(MPI) – Thực hiện Quyết định số 1109/QĐ-TTg ngày 24/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về đầu tư ra nước ngoài, hướng dẫn Luật Đầu tư năm 2020 và thay thế Nghị định số 83/2015/NĐ-CP ngày 25/9/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Trưởng ban Soạn thảo chủ trì họp Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập xây dựng Dự thảo Nghị định ngày 03/9/2020. Ảnh: MPI |
Theo đó, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Nghị định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổng kết đánh giá tình hình đầu tư trực tiếp ra nước ngoài từ tháng 7/2015 đến nay. Đồng thời rà soát các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và quản lý hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài để làm cơ sở xây dựng Dự thảo Nghị định.
Trên cơ sở các đánh giá rà soát, ý kiến góp ý của các Bộ, ngành liên quan và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện Dự thảo Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Sự cần thiết ban hành Nghị định
Việc ban hành Nghị định số 83/2015/NĐ-CP là một bước kế thừa và tiếp nối quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam nói chung và pháp luật về đầu tư ra nước ngoài nói riêng, bảo đảm phù hợp với quy luật phát triển thực tiễn và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời tiếp tục tạo cơ sở pháp lý cho việc thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài thời gian qua, thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hội nhập thị trường quốc tế, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, ngoại giao, củng cố và bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau 5 năm áp dụng Nghị định số 83/2015/NĐ-CP, đến nay, hoạt động đầu tư ra nước ngoài cũng đang tồn tại một số vướng mắc, bất cập, đòi hỏi phải được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển.
Thứ nhất, vốn đầu tư ra nước ngoài chưa được định nghĩa một cách thống nhất và rõ ràng về thành phần, ý nghĩa sử dụng mặc dù đây là khái niệm quan trọng làm cơ sở phân biệt các quy trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài (GCNĐK ĐTRNN).
Thứ hai, pháp luật hiện hành không có hạn chế đối với cá nhân đầu tư ra nước ngoài, tuy nhiên, trong một số trường hợp cần thiết phải hạn chế để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật Việt Nam, cũng như đảm bảo hạn chế rủi ro về pháp lý, an ninh.
Thứ ba, một số vấn đề phát sinh mới như hoạt động cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú gắn với hoạt động đầu tư ra nước ngoài đặt ra nhu cầu xem xét việc phân công quản lý nhà nước và quy trình, thủ tục, điều kiện thực hiện.
Thứ tư, thiếu quy định về đầu tư ra nước ngoài đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm đảm bảo hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp này không làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư (đặc biệt là vốn đầu tư) của họ tại Việt Nam nói riêng và đảm bảo mục tiêu quản lý đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nói chung.
Thứ năm, chưa có quy định để xác định thế nào là đầu tư theo hình thức “góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó”, đặc biệt là nội dung “tham gia quản lý”, nhằm phân biệt với đầu tư gián tiếp ra nước ngoài (mua bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài).
Thứ sáu, các quy định về hồ sơ, thủ tục cấp/điều chỉnh/chấm dứt hiệu lực GCNĐK ĐTRNN hiện hành còn tồn tại một số nội dung thiếu cụ thể và rõ ràng, dẫn đến các cơ quan nhà nước không thống nhất trong việc giải quyết hồ sơ, còn nhà đầu tư lúng túng trong việc lập hồ sơ, mất nhiều thời gian giải trình, bổ sung; một số vấn đề phát sinh trong thực tế đòi hỏi bổ sung quy định hướng dẫn như hiệu đính thông tin không chính xác trên GCNĐK ĐTRNN hoặc quá trình xem xét, chấm dứt hiệu lực GCNĐK ĐTRNN chưa quy định rõ sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý.
Thứ bảy, quy định nhiệm vụ quản lý nhà nước còn dàn trải ở nhiều bộ ngành, địa phương trong khi một số cơ quan không có công cụ quản lý hoặc nhiệm vụ quản lý cụ thể.
Thứ tám, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nâng cấp Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài nhằm mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 đối với thủ tục hành chính về đầu tư ra nước ngoài. Trong giai đoạn đầu sẽ triển khai áp dụng với thủ tục cấp, điều chỉnh GCNĐK ĐTRNN đối với hồ sơ có quy mô vốn dưới 20 tỷ đồng. Hiện chưa có quy định pháp lý cho vấn đề này để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Quan điểm, mục tiêu
Dự thảo Nghị định được xây dựng dựa trên cơ sở kế thừa những quy định còn phù hợp của Nghị định số 83/2015/NĐ-CP, điều chỉnh những quy định không còn phù hợp với thực tiễn, bổ sung những quy định còn thiếu chưa được hướng dẫn cụ thể và những quy định mới để hướng dẫn Luật Đầu tư năm 2020.
Trên tinh thần đó, Dự thảo Nghị định được xây dựng dựa trên quan điểm và mục tiêu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hợp tác kinh tế quốc tế nói chung và các định hướng đầu tư ra nước ngoài nói riêng, bảo đảm thực hiện mục tiêu huy động và phát huy có hiệu quả các nguồn lực trong nước và nước ngoài phục vụ cho mục tiêu phát triển; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài trên cơ sở phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam theo từng thời kỳ.
Đồng thời, cụ thể hóa quyền tự do đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư theo hướng nhà nước chỉ xác nhận các hoạt động đầu tư kinh doanh ra nước ngoài của nhà đầu tư thông qua việc cấp GCNĐK ĐTRNN; nhà nước quy định rõ một số ngành nghề cấm đầu tư ra nước ngoài; điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với một số ngành nghề, điều kiện cấp GCNĐK ĐTRNN để nhà đầu tư lựa chọn ngành nghề đầu tư phù hợp với khả năng của mình; đồng thời, có các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc chấp hành các quy định về đầu tư ra nước ngoài.
Hoàn thiện khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các hoạt động đầu tư, kinh doanh có hiệu quả; đồng thời nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước về đầu tư ra nước ngoài.
Quản lý chặt chẽ hơn đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là các dự án đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn nhà nước hoặc các dự án có quy mô vốn lớn, sử dụng nhiều ngoại tệ nhằm đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước về ngoại hối; Tăng cường trách nhiệm và công cụ quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Các nội dung mới trong Dự thảo Nghị định
Dự thảo Nghị định bổ sung điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với ngành, nghề kinh doanh bất động sản và báo chí, phát thanh, truyền hình; Bổ sung khái niệm “vốn đầu tư ra nước ngoài”. Bổ sung quy định các trường hợp cá nhân không được đầu tư ra nước ngoài dẫn chiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020, là các cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Bổ sung quy định chuyển tiếp đối với dự án đầu tư ra nước ngoài đã được cấp GCNĐK ĐTRNN nhưng theo quy định mới không được coi là hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Bổ sung quy định hướng dẫn về việc điều chỉnh GCNĐK ĐTRNN đối với dự án đầu tư ra nước ngoài đã được cấp GCNĐK ĐTRNN nhưng theo quy định mới là hoạt động đầu tư có điều kiện. Bổ sung quy định về đầu tư ra nước ngoài của tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài; Bổ sung quy định hướng dẫn tài liệu xác định hình thức đầu tư ra nước ngoài trong trường hợp đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài hoặc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó.
Bổ sung các quy định hướng dẫn cụ thể hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài: Bổ sung nguyên tắc trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) đầu tư ra nước ngoài; Bổ sung hướng dẫn về quy cách hồ sơ đầu tư ra nước ngoài; Bổ sung quy trình cập nhật thông tin dự án đầu tư ra nước ngoài có thay đổi nhưng không thuộc diện phải điều chỉnh GCNĐK ĐTRNN; Bổ sung quy trình cấp, điều chỉnh GCNĐK ĐTRNN trực tuyến trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư ra nước ngoài; Bổ sung thủ tục hiệu đính GCNĐK ĐTRNN trong trường hợp thông tin không đúng theo đăng ký.
Sửa đổi, hủy bỏ một số quy định hiện hành
Dự thảo Nghị định cũng sửa đổi hồ sơ, trình tự, thủ tục chấm dứt hiệu lực GCNĐK ĐTRNN; Sửa đổi trách nhiệm của một số bộ, ngành và cơ quan (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu) theo hướng tập trung vào công tác quản lý chuyên môn của các cơ quan. Đồng thời, bỏ nội dung quy định trách nhiệm quản lý nhà nước cụ thể đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh, thành phố.
Dự thảo Nghị định gồm 6 chương với 47 điều, trong đó sửa đổi 23 điều, bổ sung mới 7 điều, giữ nguyên 17 điều và bỏ 2 điều đã được gửi lấy ý kiến bằng văn bản các Bộ, ngành, một số địa phương, một số tổ chức và doanh nghiệp và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Trang thông tin điện tử đầu tư nước ngoài để lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư