(MPI) - Ngày 29/7/2020, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Chương trình Gặp mặt thành viên mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Buổi gặp mặt có sự góp mặt của nhiều thành viên mạng lưới đổi mới sáng tạo đến từ Việt Nam, Đức, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ca-na-đa, Mỹ, Xinh-ga-po.
|
Chương trình có sự tham gia của khoảng 250 thành viên của Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam trên toàn thế giới. Ảnh: MPI |
Chương trình được tổ chức với mục đích gặp mặt trực tiếp các thành viên Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hà Nội và trao đổi trực tuyến với thành viên của mạng lưới tại các quốc gia nhằm cập nhật tình hình phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam và các hoạt động của 3 mạng lưới thành viên tại Ô-xtrây-li-a (NIC-AU), Đức (VGI) và Nhật Bản (VJOIN).
Thông qua Chương trình các thành viên trong mạng lưới chia sẻ về các dự án, hoạt động đang triển khai để từ đó gia tăng kết nối hợp tác, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, đồng thời đề xuất về các hoạt động của mạng lưới trong thời gian tới.
Phát biểu tại Chương trình, Phó Giám đốc phụ trách NIC Vũ Quốc Huy cho biết, NIC được thành lập theo Quyết định 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ với chức năng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo. Trong đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao đó là phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam.
|
Phó Giám đốc phụ trách NIC Vũ Quốc Huy phát biểu tại Chương trình. Ảnh: MPI |
Phó Giám đốc phụ trách NIC Vũ Quốc Huy cho biết, mạng lưới hiện đã kết nối gần 250 thành viên ở 14 quốc gia đểtriển khai xây dựng các mạng lưới thành phần ở Đức, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản. Tầm nhìn trong thời gian tới của Mạng lưới là tiếp tục mở rộng, với mục tiêu có 10 mạng lưới thành phần tại các nước.
Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam được hình thành nhằm giúp các thành viên có thêm kênh kết nối, từ đó hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình nghiên cứu, thực hiện các dự án đổi mới sáng tạo. Đồng thời, mục tiêu quan trọng hơn nữa là khai thác được trí tuệ của các thành viên để phục vụ những công việc lớn của đất nước trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, NIC sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động kết nối hệ sinh thái, trong đó có chương trình Vietnam Venture Summit - kết nối quỹ đầu tư với doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam, tổ chức các hoạt động đào tạo cho doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với Covid-19, xây dựng các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, tổ chức xây dựng nghiên cứu về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam làm cơ sở đề xuất chính sách, chiến lược về đổi mới sáng tạo trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Ngoài ra, NIC sẽ tham gia hỗ trợ để thúc đẩy các hoạt động mà Mạng lưới đề xuất, đồng thời chủ động đề xuất các hoạt động nghiên cứu, thảo luận các vấn đề cụ thể để tháo gỡ vướng mắc cho các start-up…
Ông Vũ Quốc Huy bày tỏ vui mừng khi NIC vinh dự là mắt xích kết nối, đồng hành, hỗ trợ các mạng lưới trong quá trình hoạt động và cam kết NIC sẽ là cơ quan đầu mối phối hợp với các cơ quan Bộ ngành, địa phương giúp các cá nhân, doanh nghiệp kết nối, xây dựng mạng lưới thành công, cũng như tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của start-up, huy động các nguồn lực tài trợ cho đổi mới sáng tạo...
|
Toàn cảnh Chương trình. Ảnh: MPI |
Đồng thời, khẳng định trong thời gian tới, NIC sẽ cố gắng tập trung, xây dựng các định hướng, hoạt động cụ thể hơn, cũng như xây dựng thể chế, đề xuất nhiều cơ chế chính sách, cơ chế ưu đãi cho hoạt động đổi mới sáng tạo, cho các dự án đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn cho start-up nói riêng và doanh nghiệp nói chung.
Tại Chương trình, góp ý cho hoạt động của mạng lưới, TS. Huỳnh Thế Du đến từ Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, hơn hai năm qua, ông đã đi nhiều nơi và gặp nhiều thành viên trong mạng lưới, điểm tích cực là mạng lưới mở rộng tốt. Đồng thời cho rằng, mạng lưới nên duy trì hoạt động theo mô hình phi tập trung, có các hoạt động cụ thể và thường xuyên hơn về các chủ đề mang tính chuyên môn. NIC có thể xem xét tạo ra môi trường cạnh tranh giữa các mạng lưới trong hoạt động để tăng tính sôi nổi.
CEO của Công ty cổ phần SeleX Motor, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực phát triển phương tiện điện thông minh và các công nghệ mới, ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên kỳ vọng, NIC có thể trở thành quỹ đầu tư, vườn ươm cho các start-up, dự án khởi nghiệp, nhưng quan trọng hơn là cần trở thành một nơi hội tụ, đầu mối kết nối uy tín giữa các nhà đầu tư trong khu vực với các start-up./.
NIC là trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đầu tiên của Việt Nam, được ưu tiên và tạo điều kiện tối đa để thực hiện những nhiệm vụ về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kết nối hệ sinh thái, xây dựng Mạng lưới trí thức người Việt phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế.
NIC đang gấp rút thực hiện các thủ tục để thực hiện xây dựng cơ sở tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc và cơ sở tại trung tâm Hà Nội, tạo không gian cho các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ, các cá nhân hoạt động nghiên cứu, tổ chức sự kiện trình diễn công nghệ đổi mới sáng tạo…
Trung tâm hiện đã hoàn thiện cơ cấu tổ chức, các quy định về hoạt động vận hành, nhân sự. Trung tâm đã thành lập Hội đồng quản lý, Hội đồng cố vấn đặc biệt gồm Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học công nghệ, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo tập đoàn lớn là THACO và Viettel.
|
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư