Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 31/07/2013-12:58:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 năm 2013 tỉnh Bình Phước
A. KINH TẾ
I. NÔNG LÂM NGHIỆP
1. Nông nghiệp
Về tiến độ gieo trồng Vụ Mùa 2013, tính đến 15/7/2013 toàn tỉnh ước gieo trồng được 30.238 ha, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Lúa ước gieo trồng 6.427 ha, giảm 1,7%; Bắp và cây lương thực có hạt khác gieo trồng được 3.575 ha, giảm 1%; Nhóm cây lấy củ có chất bột 16.555 ha, giảm 1,7%; (khoai mì 15.532ha, khoai lang 317 ha); cây mía 204 ha, giảm 2,9%; Cây có hạt chứa dầu gieo trồng được 314ha, giảm 9,2%; Nhóm cây rau, đậu, hoa và cây cảnh 2.923ha, tăng 8,9%; Nhóm cây hàng năm khác 224 ha, giảm 1,3%.
Nhìn chung tiến độ gieo trồng cây hàng năm chậm hơn so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là giảm ở diện tích lúa ruộng và cây khoai mỳ, nguyên nhân chủ yếu do thời tiết khô hạn nên một phần diện tích chưa xuống giống được, ngoài ra diện tích khoai mỳ trồng xen trong cây lâu năm không hiệu quả dài lâu nên bà con đã hạn chế trồng xen.
Đối với cây lâu năm, hiện nay đã vào mùa mưa và cũng là thời điểm bà con đang tập trung xuống giống cây lâu năm, nhất là cây cao su.
Về chăn nuôi nhìn chung trong tháng sản xuất ổn định. Tình hình dịch bệnh trên tổng đàn gia súc, gia cầm không phát sinh, mặc dù vậy các ngành chức năng vẫn duy trì thường xuyên công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh các sản phẩm có nguồn gốc động vật để kịp thời ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh gây hại cho sức khỏe của người dân
Số liệu sản xuất nông nghiệp tháng 7/2013
2. Lâm nghiệp
Thực hiện kế hoạch trồng 100 ha rừng đặc dụng trong năm 2013 của UBND tỉnh, các đơn vị được giao thực hiện đang khẩn trương xử lý thực bì để kịp gieo trồng theo đúng tiến độ.
Do hiện nay đã vào mùa mưa nên tình hình cháy rừng được hạn chế, trong tháng không xảy ra vụ cháy rừng nào. Tuy nhiên tình hình vi phạm phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Từ 15/6 đến 15/7/2013 các ngành chức năng đã phát hiện 4 vụ phá rừng và 7 vụ về vi phạm lâm luật làm thiệt hại 6,99 ha rừng. Trong đó huyện Lộc Ninh xảy ra 2 vụ và huyện Bù Đăng 2 vụ, cả 4 vụ phá rừng không tìm thấy đối tượng.
II. CÔNG NGHIỆP
* Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2013 tăng 2% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Công nghiệp khai thác mỏ tăng 6,2% so với tháng trước và tăng 0,4%so cùng kỳ năm trước; tương ứng: Công nghiệp chế biến tăng 0,2% và tăng 11%; sản xuất và phân phối điện, nước tăng 24% và giảm 21%.
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng so với tháng trước và so với tháng cùng kỳ là do ngành xi măng tăng sản lượng sản xuất, cụ thể xi măng tăng 44,7% so với cùng kỳ, Clinke tăng 26,2%, ngoài ra một số ngành khác cũng tăng sản lượng khá mạnh sau một thời gian trầm lắng do khó khăn về kinh tế như chế biến sản phẩm từ gỗ tăng 35,7%; mạch điện tử tích hợp tăng 33,29%; dịch vụ in trên sợi, vải tăng 21,3%, nước uống tăng 24,8% đã góp phần làm cho chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng đáng kể so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, riêng ngành chế biến hạt điều nhân vẫn đối diện với những khó khăn thách thức về đầu ra của sản phẩm, giá thấp khó tiêu thụ, mặc dù vậy các doanh nghiệp vẫn phải duy trì sản xuất để giải phóng nhanh nguồn nguyên liệu để thu hồi vốn trả nợ vay. Bên cạnh đó ngành điện tháng này cũng giảm sản lượng.
Lũy kế 7 tháng chỉ số IIP tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai thác mỏ giảm 4,7 %, ngành chế biến tăng 13%, ngành sản xuất và phân phối điện giảm 12,9%. Trong đó chỉ số một số sản phẩm chủ yếu: hạt điều tăng 11,5%; dịch vụ in trên sợi, vải tăng 36%, chế biến sản phẩm từ gỗ tăng 121,7%, Xi măng tăng 20,7%; sản xuất bao bì bằng kim loại tăng 28,3%; điện sản xuất giảm 15,3%; nước uống tăng 23,8%.
Số liệu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2013.
Số liệu sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 7/2013
III. VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
Giá trị thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 7/2013 ước 116,5 tỷ đồng. (Trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện 59,5 tỷ đồng, chiếm 51,1%, vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 57 tỷ đồng, chiếm 48,9%). Trong tháng tiếp tục thi công các công tr2inh như đường cứu nạn, cứu hộ Sao Bọng – Dăng Hà, Hệ thống thủy lợi Bà Ven, xây dựng cầu qua sông Măng tại cửa khẩu Hoàng Diệu nối tỉnh Bình Phước – Việt Nam với tỉnh Mudulkiri – Campuchia, thi công đường xung quanh tượng đài chiến thắng Đồng Xoài, Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh, bệnh viện Đa khoa Bù Gia Mập
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung đến hết tháng 6/2013 đạt 37% (401,6 tỷ đồng) kế hoạch năm. Trong đó: vốn cấp tỉnh đạt 36% kế hoạch năm (274,6 tỷ đồng); vốn phân cho cấp huyện quản lý đạt 40% kế hoạch năm (127 tỷ đồng).
Tính chung 7 tháng đầu năm 2013 tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 739 tỷ đồng, đạt 42,7% kế hoạch năm, trong đó cấp tỉnh đạt 386,5 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch năm và cấp huyện 352,5 tỷ đồng, đạt 59,6% kế hoạch năm.
Nhìn chung tình hình thực hiện vốn đầu tư cho đến nay từ khối lượng thực hiện cho đến công tác giải ngân các nguồn vốn còn rất chậm, nguyên nhân chủ quan đó là do các đơn vị được giao thực hiện còn thiếu quan tâm, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, việc xử lý những phát sinh trong thi công chưa kịp thời, một số công trình có khối lượng nhưng chậm lập hồ sơ thanh toán. Đối với các công trình khởi công mới trong năm 2013 đa số đến quý II mới hoàn chỉnh thủ tục, lựa chọn nhà thầu và tiến hành thi công, vì vậy một số gói thầu hết quý II mới khởi công như Dự án ngành Khoa học – công nghệ, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, một số trường mầm non trên địa bàn tỉnh, ngoài ra một số công trình đến nay vẫn chưa khởi công như đường và kênh thoát nước Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lưu, các tuyến đường tuần tra bảo vệ rừng Quốc gia Bù Gia Mập…Về nguyên nhân khách quan, phải nói là do khó khăn chung của nền kinh tế nên nguồn thu ngân sách gặp nhiều khó khăn nên đã ảnh hưởng phần nào đến tiến độ thi công của các công trình.
Số liệu vốn đầu tư thực hiện trong tháng 7/2013
Số liệu số dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép trong tháng 7/2013
Số vốn đăng ký và vốn bổ sung của dự án nước ngoài được cấp phép mới
IV.THƯƠNG MẠI – GIÁ CẢ - GIAO THÔNG VẬN TẢI
1. Nội Thương
* Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: Tháng 7/2013 tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện 1.897 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Kinh tế nhà nước ước 69,1 tỷ đồng, bằng 100% so với tháng trước và tăng 42,2% so cùng kỳ năm trước; Tương ứng: Kinh tế cá thể ước 1.326,6 tỷ đồng, tăng 0,6% và tăng 26,9%; Kinh tế tư nhân 498,4 tỷ đồng, tăng 0,2% và tăng 9,8%; Kinh tế tập thể ước 2,9 tỷ đồng, bằng 100% và tăng 34%.
Nhìn chung tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 7/2013 có xu hướng tăng nhẹ so với tháng trước và tăng cao so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân do tình hình kinh tế khó khăn nên nhu cầu tiêu thụ hàng hoá không tăng đột biến, tuy nhiên so với cùng kỳ tăng cao do giá cả hàng hóa tăng trong khi nhu cầu hàng hóa không giảm dẫn đến tổng mức bán lẻ hàng hoá so với cùng tăng cao.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2013 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện 13.394,9 tỷ đồng, tăng 19,3% so cùng kỳ năm trước. Chia theo thành phần kinh tế: Kinh tế nhà nước chiếm 3,4%, tăng 26% so cùng kỳ năm trước; Tương ứng: Kinh tế cá thể chiếm 69%, tăng 24,7%; Kinh tế tư nhân chiếm 27,4%, tăng 6,9%; Kinh tế tập thể chiếm 0,2%, tăng 31,8%. Chia theo ngành kinh tế: Thương nghiệp chiếm 75,9%, tăng 18,3% so cùng kỳ năm trước, tương ứng: Khách sạn - Nhà hàng chiếm 13,5%, tăng 23,3%; Dịch vụ chiếm 10,6%, tăng 21,6%.
Số liệu tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 7/2013
* Về giá cả:Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2013 ước tăng 0,2% so với tháng trước. Do tác động của điều chỉnh tăng giá xăng dầu, giá lương thực sau nhiều tháng giảm nay đã tăng trở lại bởi tác động của các chính sách thu mua lúa tạm trữ cho nông dân.
Các nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng là: Lương thực tăng 1,13%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,35%; nhóm giao thông tăng 1,56%; nhóm thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,28%.
Các nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá giảm là: Thực phẩm giảm 0,11%; nhóm đồ uống thuốc lá giảm 0,25%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,01%; nhóm văn hóa giải trí và du lịch giảm 0,16%.
Ngoài ra các nhóm hàng hóa còn lại vẫn giữ được mức ổn định.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2013 tăng 11,96% so cùng kỳ năm 2012 và tăng 2,34% so với tháng 12/2012; Chỉ số giá bình quân 7 tháng đầu năm 2013 tăng 11,59% so với bình quân cùng kỳ năm 2012.
Nhìn chung tình hình giá cả tháng này có tăng so với tháng trước tuy nhiên tăng không lớn.
Số liệu về giá cả trong tháng 7/2013
2. Ngoại Thương
* Xuất khẩu
- Kim ngạch xuất khẩu tháng 7/2013 ước thực hiện 59.791 ngàn USD, tăng 3,2% so tháng trước và tăng 27,2% so cùng kỳ năm trước. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu: kinh tế nhà nước ước thực hiện 9.217 ngàn USD, chiếm 15,4%, giảm 23,5% so tháng trước và giảm 31% so với cùng kỳ; Kinh tế tư nhân ước 33.752 ngàn USD, chiếm 56,4%, tăng 16,4% so tháng trước và tăng 28,5% so với cùng kỳ; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 16.822 ngàn USD, chiếm 28,2%, giảm 0,5% so tháng trước và tăng 127,6% so với cùng kỳ năm trước.
Một số sản phẩm xuất khẩu chủ yếu trong tháng 7/2013 như sau:
+ Hạt điều nhân ước thực hiện 1.439 tấn (trị giá 9.837 ngàn USD), tăng 5% về lượng và tăng 4,6% về giá trị so tháng trước; giảm 7,2% về lượng và giảm 11,3% về giá trị so cùng kỳ năm trước. Giá hạt điều nhân xuất khẩu bình quân hiện nay ước là 6,836 ngàn USD/tấn, giảm 0,318ngàn USD/tấn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giá trị xuất khẩu mặt hàng này tăng so với tháng trước là do các doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến để giải quyết nguyên liệu tồn kho và thu hồi vốn, tuy nhiên so cùng kỳ giảm mạnh cả về lượng và giá trị xuất khẩu do thị trường tiêu thụ khó khăn và giá có xu hướng giảm nhanh.
+ Mủ cao su thành phẩm ước thực hiện 8.009 tấn (trị giá 24.132ngàn USD), tăng 7,1% về lượng và tăng 3,4% về giá trị so tháng trước; tăng 12,1% về lượng và tăng 3,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá cao su thành phẩm bình quân tháng 7/2013 là 3,013 ngàn USD/tấn (giảm 0,238 ngàn USD/tấn) so cùng kỳ. Nguyên nhân giá trị xuất khẩu mặt hàng này tăng hơn so tháng trước là do lượng mủ tạm nhập tái xuất của các công ty trên địa bàn.
+ Hàng nông sản như: Sắn lát khô, tinh bột sắn tháng 7/2013 ước thực hiện 8.870 ngàn USD, tăng 6,8% so tháng trước và tăng 109,2% so với cùng kỳ năm trước.
+ Hàng dệt may ước thực hiện 4.887 ngàn USD, giảm 12,6% so tháng trước và tăng 4,5 lần so cùng kỳ năm trước.
+ Hàng điện tử ước thực hiện 2.500 ngàn USD, tăng 8,7% kể cả so tháng trước, và so với cùng kỳ.
+ Sản phẩm bằng gỗ ước thực hiện 3.077 ngàn USD, tăng 13,8% so tháng trước và tăng 75,7% so cùng kỳ năm trước.
+ Hàng hóa khác ước thực hiện 5.658 ngàn USD, tăng 3,9% so tháng trước và tăng 79,5% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2013 kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện được 386.253 ngàn USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu tăng ở sản phẩm mủ cao su, ngoài ra các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sau thời gian tạm lắng do khủng hoảng kinh tế nay đã có dấu hiệu phục hồi nên đã đẩy mạnh sản xuất xuất khẩu, cụ thể như hàng dệt may tăng 7,7lần, hàng nông sản khác tăng 44,4%, sản phẩm bằng gỗ tăng 37,2% và hàng hóa khác tăng 74,8% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu đáng mừng của tỉnh sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Số liệu về kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7/2013
* Nhập khẩu
- Kim ngạch nhập khẩu tháng 7/2013 ước thực hiện 15.786 ngàn USD, tăng 0,5% so tháng trước và tăng 75,2% so cùng kỳ năm trước. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu: Kinh tế tư nhân 3.467 ngàn USD chiếm 22%, giảm 31,7% so tháng trước và tăng 37,1% so với cùng kỳnăm trước; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 12.319 ngàn USD, chiếm 78%, tăng 15,9% so tháng trước và tăng 167,1% so cùng kỳ năm trước.
Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu :
+ Vải may mặc ước thực hiện 6.000 ngàn USD, tăng 4,07lần so tháng trước và tăng rất cao so với cùng kỳ.
+ Hàng điện tử ước thực hiện 2.600 ngàn USD, tăng 4% so tháng trước, tăng 73,3% so cùng kỳ năm trước.
+ Hàng hóa khác ước thực hiện 7.101 ngàn USD, giảm 25,1% so tháng trước, giảm 1,6% so cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2013 kim ngạch nhập khẩu ước thực hiện 93.375 ngàn USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước.
3. Giao thông vận tải
* Vận tải hành khách:
- Vận tải hành khách trong tháng 7/2013 ước thực hiện 725 ngàn HK và 90.912,2 ngàn HK.km, so với tháng trước giảm 1,2% về vận chuyển và giảm 0,9% về luân chuyển, so với cùng kỳ năm trước tăng 10,4% về vận chuyển và tăng 9,5% về luân chuyển.
- Luỹ kế 7 tháng đầu năm 2013 sản lượng vận tải hành khách ước thực hiện được 5.073,1 ngàn HK và 635.602 ngàn HK.km, tăng 8,4% về vận chuyển và tăng 7,6% về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước.
- Về doanh thu vận tải hành khách tháng này ước thực hiện 56,3 tỷ đồng, giảm 0,7% so tháng trước và tăng 18,9% so cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân sản lượng vận tải hành khách tháng này giảm là do bước vào mùa mưa bà con tập trung chăm sóc cho vụ mùa nên nhu cầu đi lại của nhân dân cũng giảm theo.
Số liệu vận tải hành khách trong tháng 7/2013
* Vận tải hàng hoá:
- Vận tải hàng hoá tháng 7/2013 ước thực hiện được 149,9 ngàn tấn và 10.202,6 ngàn T.km, so với tháng trước giảm 1,4% về vận chuyển và giảm 1,7% về luân chuyển, so với cùng kỳ năm trước giảm 1,4% về vận chuyển và giảm 1,2% về luân chuyển.
- Luỹ kế 7 tháng đầu năm 2013 ước thực hiện được 1.052,7 ngàn tấn và 71.557 ngàn tấn.km, so với cùng kỳ tăng 11,9% về vận chuyển và tăng 12,6% về luân chuyển.
- Về doanh thu vận tải hàng hoá tháng này ước thực hiện 32,5 tỷ đồng, giảm 1% so tháng trước và tăng 14% so cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân sản lượng vận tải hàng hóa bị giảm so tháng trước là do đã hết vụ thu hoạch nông sản, do đó khối lượng vận chuyển hàng hoá cũng giảm theo. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước vận tải hàng hoá vẫn có xu hướng tăng lên.
Số liệu vận tải hàng hoá tháng 7/2013
VI. TÀI CHÍNH
- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tháng 7/2013 ước 177 tỷ đồng, Trong đó: Thu quốc doanh 27 tỷ đồng; Thu ngoài quốc doanh 62 tỷ đồng. Cộng dồn 7 tháng đầu năm 2013 ước thu được 1.698 tỷ đồng, đạt 36,9% kế hoạch năm.
- Tổng chi ngân sách địa phương tháng 7/2013 ước thực hiện 260 tỷ đồng. Trong đó: Chi thường xuyên 200 tỷ đồng; chi đầu tư phát triển 50 tỷ đồng. Cộng dồn 7 tháng đầu năm 2013 ước chi ngân sách nhà nước 2.785 tỷ đồng, đạt 44% so kế hoạch năm.
Số liệu thu chi ngân sách tháng 7/2013
B. XÃ HỘI
1. Hoạt động Văn hoá
Nhằm ngăn ngừa hiện tượng sử dụng điện thoại trong hoạt động quảng cáo trái phép, trong tháng ngành VHTT& DL đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chặn cuộc gọi hai chiều đối với 41 số thuê bao điện thoại vi phạm; Phối hợp với Phòng PC45 - Công an tỉnh tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn tỉnh, qua kiểm tra 06 cơ sở, ra quyết định xử phạt đối với 01 cơ sở vi phạm kinh doanh dịch vụ karaoke với số tiền là 1.500.000 đồng. Báo cáo và công bố kết quả thanh tra hành chính đơn vị Ban Quản lý di tích tỉnh. Chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, thu hồi, xử lý băng đĩa lậu có nội dung sex trên đĩa dành cho thiếu nhi theo chỉ đạo của Thanh tra Bộ VH,TT&DL.
Trong tháng 7, toàn ngành VHTT & DL cũng đã tập trung tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hóa văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Kết quả công tác tuyên truyền trực quan: thực hiện được 210m2 banner, 450m2 panô, 1.694m băng rôn, treo và cắm 550 lượt cờ các loại; tuyên truyền bằng xe lưu động được hơn 100 giờ.
Các đơn vị bảo tồn, bảo tàng thường xuyên duy trì mở cửa các di tích phục vụ khách tham quan, trong tháng đón tiếp 60 đoàn khách trong và ngoài tỉnh với tổng số 9.929 lượt người.
Trong tháng 7, Đoàn Ca múa nhạc tổng hợp tỉnh đã biểu diễn phục vụ nhân các ngày lễ kỷ niệm, phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa. Tổng số chương trình biểu diễn là 02 buổi , thu hút khoảng 600 lượt người xem.
Triển khai 06 đội chiếu bóng lưu động đi chiếu phim phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, cán bộ và chiến sĩ bộ đội biên phòng và vùng biên giới được 60 tối chiếu, thu hút khoảng 5.800 lượt người xem.
Đăng cai tổ chức thành công Ngày hội Gia đình các tỉnh miền Đông Nam Bộ lần thứ IV năm 2013 có 18 gia đình tham gia, kết quả toàn đoàn: tỉnh Bình Phước đạt giải nhất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt giải nhì, tỉnh Bình Thuận đạt giải ba. Tổ chức các buổi tọa đàm về công tác gia đình trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.
Phối hợp với Ban Quản lý dự án BMGF-VN tổ chức Ngày hội internet; duy trì trao đổi báo, tạp chí địa phương với thư viện các tỉnh miền Đông và Cực Nam Trung Bộ; trưng bày sách báo, tạp chí phục vụ thiếu nhi trong dịp hè; trưng bày sách chuyên đề về phòng chống ma túy. Trong tháng phục vụ 8.658 lượt bạn đọc (trong đó có 800 lượt bạn đọc thư viện điện tử), luân chuyển 38.800 lượt sách báo.
Phối hợp tổ chức lớp tập huấn Bơi phổ cập năm 2013 và vòng 05 giải đua xe môtô 125cc và 135cc toàn quốc năm 2013.
Tham dự 05 giải thể thao cụm, khu vực và toàn quốc. Kết quả đạt được: 10 HCV, 10 HCB, 17 HCĐ, 02 cấp I.
2. Y tế
* Tình hình dịch bệnh tháng 7/2013
- Sốt rét: Tổng số mắc sốt rét 63 cas, bệnh nhân sốt rét ác tính 00. Không có tử vong. Số mắc sốt rét phần lớn tập trung ở huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng. Không có dịch sốt rét xảy ra.
- Sốt xuất huyết: Tổng số mắc sốt xuất huyết trong tháng là 512 ca, nhằm hạn chế dịch sốt xuất huyết xảy ra ngành Y tế đã tổ chức tiếp tục phu hóa chất dập dịch lần 2 tại huyện Bù Gia Mập, nơi có nguy cơ phát sinh dịch cao.
- Bệnh tay - chân - miệng: Tổng số mắc cộng dồn là 25 ca. Không có tử vong .
-Tiêu chảy cấp: Tổng số bệnh nhân tiêu chảy 220 ca.
- An toàn vệ sinh thực phẩm:Tổng số bệnh nhân ngộ độc thức ăn 72 ca. Không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra.
Công tác khám chữa bệnh: Đảm bảo công tác thu dung điều trị và thực hiện tốt các quy chế bệnh viện, làm tốt công tác khám chữa bệnh BHYT. Đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc có chất lượng đến người bệnh, sử dụng an toàn, hiệu quả, giá cả hợp lý. Ngoài ra Ngành cũng đã tổ chức khám sàng lọc, chọn bệnh nhân và phẩu thuật mắt tại Bệnh viện Đa khoa Chơn Thành, kết quả đã phát thuốc cho 187 ca, chọn phẩu thuật 59 ca.
3. Giáo dục
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2013-2014 của tỉnh Bình Phước có 9.604 thí sinh tham dự, trong đó có 1.148 học sinh dự thi vào lớp 10 của 2 Trường THPT chuyên Quang Trung và THPT chuyên Bình Long. Năm học 2013-2014, toàn tỉnh có 33 trường trung học phổ thông và phổ thông cấp 2-3, tăng 01 trường so với năm học 2012-2013. tổng chỉ tiêu lớp 10 công lập là 9.916, trong đó chỉ tiêu vào lớp 10 chuyên có 500 học sinh.
Qua kết quả tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2013-2014 của Ngành Giáo dục và Đào Bình Phước thì năm nay, môn tiếng Anh có tỷ lệ thí sinh đạt điểm trên trung bình là 36,57% (năm 2012 là 27,56%); môn toán đạt tỷ lệ trên trung bình là 30,24% (năm 2012 là 29,63%); môn văn đạt tỷ lệ trên trung bình là 47,52% (năm 2012 là 30,87%). Như vậy, dựa vào tỷ lệ số thí sinh đạt điểm trên trung bình, có thể thấy kết quả môn tiếng Anh và môn Văn năm nay khá cao so với năm ngoái. Trong đó, môn toán có kết quả nhỉnh hơn một chút, điều này thể hiện học sinh đã quen với cách làm bài thi đề mở đối với môn Văn và có chất lượng tốt với môn tiếng Anh. Chỉ riêng môn tiếng Anh có 32 em đạt điểm 10.
Theo thống kê, thí sinh có tổng điểm 3 môn chung cao nhất là Phạm Hữu Sang, số báo danh 290650, học sinh Trường THCS Lộc Tấn, Lộc Ninh với 28,25 điểm (Văn 9,25; Toán 9,25 và tiếng Anh 9,75). Đối với hệ chuyên, thí sinh có tổng điểm 4 môn cao nhất, môn chuyên nhân hệ số 2 là Nguyễn Hải Anh, số báo danh 290367, học sinh Trường THCS Nguyễn Du, Bù Gia Mập với 48 điểm (Văn 8,75; Toán 9,5; tiếng Anh 9,75 và môn chuyên 10) đây cũng là thí sinh có tổng điểm 3 môn chung xếp thứ hai và là thí sinh duy nhất đạt điểm 10 môn chuyên Toán. Cả hai thí sinh này đều dự thi vào Trường THPT chuyên Quang Trung. Từ nay đến hết ngày 27-7, thí sinh nộp đơn xin phúc khảo tại trường trung học phổ thông, phổ thông cấp 2-3 (nơi thí sinh đăng ký dự thi). Dự kiến ngày 01-8, Sở GD-ĐT sẽ công bố kết quả phúc khảo đến thí sinh. Sau khi có kết quả phúc khảo các trường sẽ công bố điểm chuẩnvào lớp 10.
Nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, năm học 2013-2014 ngành Giáo dục và Đào tạo Bình Phước vẫn tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", triển khai sáng tạo và có hiệu quả phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"; đưa việc thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục gắn với việc thực hiện cuộc vận động ”Hai không” trở thành hoạt động thường xuyên trong mỗi cơ sở giáo dục và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi củng cố kết quả PCGDTH và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ.
4. Giải quyết việc làm
Trong tháng 7/2013 ngành Lao động – thương binh & Xã hội đã tư vấn nghề, việc làm cho 1.758 lao động; giới thiệu việc làm cho 84 lao động; giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 572 lao động. Lũy kế đến tháng 07/2013 đã giới thiệu việc làm cho 332 lao động, giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 1.895 lao động.
Phối hợp với Sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã và các cơ sở dạy nghề trên toàn tỉnh tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện chính sách đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 2184/UBND-VX ngày 9/7/2013. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh triển khai thực hiện dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên toàn tỉnh; đồng thời, hướng dẫn cơ sở dạy nghề tổ chức tuần sinh hoạt đầu khóa cho học sinh. Tính đến tháng 7/2013, đã đào tạo nghề cho 2.651 học viên, trong đó trình độ sơ cấp nghề là 1.253 người, dưới 3 tháng 1.398 người.
- Lĩnh vực Người có công& công tác xã hội:Giải quyết chế độ mai táng phí cho 31 đối tượng; mua thẻ bảo hiểm y tế cho 94 đối tượng theo Quyết định số 290/QĐ-TTg, cho 754 đối tượng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg. Tham mưu UBND tỉnh Kế hoạch số 136/KH-UBND ngày 15/7/2013 tổ chức đoàn đi thăm đối tượng chính sách nhân dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sỹ 27/7/1947 – 27/7/2013.
Phối hợp với Phòng PC 45(Công an tỉnh) khảo sát, triệt phá các tụ điểm hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tuyên truyền về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trong các hội nghị tập huấn triển khai công tác của ngành
Tiếp nhận 08 đối tượng 06/CP vào Trung tâm Chữa bệnh giáo dục - Lao động xã hội, giải quyết tái hoà nhập cộng đồng 19 đối tượng; hiện đang quản lý và chữa bệnh 301 đối tượng 06/CP. Tổ chức tuyên truyền pháp luật cho 875 lượt học viên; khám và điều trị bệnh cho 2.117 lượt học viên và giải quyết cho 331 lượt thân nhân đến thăm học viên.
5. An toàn giao thông
Tính từ 15/6 đến 15/7/2013 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 29 vụ tai nạn giao thông làm chết 15 người và bị thương 27 người. Về vi phạm ATGT trong tháng đã có 6.105 phương tiện vi phạm Luật An toàn giao thông đường bộ, các ngành chức năng đã tạm giữ 926 phương tiện, tước 545 giấy phép lái xe các loại, xử phạt vi phạm hành chính 6.064 trường hợp và nộp tiền vào kho bạc nhà nước 3.547,35 triệu đồng.
Tóm lại: Tình hình kinh tế-xã hội trong tháng ổn định và phát triển, Sản xuất Công nghiệp của tỉnh có tăng hơn so với cùng kỳ; Hoạt động thương mại dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của nhân dân; Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ; Hoạt động vận tải đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân và vận chuyển hàng hoá; Công tác văn hoá xã hội có nhiều hoạt động thiết thực, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân; Công tác giáo dục ngày càng được nâng lên; Công tác khám chữa bệnh vẫn được duy trì tốt.
Tuy nhiên bên cạnh những mặt thuận lợi tình hình lấn chiếm đất rừng, tình hình vi phạm an toàn giao thông có chiều hướng tăng cao, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp các ngành trong tỉnh và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Trên đây là một số tình hình cơ bản về kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước trong tháng 7/2013.

Website Bình Phước

    Tổng số lượt xem: 1284
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)