Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/10/2020-18:04:00 PM
Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 đạt được nhiều kết quả nổi bật
(MPI) - Sau 5 năm triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhiều mục tiêu chính đã vượt yêu cầu Quốc hội đề ra và có những đóng góp quan trọng vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.

Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV về kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia góp phần quan trọng vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia góp phần quan trọng vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Kinh tế nông thôn tăng trưởng và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ; ngành nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hình thành nhiều vùng nông nghiệp chuyên canh phát huy lợi thế của địa phương, vùng, miền; hợp tác xã đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, liên kiết hộ nông dân với hộ nông dân, kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp, là tác nhân liên kết trong chuỗi giá trị.

Đồng thời, hoàn thiện các thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản ở nông thôn, khu vực khó khăn, tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng đồng bộ, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, tạo cơ hội việc làm và ổn định thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận ngày càng tốt hơn đến các dịch vụ cơ bản của xã hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn; củng cố vững chắc hệ thống chính trị, quốc phòng - an ninh ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, tạo niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Nhà nước trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác quản lý, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 được thực hiện thống nhất, đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Bộ máy quản lý được kiện toàn, hoạt động đi vào nề nếp, có sự phân công, phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Tập trung sự chỉ đạo trong điều hành tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thông qua hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp.

Hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách quản lý, điều hành và hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Chuyển đổi từ cơ chế lập kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo từng năm sang cơ chế lập kế hoạch theo trung hạn giai đoạn 5 năm…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như công tác huy động và sử dụng nguồn lực chưa thực sự tạo được cơ chế khuyến khích những địa phương đạt kết quả tốt. Nguồn lực cân đối từ ngân sách địa phương mới chỉ tập trung cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phân bổ nguồn lực chỉ dựa vào định mức, chưa dựa trên kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và kết quả sử dụng nguồn lực hằng năm.

Bên cạnh đó, phân cấp trong quản lý đầu tư, nhất là cấp xã còn chưa thực chất. Tỷ lệ các công trình giao cấp xã làm chủ đầu tư mới đạt khoảng trên 60% và chủ yếu phân cấp đối với công trình thực hiện xây dựng nông thôn mới. Năng lực của cán bộ làm công tác quản lý, điều hành chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp huyện, cấp xã còn yếu; cán bộ phụ trách ở cấp huyện, xã còn kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên sâu làm công tác giảm nghèo.

Trong xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn tình trạng chậm tiến độ; thiết kế chính sách đặc thù hỗ trợ công tác giảm nghèo chưa thực sự phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng dân tộc thiểu số; cấp tỉnh chưa quan tâm đầy đủ đến công tác ban hành các quy định về phân cấp, hướng dẫn lập kế hoạch cấp xã, quản lý và sử dụng nguồn vốn huy động khác, cơ chế lồng ghép. Việc chấp hành chế độ báo cáo trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, chưa kịp thời, đầy đủ theo quy định.

Xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025: công cụ để hỗ trợ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, căn cứ quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, Chính phủ thấy rằng vẫn cần thiết phải xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia như là một công cụ để hỗ trợ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; ưu tiên tập trung nguồn lực để giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội. Trên cơ sở đó, Chính phủ xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia lựa chọn đề xuất thực hiện trong giai đoạn 2021-2015 đáp ứng các nguyên tắc chứa đựng những vấn đề có tính cấp bách, liên ngành, liên vùng, có tính lan tỏa đối với phát triển kinh tế - xã hội; mục tiêu của chương trình phải cụ thể rõ ràng, đo lường được, không trùng lặp với mục tiêu, đối tượng, phạm vi đầu tư của các chương trình khác; chương trình có thời gian thực hiện trong 5 năm hoặc phân kỳ thực hiện cho từng giai đoạn 5 năm. Phải đảm bảo giải pháp huy động đủ nguồn lực để thực hiện và phải đảm bảo được mục tiêu phát triển bền vững, có hiệu quả.

Trên cơ sở các nguyên tắc lựa chọn nêu trên, trong giai đoạn 2021-2025 Chính phủ đề xuất 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.

Nguyên tắc phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 là nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương phải được sử dụng có hiệu quả, phân bổ theo nguyên tắc tập trung, định mức cụ thể, rõ ràng, minh bạch; đảm bảo có sự lồng ghép các nguồn lực khi thực hiện 03 chương trình trên một địa bàn.

Cơ chế phân bổ, sử dụng nguồn vốn cho giai đoạn này là trung ương phân bổ và giao các địa phương tổng nguồn vốn cùng mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình mục tiêu quốc gia, dự án thành phần và một số nội dung trọng tâm thuộc chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 theo cơ cấu nguồn vốn đầu tư, vốn sự nghiệp; hằng năm, thực hiện cơ chế phân bổ theo tổng mức vốn và giao Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ chi tiết nguồn vốn để làm căn cứ chỉ đạo, điều hành cụ thể. Đồng thời, thực hiện trích lập dự phòng 10% tại ngân sách trung ương để thực hiện những vấn đề phát sinh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến các giải pháp quản lý, điều hành, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 như kiện toàn bộ máy chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thống nhất ở trung ương và địa phương; Hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước.

Đồng thời, phân công, phân cấp trong tổ chức thực hiện và phối hợp tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ giữa bộ, cơ quan ở cấp trung ương và địa phương theo hướng tăng cường phân cấp, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Đổi mới, nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp về thông tin truyền thông và đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở…

Trong phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện các chương trình: Được trích lập 10% dự phòng vốn nguồn ngân sách trung ương trên tổng nguồn vốn được Quốc hội phê duyệt theo từng chương trình để đảm bảo nguồn lực hỗ trợ cho những đối tượng mới; các đề án, nhiệm vụ đặc thù, cấp bách phát sinh trong quá trình thực hiện; bổ sung, khuyến khích cho những địa phương đạt kết quả cao trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 đảm bảo phù hợp với khả năng tổ chức thực hiện, quản lý và giám sát ở cấp cơ sở, đặc biệt là cấp cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Trong đó, đối với các dự án đầu tư nhóm C, quy mô nhỏ, có sự tham gia của người dân được áp dụng lập “hồ sơ xây dựng công trình” theo mô hình đơn giản, phù hợp với khả năng tự thực hiện của Nhân dân, cộng đồng hưởng lợi; phân cấp tới cấp xã (Ủy ban nhân dân cấp xã) thực hiện thẩm định và phê duyệt “hồ sơ xây dựng công trình”; lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án theo hình thức tham gia thực hiện của cộng đồng. Giao Chính phủ quy định cụ thể cơ chế quản lý chương trình mục tiêu quốc gia.

Cho phép được sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước hằng năm của các chương trình mục tiêu quốc gia không sử dụng hết theo niên độ ngân sách nhà nước; nguồn thu hồi theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước để bổ sung nguồn lực cho những địa phương đạt kết quả cao trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Giao Chính phủ quy định chi tiết cơ chế sử dụng nguồn vốn này.

Toàn cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Trình bày Báo cáo thẩm tra về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được quy định trong Nghị quyết 100, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đông đảo các tầng lớp Nhân dân cùng tổ chức thực hiện, làm thay đổi sâu sắc nhận thức và nâng cao trách nhiệm của người dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về cơ cấu lại và đổi mới sản xuất nông nghiệp, giảm nghèo bền vững. Qua 5 năm thực hiện, nhiều mục tiêu tổng thể của Nghị quyết 100 đã hoàn thành, một số chỉ tiêu đạt kết quả cao. Đồng thời nhấn mạnh đến một số tồn tại, hạn chế liên quan đến ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; huy động và phân bổ vốn; công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án; cơ chế quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các chương trình; năng lực tổ chức thực hiện;…

Về sự cần thiết tiếp tục thực hiện 02 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2021-2025, ông Nguyễn Đức Hải cho rằng, việc tiếp tục đầu tư cho hai chương trình này là cần thiết để tiếp tục phát huy kết quả giai đoạn trước, cải thiện hơn nữa đời sống Nhân dân. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rà soát kỹ đối tượng, nội dung chính sách, địa bàn thực hiện giữa chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với 2 chương trình mục tiêu quốc gia sẽ được trình Quốc hội xem xét quyết định, tính toán lồng ghép ngay từ khi đề xuất chủ trương đầu tư để tránh trùng lắp hoặc bỏ sót đối tượng thụ hưởng./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2665
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)