Kinh tế - xã hội của tỉnh 9 tháng đầu năm 2009 vẫn cơ bản ổn định, các tiềm năng, thế mạnh được đầu tư khai thác hiệu quả, nhưng chịu tác động sâu sắc do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và xuất khẩu, kết quả thực hiện kế hoạch nhiệm vụ trong những tháng đầu năm đều đạt thấp so với kế hoạch và so với cùng kỳ năm trước. Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm còn tiềm ẩn và dịch cúm A/H1N1 ở người lây lan nhanh trong cộng đồng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân…
UBND tỉnh đã triển khai kịp thời các giải pháp kích cầu vào thực tế địa phương và cùng với những dấu hiệu tích cực của kinh tế thế giới nên từ Quý II/2009 kinh tế của tỉnh đã bắt đầu hồi phục và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Giá trị sản xuất công nghiệp sau nhiều tháng tăng trưởng âm đã phục hồi dần qua từng tháng, xuất khẩu mặc dù còn khó khăn nhưng nhờ tăng cường tìm kiếm, nắm bắt thị trường nên Quý III/2009 đã có nhiều chuyển biến; thu ngân sách có nhiều khả quan, phần lớn các chỉ tiêu kinh tế năm 2009 có khả năng sẽ đạt; các vấn đề xã hội được quan tâm, giải quyết kịp thời; công tác cải cách thủ tục hành chính theo Đề án 30 đảm bảo tiến độ đề ra; trật tự, an toàn xã hội cơ bản được ổn định. Cụ thể như sau:
I. Kinh tế:
1. Nông, lâm nghiệp:
Sản xuất nông nghiệp 9 tháng gặp khó khăn do giá và sản lượng các loại nông sản chủ yếu của tỉnh thấp hơn so với cùng kỳ, giá cả các mặt hàng như xăng, dầu, vật tư nông nghiệp tuy giảm nhưng còn ở mức cao; dịch cúm gia cầm, dịch tai xanh ở đàn heo, dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá tuy không xảy ra nhưng còn tiềm ẩn khó lường; tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất tuy được hạn chế nhưng còn xảy ra.
a. Trồng trọt:
- Cây hàng năm:những tháng đầu năm, do xuất hiện mưa trái mùa vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2009, lượng mưa tương đối nhiều và trải đều trên địa bàn đã tạo thuận lợi cho một số loại cây trồng. Bên cạnh đó, do được cảnh báo trước về dịch bệnh và tình hình thời tiết nên nông dân đã chủ động gieo trồng hợp thời vụ, tích cực chuyển đổi một số cây trồng thích hợp nên tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân là 6.254 ha, tăng 0,1% so cùng kỳ. Trong đó, diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt đạt 3.550 ha, tăng 7,8%, cây chất bột 1.278 ha, giảm 15%, rau đậu các loại 1.135 ha, tăng 6,3%.
Tiến độ sản xuất vụ Mùa năm nay thuận lợi về thời tiết, công tác chuẩn bị đất sản xuất, xuống giống được triển khai đúng thời điểm. Diện tích gieo trồng vụ Mùa đạt 43.092 ha, giảm 12,4% so vụ mùa 2008. Nguyên nhân giảm chủ yếu do giá khoai mỳ xuống thấp.
- Cây công nghiệp lâu năm:
+ Cây điều: diện tích điều năm 2009 đạt 156.996 ha (giảm khoảng 530 ha so năm 2008 do người dân chuyển đổi một số diện tích có điều kiện sang trồng cao su). Trong đó, diện tích cho sản phẩm 139.390 ha, tăng 5,7% so năm trước nhưng năng suất, sản lượng cây điều giảm (năng suất đạt 9,46 tạ/ha, giảm 19%, sản lượng đạt 130.062 tấn, giảm 15% so vụ năm trước).
+ Cây tiêu: Nông dân tiếp tục tập trung đầu tư chăm sóc, nâng cao chất lượng vườn tiêu; trồng mới, trồng cải tạo được 230 ha, nâng diện tích tiêu toàn tỉnh lên 10.775 ha, tăng 108 ha; năng suất bình quân đạt 30,3 tạ/ha, tăng 3,5%, sản lượng đạt 30.162 tấn tăng 10,6% so niên vụ 2008, giá tiêu hiện đạt mức 57.000 đồng/kg.
+ Cây cao su: giá xuất khẩu cao su thành phẩm những tháng đầu năm giảm mạnh, đến nay tuy đang dần hồi phục nhưng vẫn còn ở mức thấp, tình hình tiêu thụ sản phẩm mủ cao su gặp khó khăn, các doanh nghiệp hạn chế khai thác mủ cao su và xuất khẩu trong những tháng đầu năm, chủ động thanh lý cây cao su hết chu kỳ kinh doanh để cải tạo bằng giống mới năng suất cao. Thực hiện chủ trương phát triển cây cao su của Chính phủ, các tổ chức, cá nhân được giao đất đã triển khai lập dự án đầu tư trồng cao su trên đất rừng sản xuất theo quy hoạch. Năm 2009, toàn tỉnh trồng mới khoảng 5.000 ha (trong đó trồng tái canh khoảng 1.500 ha), nâng diện tích cao su toàn tỉnh lên 138.800 ha. Năng suất dự kiến đạt 18,6 tạ/ha, sản lượng đạt 188.381 tấn mủ khô.
+ Cây cà phê: Tổng diện tích năm 2009 đạt 11.240 ha, tăng 1%; năng suất 13,7 tạ/ha tăng 5,8%; sản lượng 14.346 tấn nhân khô, tăng 8,7% so năm 2008.
b. Chăn nuôi: Chăn nuôi tiếp tục được đẩy mạnh và phát triển. Tổng đàn heo 172.229 con, tăng 1,49%, đàn dê 22.501 con, tăng 0,04%, đàn trâu 19.161 con, tăng 6,9%, đàn bò 69.856 con, tăng 4,6%, đàn gia cầm 1,88 triệu con, tăng 29,4% so cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, do giá đầu ra cao, công tác tiêm vaccin phòng bệnh cho gia cầm, gia súc được tập trung triển khai thực hiện đúng tiến độ, dịch bệnh được khống chế, quy hoạch chăn nuôi gia súc, gia cầm được triển khai đã thu hút người dân đầu tư tăng đàn, các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi gia công mở rộng sản xuất theo hướng công nghiệp.
c. Lâm nghiệp:
Tình hình khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn diễn ra trên địa bàn huyện Phước Long (NLT Đăk Mai; NLT Đăk Ơ) và huyện Bù Đăng (NLT Nghĩa Trung). Tại các huyện biên giới, các đối tượng tập trung gỗ (chủ yếu nhóm I) phía nước bạn Campuchia và lén lút vận chuyển về Việt Nam cất giữ để chờ cơ hội vận chuyển tiêu thụ, nhất là trên địa bàn huyện Bù Đốp.
Tình hình vận chuyển lâm sản trái phép từ các tỉnh Tây nguyên, theo Quốc lộ 14 ngang qua tỉnh Bình Phước giảm so với 09 tháng đầu năm 2008. Tại các khu vực lòng hồ Thác Mơ, Cần Đơn, tình hình vận chuyển lâm sản trái phép theo đường thủy giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2008.
Do tổ chức nhiều đợt kiểm tra, truy quét nên tình trạng phá rừng lấn chiếm đất lâm nghiệp đã giảm mạnh. Phát hiện và lập biên bản 520 vụ phá rừng làm rẫy, lấn chiếm đất lâm nghiệp, diện tích rừng bị thiệt hại là 496,44 ha, giảm 592 vụ, diện tích thiệt hại giảm 625,26 ha so với 9 tháng đầu năm 2008. Trọng điểm phá rừng hiện nay tập trung tại các khu vực quy hoạch thực hiện các dự án chuyển đổi trồng cây cao su. Nguyên nhân do các chủ rừng buông lỏng quản lý; dân di cư tự do phá rừng lấy đất sản xuất; các đơn vị chưa làm tốt công tác tham mưu UBND các cấp xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị theo quy định của pháp luật và theo Quyết định số 77/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Công tác phòng cháy chữa cháy rừng: nhìn chung các đơn vị đều thực hiện tốt công tác phòng cháy rừng như xử lý thực bì chống cháy tại các khu vực rừng trồng, chuẩn bị lực lượng,phương tiện và dụng cụ để chữa cháy khi xảy ra cháy. Trong 9 tháng xảy ra 01 vụ cháy rừng tại BQLRPH Thống Nhất, huyện Bù Đăng, làm thiệt hại 04 ha rừng trồng cao su và xà cừ, giảm 23 vụ và giảm 81,8 ha so với cùng kỳ năm 2008.
2. Công nghiệp:
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 9 đạt 327,2 tỷ đồng, tăng 4,4% so tháng trước. Tính chung 9 tháng giá trị sản xuất đạt 2.227,5 tỷ đồng (giá CĐ 94), bằng 63,6% kế hoạch năm và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước 654,8 tỷ đồng, chiếm 29,4%, đạt 79,4% kế hoạch, tăng 11,1%; khu vực ngoài nhà nước 1.069,9 tỷ đồng, chiếm 48%, đạt 72,5% kế hoạch, tăng 1,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 502,8 tỷ đồng, chiếm 22,6%, đạt 41,9% kế hoạch, tăng 33,7% so với cùng kỳ.
Phát triển điện năng:9 tháng đầu năm phát triển thêm được 51,89 km đường dây trung thế; 66,59 km đường dây hạ thế; 30.230 KVA dung lượng biến áp, 24.245 hộ sử dụng điện, nâng tổng số đường dây trung thế hiện có lên 2.624,57km, 2.761,45 km đường dây hạ thế và nâng dung lượng biến áp lên 274.865 KVA, số hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 184.565 hộ.
Nhìn chung, tình hình sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ thực hiện những giải pháp kích cầu, với sự hỗ trợ của nhà nước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nên sản xuất công nghiệp của tỉnh trong những tháng gần đây đã có dấu hiệu phục hồi. Đặc biệt, khu vực ngoài nhà nước sau nhiều tháng tăng trưởng âm và tăng chậm, nay đã tăng trưởng dương nên giá trị sản xuất 9 tháng tăng so với cùng kỳ.
3. Thương mại - dịch vụ:
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2009 thực hiện 7.003,7 tỷ đồng, đạt 71,5% kế hoạch năm và tăng 29,1% so cùng kỳ. Trong đó, kinh tế nhà nước giảm 8,1%; kinh tế cá thể tăng 32,4% và kinh tế tư nhân tăng 20,6%. Nhìn chung, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ có tốc độ tăng cao so cùng kỳ năm trước chủ yếu do sức mua dân cư tăng nhanh, giá và chỉ số giá hàng hóa, dịch vụ tăng so với cùng kỳ.
- Về giá cả:do giá xăng dầu tăng làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2009 tăng nhẹ so tháng trước (tỷ lệ tăng là 0,84%). Chỉ số giá các nhóm hàng đều đang ở mức ổn định, riêng nhóm dịch vụ giao thông, bưu chính, viễn thông tăng 3,76% do điều chỉnh giá xăng dầu. So với cùng kỳ năm trước chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2009 tăng 2,65%, so với tháng 12/2008 tăng 4,34%.
- Xuất, nhập khẩu: kim ngạch xuất khẩu tháng 9 đạt 35,7 triệu USD, tăng 10% so tháng 8 và 2,5% so cùng kỳ. Tính chung 9 tháng xuất khẩu thực hiện 215,756 triệu USD, đạt 61,6% kế hoạch điều chỉnh và giảm 20,9% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế nhà nước giảm 58,7%; kinh tế tư nhân giảm 4,8%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 35,2% so cùng kỳ năm trước.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: hạt điều nhân 59,53 triệu USD, tăng 15,22%; mủ cao su 79,38 triệu USD, giảm 51,5%; hàng nông sản khác 19,62 triệu USD, giảm 4,64%; hàng dệt may 5,13 triệu USD, giảm 51,2%; hàng điện tử 31,18 triệu USD, tăng 67%; sản phẩm bằng gỗ 5,08 triệu USD, tăng 75,8% về giá trị so với cùng kỳ.
Xuất khẩu gặp khó khăn, đạt thấp so với kế hoạch và giảm so với cùng kỳ là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường xuất khẩu thu hẹp, mặt hàng cao su xuất khẩu giảm mạnh cả về giá và khối lượng trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, tình hình kinh tế thế giới dần phục hồi nên xuất khẩu tăng dần qua từng tháng nhưng không cao, do đó xuất khẩu 9 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ.
Kim ngạch nhập khẩu thực hiện 59,156 triệu USD, đạt 59,2% kế hoạch năm và giảm 15,2% so cùng kỳ. Trong đó, kinh tế nhà nước giảm 15,2%, kinh tế tư nhân giảm 12,2%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giảm 16,6% so cùng kỳ.
4. Hoạt động vận tải: sản lượng vận tải hành khách thực hiện 4,165 triệu HK và 495,341 triệu HK.km, tăng 0,8% về vận chuyển và tăng 2,4% về luân chuyển so cùng kỳ. Sản lượng vận tải hàng hóa thực hiện 898,4 ngàn tấn và 59,875 triệu tấn.km, tăng 4,2% về vận chuyển và tăng 10,1% về luân chuyển so cùng kỳ.
Tình hình vận tải phát triển ổn định, đảm bảo lưu thông hàng hóa, phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng giá xăng dầu thế giới nên giá xăng dầu trong nước cũng được điều chỉnh nhiều lần vì vậy gây không ít khó khăn cho tất cả các ngành nói chung và ngành vận tải nói riêng.
5. Thu, chi ngân sách: tổng thu ngân sách nhà nước phát sinh trên địa bàn đạt 1.075tỷ đồng, bằng 77% dự toán năm Hội đồng nhân dân tỉnh giao, bằng 82% dự toán Bộ Tài chính giao và bằng 77% so cùng kỳ. Trong đó, thu từ các doanh nghiệp quốc doanh 244 tỷ 575 triệu đồng, giảm 36%; thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh 286 tỷ 900 triệu đồng, giảm 13%; thu tiền sử dụng đất 160 tỷ đồng, đạt 67% dự toán và tăng 5% so cùng kỳ.
Việc thu ngân sách không cao chủ yếu do suy thoái kinh tế và thực hiện các chính sách kích cầu của Chính phủ, giá cả và sản lượng hạt điều giảm so với vụ trước. Riêng khoản thu tiền sử dụng đất đạt thấp là do nhiều dự án hiện nay đang trong thời gian điều chỉnh giá mới theo giá thị trường nên chưa triển khai thực hiện và doanh nghiệp trúng thầu chưa thực hiện nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước.
Về chi ngân sách: tổng chi ngân sách địa phương thực hiện 1.787 tỷ 700 triệu đồng, đạt 75% dự toán điều chỉnh năm 2009 và tăng 20% so cùng kỳ, trong đó chi đầu tư phát triển 403 tỷ đồng, bằng 66% dự toán.
6. Tín dụng:hoạt động ngân hàng gặp khó khăn do phải đảm bảo thực hiện mục tiêu ngăn ngừa lạm phát nhưng phải đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng, ngăn chặn suy giảm kinh tế. Tổng vốn huy động 4.750 tỷ đồng, tăng 28,1% so cùng kỳ, trong đó tiền gửi ngắn hạn chiếm 78,9%. Tổng dư nợ cho vay đạt 9.100 tỷ đồng, tăng 42,7% so cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu đến 30/9/2009 là 1,12% tổng dư nợ.
Cho vay hỗ trợ lãi suất: các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất theo các gói kích cầu của Chính phủ, góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế. Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất là 2.820 tỷ đồng cho các doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân, chiếm 31% tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại trên địa bàn được phép cho vay hỗ trợ lãi suất.
Bảo lãnh tín dụng: đến ngày 24/9/2009, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển đã tiếp nhận 66 hồ sơ với tổng vốn đề nghị bảo lãnh là 731,2 tỷ đồng. Đơn vị đã chấp thuận và cấp thông báo chấp thuận bảo lãnh 35 hồ sơ với tổng vốn chấp thuận là 141,86 tỷ đồng. Trong tổng số các doanh nghiệp được Chi nhánh Ngân hàng Phát triển bảo lãnh nói trên, có 14 doanh nghiệp đã ký được hợp đồng tín dụng với các ngân hàng thương mại với tổng vốn là 42,4 tỷ đồng, chiếm 40% tổng số doanh nghiệp và 29,9% tổng số vốn được bảo lãnh.
7. Đầu tư phát triển:
Năm 2009 tổng nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nuớc do địa phương quản lý theo kế hoạch điều chỉnh là 1.052,6 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung là 950,8 tỷ đồng, còn lại là vốn đầu tư các chương trình mục tiêu.
Vốn xây dựng cơ bản tập trung thực hiện đến cuối tháng 9 đạt khối lượng 427,87 tỷ đồng, bằng 45%; giải ngân đạt 380,33 tỷ đồng, bằng 40% kế hoạch năm. Trong đó, vốn cấp tỉnh quản lý thực hiện 193,22 tỷ đồng, bằng 38% kế hoạch, giải ngân đạt 117,96 tỷ đồng, bằng 35% kế hoạch; vốn cấp huyện quản lý giải ngân đạt 47% kế hoạch.
Đối với vốn trái phiếu Chính phủ thuộc kế hoạch năm 2009: đến cuối tháng 9, vốn giáo dục giải ngân đạt 100% (15,748 tỷ đồng); vốn thủy lợi thực hiện khối lượng đạt 65%, giải ngân 50% (42/85 tỷ đồng); vốn y tế giải ngân đạt 20%.
Vốn trái phiếu Chính phủ thuộc kế hoạch năm 2008 đến 31/8/2009 đã giải ngân 100% vốn cho thủy lợi và giáo dục; riêng vốn cho y tế giải ngân 40/50 tỷ đồng (bằng 80%), dự kiến hết tháng 9 sẽ giải ngân hết số vốn còn lại.
Đối với vốn chương trình mục tiêu: dự kiến đến cuối tháng 9 giải ngân đạt 40% kế hoạch. Một số chương trình giải ngân đạt thấp gồm Chương trình văn hóa (6,9%), Chương trình 5 triệu ha rừng (6,6%), Chương trình 135 (21,9%), Chương trình giáo dục - đào tạo (19,2%).
Tiến độ thực hiện kế hoạch vốn đầu tư phát triển chậm. Nguyên nhân do năng lực đơn vị tư vấn yếu, phải chỉnh sửa nhiều lần, dự án phát sinh vướng mắc do khảo sát không kỹ; nhà thầu thi công chậm so với tiến độ đã ký kết; các chủ đầu tư thiếu đôn đốc, năng lực hạn chế, không chấp hành tốt chế độ thông tin báo cáo. UBND tỉnh đã duy trì giao ban XDCB định kỳ, điều chuyển vốn cho những công trình đạt tiến độ yêu cầu hoặc những công trình đã đủ hồ sơ thủ tục nhưng chưa được bố trí vốn.
8. Thu hút đầu tư: 9 tháng, thu hút được 550 doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh với tổng vốn đăng ký 2.660 tỷ đồng, tăng 1,5 lần về số doanh nghiệp, giảm 61,9% về số vốn đăng ký so cùng kỳ năm trước.
Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) 9 tháng có 05 dự án với số vốn đăng ký 150 triệu USD.
II. Văn hóa - Xã hội :
1. Văn hóa- Thể thao và Du lịch:
Tập trung tổ chức các hoạt động và làm tốt công tác tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhất là nhân dịp các ngày lễ trọng đại của dân tộc và của tỉnh; triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước như thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân gắn với 40 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tuyên truyền về công tác phòng, chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch cúm A/H1N1…
Hoạt động thể dục thể thao được tổ chức sôi nổi, quy mô ngày càng lớn. Ngoài việc tổ chức thành công một số giải truyền thống, đã phối hợp tổ chức tốt các giải thể thao như giải Việt dã “Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng”; giải Quần vợt mở rộng tỉnh Bình Phước; giải bóng đá và đêm ca nhạc gây quỹ “Phát triển tài năng trẻ văn hóa - thể thao”; giải Taekwondo các tỉnh miền Đông Nam Bộ… đã thu hút hàng chục ngàn người tới xem và cổ vũ.
Hoạt động du lịch: thông qua Quy hoạch bảo tồn làng văn hóa sóc Bom Bo; khảo sát các điểm du lịch trảng cỏ Bàu Lạch, Bến đò thôn 1 trên địa bàn huyện Bù Đăng, Vườn quốc gia Cát Tiên; xây dựng tour du lịch Bình Phước - Campuchia - Lào - Thái Lan. Tổng lượt khách tham quan du lịch đạt 80.905 lượt khách (tăng 64,4% so với cùng kỳ). Trong đó, khách nội địa 77.117 lượt và khách quốc tế 3.788 lượt. Doanh thu đạt 42.253 tỷ đồng (tăng 65% so cùng kỳ).
2. Giáo dục: sau khai giảng đến nay, tuy dịch cúm A(H1N1) đã lây lan vào trường học nhưng các trường trong tỉnh phối hợp với ngành y tế chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống nên việc giảng dạy và học tập vẫn diễn ra bình thường, không có xáo trộn lớn. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới, đổi mới phương thức dạy học và quản lý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, chấm dứt việc dạy học chủ yếu thông qua “đọc - chép” ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông trong vòng 02 năm, bắt đầu từ năm học 2009 - 2010; triển khai thực hiện phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Để bổ sung cán bộ, giáo viên cho năm học 2009 - 2010 ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tuyển 911 người, trong đó có 706 là giáo viên các cấp, nâng tổng số cán bộ, giáo viên toàn ngành Giáo dục sau khai giảng lên 14.853 người. Tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu giáo viên của tỉnh, nhất là giáo viên hệ mầm non, giáo viên các môn Hoá, Văn, Sinh, Tin học, Địa lý của khối trung học cơ sở và Toán, Anh văn của cả hai khối.
3. Y tế:trước tình hình dịch cúm A(H1N1) ngày càng lan rộng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tổ chức trực cúm 24/24 giờ; tổ chức tập huấn cúm A(H1N1) cho cán bộ y tế các trường học, cán bộ Hội chữ thập đỏ của xã, phường, thị trấn với 350 học viên; khuyến cáo cách phòng, chống dịch ra cộng đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời tổ chức phun hóa chất trên diện rộng. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh tế chủ động phòng, chống dịch, tránh tình trạng đóng cửa ngừng hoạt động cả cơ quan khi có người mắc bệnh, không để dịch bệnh ảnh hưởng các hoạt động của xã hội.
Tính đến ngày 29/9/2009, tổng số ca nghi nhiễm và nhiễm cúm trên địa bàn tỉnh là 1.397 trường hợp, trong đó đã xác định 297 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1), 1.244 trường hợp đã được xuất viện, 01 trường hợp tử vong vào ngày 19/9/2009, 153 trường hợp đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện đa khoa trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Các loại bệnh khác không có dịch lớn xảy ra. Tuy nhiên các bệnh như sốt xuất huyết, sởi, tiêu chảy, thủy đậu vẫn còn cao; dịch sốt xuất huyết cơ bản được khống chế nhưng tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp do đang trong mùa dịch, tổng số bệnh nhân mắc là 2.096 ca, giảm 26% so với cùng kỳ, không có ca tử vong. Ngành y tế và UBND các huyện, thị xã đang tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh.
Công tác khám chữa bệnh: từng bước đảm bảo công tác điều trị, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhất là công tác thường trực cấp cứu, khám chữa bệnh cho người nghèo, người có thẻ bảo hiểm y tế. Đã tổ chức khám, chữa bệnh cho 1.147.500 lượt bệnh nhân, trong đó điều trị nội trú 73.554 lượt.
4. Lao động - Thương binh và Xã hội:tổ chức ngày hội tư vấn về vốn vay, nghề nghiệp, việc làm, xuất khẩu lao động tại 8 huyện, thị xã với sự tham gia của 2.710 thanh niên; đồng thời tổ chức lễ khai trương sàn giao dịch việc làm với 429 doanh nghiệp tham gia trực tuyến trên website của sàn giao dịch việc làm đăng ký tuyển dụng 20.290 lao động, 15 doanh nghiệp tham gia trực tiếp có nhu cầu tuyển dụng 4.259 lao động, 950 lao động đăng ký tìm việc và 7.357 lượt lao động được tư vấn nghề và việc làm.
Tổ chức triển khai thực hiện Quyết định 30/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc làm trong doanh nghiệp; tập huấn cho các doanh nghiệp về Luật Bảo hiểm thất nghiệp và các chính ưu đãi của nhà nước đối với người lao động và người sử dụng lao động; đôn đốc các huyện, thị xã trong việc triển khai công tác lao động việc làm, công tác đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn; kiểm tra tình hình người lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp.
Hoàn thành hồ sơ giải quyết trợ cấp một lần cho 200 đối tượng theo quyết định 290/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trợ cấp hàng tháng cho 27 đối tượng nhiễm chất độc hoá học; ưu đãi đợt I cho học sinh sinh viên năm học 2008-2009 cho 781 em với tổng số tiền 1,9 tỷ đồng và đợt II cho 1.187 trường hợp với số tiền 2,74 tỷ đồng.
Tổ chức đón nhận 166 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia về cải táng tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh; ngoài ra hỗ trợ di chuyển 30 bộ hài cốt về quê theo ý nguyện của thân nhân liệt sỹ.
5. Tình hình đời sống đồng bào dân tộc thiểu số:
Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn do giá cả và sản lượng một số loại nông sản thấp, giá các mặt hàng như lương thực, xăng dầu ở mức cao, thiên tai gây ngập lụt ở một số nơi ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào. Ban Dân tộc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã khảo sát tình hình, kịp thời hỗ trợ.
Chương trình 134: tiếp tục triển khai xây dựng 16 công trình giếng nước tập trung và làm đường vào đất sản xuất thuộc Chương trình 134.
Chương trình định canh, định cư theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: UBND các huyện đang hoàn chỉnh các dự án chi tiết còn lại để triển khai thực hiện Chương trình, tiến hành quy hoạch quỹ đất, làm việc với Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kế hoạch vốn của Chương trình và ứng vốn thực hiện định canh, định cư, vốn trung tâm cụm xã năm 2010 để triển khai thực hiện trong năm 2009.
III. Lĩnh vực nội chính:
1. Công tác thanh tra:tổng số cuộc thanh tra được tiến hành 95 cuộc, trong đó đang thực hiện 14 cuộc, đã kết thúc 81 cuộc. Qua thanh tra, kiểm tra, thanh tra các cấp đã phát hiện sai phạm và xử lý với số tiền là 3,145 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi cho nhà nước 943 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính 2,26 tỷ đồng, truy thu tiền thuế nợ đọng 1,81 tỷ đồng, đồng thời phục hồi quyền lợi cho công dân với số tiền là 231,47 triệu đồng, 960m2 đất ở. Từ những sai phạm phát hiện, đã áp dụng hình thức kỷ luật đối với 05 cán bộ, kiểm điểm rút kinh nghiệm 05 cán bộ và một số cá nhân khác có liên quan, chuyển 01 hồ sơ có dấu hiệu tham nhũng cho cơ quan điều tra. Qua đó, chấn chỉnh công tác quản lý trên các lĩnh vực tài chính, xây dựng cơ bản, đất đai tại các đơn vị sai phạm.
2. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân:
Các đơn vị đều bố trí cán bộ tiếp công dân tại trụ sở làm việc theo quy định của pháp luật. Thông qua công tác tiếp công dân, nắm bắt tình hình và giải thích cho nhân dân hiểu về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước có liên quan đến những nội dung mà công dân phản ánh, hướng dẫn công dân đến các cơ quan chức năng để giải quyết theo thẩm quyền. UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quyết định giải quyết, kết luận sau thanh tra có hiệu lực pháp luật đảm bảo tính hiệu quả của công tác sau thanh tra.
Tổng số lượt công dân đã tiếp 2.305 lượt, tăng 22% so với cùng kỳ. Tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh đã tiếp nhận và xử lý 1.486 đơn, giảm 2% so với cùng kỳ;đã giải quyết 1.092/1.243 đơn khiếu nại, kiến nghị, đạt 88%, 98/109 đơn tố cáo, đạt90%.
Nội dung khiếu nại chủ yếu về giải tỏa, đền bù, thu hồi đất xâm canh. Các ngành, các cấp đã tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung và ban hành một số văn bản phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đã góp phần hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người ổn định tình hình an ninh, chính trị của địa phương.
3. Xây dựng chính quyền:tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức, hoạt động của các sở, ban, ngành theo Nghị định số 13/2008/NĐ-CP của Chính phủ; hướng dẫn, chức năng, nhiệm vụ của các phòng chuyên môn thuộc UBND các huyện, thị xã theo Nghị định số 14/2008/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 11/8/2009 về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập xã thuộc huyện Chơn Thành, huyện Bình Long, huyện Phước Long, thành lập thị xã Bình Long, thị xã Phước Long và các phường trực thuộc. Trọng tâm là công tác tổ chức, hoạt động của các cơ quan chuyên môn, công tác cán bộ và đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động của các huyện chính thức hoạt động từ ngày 01/11/2009.
Tiến hành kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý bộ máy nhà nước.
Hoàn thành giai đoạn I, Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đơn giản hóa cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010, hiện đang gấp rút hoàn thành giai đoạn II.
4. Quốc phòng, an ninh:
Các lực lượng làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; tổ chức xây dựng văn kiện sẵn sàng chiến đấu, khu vực phòng thủ, diễn tập chiến đấu trị an xã, phường, thị trấn, gọi công dân nhập ngũ, dự bị động viên, xây dựng phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc… Tổ chức phối hợp tốt việc nắm chắc tình hình, tổ chức lực lượng tuần tra canh gác nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định. Các hành vi vi phạm về trật tự an toàn xã hội được kiềm chế và giảm trên một số mặt, riêng tội phạm về trật tự xã hội nổi lên loại tội phạm chế tạo, tàng trữ, sử dụng và mua bán trái phép vật liệu nổ với tính chất phức tạp.
Tình hình an ninh nông thôn xảy ra 07 vụ tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai, trong đó có vụ chống người thi hành công vụ làm năm người cưỡng chế bị thương, 07 xe ô tô hư hỏng, đã khởi tố 01 vụ với 10 bị can về hành vi chống người thi hành công vụ. Nguyên nhân chủ yếu do công tác giải quyết khiếu nại, tuyên truyền ở cấp cơ sở chưa được quan tâm.
Tình hình tội phạm về trật tự xã hội: xảy ra 437 vụ, tăng 118 vụ so với cùng kỳ năm 2008, làm chết 15 người, bị thương 39 người, mất 99 mô tô, 82 chỉ vàng, 299 triệu đồng và số tài sản khác trị giá khoảng 431 triệu đồng. Đã điều tra, làm rõ 347 vụ với 531 đối tượng, đạt 79,4% tổng số vụ.
Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông: thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện 32.734 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tạm giữ 12.494 phương tiện, xử phạt hành chính 46.025 trường hợp với tổng số tiền là 16,3 tỷ đồng, tước 3.139 giấy phép lái xe các loại. Về tai nạn giao thông: xảy ra 135 vụ, làm chết 145 người, bị thương 82 người, hư hỏng 164 phương tiện, so cùng kỳ giảm 32 vụ, giảm 26 người chết, giảm 23 người bị thương.
IV. Nhiệm vụ 03 tháng còn lại năm 2009:
Tiếp tục thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP và số 01/NQ-CP của Chính phủ về ngăn chặn suy giảm kinh tế và các giải pháp điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009. Trong đó, một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể như sau:
- Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã tập trung rà soát nhiệm vụ, chủ động tháo gỡ vướng mắc để thực hiện đạt chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2009; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu; rà soát, điều chuyển vốn ngay trong đầu tháng 10/2009 cho các công trình đảm bảo tiến độ và đã đủ thủ tục nhưng chưa được bố trí vốn; rà soát, tháo gỡ vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình, hoàn chỉnh hồ sơ các dự án giao thông trọng điểm để kịp thời khởi công đúng tiến độ. Việc xây dựng kế hoạch vốn các chương trình mục tiêu năm 2010 và những năm tiếp theo yêu cầu phải sát với thực tế và có điều kiện thực hiện.
Xác định những công trình trọng điểm của tỉnh có khả năng hoàn thành trong năm 2009 để tập trung đôn đốc, điều hành công trình hoàn thành và tổ chức khánh thành trong tháng 12/2009.
- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính UBND các huyện, thị xã và các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng Quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ để triển khai thực hiện khi Nghị định của Chính phủ có hiệu lực; phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh thành lập Quỹ Phát triển đất.
- Nhanh chóng quy hoạch, giao đất thực hiện dự án cho các nhà đầu tư đã được UBND tỉnh thuận chủ trương.
- Ngành Ngân hàng tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục để đẩy mạnh giải ngân vốn vay tín dụng có hỗ trợ lãi suất, nhất là giải ngân cho vay sản xuất nông nghiệp và xây dựng nhà ở nông thôn.
- Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời tham mưu UBND tỉnh xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức để mất rừng theo Quyết địhn số 77/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
- Tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội đã ban hành. Triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khó khăn về nhà ở theo kế hoạch đề ra.
- Sở Nội vụ, Sở Y tế và UBND các huyện, thị xã thống nhất tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh tổ chức quản lý các cơ quan y tế Nhà nước tại cấp huyện theo hướng UBND cấp huyện hoặc Sở Y tế quản lý cả về nhân sự và kinh phí hoạt động; kế hoạch điều chuyển bác sỹ tuyến trên về công tác tại trạm y tế xã trình UBND tỉnh trong tháng 10/2009.
- Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan tập trung phòng, chống dịch cúm A(H1N1) theo kế hoạch đề ra, theo dõi diễn biến dịch bệnh và chủ động xử lý, kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh những vấn đề vượt thẩm quyền để chỉ đạo, không để dịch bệnh ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và các hoạt động xã hội.
- Tiếp tục tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 11/8/2009 của Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập các thị xã, xã, phường thuộc tỉnh Bình Phước, đảm bảo các điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất để các đơn vị hành chính có điều chỉnh đi vào hoạt động ổn định từ ngày 01/11/2009.
- Tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị tổ chức Lễ hội Quả Điều vàng Việt Nam - Bình Phước năm 2010 theo Kế hoạch.
- Các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác của Chủ tịch UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án đơn giá hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo hoàn thành từng giai đoạn theo đúng kế hoạch đề ra.
Rà soát, điều chỉnh chức năng các Trung tâm trực thuộc các sở, ngành theo hướng tập trung thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao, không được thực hiện các hợp đồng dịch vụ tư vấn cho các tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước. Sở Nội vụ phối hợp các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh trong tháng 10/2009.
- Các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tổng kết tình hình năm 2009, phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh chuẩn bị đầy đủ nội dung trình kỳ họp cuối năm 2009, HĐND tỉnh khóa VII./.