Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/10/2020-16:55:00 PM
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021 (Xem tin ảnh)
(MPI) – Nhằm nhận định được những thời cơ cũng như thách thức, đánh giá sát với thực tế, tư vấn giúp Chính phủ ban hành những chính sách hợp lý, ngày 15/10/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Tọa đàm “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021”. Thứ trưởng Trần Quốc Phương chủ trì buổi Tọa đàm.
Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: MPI

Tọa đàm nhằm tổng hợp các ý kiến của các chuyên gia, đại biểu, nhà khoa học, … về bối cảnh và các kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn; đề xuất kiến nghị và giải pháp phù hợp giúp kinh tế Việt Nam hồi phục nhanh và phát triển bền vững trong thời kỳ hậu Covid-19.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 làm ngưng trệ luồng đầu tư, đứt gãy chuỗi thương mại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các quốc gia trên thế giới buộc chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, hồi phục và phát triển kinh tế song song với khống chế và ngăn ngừa bệnh dịch. Điều này cho thấy những rủi ro phi truyền thống luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dưới nhiều hình thức và mức độ khốc liệt không hề thua kém rủi ro truyền thống trước đây.

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng thời cho biết, với tình hình dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp, Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp điều hành nhằm ổn định nền kinh tế tuy nhiên kinh tế Việt Nam vẫn không tránh khỏi những khó khăn đặc biệt như tình hình xuất nhập khẩu giảm tương đối; đầu tư tư nhân còn gặp nhiều khó khăn; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng của mục tiêu kế hoạch và sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối cũng là một vấn đề đặc biệt khó khăn của Việt Nam trong thời gian này.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về những nội dung nêu trên, từ đó đưa ra các kiến nghị, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Tại Tọa đàm, TS. Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tóm tắt Báo cáo về “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021”. Theo đó, dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi các xu thế lớn, Covid-19 làm trầm trọng thêm xu hướng giảm tăng trưởng, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, sụt giảm thương mại, đầu tư, niềm tin đầu tư toàn cầu … GDP giảm sâu hơn các cuộc khủng hoảng trước đây. Kinh tế Việt Nam năm 2020 đón nhận cú sốc hai phía cung và cầu. Từ phía cung, sản xuất, kinh doanh bị cản trở bởi cách ly xã hội; chuỗi cung ứng bị đứt gãy, gián đoạn. Từ phía cầu, Covid-19 làm giảm tổng cầu, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu vì thất nghiệp, thiếu việc làm hay giảm thu nhập; doanh nghiệp cắt giảm đầu tư trước triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa và tình trạng khó khăn về tài chính; cầu xuất khẩu yếu do suy thoái kinh tế ở các nền kinh tế đối tác ….

Ông Đặng Đức Anh cũng đưa ra dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, tổng hợp dự báo tăng trưởng GDP năm 2021. Từ đó gợi mở ra một số hàm ý chính sách như tập trung đẩy nhanh giải ngân ngay từ đầu năm các công trình giao thông quy mô lớn, có sức lan tỏa (hệ thống đường cao tốc, sân bay, cảng biển; hạ tầng khu công nghiệp). Triển khai đầu tư đường sắt tốc độ cao một số đoạn. Đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu vào thị trường EU, đặc biệt đối với mặt hàng chủ lực như điện tử và linh kiện điện tử, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thủy sản, sau quả, nông sản chế biến, … Tiếp tục chính sách miễn, giảm 20-50% phí và lệ phí; tiền thuê đất, giảm phí công đoàn 1%. Cắt giảm khoảng 10% thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công cấp 4 đạt 25-30% ....

Tham gia ý kiến tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Hải Nam, Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh đến hành động cụ thể như cần tập trung vào hạ tầng số, xuất khẩu; chuẩn bị tốt, tập trung để đón bắt cơ hội ngay khi thị trường hồi phục; tập trung vào phát triển thị trường và doanh nghiệp trong nước …

Tại Tọa đàm các đại biểu đã đóng góp ý kiến làm rõ thêm về các vấn đề liên quan đến triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021. Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia Lưu Quang Khánh ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý sâu sắc của các đại biểu và cho biết, các ý kiến sẽ được tiếp thu, tổng hợp để hoàn thiện Báo cáo, trình cấp có thẩm quyền trong thời gian tới./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2486
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)