Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/07/2020-18:45:00 PM
Luôn tiên phong, đi đầu trong đổi mới và cải cách
(MPI) - Phát biểu kết luận tại Hội nghị Giao ban trực tuyến ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2020 diễn ra ngày 28/7/2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến vai trò của ngành Kế hoạch và Đầu tư đối với mỗi quá trình phát triển của đất nước. Đồng thời nhấn mạnh, chúng ta đã làm được những điều kỳ diệu trong đấu tranh, giải phóng dân tộc, do vậy trong phục hồi và phát triển kinh tế chúng ta cũng sẽ làm được những điều kỳ diệu với ý chí, sức mạnh của con người Việt Nam.

Tham mưu trúng, đúng và kịp thời

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, với sự tham dự đông đủ của các cơ quan trung ương, các tham luận có rất chất lượng của địa phương tại các điểm cầu đã thể hiện được tầm quan trọng của công tác kế hoạch, đầu tư.

Về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng trưởng của nước ta đạt 1,81%, đây là mức tăng trưởng không cao như kế hoạch đề ra nhưng được đánh giá là tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, thể hiện sự nỗ lực lớn của các cấp, các ngành, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong kết quả đó, có vai trò rất lớn của ngành Kế hoạch và Đầu tư. Các đơn vị thuộc Bộ và các Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương đã luôn nỗ lực, cố gắng và có tham mưu kịp thời để tháo gỡ khó khăn trong từng lĩnh vực để mang lại thành công chung của cả nước. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng biểu dương và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của những cán bộ ngành Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian qua.

Từ những kết quả đạt được đã khẳng định Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng và ngành Kế hoạch và Đầu tư nói chung đã làm được rất nhiều việc trong các giai đoạn qua, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2020. Công tác tham mưu đáp ứng yêu cầu, thể hiện được sự tham mưu trúng, đúng và kịp thời. Chủ động nghiên cứu, đánh giá, phân tích, dự báo, đề xuất các cơ chế chính sách và được hiện thực hóa vào các Nghị quyết, Nghị định do Bộ chủ trì xây dựng và đã được ban hành. Bên cạnh sự chủ động của Bộ, của Ngành là sự phối hợp rất tốt của các bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng cho biết.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao rất nhiều nhiệm vụ liên quan đến xây dựng thể chế. Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua các luật do Bộ chủ trì xây dựng, gồm Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Đây là những Luật khó, quan trọng, thiết yếu đối với môi trường đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, Bộ tập trung hướng dẫn công tác lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch các địa phương; hướng dẫn, tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới và của năm 2021. Rất nhiều nội dung được thực hiện tích cực, đảm bảo hiệu quả, thời gian và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Luôn tiên phong, đi đầu trong đổi mới và cải cách

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong quá trình phát triển của đất nước, Bộ luôn thể hiện được vai trò tiên phong, đi đầu trong đổi mới và cải cách; đẩy nhanh hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tách bạch giữa vai trò quản lý nhà nước với thị trường; tập trung vào thực hiện các công cụ quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô, tập trung chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, cơ chế chính sách; đẩy mạnh phân cấp phân quyền. Đây là vấn đề mới và đặc biệt đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong suốt nhiều năm qua.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những thay đổi rất nhanh theo hướng xây dựng Bộ kiến tạo, phát triển, tạo mọi cách để phát triển tốt nhất, nhanh nhất và thuận lợi nhất vì phát triển chung của đất nước chứ không giữ lại những quyền lợi riêng của Bộ. Đây là đổi mới, cải cách hết sức mạnh mẽ trong thời gian qua và được thể hiện rõ trong các Bộ luật mới đây do Bộ chủ trì soạn thảo với những điểm mới tăng cường phân cấp, trao quyền cho bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong các công tác như quyết định danh mục đầu tư, thẩm định, giao chi tiết và điều chuyển nguồn vốn hằng năm giữa các dự án, cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bỏ quy hoạch sân golf, bãi bỏ các quy định chấp thuận chủ trương đầu tư với dự án quy mô 5 nghìn tỷ đồng trở lên … Bộ chỉ tập trung xây dựng nguyên tắc, tiêu chí hướng dẫn còn các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện, Bộ trưởng cho biết.

Nhấn mạnh về những vấn đề khó khăn hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tình hình dịch bệnh chưa biết lúc nào kết thúc khi chưa có vắc-xin chữa trị dẫn đến chưa biết bao giờ mới mở cửa du lịch, khi nào mới có thể kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy. Đây là những vấn đề lớn. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến tình hình dịch bệnh đang diễn ra hiện nay và cho rằng, đầu tiên để phục hồi nền kinh tế là phải quyết khống chế dịch. Càng khống chế sớm thì càng có dư địa phục hồi kinh tế, tham gia vào các chuỗi giá trị và chuỗi sản xuất mới, đón nhận cuộc chơi mới, cơ hội mới.

Do vậy, các giải pháp của Chính phủ cần được quyết định nhanh, kịp thời, chính xác và phải đủ mạnh, đặc biệt phải quan tâm đến tình hình sản xuất của doanh nghiệp và vấn đề an sinh xã hội, những đối tượng dễ bị tổn thương do dịch bệnh gây ra. Tình hình khó khăn sẽ dẫn đến những thay đổi rất lớn trong cấu trúc của thị trường quốc tế, từ đó, sẽ có nhiều cơ hội lớn. Vậy làm thế nào để nhận diện được các cơ hội cho đất nước, cho các bộ, ngành, địa phương khi dịch có dấu hiện giảm và khi dịch kết thúc để nhanh chóng chuẩn bị đón nhận và tận dụng các cơ hội, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tận dụng được cơ hội “ngàn năm” đối với Việt Nam

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: MPI

Về công tác đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng sẽ có sự chuyển dịch đầu tư rất lớn và nhấn mạnh, không phải chỉ do đại dịch Covid-19 dẫn đến sự chuyển dịch mà là yêu cầu tự thân của môi trường kinh doanh, các lợi thế so sánh, các điều kiện thuận lợi đã được gây dựng trong suốt trong nhiều năm qua. Còn dịch Covid-19 chỉ là xúc tác để đẩy mạnh việc này, do vậy phải nhanh chóng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư này. Do vậy, nếu không cải cách thủ tục hành chính, không có biện pháp đúng thì sẽ khó thu hút sự chuyển dịch đầu tư và các nhà đầu tư sẽ tìm đến các thị trường đang cạnh tranh mạnh mẽ như Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Mê-xi-cô…

Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương phải có những hành động cụ thể, phải cải cách thủ tục hành chính, có các biện pháp để thu hút dòng vốn chuyển dịch đầu tư. Theo đó, các địa phương phải chuẩn bị thể chế, môi trường đầu tư, quy hoạch, đất đai, hạ tầng, nhân lực. Cấp trung ương đưa ra định hướng thu hút vốn FDI còn các địa phương phải đưa ra các tiêu chí để thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường, kết nối được doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước… Phải làm sao để tận dụng được cơ hội “ngàn năm” đối với Việt Nam, qua đó phải nhanh chóng tận dụng nó để đổi mới mô hình tăng trưởng, cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy phát triển nhanh dựa trên thu hút FDI để thúc đẩy phát triển và gắn kết với kinh tế trong nước.

Về công tác quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đây là công tác rất quan trọng, các tác dụng rất lớn cho các định hướng phát triển lâu dài của các ngành, các địa phương, là phương châm, con đường phát triển trong giai đoạn sắp tới. Công tác quy hoạch được xây dựng nhanh, bài bản, có tầm nhìn theo hướng chất lượng cao để phát huy được các lợi thế so sánh, tận dụng các cơ hội một cách tốt nhất, tạo nên các liên kết, không gian phát triển để có tăng trưởng nhanh và bền vững.

Về xây dựng quy hoạch các địa phương cũng như quy hoạch vùng, quy hoạch ngành có tác động tương hỗ nhau, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của đất nước. Do vậy, cần có sự quan tâm lớn của các cấp, các ngành và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, bởi nếu không có quy hoạch sẽ không thể xây dựng được định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới. Tuy nhiên đây là vấn đề khó, lần đầu tiên lập nhiều quy hoạch từ quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương và được lập theo phương pháp tích hợp, chưa có tiền lệ. Về thuê tư vấn nước ngoài trong việc xây dựng quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, dù thuê tư vấn trong nước hay nước ngoài thì vai trò của cán bộ địa phương là rất quan trọng, “không ai hiểu chúng ta bằng chính chúng ta”, do vậy các địa phương phải tham gia vào quá trình lập quy hoạch, chứ không khoán trắng cho đơn vị tư vấn. Do vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải phối hợp với các sở, ngành liên quan để đề xuất các quan điểm chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai lập quy hoạch đểđảm bảo chất lượng.

Thực hiện nghiêm các quy định về chống dịch gắn với phục hồi, phát triển nền kinh tế

Về dự báo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng trên thế giới và dự báo chỉ khi nào có vắc-xin thì tình hình mới ổn định trở lại. Bên cạnh đó, tình hình cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế giữa các đối tác lớn của Việt Nam ngày càng gia tăng, từ đó tạo ra những cơ hội và khó khăn nhất định. Các quốc gia lớn đang tung ra gói cứu trợ lớn, dẫn đến rủi ro cho nền tài chính toàn cầu. Do đó, tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm được dự báo có nhiều khó khăn.

Từ những kết quả đạt được và những dự báo được đặt ra trong 6 tháng cuối năm 2020 cho thấy nhiệm vụ đặt ra cho ngành Kế hoạch và Đầu tư rất nặng nề, vừa nhanh chóng đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thực hiện các chỉ tiêu đề ra của năm 2020 và chuẩn bị cho kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2021 và 5 năm tới.

Về các chính sách giải pháp điều hành trong năm 2020, phải đánh giá được việc thực thi các chính sách đã ban hành, từ đó kiến nghị điều chỉnh phù hợp đáp ứng yêu cầu thực tế; có kéo dài thời gian thực hiện các chính sách đã ban hành; tác động của chính sách tới tăng trưởng kinh tế cũng như an sinh xã hội… ; đề xuất bổ sung những chính sách, nhiệm vụ, giải pháp mới; các đối tượng, các lĩnh vực kinh tế được tập trung ưu tiên, hỗ trợ; dự kiến nguồn lực tổ chức thực hiện; xác định đối tượng tập trung ưu tiên hỗ trợ trong 6 tháng cuối năm 2020 để đảm bảo nguồn lực, tránh dàn trải với phương châm duy trì sản xuất, nắm bắt các cơ hội phát triển mới; hoàn thiện các thể chế để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh hơn nữa công tác giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia; ứng dụng công nghệ số nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…

Năm 2020 là năm có vai trò quan trọng, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung đánh giá Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để định hình cho giai đoạn tới, nhất là các địa phương phải xây dựng báo cáo Đại hội Đảng các cấp, do vậy phải tập trung nghiên cứu, xây dựng đưa ra các chỉ tiêu, mục tiêu vào nghị quyết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị.

Về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc này cần gắn với tình hình thực tiễn của năm 2020, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường nên khả năng phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, huy động các nguồn lực cho phát triển được dự báo vẫn khó khăn.

Năm 2021 tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp khắc phục dịch bệnh, hỗ trợ, phục hồi phát triển nền kinh tế, chuẩn bị các giải pháp để sớm tăng tốc trở lại, bắt kịp các cơ hội phục hồi của nền kinh tế thế giới; xây dựng các mục tiêu phát triển của năm 2021 cần gắn với bối cảnh của năm 2020, phù hợp mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, phản ánh được các yếu tố khách quan, thể hiện được ý chí, mục tiêu phát triển của các địa phương.

Định hướng phát triển giai đoạn 2021-2025, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung đánh giá khách quan các kết quả đạt được và tồn tại hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, từ đó phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, nguy cơ để làm cơ sở xây dựng các giải pháp mang tính đột phá với tư duy táo bạo, mạnh mẽ hơn và tầm nhìn chiến lược hơn. Dự báo các nguồn lực một cách chính xác để xác định các mục tiêu phát triển phù hợp với tình hình, đảm bảo tính khả thi. Gắn các định hướng phát triển với quy hoạch của địa phương, của vùng và của ngành để xác định lộ trình và giải pháp phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống

Năm 2020 năm là năm đặc biệt đối với ngành Kế hoạch và Đầu tư, đánh dấu chặng đường 75 năm thành lập và phát triển, là dịp để tiếp tục thi đua, phấn đấu lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 75 năm thành lập Ngành. Để làm được điều này, Bộ trưởng nhấn mạnh đến các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện. Theo đó, cần tập trung hoàn thiện thể chế và phổ biến các quy định mới. Các địa phương và cơ quan trung ương cần tiếp tục đổi mới công tác hoàn thiện thể chế theo tinh thần đổi mới, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn hiện nay vì tình hình chung của đất nước, vì thuận lợi của người dân và doanh nghiệp. Do vậy, cần có những phương thức đổi mới, sáng tạo để phổ biến các quy định của pháp luật với nhiều hình thức khác nhau để thông tin rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp về những điểm mới của pháp luật. Đồng thời, tiếp tục rà soát, cắt giảm triệt để các thủ tục hành chính còn chồng chéo, vướng mắc theo thẩm quyền của mình để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Các đơn vị trong Bộ tổ chức đánh giá, tổng kết các Luật và kiến nghị sửa đổi nếu cần thiết; xây dựng các văn bản hướng dẫn các Luật mới được ban hành; tổ chức chương trình phổ biến, giải đáp thắc mắc kịp thời, giúp các bộ, ngành, địa phương hiểu và thực hiện được ngay.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hoan nghênh và đánh giá cao các địa phương quyết tâm thực hiện giải ngân vốn đầu tư công ở mức cao nhất, có địa phương khẳng định giải ngân hết 100%; điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Tuy nhiên, các khó khăn hiện nay trong bảo đảm sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy đầu tư yêu cầu cần có các giải pháp thực hiện một cách hiệu quả; đẩy nhanh phê duyệt hồ sơ các dự án đầu tư còn tồn đọng; kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan đến việc gây khó khăn trong quá trình xử lý công vụ; cử các đầu mối, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định; rà soát các các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là thu hút đầu tư phát triển. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh không chỉ nói đến đầu tư công mà còn cả khu vực đầu tư tư nhân và khu vực FDI. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho tất cả các lĩnh vực, tất cả các nguồn vốn chứ không chỉ riêng đầu tư công.

Về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cần bám sát tiến độ thực hiện từng dự án để có chỉ đạo kịp thời; đẩy nhanh thi công công trình kết hợp với các biện pháp bảo đảm an toàn; khi thi công xong, có khối lượng phải nhanh chóng thực hiện thanh quyết toán vì nếu không thanh toán, không nhập vào Hệ thống Tamis để được tính vào tỷ lệ giải ngân; ban hành kế hoạch cụ thể tháo gỡ khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng, đấu thầu; ban hành kế hoạch giải ngân cho từng chủ đầu tư và yêu cầu chủ đầu tư cam kết tiến độ; phân công lãnh đạo theo dõi và đánh giá kết quả thi đua theo tiến độ thực hiện;…

Đối với các đơn vị trong Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, tiếp tục phối hợp tốt với các cơ quan trung ương và địa phương để theo dõi sát tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, chủ động, kịp thời đưa ra các tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp chỉ đạo, điều hành để phấn đấu thực hiện đạt cao nhất các mục tiêu đề ra; thực hiện tốt vai trò Tổ trưởng Tổ điều hành kinh tế vĩ mô của Thủ tướng Chính phủ; chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi, bám sát tình hình để đưa ra các dự báo, tác động; chủ động xây dựng các kịch bản để kịp thời tham mưu, đề xuất cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các đối sách, giải pháp phù hợp và không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; hướng dẫn xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2021; rà soát các văn bản và đề xuất các giải pháp tiếp theo, bảo đảm thống nhất đồng bộ, minh bạch của hệ thống pháp luật nói chung và bảo đảm thực thi pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp nói riêng; nghiên cứu xây dựng Luật sửa đổi các luật có liên quan để đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; thu hút FDI; đấu thầu và PPP; quy hoạch; công tác thống kê; cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục đăng ký kinh doanh;…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương để thực hiện tốt các nhiệm vụ đưa ra đảm bảo chất lượng và tiến độ. Đồng thời đề nghị các Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình kịp thời tham mưu cho UBND, HĐND tỉnh ban hành các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và giải ngân vốn đầu tư công, ban hành các quy định nhằm kiến tạo, phát triển kinh tế của đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến tình hình chung của đất nước và yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao hơn, nỗ lực nhiều hơn bởi khó khăn càng tăng lên thì nỗ lực càng phải tăng lên. Nếu trước đây chúng ta làm được 1 thì bây giờ chúng ta phải làm được 2, trước đây nhanh 1, bây giờ phải nhanh 2. Với tinh thần như thế chúng ta mới khắc phục được những thách thức hiện nay. Cơ hội của chúng ta vẫn còn rất lớn và quan trọng hơn cả là chúng ta phải chủ động để quyết định tương lai của đất nước, của ngành, của địa phương một cách chủ động với các giải pháp và con đường đi đúng để phát triển nhanh, bứt phá. Chúng ta phải biết chắt chiu, tận dụng tất cả các cơ hội để có thể trỗi dậy trong tình hình này. Với tư duy, tầm nhìn và cơ hội mới chắc chắn chúng ta sẽ thành công hơn nữa, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 791
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)