Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/09/2020-18:35:00 PM
Thúc đẩy thu hút đầu tư của Pháp vào Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19 (Xem tin ảnh)
(MPI) – Đây là chủ đề của Tọa đàm trực tuyến Việt Nam - Pháp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Nghiệp đoàn giới chủ Pháp (MEDEF) phối hợp tổ chức ngày 28/9/2020. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương và Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam - Pháp, Phó Chủ tịch MEDEF Francois Corbin đồng chủ tọa Tọa đàm.

Tọa đàm có sự tham dự của Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery, các Bộ Châu Âu và Ngoại giao, Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp, đại diện của hơn 70 tập đoàn, công ty lớn của Pháp, thành viên của MEDEF, đại diện cho tất cả các lĩnh vực kinh tế của Pháp như: Tập đoàn Total, Tập đoàn ADP Ingenierie, EGIS, MICHELIN,… Về phía Việt Nam, có sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Pháp, đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, cùng đại diện nhiều sở, ban, ngành trong cả nước. Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp toàn cầu đang có xu hướng tái cơ cấu chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng nhằm đa phương hóa, đa dạng hóa đầu tư để tránh phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác và tìm kiếm các địa điểm đầu tư mới an toàn và hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, nhờ có các giải pháp chủ động và hiệu quả trong việc phòng chống Covid-19, Việt Nam vẫn bảo đảm vận hành bình thường và không để xảy ra đứt gãy nền kinh tế. GDP 06 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%, dự kiến GDP năm 2020 tăng 4,1%. Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới đạt được mức tăng trưởng dương. Các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được giữ vững. 8 tháng đầu năm 2020, CPI được kiểm soát ở mức dưới 4%. Xuất nhập khẩu ước đạt trên 174 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Hướng tới năm 2021, Việt Nam dự kiến tăng trưởng GDP sẽ đạt khoảng 6,7%. Việt Nam được coi là điểm đến hấp dẫn để dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các quốc gia lớn trên thế giới, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng trong đó sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội và các chính sách, hành lang pháp lý được xây dựng, sửa đổi và từng bước hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam,… là những nội dung cốt lõi, tạo nên mức tín nhiệm quốc gia và lòng tin của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, quan hệ Việt Nam - Pháp đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất kể từ khi hai nước ký Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược năm 2013. Việt Nam là nước ASEAN thứ 2 sau Xinh-ga-po và nước đang phát triển đầu tiên ở châu Á ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) với EU, mở thêm các cơ hội cho các nhà đầu tư của Việt Nam và Pháp tiếp cận thị trường của nhau. Theo đó, việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài và Việt Nam sẽ được thực hiện một cách chủ động, có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu… Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam giai đoạn tới sẽ ưu tiên các dự án công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu…

Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam - Pháp, Phó Chủ tịch MEDEF Francois Corbin. Ảnh: (MPI)

Phát biểu tại Tọa đàm, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam - Pháp, Phó Chủ tịch MEDEF đánh giá, một số lượng rất lớn các tập đoàn và doanh nghiệp của Pháp và Việt Nam tham gia vào cuộc Tọa đàm trực tuyến này, đây là minh chứng rõ nét và tốt nhất về sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp Pháp hay Việt Nam. Mối quan tâm này trước hết là bởi những đặc điểm nội tại của Việt Nam như: đất nước nằm ở trung tâm của ASEAN và dự kiến đây sẽ là khu vực hứa hẹn nhất trên thế giới trong vài năm tới. Việt Nam trong vài năm đã thực hiện các bước đi mở cửa và cải cách để đạt được tỷ lệ tăng trưởng đáng khích lệ. Điều đáng chú ý là Việt Nam có thể sẽ giữ tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2020, bất chấp tác động đáng kể của Covid-19 đến các hoạt động kinh tế. Những đặc điểm nội tại này khiến Việt Nam trở thành ứng cử viên sáng giá cho quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở châu Á.

Phát biểu tại Tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp cho rằng, Hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến lần này đã cho thấy mối quan tâm và kỳ vọng lớn của cộng đồng doanh nghiệp Pháp tới Việt Nam cũng như chiều ngược lại. Đây là dịp để các nhà quản lý chính sách của Việt Nam đối thoại với các doanh nghiệp Pháp, cùng nhau chia sẻ về những xu hướng đầu tư mới, giải pháp cải cách môi trường đầu tư của Việt Nam, đồng thời đưa ra những đề xuất, khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, hướng đến sự thành công khi đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: MPI

Tham luận tại Tọa đàm về môi trường, chính sách và định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng cho biết, GDP 6 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam tăng 1,81%, dự kiến GDP năm 2020 tăng 2-3%, quy mô GDP đạt 262 tỷ USD, GDP đầu người gần 1.715 USD, kim ngạch thương mại năm 2019 đạt 517 tỷ USD, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đến tháng 3/2020 đạt 84 tỷ USD, chỉ số lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức hợp lý. Trong 9 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư thực hiện của nhà đầu tư nước ngoài thực hiện là 13,76 tỷ USD, giảm 3,2%). Tuy nhiên, mức độ giảm đang giảm dần so với những tháng đầu năm. Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần là 21,2 tỷ USD. Xuất khẩu khu vực đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô giảm 4,5%, không kể dầu thô giảm 4,3%. Điểm tích cực là vốn điều chỉnh tăng 6,8% (5,1 tỷ USD), xuất siêu của khu vực đầu tư nước ngoài bù đắp nhập siêu của khu vực trong nước.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Pháp hiện xếp thứ 15/138 đối tác đầu tư vào Việt Nam, xếp thứ 2 của EU về đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn FDI khoảng 3,62 tỷ USD với 605 dự án. Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường Việt Nam do có môi trường chính trị ổn định - xã hội mở, tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, chi phí sản xuất cạnh tranh, nguồn nhân lực dồi dào - dân số vàng, thị trường tiềm năng, hội nhập quốc tế sâu, chính sách mở với nhiều ưu đãi cạnh tranh với vị trí chiến lược…

Về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, trong giai đoạn tới, Việt Nam chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Để chuẩn bị đón dòng vốn FDI dịch chuyển, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng cho biết, thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư để có thể đẩy nhanh các quy trình, đơn giản hóa thủ tục và tạo hành lang thông thoáng, điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam đầu tư và hợp tác kinh doanh. Để chuẩn bị đón làn sóng đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang tiến hành rà soát quỹ đất khu công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chương trình hành động, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, kết nối với các dự án FDI lớn,… Đặc biệt, để tháo gỡ các khó khăn và đẩy nhanh quy trình tạo hành lang thông thoáng cho các nhà đầu tư, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư do Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh là Tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là Tổ phó thường trực để tập trung tháo gỡ những nút thắt về đầu tư, thu hút các dự án có chất lượng, quy mô vốn lớn, công nghệ cao,…

Cập nhật về Hiệp định EVFTA, các cơ chế tạo thuận lợi đầu tư dành riêng cho Việt Nam trong thời gian tới và cập nhật về Luật đầu tư, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Thị Châu Quỳnh cho biết, hệ thống các cam kết liên quan đến đầu tư của Việt Nam, các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương (BIT) đã tính đến tháng 9/2020, Việt Nam đã ký kết với 66 quốc gia và vùng lĩnh thổ, sớm nhất là từ năm 1990. Trong đó, có 21 BIT với các nước thành viên EU.

Bà Vũ Thị Châu Quỳnh cho biết, với việc ban hành Luật đầu tư sửa đổi năm 2020 đã tạo minh bạch hóa về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài qua việc Chính phủ công bố danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, ngoài những ngành nghề này, nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như nhà đầu tư trong nước. Đảm bảo quyền sở hữu tài sản và tự do kinh doanh thông qua cam kết không trưng thu, quốc hữa hóa tài sản bằng biện pháp hành chính, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, quyền chuyển vốn và lợi nhuận ra nước ngoài, bảo đảm ổn định ưu đãi đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật. Đồng thời, thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội tối đa thêm 50% so với mức ưu đãi cao nhất hiện hành. Khuyến khích R&D, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học, hoạt động đổi mới sáng tạo, sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, phát triển công nghiệp môi trường. Khuyến khích các mô hình kinh doanh mới, trong đó giao Chính phủ quy định chi tiết các hình thức đầu tư mới nhằm đảm bảo thích ứng với các phương thức tổ chức kinh doanh mới đang phát triển nhanh chóng dưới tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tọa đàm diễn ra cởi mở, các doanh nghiệp Pháp đã đặt rất nhiều câu hỏi về các dự án đầu tư ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới. Các doanh nghiệp, tập đoàn của Pháp bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ và niềm tin đối với những cơ hội hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh các hiệp định EVFTA, EVIPA đã được ký kết, đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là những đột phá, mở cửa về thể chế, chính sách. Cùng với đó là những tín hiệu tốt về tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương hai nước không ngừng gia tăng, quan hệ hợp tác, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước cũng đang ngày một phát triển tích cực. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục trao đổi thông tin cho nhau về những vấn đề cần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương Việt - Pháp, tạo lập hành lang pháp lý thông thoáng để thu hút đầu tư của Pháp vào những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, trong đó chú trọng, đến những lĩnh vực có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao phù hợp với thế mạnh của các tập đoàn có uy tín của Pháp trên trường quốc tế./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3951
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)