(MPI) – Ngày 29/6/2020, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra buổi họp Tổ công tác liên Bộ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước) về tình hình kinh tế vĩ mô quý II và 6 tháng đầu năm 2020 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại buổi họp. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, buổi họp tập trung đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2020, nhận định những khó khăn, vướng mắc, từ đó đưa ra các dự báo và đề xuất các phương án, chính sách trong quản lý, điều hành, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay để tổng hợp, đề xuất kịp thời các giải pháp có tính thống nhất cao giữa các cơ quan quản lý kinh tế vĩ mô.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình triển khai thực hiện các cơ chế chính sách đã ban hành nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; tình hình thu-chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và ước cả năm 2020; dự báo tình hình thu-chi ngân sách và đề xuất, kiến nghị các giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới; tình hình hoạt động tín dụng; các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; cơ hội từ các Hiệp định EVFTA và EVIPA;…
Phát biểu tại buổi họp, Vụ trưởng Vụ Tài chính, tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Trọng Khanh cho biết, GDP quý II tăng 0,36% và 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2019, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19, nhiều nền kinh tế chủ chốt trong khu vực và thế giới có mức tăng trưởng âm.
Về ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 43,9% dự toán, giảm 11,1% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 41,3% dự toán; chi đầu tư phát triển ước đạt 33,1%, cao hơn so với cùng kỳ các năm trước đây. Chi đầu tư phát triển cao là nhờ chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh chịu tác động của dịch bệnh.
Thị trường tiền tệ, tín dụng, mặc dù đã có cải thiện trong các tháng gần đây nhưng vẫn tăng trưởng thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của khách hàng chững lại. Lãi suất điều hành giảm phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh…
Trình bày những giải pháp để tận dụng các cơ hội do Hiệp định EVFTA và EVIPA mang lại, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Thị Châu Quỳnh cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất với Chính phủ các giải pháp để tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định. Theo đó, cần tăng cường công tác xây dựng pháp luật, thể chế để thực thi Hiệp định, cụ thể: tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh theo hướng đơn giản hóa, tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp; hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư tư nhân tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công. Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua 3 dự án Luật quan trọng, gồm: Luật doanh nghiệp (sửa đổi), Luật đầu tư (sửa đổi), Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), góp phần thực hiện các nhóm giải pháp nêu trên. Đồng thời, đơn giản hóa, minh bạch hóa điều kiện gia nhập thị trường cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thông qua việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh nói chung và tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài nói riêng. Về điều này, Luật đầu tư (sửa đổi) có quy định các điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo phương pháp chọn bỏ, ngoài những lĩnh vực có điều kiện thì nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như nhà đầu tư trong nước. Hai là, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam và tính sẵn sàng đối với việc vận dụng các cơ hội từ Hiệp định như phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ logistics cũng như thực hiện các giải pháp về nhân lực chất lượng cao, cải cách hệ thống quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm phù hợp với khu vực và thế giới để tạo cơ sở pháp lý cho việc thu hút dự án đầu tư có chọn lọc, chất lượng cao, tăng cường các biện pháp cơ chế khuyến khích và định hướng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài liên kết với doanh nghiệp trong nước để hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng. Ba là, kiểm soát phòng ngừa tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư.
|
Toàn cảnh buổi họp. Ảnh: MPI |
Tại buổi họp, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra những kết quả về hoạt động của ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2020 và cho biết, ngành ngân hàng đã có những chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt, góp phần tích cực vào việc kiểm soát lạm phát. Ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần liên tiếp điều chỉnh giảm lãi suất cho vay và Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức giảm mạnh nhất trong khu vực, đồng thời áp dụng trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên không thể ở mức thấp hơn.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 với các quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí… Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các giải pháp giảm mặt bằng lãi suất, ban hành các văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng có các biện pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.
Kết luận buổi họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương ghi nhận và đánh giá cao ý kiến của các đại biểu, các ý kiến đã đưa ra các nhận định về bức tranh chân thực về thực trạng nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2020. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu trong việc phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân. Đây chính là nền tảng vững chắc để nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Kết quả trên cho thấy, thắng lợi của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời vẫn duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến kinh tế vĩ mô, động lực tăng trưởng của nền kinh tế, năng lực sản xuất của doanh nghiệp; giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài; du lịch; xuất nhập khẩu; chính sách tài khóa;… Đồng thời cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới, làm cho các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu tiếp tục gặp khó khăn. Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị, Tổ công tác liên Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao để góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ kép, vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân, vừa duy trì sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư