Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/09/2020-15:07:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2020 của tỉnh Thanh Hóa

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

a) Trồng trọt

Sản xuất vụ thu mùa năm nay, do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết nắng nóng, nên ngay từ đầu vụ sản xuất đã không được thuận lợi, tiến độ gieo trồng chậm so với kế hoạch, đồng thời khiến hàng nghìn ha lúa mới gieo cấy bị thiếu nước, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển. Trước tình hình thời tiết bất lợi, để chăm sóc và bảo vệ cây trồng đầu vụ thu mùa trong thời gian diễn ra nắng nóng gay gắt, nhất là diện tích lúa, các doanh nghiệp quản lý và khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện các giải pháp bảo đảm nước tưới cho cây trồng. Theo kết quả điều tra diện tích gieo trồng cây hàng năm, vụ thu mùa năm 2020, toàn tỉnh gieo trồng được 157,3 nghìn ha, giảm 1,3% so với cùng kỳ. Trong đó: Diện tích lúa 115 nghìn ha, giảm 3,9% so với cùng kỳ (diện tích cấy lúa lai 33,4 nghìn ha, chiếm 29,1% trong tổng diện tích gieo cấy, tăng 3,4% so với vụ thu mùa năm 2019; diện tích cấy lúa chất lượng cao 15,2 nghìn ha, chiếm 13,2% trong tổng diện tích gieo cấy, gấp 1,9 lần vụ thu mùa năm 2019); ngô 13.136 ha, giảm 6,9% so cùng kỳ; lạc 952 ha, giảm 14,6%; đậu tương 310 ha, giảm 1,9%; khoai lang 1.399 ha, giảm 8,8%; rau các loại 11.980 ha, tăng 2,4%; cây gia vị, dược liệu, hương liệu 971 ha, giảm 18,3%; cây hàng năm khác 7.886 ha, gấp 2,1 lần…

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay lúa trà sớm trong giai đoạn trỗ báo, trà chính vụ trong giai đoạn làm đòng; cây ngô trong giai đoạn chín sữa; cây lạc trong giai đoạn phát triển củ…; diện tích lúa trỗ (tính đến ngày 15/8) 10,1 nghìn ha, đạt 8,8% diện tích đã gieo trồng. Sâu bệnh gây hại trên cây trồng cũng đã xuất hiện như: rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn… đang gây hại nhẹ và rải rác trên cây lúa tại một số huyện; chuột gây hại nặng trên diện tích 103 ha lúa đang làm đòng, phân bố tại các huyện: Ngọc Lặc, Bá Thước, Yên Định, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Vĩnh Lộc, Hậu Lộc. Để chủ động phòng tránh sâu bệnh hiệu quả, bảo vệ an toàn cho các loại cây trồng vụ mùa năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương nắm bắt tình hình diễn biến sâu bệnh, dự tính khả năng phát sinh của các loại sâu bệnh để có biện pháp phòng, trừ thích hợp, hiệu quả. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân nhận biết, phát hiện dịch hại và các biện pháp phòng, trừ hiệu quả khi có sâu bệnh gây hại trên diện rộng.

b) Chăn nuôi

Điều tra chăn nuôi kỳ 01/7/2020 được tiến hành điều tra toàn bộ doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm; thôn có chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm và vật nuôi khác; hộ chăn nuôi có quy mô lớn; kết hợp với điều tra chọn mẫu đối với các hộ chăn nuôi lợn, gia cầm có quy mô nhỏ của 27/27 huyện, thị xã, thành phố. Kết quả tổng hợp suy rộng như sau: Tại thời điểm 01/7/2020, toàn tỉnh có 177,5 nghìn con trâu, giảm 1,7% so với thời điểm 01/7/2019; 250,3 nghìn con bò (bao gồm cả bò sữa), tăng 0,3% so với thời điểm 01/7/2019; 910,1 nghìn con lợn (bao gồm cả lợn con), giảm 8,8% so với thời điểm 01/7/2019; 20,9 triệu con gia cầm, tăng 5,1% so với thời điểm 01/7/2019. Nguyên nhân chính khiến đàn lợn giảm so với cùng thời điểm năm trước là mặc dù dịch tả lợn Châu Phi đã hoàn toàn chấm dứt trên địa bàn tỉnh, nhưng chăn nuôi lợn vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do hậu quả của dịch bệnh kéo dài và gây thiệt hại đáng kể. Sau dịch, đàn lợn đang có dấu hiệu phục hồi, nhưng việc tái đàn rất chậm, do nguồn con giống khan hiếm và giá lợn giống đang ở mức cao.

1.2. Lâm nghiệp

Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 4.532 ha rừng trồng tập trung, đạt 45,3% kế hoạch, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được quan tâm thường xuân và tăng cường; không xảy ra cháy rừng, an ninh rừng được giữ vững.

2. Sản xuất công nghiệp

Tháng Tám, mặc dù dịch bệnh Covid-19 quay trở lại và diễn biến phức tạp hơn giai đoạn trước, nhưng các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sản xuất kinh doanh cơ bản ổn định, nhiều sản phẩm tăng so với tháng trước và tháng cùng kỳ. Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đẩy mạnh sản xuất, đạt đến công suất thiết kế, nên sản lượng sản phẩm sản xuất tăng khá cao so với tháng trước và tháng cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 8/2020 tăng 10,13% so với tháng trước, tăng 7,58% so với tháng cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm 15,53% so với tháng trước, giảm 11,11% so với tháng cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,20% so với tháng trước, tăng 7,90% so với tháng cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 0,21% so với tháng trước, tăng 4,77% so với tháng cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,11% so với tháng trước, giảm 0,41% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 6,56% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm 21,78%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,60%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 7,29%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,36%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 8/2020 dự kiến giảm 5,18% so với tháng trước, giảm 3,31% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm 2020, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,96% so với cùng kỳ năm 2019.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 8/2020 dự kiến giảm 6,28% so với tháng trước; giảm 12,57% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 8/2020 dự kiến tăng 3,67% so với tháng trước; giảm 1,59% so với tháng cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,18% so với tháng trước; giảm 10,61% so với tháng cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,29% so với tháng trước; giảm 7,27% so với tháng cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 5,27% so với tháng trước; tăng 1,48% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm 2020,sốlao độnglàm việctrong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 2,18% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 7,35%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 5,42%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 0,42%.

3. Đầu tư

Ước tính tháng 8/2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước địa phương đạt 928,7 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 383,2 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 283,5 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 262 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước địa phương ước đạt 6.355,9 tỷ đồng, đạt 62,0% kế hoạch năm và tăng 29,8% so cùng kỳ năm 2019; bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 2.793,2 tỷ đồng, đạt 64,3% kế hoạch, tăng 27,0% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 1.908 tỷ đồng, đạt 57,9% kế hoạch, tăng 34,2% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 1.654,7 tỷ đồng, đạt 63,4% kế hoạch, tăng 29,7% so với cùng kỳ.

4. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

4.1. Hoạt động bán lẻ hàng hóa

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 8/2020 ước đạt 8.437,8 tỷ đồng, tăng 12,0% so với tháng cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 2.927,2 tỷ đồng, tăng 12,9%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình 1.295,2 tỷ đồng, tăng 30,0%; ô tô các loại 277,4 tỷ đồng, tăng 96,8%; xăng, dầu các loại 1.297,2 tỷ đồng, tăng 10,2%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm hàng hóa khác 730,1 tỷ đồng, giảm 5,8%... Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 61.964 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.

4.2. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng tháng Tám và bình quân 8 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước (tăng 4,88% và 5,62%) đều ở mức tăng cao trong 5 năm gần đây (Tốc độ tăng CPI tháng Tám so với cùng kỳ năm trước các năm 2016 - 2020 lần lượt là: 2,29%; 2,55%; 5,38%; 1,35%; 4,88%. Tốc độ tăng CPI bình quân 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2016 - 2020 lần lượt là: 1,92%; 2,67%; 4,12%; 2,14%; 5,62%).

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2020 tăng 0,29% so với tháng trước. Có 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,23% (lương thực tăng 1,09%, thực phẩm tăng 0,14%); nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,08%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,17%; nhóm giao thông tăng 0,14%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,02%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,03%. Năm nhóm hàng hóa còn lại giá cả ổn định, chỉ số giá không tăng, không giảm là: nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng đầu năm 2020 tăng 5,62% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2020 tăng 0,34% so với tháng 12/2019 và tăng 4,88% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá vàng tháng 8/2020 tăng 8,30% so với tháng trước, tăng 32,81% so với tháng 8/2019; bình quân 8 tháng đầu năm 2020 tăng 25,76% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8/2020 giảm 0,07% so với tháng trước, giảm 0,02% so với tháng 8/2019; bình quân 8 tháng đầu năm 2020 tăng 0,19% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

4.3. Vận tải hành khách và hàng hóa

Tháng Tám, dịch bệnh Covid-19 quay trở lại đã ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hành khách, một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cố định tạm ngừng hoạt động do thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương. Ước tính tháng 8/2020, doanh thu vận tải hàng hóa đạt 526,1 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước, tăng 1,2% so với tháng cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 4.753 nghìn tấn, khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 223.118 nghìn tấn.km; so với tháng trước, tăng 0,4% về hàng hóa vận chuyển, tăng 0,3% về hàng hóa luân chuyển; so với tháng cùng kỳ năm trước, tăng 0,5% về hàng hoá vận chuyển, giảm 2,2% về hàng hoá luân chuyển. Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 313,5 tỷ đồng, giảm 30,1% so với tháng trước, giảm 29,7% so với tháng cùng kỳ năm trước; số lượng hành khách vận chuyển 2.900 nghìn người, hành khách luân chuyển 175.252 nghìn người.km; so với tháng trước, giảm 31,4% về hành khách vận chuyển, giảm 32,1% về hành khách luân chuyển; so với tháng cùng kỳ năm trước, giảm 31,6% về hành khách vận chuyển, giảm 30,8% về hành khách luân chuyển. Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 42,1 tỷ đồng, giảm 0,2% so với tháng trước, giảm 10,8% so với tháng cùng kỳ năm trước; sản lượng bốc xếp qua cảng ước đạt 1.031 nghìn tấn, tăng 1,5% so với tháng trước, giảm 4,7% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2019, doanh thu vận tải hàng hoá ước đạt 4.145,4 tỷ đồng, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước; hàng hóa vận chuyển 36,3 triệu tấn, hàng hoá luân chuyển 1.684,4 triệu tấn.km, giảm 4,7% về hàng hoá vận chuyển, giảm 6,4% về hàng hoá luân chuyển so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 2.144,9 tỷ đồng, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước; hành khách vận chuyển 25,3 triệu người, hành khách luân chuyển 1.561,1 triệu người.km, giảm 25,1% về hành khách vận chuyển, giảm 22,8% về hành khách luân chuyển so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 350,8 tỷ đồng, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng bốc xếp qua cảng đạt 8,5 triệu tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

4.4. Hoạt động lưu trú và ăn uống, du lịch lữ hành

Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn toàn tỉnh tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage, quán bar, vũ trường trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày 07/8/2020. Vì vậy, các hoạt động kinh doanh nhà hàng - khách sạn, du lịch và một số dịch vụ vui chơi giải trí tháng 8/2020 giảm mạnh so với tháng trước và tháng cùng kỳ.

Tháng 8/2020, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 809,7 tỷ đồng, giảm 16,7% so với tháng cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 79,5 tỷ đồng, giảm 59,0%; dịch vụ ăn uống ước đạt 730,2 tỷ đồng, giảm 6,2%; số lượt khách khách sạn phục vụ ước đạt 219,8 nghìn lượt khách, giảm 63,6% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 368,6 nghìn ngày khách, giảm 63,3% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 6.117,8 tỷ đồng, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 979,6 tỷ đồng, giảm 36,4%; dịch vụ ăn uống ước đạt 5.138,2 tỷ đồng, giảm 16,6%; số lượt khách khách sạn phục vụ ước đạt 2.794 nghìn lượt khách, giảm 39,6% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 4.573 nghìn ngày khách, giảm 39,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Doanh thu du lịch lữ hành tháng 8/2020 ước đạt 4,5 tỷ đồng, giảm 59,8% so với tháng cùng kỳ, lượt khách du lịch theo tour ước đạt 1.866 lượt khách, giảm 65,5% so với cùng kỳ; ngày khách du lịch theo tour đạt 6.265 ngày khách, giảm 62,3% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 53,5 tỷ đồng, giảm 40,0% so với cùng kỳ; lượt khách du lịch theo tour đạt 23.508 lượt khách, giảm 43,7% so với cùng kỳ; ngày khách du lịch theo tour đạt 75.739 ngày khách, giảm 41,7% so với cùng kỳ năm 2019.

5. Một số tình hình xã hội

5.1. Thiếu đói trong nông dân và an sinh xã hội

Tháng 8/2020, đời sống nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định. Các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện chi trả chế độ trợ cấp thường xuyên cho gần 75 nghìn đối tượng người có công với cách mạng; 204,6 nghìn đối tượng và hộ gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng. Quan tâm xử lý, giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và thân nhân theo đúng quy định. Trong tháng đã tiếp nhận và giải quyết chế độ, chính sách mới cho 7 trường hợp có công với cách mạng và thân nhân; quyết định trợ cấp thờ cúng liệt sĩ cho 83 trường hợp; giải quyết chế độ mai táng phí người có công cho 131 trường hợp; tiếp nhận, di chuyển, sao lục hồ sơ người có công và cấp lại thẻ thương binh, bệnh binh, liệt sĩ cho 64 trường hợp; báo tin mộ, cung cấp thông tin, sửa đổi thông tin mộ liệt sĩ 30 trường hợp; hỗ trợ kinh phí di chuyển mộ liệt sĩ 5 trường hợp. Thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị bệnh cho 1.064 đối tượng bảo trợ xã hội đảm theo quy định.

Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19;Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 vàKế hoạch số 99/KH-UBND ngày 29/4/2020 về việc hỗ trợ người dân trong đại dịch Covid-19 của UBND tỉnh; theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 14/8/2020 toàn tỉnh có 703.657 đối tượng người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội đã nhận được kinh phí hỗ trợ (đợt 1), tổng số tiền đã cấp phát trên 705.807 triệu đồng; đối với nhóm đối tượng người lao động, người sử dụng lao động và hộ kinh doanh, toàn tỉnh đã có 12 huyện, thị xã, thành phố (Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Bá Thước, Như Xuân, Hà Trung, Nga Sơn, Nông Cống, Hậu Lộc, Triệu Sơn, Quan Sơn, TP. Thanh Hóa và TX. Nghi Sơn) hoàn thành chi trả hỗ trợ (đợt 2); tổng số đối tượng đã được nhận kinh phí hỗ trợ là 11.034 đối tượng, tổng số tiền đã cấp phát là 12.115 triệu đồng.

5.2. Lao động, việc làm

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý lao động là người nước ngoài đến làm việc tại tỉnh, đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Tăng cường công tác tư vấn, kết nối thông tin thị trường lao động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời tuyển dụng bổ sung số lao động đã nghỉ việc trong những tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; giới thiệu 03 doanh nghiệp xuất khẩu lao động về các huyện, thị xã, thành phố tuyển dụng lao động đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan. Quan tâm thực hiện việc tư vấn, hỗ trợ tìm kiếm việc làm mới miễn phí cho 100% người lao bị mất việc làm đến nộp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Kết quả trong tháng 8/2020, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 4.510 lao động, trong đó đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 220 người. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 25.280 lao động; trong đó, đưa đi làm việc ở nước ngoài 3.460 người. Đôn đốc các cơ sở giáo dục dạy nghề đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyển sinh đào tạo nghề; đến tháng 8/2020 đã tuyển sinh, đào tạo được 2.009 người (trình độ trung cấp 489 người; trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên dưới 03 tháng 1.520 người). Ngoài phát triển thị trường lao động, trong tháng 8, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm hỗ trợ giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách cho người lao động theo đúng quy định.

5.3. Y tế

Trong tháng, ngành Y tế tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh; tăng cường các hoạt động truyền thông về bệnh bạch cầu; đặc biệt tập trung chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; phát triển khoa học kỹ thuật; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, quản lý tốt khám chữa bệnh BHYT, tăng cường năng lực y tế tuyến xã; khống chế dịch bệnh; kiểm soát tốt an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, một số bệnh thông thường vẫn xảy ra; tính từ đầu năm đến ngày 14/8/2020 có 556 ca mắc bệnh tay chân miệng, 49 ca sởi, 42 ca sốt xuất huyết Dengue, 5 ca ho gà, 33 ca viêm não Virut, 03 ca viêm não Nhật Bản, 01 ca uốn ván khác, 10 ca nghi bại liệt, 04 ca mắc bệnh dại và 02 ca viêm gan B.

Về phòng chống dịch Covid-19: Trước diễn biến phức tạp, khó lường, với việc có bệnh nhân Covid-19 trong cộng đồng, đặc biệt là đã xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại Đà Nẵng, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương và một số địa phương khác, nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan tại Thanh Hóa là rất cao, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Các cấp, các ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh đã tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, trọng tâm là kiện toàn, khởi động lại Ban Chỉ đạo từ tỉnh đến xã và tổ giám sát cộng đồng cấp huyện, cấp xã, cấp thôn; tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả; thực hiện tốt công tác giám sát, cách ly các đối tượng theo đúng quy định. Nhìn chung nhân dân đều chấp hành tốt các biện pháp và quy định trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 23/8, số người trở về từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương và các địa phương có dịch hiện đã và đang được theo dõi cách ly là 21.139 trường hợp, trong đó, số người đã hết thời gian cách ly là 16.057 trường hợp, số người hiện tại đang được cách ly là 5.082 trường hợp. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa đã lấy mẫu 2.352 người làm xét nghiệm, đã có kết quả xét nghiệm của 1.369 người; trong đó, 1.368 trường hợp âm tính, 01 trường hợp dương tính với với SARS-CoV-2 (bệnh nhân số 748). Đối với bệnh nhân số 748, bà Đỗ Thị Hoàn 54 tuổi, địa chỉ thôn Nam Bắc, phường Quảng Vinh, TP. Sầm Sơn; qua rà soát, truy vết có 47 F1 tại 08 xã/phường/thị trấn của các huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa và TP. Sầm Sơn; kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính, giải phóng toàn bộ F2; chuyển toàn bộ F1 về cách ly tại nhà theo quy định; dự kiến lấy mẫu lần 3 khi chuẩn bị hoàn thành thời gian cách ly.

5.4. Giáo dục

Trong tháng, ngành Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; hoàn thành thu hồ sơ thí sinh trúng tuyển vào lớp 10 các trường THPT năm học 2020 - 2021 theo quy định; tập trung chỉ đạo các đơn vị, trường học chuẩn bị cho khai giảng năm học 2020 - 2021; chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; chấn chỉnh việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong thời gian nghỉ hè; tổ chức hội nghị Tổng kết năm học 2019 - 2020 và triển khai nhiệm vụ năm học 2020 - 2021; tổ chức hội nghị tập huấn chuyên đề theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; hoàn thiện các đề án, dự án được UBND tỉnh giao năm 2020.

Ngày 06/8/2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 3163/QĐ-UBND, về Kế hoạch, thời gian năm học 2020 - 2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; theo đó, ngày tựu trường đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên (hệ bổ túc văn hóa) vào ngày 01/9/2020; ngày khai giảng đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên (hệ bổ túc văn hóa) vào ngày 05/9/2020; Trung tâm học tập cộng đồng từ ngày 01-10/10/2020. Thời gian thực học của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông năm học 2020 - 2021 có ít nhất 35 tuần thực học (học kỳ I có ít nhất 18 tuần, học kỳ II có ít nhất 17 tuần); đối với giáo dục thường xuyên (thực hiện chương trình giáo dục THCS, THPT) có ít nhất 32 tuần thực học (mỗi học kỳ có ít nhất 16 tuần).

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trên địa bàn tỉnh được tổ chức trong 02 ngày 09 và 10/8/2020; toàn tỉnh có 70 điểm thi đặt tại các trường THPT của 27 huyện, thị xã, thành phố; tổng số phòng thi là 1.479 phòng; có 34.591/34.923 thí sinh dự thị đạt tỷ lệ 99,05%; không có cán bộ vi phạm quy chế thi, có 02 thí sinh vi pham quy chế thi, bị đình chỉ thi. Trong 02 ngày thi, toàn tỉnh đã lập 05 phòng thi cách lyphòng, chống dịchCovid-19cho 08 thí sinh thuộc diện cách ly hoặc có biểu hiện ho, sốt. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; tuy nhiên, với sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kỳ thi đã thành công tốt đẹp, bảo đảm đúng quy chế và an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Công tác chấm thi được triển khai ngay từ ngày 11/8, dự kiến ngày 27/8, Thanh Hóa có thể công bố kết quả cho thí sinh theo đúng kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo; ngày 29/8 có thể xét công nhận tốt nghiệp THPT; ngày 31/8 - 1/9 hiệu trưởng các trường THPT có thể in và cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho các thí sinh.

5.5. Văn hoá - Thể dục thể thao

Ngành Văn hóa - Thông tin tập trung tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, tổ chức các sự kiện chính trị, ngày lễ lớn, quan trọng của đất nước, của tỉnh, như: Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá (29/7/1930 - 29/7/2020); kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2020) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2020); tuyên truyền Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh”; Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; tuyên truyền về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp và những công lao, đóng góp cho đất nước, cho quê hương Thanh Hóa của đồng chí Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới; tuyên truyền giới thiệu, quảng bá hình ảnh tốt đẹp Đất và Người xứ Thanh... Thông qua các hoạt động này, đã góp phần nâng cao nhận thức chính trị, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong triển khai nhiệm vụ.

Trong tháng, các hoạt động chiếu phim, luân chuyển sách, báo, phát hành tạp chí văn hóa và biểu diễn nghệ thuật được thực hiện nghiêm túc, chất lượng, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ của nhân dân trên địa bàn; đặc biệt chương trình nghệ thuật với chủ đề “Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa - 90 năm truyền thống vẻ vang" được dàn dựng công phu, hoành tráng do các nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn và Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa thực hiện. Ngoài ra, tham gia các cuộc liên hoan, độc tấu nhạc cụ dân tộc, thi tài năng trẻ toàn quốc; tham gia Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân” lần thứ IV năm 2020 tại Hà Nội đạt thành tích xuất sắc, đạt 01 huy chương bạc vở diễn, 04 huy chương vàng và 06 huy chương bạc cá nhân.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hóa; ngày 04/8/2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành công văn số 2585/SVHTTDL-QLTDTT về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động thể dục, thể thao; theo đó, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, các liên đoàn thể thao tỉnh Thanh Hóa, các đơn vị có liên quan tạm hoãn tổ chức các sự kiện, giải đấu thể thao có quy mô lớn, tập trung đông người trên địa bàn toàn tỉnh cho đến thời điểm thích hợp sẽ tổ chức lại. Chủ động, tích cực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhân dân trên địa bàn lựa chọn các môn thể thao, địa điểm, hình thức luyện tập phù hợp với điều kiện thực tế để nâng cao sức khỏe, cải thiện thể trạng và nâng cao sức đề kháng, chống đỡ bệnh tật.

5.6. Tai nạn giao thông

Công an, Thanh tra giao thông phối hợp với các ngành, các địa phương huy động lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, bố trí lực lượng, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, tháng Tám (tính từ ngày 15/7/2020 đến hết ngày 14/8/2020) xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông, làm chết 11 người, bị thương 21 người; so với tháng cùng kỳ, tăng 25,0% về số vụ, tăng 37,5% về số người chết, tăng 16,7% về số người bị thương. Tính chung 8 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 284 vụ tai nạn giao thông, làm 96 người chết và 246 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước, giảm 9,0% về số vụ, giảm 15,8% về số người chết, giảm 14,3% về số người bị thương.

5.7. Thiệt hại do thiên tai

Để chủ động ứng phó với bão số 2, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công điện chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm; bố trí nhân lực kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; không để người dân vớt củi trên sông, suối khi mưa lũ;các huyện đã kiểm tra cụ thể phương án "bốn tại chỗ". Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, từ ngày 01-03/8/2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có mưa vừa đến mưa to, lượng mưa phổ biến từ 50 - 90 mm, mưa lớn đã gây ra lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất ở nhiều nơi, đặc biệt là tại bản Lầm, xã Trung Tiến; bản Bo Hiềng, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn khiến hàng trăm hộ dân bị cô lập; làm thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai báo cáo cập nhật tình hình thiệt hại do bão số 2 gây ra tại Thanh Hóa; có 17 vị trí trên Quốc lộ 16, Quốc lộ 217, Quốc lộ 47 đoạn qua các huyện Mường Lát, Quan Sơn và Thường Xuân (Thanh Hóa) bị sạt lở ta luy dương với tổng khối lượng khoảng 3.300 m3. Đáng chú ý, tại huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), mưa lớn tại xã Na Mèo làm 01 đập tạm bị ngập; 01 cầu tạm qua bản Lầm tại xã Trung Tiến bị cuốn trôi, khiến việc đi lại của người dân vùng biên này hết sức khó khăn. Xã Na Mèo là địa phương từng chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai cuối năm 2019 khiến ít nhất 78 hộ dân bản Sa Ná mất nhà cửa. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, cấp ủy, chính quyền các địa phương và các ngành đã khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu trợ lương thực, thực phẩm, các đồ dùng thiết yếu cho người dân hai xã Trung Tiến và Na Mèo khi người dân có nhu cầu.Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cùng người dân địa phương cũng đã gấp rút sớm sửa chữa lại cầu, đập tạm sau khi nước lũ trên sông Luồng, sông Lò rút xuống, đồng thời huy động lực lượng, phương tiện khắc phục sự cố hư hỏng trên các tuyến đường giao thông nhằm đảm bảo việc đi lại an toàn cho người dân.

5.8. Cháy, nổ

Tháng 7/2020, toàn tỉnh xảy 33 vụ cháy, tăng 11 vụ so với cùng kỳ năm trước; thiệt hại 636 triệu đồng. Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 98 vụ cháy, làm 2 người chết và 13 người bị thương; thiệt hại về tài sản 1.752 triệu đồng. Công tác kiểm tra an toàn PCCC trong tháng được tăng cường, đã tổ chức kiểm tra, hướng dẫn an toàn PCCC 825 lượt cơ sở, lập 825 biên bản kiểm tra, phát hiện 2.677 sơ hở thiếu sót, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC 14 trường hợp, phạt tiền 22,3 triệu đồng.


Cục Thống kê Thanh Hóa

  • Tổng số lượt xem: 619
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)