Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/09/2020-10:05:00 AM
Nắm chặt các cơ hội, bắt kịp, tiến cùng sự phát triển của thế giới (Xem tin ảnh)
(MPI) - Để khắc phục tồn tại, khó khăn và tận dụng được những tiềm năng và cơ hội, chúng ta cần có tư duy đột phá, quyết tâm và táo bạo, dám nghĩ, dám làm; phải có tư duy vượt lên trước chứ nhất quyết không chịu đi theo, đi sau. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể nắm chặt lấy các cơ hội, bắt kịp, tiến cùng sự phát triển của thế giới.

Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển (VRDF) với chủ đề Việt Nam: Hành động để phục hồi tăng trưởng nhanh theo hướng bền vững và bao trùm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra ngày 29/9/2020, tại Hà Nội.

Diễn đàn có sự tham dự của Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk, Đại sứ Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam Robyn Mudie cùng các Đại sứ, Trưởng Đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, đại diện lãnh đạo các tổ chức quốc tế và trong nước; các chuyên gia,…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ ba diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Thứ nhất, Việt Nam đang chuẩn bị tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XIII với niềm tin mãnh liệt và hy vọng lớn của người dân cả nước vào một giai đoạn phát triển mới, nhưng cũng đặt ra những trọng trách to lớn đối với các nhà hoạch định chính sách. Tại Đại hội, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030 và Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 sẽ được thông qua, làm kim chỉ nam cho thời kỳ phát triển hết sức quan trọng của đất nước trong 5-10 năm tới. Đây sẽ là thời kỳ quan trọng để đưa Việt Nam từ nước đang phát triển, thu nhập trung bình thấp hiện nay lên vị trí nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và tiếp đó trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Thứ hai, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nghiêm trọng, nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu, đặt ra cho Việt Nam những thách thức lớn nhưng đồng thời cũng đem lại những cơ hội mới cho phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trước thềm Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc, đạt được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện. Từ một quốc gia kém phát triển, bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, tỷ lệ đói nghèo cao, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ và trở thành nước thu nhập trung bình vào năm 2010. Quy mô nền kinh tế hiện nay đã tăng hơn 40 lần so với năm 1990. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ khoảng 100 USD trước năm 1990 lên gần 2.800 USD. Chất lượng cuộc sống của Nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, những thành tựu trên đang bị đe dọa bởi thách thức lớn đến từ đại dịch Covid-19. Với tốc độ lây lan nhanh, diễn biến khó lường, đại dịch đã tác động mạnh tới phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Covid-19 đã ảnh hưởng tới tất cả các ngành lĩnh vực, đặc biệt tới ngành dịch vụ, vận tải, du lịch, ăn uống, lưu trú... Nhiều doanh nghiệp đã buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động; hàng loạt lao động bị mất, thiếu việc làm, thu nhập bị giảm sâu, gây khó khăn cho việc bảo đảm an sinh, ổn định xã hội.

Việt Namcó độ mở lớn về kinh tế và giao lưu thương mại, Việt Nam đang chịu những thiệt hại lớn từ đại dịch. Nhưng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và phát huy ý chí, tinh thần dân tộc, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam đã chung sức, đồng lòng, sáng tạo, nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt “chống dịch như chống giặc”, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống Nhân dân để “không một ai bị bỏ lại phía sau”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến nay, Việt Nam vẫn kiềm chế, kiểm soát được dịch Covid-19 và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao với mô hình chống dịch hợp lý, hiệu quả, chi phí thấp, được Nhân dân đồng tình ủng hộ.Mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch nhưng kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, GDP 6 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt mức tăng trưởng dương, đạt gần 2%. Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 11,9 tỷ USD. Sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong những tháng vừa qua. Tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 11,35 tỷ USD, bằng 94,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là những thành tựu rất đáng tự hào của Việt Nam trong bối cảnh suy giảm mạnh trên toàn cầu do cú sốc Covid-19. Theoxếp hạngsức khỏe tài chínhcủa tạp chí The Economist tháng 5/2020, Việt Nam đứng thứ 12/66 nền kinh tế mới nổi, thuộc nhómAn toàntrong bối cảnh đại dịch.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng tự hào, dự báo Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ trong thời gian tới. Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, tạo ra sự bất ổn lớn cả về kinh tế, chính trị và xã hội trên toàn cầu. Dự báo triển vọng phục hồi kinh tế thế giới sẽ diễn ra chậm, trong khi căng thẳng thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, biến động chính trị tiếp tục gia tăng tác động trực tiếp tới nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những hạn chế, yếu kém nội tại của một nền kinh tế đang phát triển với mức thu nhập trung bình thấp, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn, lao động giá rẻ và khu vực đầu tư nước ngoài. Do đó, trong trung và dài hạn, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia khác, giải quyết các thách thức môi trường, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ... là những nhiệm vụ phát triển lớn đặt ra cho Việt Nam. Trong ngắn hạn, vấn đề đặt ra là: cần nhanh chóng phục hồi tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tận dụng hiệu quả các cơ hội phát triển xuất hiện từ khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để ứng phó với những khó khăn, thách thức trên, Việt Nam cần tận dụng tối đa những lợi thế, nhận diện rõ ràng các cơ hội đang có. Từ góc độ của Việt Nam cũng như đánh giá của giới phân tích quốc tế cho thấy, Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng để chuyển mình phát triển nhanh và bền vững. Tiềm năng đất nước, bối cảnh phát triển mới, đặc biệt là bối cảnh “hậu Covid-19” và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra cơ hội thuận lợi để tái cơ cấu, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm. Với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA và CPTPP, Việt Nam đang có cơ hội lớn để hội nhập, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất thế giới, lựa chọn các dự án FDI có chất lượng để tiến lên các nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). Cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi số cũng đang rộng mở, đặc biệt khi kinh tế không tiếp xúc, thương mại điện tử của Việt Nam đã tạo được những bước phát triển nhanh trong đại dịch. Các lĩnh vực đổi mới, sáng tạo cũng có bước tiến mạnh mẽ, vững chắc. Đầu tháng 9 vừa qua, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới của Liên hợp quốc (WIPO) đã ghi nhận Việt Nam ở vị trí thứ 42 trên 131 quốc gia về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu; giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.

VRDF 2020 diễn ra trong thời điểm quan trọng, mang tính bước ngoặt, đòi hỏi Việt Nam phải chủ động đưa ra đường hướng chiến lược, các quyết sách cho tương lai phát triển của đất nước. Đặc biệt, để khắc phục tồn tại, khó khăn và tận dụng được những tiềm năng và cơ hội, chúng ta cần có tư duy đột phá, quyết tâm và táo bạo, dám nghĩ, dám làm; phải có tư duy vượt lên trước chứ nhất quyết không chịu đi theo, đi sau. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể nắm chặt lấy các cơ hội, bắt kịp, tiến cùng sự phát triển của thế giới. Ngược lại, nếu không nhanh chóng tận dụng thời cơ và đổi mới tư duy, thì nguy cơ tụt hậu, khoảng cách phát triển của Việt Nam với các quốc gia sẽ ngày càng lớn hơn.

Mục tiêu quan trọng nhất của Diễn đàn năm nay là cung cấp đầu vào giúp Việt Nam hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030 và Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đồng thời, Diễn đàn là dịp đểcác học giả, chuyên gia quốc tế trao đổi, thảo luận về những phương hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cũng như để Việt Nam chia sẻ với các nước có cùng trình độ phát triển kinh nghiệm về thành công và thất bại của mình.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, tại Diễn đàn này, Việt Nam mong muốn được tìm hiểu, học hỏi các bài học kinh nghiệm trên thế giới, được lắng nghe các ý kiến tư vấn, khuyến nghị sâu sắc của các chuyên gia, các học giả trong nước và quốc tế đối với hai trọng tâm chính là: Covid-19 và hành động của Việt Nam nhằm nắm bắt cơ hội, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu và Chuyển đổi số và chuyển dịch cơ cấu theo hướng bao trùm và bền vững.

Đồng thời bày tỏ tin tưởng, với sự hiện diện của nhiều diễn giả, học giả trong nước và quốc tế có uy tín, những đóng góp, ý kiến trao đổi tại Diễn đàn sẽ giúp Chính phủ Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư định hướng và xác định được các chính sách, hành động cần thiết để giải quyết được các vấn đề lớn mà doanh nghiệp, người dân quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh nhiều thách thức và cơ hội mới đang xuất hiện. Các ý kiến thảo luận tại Diễn đàn cũng sẽ đóng góp trực tiếp cho việc hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030 và Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI

VRDF 2020 diễn ra 2 phiên, trong đó, phiên 1 với chủ đề “Covid-19 và hành động của Việt Nam nhằm nắm bắt cơ hội, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu”, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về tổng quan các xu hướng lớn toàn cầu trong thương mại và mạng sản xuất toàn cầu; Tái cơ cấu và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong bối cảnh mới; Nắm bắt cơ hội từ dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu: Hành động của Việt Nam nhằm tăng trưởng bao trùm, thu hút FDI có chất lượng vào Việt Nam và phát triển khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân; Vượt qua thách thức: Hành động của doanh nghiệp nhằm phục hồi kiên cường và bền vững - trường hợp một số ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất của Covid-19 (nông nghiệp, du lịch, logistics, giao thông vận tải và y tế).

Phiên 2 với chủ đề “Chuyển đổi số và chuyển dịch cơ cấu theo hướng bao trùm và bền vững” các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về các nội dung liên quan đến chuyển đổi số mang tính bao trùm: Cơ hội và thách thức; Hành động của Việt Nam nhằm thúc đẩy chuyển đổi số với vai trò động lực cho phát triển bao trùm và bền vững; Hành động của khu vực doanh nghiệp: Mang số hóa đến cho tất cả mọi người; Bảo đảm tính bao trùm của chuyển đổi số./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3967
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)