Ảnh minh họa. Nguồn: MPI (MPI) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất đưa dự án Luật Thống kê sửa đổi (Sửa đổi Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020) và thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2021). Hồ sơ xin ý kiến Đề nghị xây dựng dự án Luật Thống kê sửa đổi (Sửa đổi Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia) được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Luật Thống kê được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016. Luật được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thống kê, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác thống kê, vị trí pháp lý của cơ quan thống kê, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thống kê ngày càng được tăng cường.
Thông tin thống kê đã góp phần không nhỏ vào việc giúp Chính phủ trong công tác hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô, thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển kinh tế của đất nước và giải quyết những vấn đề đặt ra trong đời sống kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, nhu cầu thông tin thống kê phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nền kinh tế - xã hội của các cơ quan Đảng và Nhà nước trong thời gian qua ngày càng tăng cao về cả số lượng, chất lượng và độ tin cậy của thông tin thống kê. Cùng với đó, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cũng sử dụng thông tin thống kê ngày càng nhiều và đa dạng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Mặc dù Hệ thống thống kê nhà nước đã có nhiều đổi mới trong hoạt động và nâng cao năng lực nhưng vẫn còn chậm, bất cập, nhất là bất cập về số lượng và chất lượng số liệu thống kê. Các đặc điểm này tạo nên khó khăn, thách thức yêu cầu cần phải tiếp tục hoàn thiện đối với hệ thống thống kê của Việt Nam, nhất là trong xu thế phát triển nhanh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước để tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế và phù hợp hơn với điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù của đất nước. Do đó, để đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê quốc gia của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì việc đặt ra nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê là cần thiết.
Mục đích xây dựng dự án Luật Thống kê sửa đổi nhằm tạo dựng cơ sở pháp lý vững chắc để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động thống kê, bảo đảm cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, góp phần tích cực vào việc phân tích, hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô và đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của đông đảo người sử dụng trong xã hội. Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thống kê, củng cố, đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan thống kê nhà nước. Chọn lọc, tiếp thu các quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
Theo đó, Luật Thống kê sửa đổi chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia. Cụ thể, chính sách 1 - sửa đổi, bổ sung các chỉ tiêu thống kê quốc gia bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới, tránh trường hợp nhiều chỉ tiêu thu thập số liệu không đầy đủ các phân tổ và nhiều chỉ tiêu không thu thập được số liệu. Chính sách 2 - nâng cao giá trị pháp lý và tính độc lập, khách quan, trung thực của các thông tin thống kê quốc gia./.
Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư