, ghi chi tạm ứng NSNN tương ứng với giá trị tài sản công đã thanh toán để thực hiện Dự án BT trong trường hợp chưa phê duyệt quyết toán, trách nhiệm của các bên liên quan khi triển khai thực hiện Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15/8/2019 của Chính phủ.

Các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án,... nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA.

Bên cạnh đó, công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch. Công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng chưa bảo đảm minh bạch, công bằng; người dân chưa đồng thuận, khiếu kiện về chính sách đền bù, yêu cầu xác định giá bồi thường sát giá thị trường; công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả.

Nguyên nhân giải ngân chậm nguồn vốn ODA có nhiều đặc thù, nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn. Công tác chuẩn bị đầu tư dự án không kỹ dẫn đến chậm thực hiện dự án đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án, phải điều chỉnh lại thiết kế, tăng chi phí, phải tiến hành các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án, nhiều dự án không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời đã ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài.

Nguyên nhân thì rất đa dạng nhưng bài học rút ra là các cấp, các ngành phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Việc phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công có tác động lớn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, nên phải nhanh, hiệu quả và phải đảm bảo đúng pháp luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Giải pháp triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2020 trong những tháng còn lại

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, thúc đẩy và giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 là mục tiêu lớn, quan trọng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, liên tục với nhiều giải pháp quyết liệt nêu tại các Nghị quyết, Chỉ thị. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2020.

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bên cạnh việc tập trung tổ chức công tác chuẩn bị đại hội các cấp, cần xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2020, trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công quy định tại Nghị quyết số 84/NQ-CP.

Đồng thời, hoàn thành việc giao kế hoạch vốn chi tiết cho các chương trình, dự án để giải ngân trước ngày 31/7/2020. Chủ động ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu..., đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án; kế hoạch giải ngân và cam kết của chủ đầu tư đối với tiến độ giải ngân của từng dự án, trường hợp giải ngân không đạt tiến độ, xem xét điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án theo thẩm quyền.

Phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao trong năm 2020.

Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phối hợp kịp thời với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ chuyên ngành liên quan tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án như giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân... Thực hiện nghiêm và có hiệu quả trong phối hợp, theo dõi thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020. Chỉ đạo chủ đầu tư đẩy mạnh tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả trong quá trình thực hiện.../.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3562
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)