Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/07/2020-11:50:00 AM
Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 24/7/2020, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID) tại Việt Nam Micheal Greene.

Tham dự Hội nghị có đại diện các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố và một số sở, ban ngành của 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở khu vực phía Bắc, miền Trung; các cơ quan, đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Hội nghị nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19, đồng thời, giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa thích ứng với những dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra những chuỗi cung ứng mới và bền vững. Hội nghị là một trong chuỗi các hoạt động hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và USAID trong khuôn khổ Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DNNVV (LinkSME). Đây là hành động rất đúng thời điểm và có ý nghĩ thực tiễn không chỉ đối với cộng đồng doanh nghiệp và còn cho chính các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi và phát triển kinh tế.

Đón bắt cơ hội, tạo đà phát triển doanh nghiệp và kích thích tăng trưởng kinh tế

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay, Việt Nam đã bước đầu kiểm soát thành công dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước dần được khôi phục. Đất nước đang đứng trước vận hội mới, thời cơ mới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng USAID tổ chức Hội nghị nhằm phát huy nội lực, tinh thần sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, cộng hưởng sức mạnh, đón bắt cơ hội, tạo đà phát triển doanh nghiệp và kích thích tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù, thời gian qua Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận về thu hút FDI và phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại hạn chế đó là: sự liên kết của các doanh nghiệp Việt Nam còn rời rạc, không gắn kết, đặc biệt là có rất ít mối liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp có quy mô lớn hơn, giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI; mức độ tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu còn rất khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng.

Chúng ta cũng cần thẳng thắng nhìn nhận thực tế rằng, sự liên kết, tương tác với các khu vực khác của nền kinh tế thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan tỏa về năng suất và công nghệ chưa cao; tỷ lệ nội địa hoá còn thấp. Mức độ tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, có 02 nguyên nhân chủ yếu. Một là, các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn thường đã có sẵn hệ sinh thái riêng đi theo và có chuỗi cung ứng sẵn sàng hoặc tự phát triển chuỗi khép kín. Do đó, cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam khác tham gia được vào chuỗi giá trị do các doanh nghiệp này dẫn dắt là rất khó. Hai là, do quy mô nhỏ bé nên đa số các DNNVV Việt Nam có trình độ quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế cả về lượng và chất, hầu như không có khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất; nâng cao năng suất và chất lượng lượng sản phẩm để có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng lớn trong nước và quốc tế. Đôi lúc doanh nghiệp còn tâm lý e dè, chưa dám chấp nhận rủi ro để đầu tư nâng cấp tiêu chuẩn nên chưa thể có những bước đi đột phá.

Tăng cường liên kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước

Sự liên kết giữa các khu vực doanh nghiệp còn yếu và rời rạc không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp mà còn giảm hiệu quả FDI. Đây là bài toán Chính phủ luôn trăn trở, làm thế nào để có thể thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI và làm sao để tăng cường liên kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước, không để tình trạng một nền kinh tế có 2 khu vực doanh nghiệp tách rời; đồng thời thúc đẩy hỗ trợ các DNNVV Việt Nam lớn mạnh để có thể chủ động tham gia, chuyển dịch lên nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Để làm được điều đó, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp thì sự hỗ trợ của các các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội là quan trọng và sự định hướng của nhà nước là quyết định. Ngày 17/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài theo Quyết định số 850/QĐ-TTg. Trong đó, giao Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng. Tổ phó thường trực là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ phó. Bên cạnh đó, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật đầu tư (sửa đổi) quy định rõ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đầu tư nhằm bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, mang lại hiệu quả cho nền kinh tế.

Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị đã được ban hành với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, tạo tác động lan toả, gắn kết với các doanh nghiệp Việt Nam, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; Luật Hỗ trợ DNNVV với 1 trong 3 nội dung trọng tâm là hỗ trợ các DNNVV tham gia sâu vào mạng lưới liên kết, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ, chung tay của các bên liên quan

Ảnh: MPI

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV, với trọng tâm là Chương trình hỗ trợ DNNVV tham gia chuỗi giá trị; đồng thời cùng với Dự án USAID - LinkSME triển khai kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu rộng hơn vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.

Quá trình này cần có sự phối hợp chặt chẽ, chung tay của các bên liên quan: vai trò của Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc xác định các ưu tiên chiến lược, tạo ra các khung chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; vai trò của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc đổi mới, nâng cao năng lực, tìm kiếm cơ hội từ xu thế mới; vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức trung gian, các chuyên gia, viện, trường trong việc hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến liên kết giữa các doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cơ hội cho doanh nghiệp trong chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp “lớn lên” thông qua việc cải tiến dây chuyền sản xuất, công nghệ, nhân lực, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh để có tâm thế khác để tham gia vào chuỗi giá trị. Để thực hiện được quá trình này cần có sự chung tay mạnh mẽ của các bên liên quan trong việc xác định các ưu tiên chiến lược như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực, tìm kiếm các cơ hội mới, nâng cao năng lực xúc tiến.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, tác động từ dịch Covid-19 đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng tiêu dùng mới; các mô hình kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới. Đây thực sự là cơ hội giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước biến cố thị trường, tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững hơn.

Bên cạnh đó, hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường, dẫn đến xu hướng các doanh nghiệp FDI lớn thực hiện cấu trúc lại hệ thống cung cấp nguyên vật liệu, lựa chọn địa điểm đầu tư mới thỏa mãn những điều kiện hiệu quả, an toàn và bền vững. Các hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA… chính thức có hiệu lực sẽ tạo lợi thế lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí hiệu quả hơn nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh, kinh tế thế giới vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt ở các nước là đối tác, thị trường quan trọng của Việt Nam. Vì vậy, phía trước vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới, sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV. Các hiệp định thương mại tự do mới đem lại cơ hội nhưng cũng kèm theo nhiều thách thức. Nếu các doanh nghiệp không chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh thì sẽ bị thua ngay trên chính sân nhà.

Chớp lấy thời cơ “ngàn năm có một”

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng hết khả năng sáng tạo của mình để tìm kiếm cơ hội mới trong một trạng thái thay đổi, dịch chuyển các chuỗi cung ứng như hiện nay, vươn ra thị trường nước ngoài để có thể thâu tóm các doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến. Các cấp, các ngành cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ “ngàn năm có một”, nhằm phục hồi và phát triển chuỗi giá trị bền vững, tạo đà bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế vẫn đang ẩn chứa nhiều biến động khó lường, việc thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị bền vững đang được coi là một trong các con đường có yếu tố quyết định để phục hồi và tạo đà bứt phá cho khu vực doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế đất nước. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Đối với doanh nghiệp khu vực tư nhân, đặc biệt là các DNNVV cần tiếp tục phát huy sức sáng tạo và linh hoạt thích ứng với hoàn cảnh mới, nhanh nhạy tận dụng các cơ hội thị trường; dám chấp nhận rủi ro, đầu tư nâng cấp để có thể đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đối tác và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Đối với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cần tăng cường nội lực, liên tục đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò đầu tầu, ưu tiên tạo cơ hội cho các DNNVV trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị của mình; cần xây dựng chiến lược, tầm nhìn lớn với mục tiêu thiết lập vị thế mới của thương hiệu Việt trên thị trường trong và ngoài nước.

Đối với doanh nghiệp FDI, cần xác định là một thành phần không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ có chính sách khuyến khích thu hút nhưng cũng yêu cầu các doanh nghiệp FDI cần xây dựng mối quan hệ tương hỗ với các thành phần doanh nghiệp khác trong nước với phương châm cùng lớn mạnh, cùng phát triển; tăng cường sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước, thực hiện chuyển giao kiến thức, công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam để tạo dựng hệ sinh thái doanh nghiệp hiệu quả, bền vững.

Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ông Micheal Greene phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc USAID Micheal Greene đánh giá cao những kết quả của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng như việc kịp thời ban hành các chính sách để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nền tới kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV đang bị ảnh hưởng tiêu cực, gặp nhiều khó khăn khi lấy lại đà kinh doanh hoặc duy trì hoạt động.

Ông Micheal Greene cho rằng, là quốc gia có hội nhập sâu rộng nên Việt Nam cũng bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,81%, mức tăng trưởng thấp nhất 10 năm qua. Đồng thời cho biết, USAID sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ cùng Chính phủ Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công cuộc phát triển khu vực kinh tế tư nhân nói chung và hỗ trợ DNNVV nói riêng, góp phần thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Thông qua dự án Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DNNVV, USAID sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ các loại hình doanh nghiệp khác nâng cao chuỗi cung ứng toàn cầu; xây dựng kế hoạch hỗ trợ DNNVV giai đoạn 2021-2025, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chủ động nắm bắt công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu một cách bền vững.

Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra phiên thảo luận về khó khăn, thách thức - cơ hội, tiềm năng phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị cho các doanh nghiệp Việt Nam; thúc đẩy DNNVV tham gia cụm liên kết, chuỗi giá trị - Kế hoạch hỗ trợ DNNVV giai đoạn 2021-2025. Đại diện các doanh nghiệp đầu chuỗi và các DNNVV Việt Nam đã trực tiếp tham gia các phiên thảo luận./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3813
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)