Chủ tịch 10 tập đoàn tài chính lớn nhất Hàn Quốc đã tham gia cuộc họp do Tổng thống chủ trì nhằm thảo luận các chiến lược chi tiết để thực chi chính sách "mở ra tương lai cho kinh tế Hàn Quốc.
|
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một chợ ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 1/9/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
|
Hàn Quốc sẽ thành lập Quỹ Thỏa thuận mới trị giá 20.000 tỷ won (tương đương gần 17 tỷ USD), đầu tư vào các dự án hạ tầng nhằm tạo hàng triệu việc làm và khôi phục nền kinh tế sau những tác động tiêu cực của đại dịch viêm đường hô hấp cấpCOVID-19.
Thông báo trên được Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki đưa ra ngày 3/9 tại cuộc gặp lãnh đạo các nhóm tài chính lớn trong nước, do Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chủ trì, nhằm thảo luận các chiến lược chi tiết để thực chi chính sách "mở ra tương lai cho nềnkinh tế Hàn Quốc."
Tham gia cuộc gặp có chủ tịch 10 tập đoàn tài chính lớn nhất Hàn Quốc như KB, Shinhan, Hana, Woori và Nonghyup, cũng như người đứng đầu của một số ngân hàng cho vay chính sách. Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính Hong Nam-ki, Chủ nhiệm Ủy ban Dịch vụ tài chính Eun Sung-soo và người phụ trách Cơ quan Giám sát tài chính Yoon Seuk-heun cũng có mặt.
Tại cuộc gặp, Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh vai trò của lĩnh vực tài chính để Thỏa thuận Mới phiên bản Hàn Quốc đạt thành công. Ông khẳng định: "Tài chính đóng vai trò lớn khi đất nước trong điểm khó khăn. Thỏa thuận Mới phiên bản Hàn Quốc sẽ có thể thành công khi đầu tư tư nhân được kích hoạt và mọi người tham gia tích cực."
Tổng thống Moon Jae-in cũng đồng thời trấn an giới doanh nghiệp rằng chính phủ sẽ "nhanh chóng thúc đẩy các cải cách hệ thống và quản lý, điều cần thiết để xúc tiến Thỏa thuận Mới."
Ông nhấn mạnh rằng cải cách quản lý là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của sáng kiến này, đồng thời cho biết chính phủ sẽ dỡ bỏ các quy định hạn chế đối với dự án này và các hoạt động liên quan của các công ty "một cách mạnh mẽ."
Theo Bộ trưởng Hong Nam-ki, quỹ trên sẽ gồm 3.000 tỷ won do chính quyền đầu tư, 4.000 tỷ won do các tổ chức tài chính nhà nước và 13.000 tỷ won là từ các tập đoàn tài chính tư nhân và công.
Thỏa thuận Mới phiên bản Hàn Quốc nhằm tạo việc làm, vực dậy nền kinh tế và chuẩn bị cho thời kỳ sau dịch. Tổng thống Moon Jae-in cho biết đây là các nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc nhằm đưa nền kinh tế nước này vào lộ trình phát triển thải ítkhí CO2.
Kỹ thuật số và phát triển xanh là hai từ chìa khóa của sáng kiến, cùng với chính phủ trí tuệ nhân tạo (AI), số hóa hệ thống (SOC), năng lượng xanh và khu phức hợp công nghiệp xanh thông minh cũng nằm trong số các dự án lớn.
Thái Lan chi 1,4 tỷ USD phát tiền mặt cho người dân
Cùng ngày, Chính phủ Thái Lan thông báo kế hoạch chi 45 tỷ baht (khoảng 1,4 tỷ USD) cho chương trình phát tiền mặt cho 15 triệu người dân chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của tình trạng suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.
Phó Tổng Thư ký Văn phòng Hội đồng phát triển kinh tế và xã hội quốc gia (NESDC) Danucha Pichayana cho biết tại cuộc họp của Trung tâm Xử lý tình hình kinh tế, các quan chức đã thông qua một biện pháp kích thích kinh tế do Bộ Tài chính Thái Lan đề xuất, theo đó chính phủ sẽ phát 3.000 baht (95,77 USD) tiền mặt cho mỗi người dân đủ điều kiện hưởng.
Người dân sẽ đăng ký nhận tiền mặt và số tiền sẽ được chuyển qua ứng dụng ví điện tử. Bộ trên sẽ chuẩn bị chi tiết kế hoạch trên để trung tâm thực hiện. Biện pháp này dự kiến sẽ được áp dụng đến cuối năm.
Theo ông Danucha, việc phân phát tiền mặt nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và giúp đỡ hơn 80.000 tiểu thương, người bán trên hè phố và người bán hàng rong. Biện pháp này được kỳ vọng sẽ kích thích dòng tiền khoảng 90 tỷ baht (gần 3 tỷ USD) trong nền kinh tế và thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng thêm 0,25%.
Trong một diễn biến khác, Trung tâm Xử lý tình hình kinh tế Thái Lan cũng đã chấp thuận yêu cầu của Bộ Lao động về việc chi 23,47 tỷ baht (200 triệu USD) để tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp. Số tiền này sẽ được lấy từ khoản 400 tỷ baht mà Bộ Tài chính đã vay để giải quyết những tác động kinh tế của đại dịch.
Bộ trưởng Lao động Suchart Chomklin cho biết đây là giải pháp phù hợp cho vấn đề thất nghiệp mà sinh viên mới ra trường phải đối mặt. Ngân sách trên sẽ dùng để tuyển dụng 260.000 sinh viên mới tốt nghiệp trên toàn quốc trong 12 tháng, từ ngày 1/10/2020 đến 30/9/2021, trong đó chính phủ trả 50% lương hàng tháng của họ dựa trên trình độ học vấn cao nhất nhưng không quá 7.500 baht (240 USD)/người. Sinh viên tốt nghiệp đủ điều kiện cho dự án phải là người mang quốc tịch Thái Lan dưới 25 tuổi.
Những người trên 25 tuổi phải tốt nghiệp trong năm học 2019–2020. Phần thứ hai của dự án là hội chợ việc làm "Thailand Job Expo 2020" dự kiến diễn ra vào cuối tháng này. Khoảng 1 triệu vị trí việc làm trong các khu vực công và tư nhân sẽ được giới thiệu tại sự kiện này.
Trước đó, Nội các Thái Lan cũng đã thông qua việc giảm mức đóng góp cho Quỹ Bảo hiểm xã hội (SSF) từ 5% xuống 2% lương cơ bản đối với người lao động trong ba tháng từ tháng 9-11. Đây là lần thứ hai nước này giảm mức đóng góp vào SSF, sau lần đầu tiên được thực hiện từ tháng 3-5.
Theo Bộ Lao động, biện pháp này sẽ giảm bớt gánh nặng tài chính cho 12,8 triệu người tham gia SSF và cho 4,9 triệu người sử dụng lao động, đồng thời sẽ đưa 24 tỷ baht vào lưu thông.
Campuchia giảm phí xét nghiệm COVID-19 cho người nước ngoài
Trong thông báo điều chỉnh ngày 2/9, Bộ Y tế Campuchia cho biết nước này sẽ chỉ tính phí 100 USD cho hai lần xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với mỗi khách nước ngoài nhập cảnh và sẽ nhanh chóng hoàn tiền đặt cọc cho khách.
|
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 9/8/2020. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Nhằm đảm bảo tính minh bạch trong dịch vụ xét nghiệm và điều trị COVID-19 cho khách nước ngoài nhập cảnh Campuchia, Bộ Y tế nước này thông báoxét nghiệm COVID-19lần đầu được thực hiện ngay sau khi khách nhập cảnh và xét nghiệm lần hai được tiến hành vào ngày thứ 13 trong thời gian cách ly.
Khách nước ngoài có thể đăng ký xét nghiệm COVID-19 tại các cơ sở y tế được chỉ định gần nhất và chi phí xét nghiệm được tính vào khoản đặt cọc của khách tại các ngân hàng thương mại có liên kết với Bộ Y tế Campuchia. Số tiền đặt cọc còn lại sẽ được hoàn trả trong vòng 3 ngày sau khi khách nước ngoài nhập cảnh có kết quả xét nghiệm âm tính lần hai.
Đầu tháng Tám, Chính phủ Campuchia đã quyết định giảm tiền đặt cọc liên quan đến chi phí khám chữa bệnh COVID-19 đối với du khách nước ngoài nhập cảnh từ mức 3.000 USD/người xuống còn 2.000 USD/người.
Hành khách đến các sân bay của Campuchia là nhà ngoại giao hoặc quan chức các tổ chức quốc tế, có thị thực ngoại giao (visa A) và công vụ (visa B) sẽ được miễn chi phí xét nghiệm khi nhập cảnh.
Tuy nhiên, hành khách được miễn phí xét nghiệm lần đầu sau đó xét nghiệm dương tính với COVID-19 thì chi phí điều trị sẽ do cá nhân, đại sứ quán và các tổ chức quốc tế tự chi trả.
Sáng 3/9, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận không có ca nhiễm mới COVID-19 và có 5 người hồi phục. Như vậy, tính đến sáng 3/9, Campuchia có tổng cộng 274 ca nhiễm, trong đó 271 người đã khỏi bệnh./.
Trang Nhung-Bích Liên-Ngọc Quang
TTXVN/Vietnam+