Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/08/2020-14:17:00 PM
Anh và EU tiếp tục đàm phán về quan hệ song phương hậu Brexit
Các cuộc đàm phán được nối lại trong bối cảnh hai bên vẫn còn bất đồng lớn về những vấn đề then chốt, trong đó phải kể đến quyền đánh bắt cá và các quy định về cạnh tranh.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 18/8, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã nối lại đàm phán về quan hệ song phương hậu Brexit ngay trong bữa tối làm việc giữa hai trưởng đoàn diễn ra tại Brussels (Bỉ).

Các cuộc đàm phán được nối lại trong bối cảnh hai bên vẫn còn bất đồng lớn về những vấn đề then chốt, trong đó phải kể đến quyền đánh bắt cá và các quy định về cạnh tranh.

Vòng đàm phán thứ 7 vẫn hướng tới mục tiêu xây dựng một thỏa thuận về các mối quan hệ song phương sau khi Anh rời khỏi EU.

Lần này, các quan chức hai bên sẽ thương lượng chi tiết trong các ngày 19-20/8 trước khi Trưởng đoàn Anh David Frost và Trưởng đoàn EU Michel Barnier gặp lại nhau vào ngày 21/8.

Một người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định “EU muốn có một thỏa thuận, một quan hệ đối tác đầy tham vọng và công bằng với Anh. Chúng ta sẽ đạt được một thỏa thuận vào tháng Mười tới."

Vòng đàm phán thứ 6 diễn ra tháng trước tại London đã kết thúc mà không đạt kết quả, khi cả hai bên cùng bác bỏ khả năng đạt được một thỏa thuận chóng vánh nhưng vẫn hy vọng sẽ làm được điều này trong những tháng tới.

Trong khi Anh cho rằng EU chưa công nhận sự độc lập về kinh tế và chính trị của nước này thì phía EU lại cho rằng Anh chưa sẵn sàng thỏa hiệp để hai bên có thể đạt thỏa thuận.

Đầu tháng này, Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Đức Michael Roth đã hối thúc chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson cần có thái độ “thực tế và thực dụng” hơn nhằm tháo gỡ bế tắc cho các cuộc đàm phán.

Anh chính thức rời EU từ ngày 31/1 sau 47 năm là thành viên của liên minh này nhưng vẫn tiếp tục áp dụng các quy định của châu Âu đến hết năm 2020.

Nếu không đạt được thỏa thuận trước cuối năm nay, mối quan hệ thương mại giữa hai bên sẽ được định hình dựa trên các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với các biểu thuế cao hơn và nhiều thủ tục rườm rà hơn.

Điều này có thể ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động thương mại và đầu tư của cả hai phía trong bối cảnh nền kinh tế của cả hai đều đang chịu tác động mạnh của đại dịch COVID-19.

Truyền thông đưa tin các quan chức coi Hội nghị thượng đỉnh châu Âu diễn ra ngày 15-16/10 tới là thời hạn cuối cùng để hai bên đạt được một thỏa thuận kịp thời gian cho Nghị viện châu Âu phê chuẩn./.


TTXVN/Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 949
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)