Sự phát triển mạnh mẽ các nhà máy công nghiệp đã thu hút hàng ngàn người lao động đến làm việc, sinh sống. Từ đó, hình hành nên các dịch vụ đi kèm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.
|
Một góc Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP1), thành phố Thuận An,
tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN) |
Hơn 35 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã rót vào Bình Dương trong những năm qua đã nâng tầm từ một tỉnh nông nghiệp trở thành địa phương phát triển năng động, góp phần đưa tỉnh sớm về đích “công nghiệp hóa-đô thị hóa” trong cả nước.
Thắng lợi “kép”
“Bình Dương bây giờ đã chật chội lắm rồi” là câu cửa miệng của mọi người khi tham gia giao thông trên các con đường ở tỉnh này. Nhất là những trục đường chạy ngang qua các khu công nghiệp thường xuyên quá tải phương tiện giao thông và người lao động đổ dồn về các nhà máy.
Từ thành phố Thuận An, Dĩ An cho đến huyện phía Bắc như Bến Cát, Tân Uyên, Bàu Bàng ... đi đến đâu cũng thấy nhà máy sản xuất, khu công nghiệp, xe cộ vận chuyển hàng hóa đông đúc. Công nghiệp tới đâu phố thị mọc lên nhanh ở chỗ đó, kéo theo nhu cầu về bất động sản nhà ở cũng tăng vọt.
Giới đầu tư bất động sản đánh giá hình mẫu được cho thành công nhất ở Bình Dương đó là mô hình “kép” khi “công nghiệp hóa” tới đâu thì “đô thị hóa” ngay tới đó.
Sự phát triển mạnh mẽ các nhà máy công nghiệp đã thu hút hàng ngàn người lao động đến làm việc, sinh sống. Từ đó, hình hành nên các dịch vụ đi kèm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Vùng đất Bàu Bàng cách trung tâm Bình Dương khoảng 40 km - vốn trước đây là nông nghiệp thuần túy, nhưng chỉ sau thời gian ngắn thực hiện chủ trương đưa công nghiệp tiến lên phía Bắc của tỉnh, với việc lập ra các khu công nghiệp tập trung, dòng vốn đầu tư đã đổ về đây kéo theo dân số tăng lên nhanh chóng. Nắm bắt nhu cầu ăn ở của người lao động, các khu dân cư, phố thị cũng phát triển mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu nhà ở, buôn bán cho người dân.
Ông Trương Thế Vinh, sinh sống ở thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng khoe với chúng tôi: “Bàu Bàng vốn trước đây là xã nghèo, trồng cao su, ai ghé qua đều có cảm nhận 'buồn tẻ.' Nhưng nay thì đã khác lạ rồi, Bàu Bàng đã trở thành huyện công nghiệp năng động. Bây giờ, ở đây ai ai cũng bàn về kế hoạch làm ăn, làm giàu, tạo lập cơ nghiệp, mua đất xây nhà mới. Nhiều dãy phố đang mọc lên nhanh, giá đất 'vù vù' tăng.”
Ông Vinh có cảm nhận cũng giống như chúng tôi về sự đổi thay nhanh chóng trên vùng “đất lửa” Bàu Bàng. Cũng nhờ mở mang công nghiệp về đây; qua đó cuộc sống nông thôn dần lùi xa. Thay vào đó, người dân Bàu Bàng đã là người phố thị mở cửa hiệu bán hàng, kinh doanh nhà hàng, dịch vụ nhà ở cho người lao động ...
Ông Vinh đúc kết, từ nông nghiệp lên phố thị cũng là một quá trình gian khổ; trong đó, phải nhờ lãnh đạo tỉnh có tầm nhìn chiến lược, mạnh dạn quy hoạch khu công nghiệp, kêu gọi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước về xây nhà máy, đặc biệt là nhiều nhà máy vốn đầu tư nước ngoài quy mô lớn đã giải quyết việc làm, đưa hàng chục nghìn người về lập nghiệp.
Các chủ doanh nghiệp tuyển dụng, đưa công nhân về sinh sống, đã mở ra thêm nhiều cơ hội làm ăn, khởi nghiệp, góp phần biến vùng đất khó khăn thành nơi dễ sống.
|
Khu vực sản xuất tại nhà máy ở khu công nghiệp Bàu Bàng, huyện Bàu Bàng,
tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN) |
Về vùng đất Thuận An - vốn xuất phát điểm cũng là nông nghiệp nhưng nơi đây đã trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp, đô thị và dịch vụ sầm uất ở Bình Dương.
Điểm sáng nhất tại đây là Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP1) thành lập từ năm 1996 và chuỗi Khu công nghiệp VSIP ở Bình Dương đã thu hút hàng tỷ USD vốn ngoại, lấp kín các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài.
Vốn ngoại rót vào địa phương đã tạo ra hàng chục nghìn việc làm cho người lao động, đưa Thuận An trở thành đô thị sôi động bậc nhất Bình Dương. Mới đây, vùng đất chiến khu Thuận An Hòa-Thuận An vừa “lên hạng” thành phố trực thuộc tỉnh.
Bình Dương hiện có đến ba thành phố gồm Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An; 2 thị xã là Bến Cát và Tân Uyên. Bình Dương cũng là địa phương có nhiều thành phố, thị xã trong cả nước. Việc tiến nhanh lên đô thị cũng nhờ quá trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ trải rộng trên nhiều địa phương trong tỉnh.
Tỉnh Bình Dương chuyển dịch mạnh mẽ “công nghiệp hóa” và “đô thị hóa” đã góp phần gia tăng nhanh về nhu cầu dịch vụ. Đây là tiền đề tạo dựng thêm nền tảng vững chắc, giúp địa phương ngày càng phát triển lên tầm cao mới.
Sức bậc từ vốn ngoại
Nhìn tổng quan bức tranh kinh tế-xã hội Bình Dương hôm nay, không ai có thể phủ nhận sự đổi thay vượt bậc so với hồi mới tách tỉnh. Quy mô nền kinh tế của tỉnh đã mở rộng đa dạng và lớn mạnh hơn.
Đặc biệt sức cạnh tranh cải thiện đáng kể, đà tăng trưởng liên tục trong nhiều năm liền đã tạo tiền đề, nền tảng cơ bản để tỉnh tiếp tục đổi mới, hội nhập, “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” phát triển nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo.
Mới đây, tại buổi lễ kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương khẳng định sau hơn 30 năm đổi mới và 23 năm tái lập, tỉnh Bình Dương đã có bước phát triển vượt bậc và khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trở thành một trong những địa phương có tốc độ “công nghiệp hóa, đô thị hóa” cao với môi trường đầu tư phát triển năng động trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đã tận dụng thời cơ, khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu để đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế-xã hội. Sự phát triển vượt bậc của tỉnh chính là từ một vùng đất nông nghiệp với kết cấu hạ tầng có nhiều hạn chế đã vươn lên trở thành một tỉnh công nghiệp, hội nhập sâu rộng có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm luôn cao hơn bình quân chung của cả nước.
Điển hình nhất là về kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài tạo được chuyển biến lớn; trong đó, tổng số vốn các doanh nghiệp nước ngoài trong giai đoạn (2016-2020) đạt trên 12 tỷ USD, vượt xa kế hoạch nhiệm kỳ 5 năm là hơn 5 tỷ USD.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm đánh giá, dòng vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã nâng tầm phát triển cho Bình Dương.
Cụ thể, công nghiệp phát triển kéo theo một lượng lớn người dân từ các tỉnh, thành đến Bình Dương sinh sống; trong đó, hơn 53% dân số của tỉnh là người ngoài tỉnh đến làm ăn, khởi nghiệp đã làm nên một môi trường sinh sống sôi động.
Bình Dương hiện đã xây dựng được nền tảng vững chắc về thành tựu kinh tế-xã hội; trong đó, nổi bật nhất là câu chuyện thành công trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp từ kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
|
Một góc các tòa nhà thuộc Dự án Khu đô thị vườn Tokyu Bình Dương tại thành phố mới Bình Dương do Becamex Tokyu đầu tư. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN) |
Từ đó, góp phần đưa Bình Dương tăng trưởng không ngừng, phát triển vượt trội trên nhiều mặt, trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của cả nước, có sức hút đặc biệt trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Đến nay Bình Dương đã hình thành 48 khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp với tổng diện tích lên đến hơn 10.000 ha. Tỉnh đã và đang là một trong những địa phương hình mẫu của cả nước về sản xuất công nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Riêng trong 8 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 Bình Dương vẫn có tên trong Top 3 tỉnh, thành có số vốn đầu tư FDI lớn nhất cả nước, chỉ sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Với những nỗ lực của mình, Bình Dương đã và đang khẳng định ưu thế hấp dẫn trong thu hút vốn FDI.
Đến nay, đã có 3.865 dự án FDI với hơn 35 tỷ USD vốn đầu tư từ 64 quốc gia và vùng lãnh thổ “rót” vào Bình Dương.
Kết quả này là dấu ấn đậm nét cho thương hiệu của địa phương Bình Dương với bạn bè, các nhà đầu tư quốc tế. Từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác sâu rộng, thúc đầy phát triển thương mại, thu hút đầu tư ngày càng hiệu quả và lớn mạnh cho địa phương ở miền Đông Nam Bộ này./.