(MPI) – Đây là một trong những mục tiêu lập quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 620/QĐ-TTg ngày 08/5/2020 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký ban hành.
Theo Quyết định, phạm vi quy hoạch phần lãnh thổ tỉnh Kiên Giang với tổng diện tích tự nhiên là 6.349 km2, bao gồm 15 đơn vị hành chính cấp huyệnQuy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng, nội dung của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm thời kỳ 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn Việt Nam, các chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng của cả nước.
Đảm bảo tính Nhân dân, tuân thủ, liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc, tương thích trong hệ thống quy hoạch quốc gia, tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, các địa phương trong Tỉnh vừa đáp ứng các nhu cầu trong hiện tại, vừa tạo nền tảng phát triển cho các thời kỳ tiếp theo, hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân, tính khả thi, khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, tiết kiệm, hiệu quả.
Đồng thời, đánh giá đầy đủ các điều kiện, yếu tố và dự báo xu hướng, bối cảnh, tình hình quốc tế, khu vực, trong nước tác động đến phát triển của Tỉnh trong thời kỳ quy hoạch, đánh giá khả năng khai thác liên kết vùng, hợp tác các địa phương trong cả nước, trước hết là kết nối giữa tỉnh Kiên Giang với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là kết nối hạ tầng liên vùng, cùng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và các cân đối thị trường hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Xây dựng quan điểm, thiết lập tầm nhìn và xác định mục tiêu, định hướng không gian phát triển mới để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt, độc đáo của tỉnh Kiên Giang so với các địa phương khu vực bán đảo Cà Mau và các tỉnh lân cận. Đáp ứng cao nhất nhu cầu giao thương, hợp tác, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế, đặc biệt là quan hệ với Vương quốc Cam-pu-chia…
Mục tiêu việc lập quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là công cụ pháp lý để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn Tỉnh là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn Tỉnh, phấn đấu đến năm 2030 Kiên Giang trở thành Tỉnh có khả năng tự chủ ngân sách. Đồng thời, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửa Long ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Về nội dung lập quy hoạch, cần định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế. Đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn Tỉnh, xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện. Ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập Quy hoạch, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng.
Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Kiên Giang căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt của Quyết định, tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp quy định của Luật quy hoạch và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Đồng thời, giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên Môi trường và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành hướng dẫn, phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện lập Quy hoạch bảo đảm chất lượng, tiến độ và hiệu quả./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư