Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/09/2020-09:55:00 AM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2020 tỉnh Bắc Giang

Theo Báo cáo của Cục Thống kê, trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang tiếp tục được duy trì phát triển.

Sản xuất nông nghiệp thuận lợi; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2020 tăng 18,67% so với tháng trước và tăng 31,37% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 8/2020 ước đạt 604.180 triệu đồng, tăng 86,74% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng ước đạt 2.209,8 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định và giữ vững. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực cụ thể như sau:

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông nghiệp

Tình hình sản xuất nông nghiệp tháng 8/2020 diễn ra trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường của mưa bão, song cơ bản vẫn thuận lợi cho việc chăm sóc và sinh trưởng của các loại cây trồng vụ mùa. Diện tích lúa mùa có xu hướng thu hẹp dần, chủ yếu do một số địa phương chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang sử dụng cho mục đích khác và trồng cây ăn quả có năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo tiến độ sản xuất nông nghiệp tính đến ngày 15/8/2020, toàn tỉnh tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ mùa ước đạt 62.081 ha, đạt 96,2% so với kế hoạch, cụ thể: Diện tích cây lúa mùa ước thực hiện 52.044 ha, bằng 99,2% so với cùng kỳ; diện tích ngô trồng ước thực hiện 1.541 ha, bằng 64,2% so với kế hoạch và bằng 106,1% so với cùng kỳ; diện tích rau các loại ước thực hiện 4.956 ha, bằng 84% so với kế hoạch và bằng 108,6% so với cùng kỳ…

Diện tích cây lúa mùa ước thực hiện 52.044 ha, bằng 99,2% so với cùng kỳ. Ảnh minh họa: BGP/ Huyền Giang.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, đàn gia cầm phát triển và tiêu thụ ổn định, không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra và tiếp tục tăng. Đàn đại gia súc vẫn có xu hướng giảm, riêng đối với đàn lợn đang có xu hướng tăng, tuy nhiên vẫn còn tăng chậm do ảnh hưởng của giá lợn giống cao và tâm lý e ngại áp dụng quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học.

Sản xuất lâm nghiệp

Trong tháng, các đơn vị tiếp tục tập trung vào việc chăm sóc rừng trồng, trồng mới những khu vực rừng đã khai thác, cụ thể: Tính đến nay, tổng diện tích rừng trồng toàn tỉnh ước tính đạt 6.785 ha, bằng 101% so với cùng kỳ; trong đó riêng tháng 8 ước đạt 800 ha, bằng 101,3% so với cùng kỳ. Các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, song, các vụ cháy rừng vẫn xảy ra. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 06 vụ cháy rừng và thiệt hại 5,7 ha; xảy ra 02 vụ phá rừng và làm thiệt hại 17,1 ha.

Sản xuất thủy sản

Sản lượng thủy sản tháng 8/2020 ước tính đạt 3.370 tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ, trong đó cá đạt 3.225 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ; tôm đạt 26 tấn, bằng 96,3% so với cùng kỳ; thủy sản khác đạt 109 tấn, bằng 96,9% so với cùng kỳ. Trong đó: Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 3.122 tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 248 tấn, bằng 97,9% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản 8 tháng đạt 27.708,5 tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ.

2. Sản xuất công nghiệp

Tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng đang lấy lại được đà tăng trưởng, bởi các dự án mới đi vào hoạt động, nguồn nguyên vật liệu được cung cấp kịp thời, cùng với đó là các chính sách đột phá hỗ trợ doanh nghiệp về vốn của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, một số ngành do tác động của dịch Covid-19 đến nguồn nguyên liệu, sức tiêu thụ giảm nên vẫn chưa đạt được mức tăng trưởng, cụ thể: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2020 tăng 18,67% so với tháng trước và tăng 31,37% so với cùng kỳ. Đóng góp chính vào tốc độ tăng của chỉ số sản xuất công nghiệp là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, cụ thể: Ngành khai khoáng có chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 16,56% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 19,51% so với tháng trước và tăng 33,39% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, trong tháng vẫn còn một số ngành chưa phục hồi được sản xuất, do đơn đặt hàng giảm, khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu, như: Ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic có chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ đạt 62,49% so với cùng kỳ; ngành sản xuất đồ uống chỉ số sản xuất công nghiệp đạt 88,18% so với cùng kỳ; ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt 88,56% so với cùng kỳ,... Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 12,28% so với cùng kỳ.

3. Thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản

Vốn đầu tư thực hiện thuộc vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý dự tính trong tháng tiếp tục tăng so với cùng kỳ, do thực hiện tốt các giải pháp thúc đẩy tiến độ thi công, các đơn vị thi công thực hiện giải ngân kịp thời một số dự án lớn và trọng điểm cũng như tiến độ và khối lượng thi công đảm bảo kế hoạch, thúc đẩy vốn đầu tư tăng lên so với tháng trước và so với cùng kỳ, cụ thể:

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 8/2020 ước đạt 604.180 triệu đồng, tăng 86,74% so với cùng kỳ, bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh quản lý đạt 328.391 triệu đồng (chiếm 54,4% tổng vốn thực hiện), tăng 73,2% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện quản lý đạt 245.518 triệu đồng (chiếm 40,6% tổng vốn thực hiện), bằng 212,7% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã quản lý đạt 30.271 triệu đồng (chiếm 5% tổng vốn thực hiện), tăng 63,7% so với cùng kỳ. Một số dự án vốn thực hiện cao trong tháng như: Dự án Khối nhà trung tâm, Khối nhà chuyên khoa đặc thù, Khoa truyền nhiễm và các hạng mục phụ trợ - Bệnh viện Đa khoa tỉnh ước đạt 10,8 tỷ đồng; Dự án cải tạo và nâng cấp sửa chữa QL17 đoạn huyện Việt Yên và Tân Yên, giá trị thực hiện ước đạt 9,1 tỷ đồng,… Tính chung 8 tháng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 3.101,1 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ.

4. Giao thông, bưu điện

Vận tải và kho bãi

Hoạt động vận tải, kho bãi tháng 8/2020 đang có tín hiệu tốt bởi hoạt động công nghiệp và xây dựng bắt đầu lấy lại được đà tăng trưởng. Doanh thu vận tải kho bãi ước đạt 409,5 tỷ đồng, tăng 5% so với tháng trước. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tái bùng phát, cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh chưa kịp hồi phục nên so với cùng kỳ, doanh thu vận tải, kho bãi tháng 8/2020 giảm 4,6%. Tính chung 8 tháng doanh thu vận tải, kho bãi ước đạt 2.859,4 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ, cụ thể: Vận tải hành khách tháng 8/2020 ước tính doanh thu đạt 70,2 tỷ đồng, bằng 64,9% so với cùng kỳ; vận chuyển hành khách ước đạt 1.466 nghìn lượt khách, bằng 60,9% so với cùng kỳ; luân chuyển hành khách ước đạt 70.531 nghìn lượt khách.Km, bằng 64,6% so với cùng kỳ. Nguyên nhân lượng khách và nhu cầu đi lại của người dân giảm bởi đợt dịch Covid-19 tái bùng phát, các đơn vị vận tải cũng đang giảm tần suất các chuyến trong ngày để tránh tình trạng lây lan dịch bệnh. Tính chung 8 tháng doanh thu vận tải hành khách ước đạt 529,8 tỷ đồng, bằng 62,7% so với cùng kỳ…

Về Bưu chính viễn thông

Trong tháng, ngành đã tăng cường chỉ đạo điều hành khai thác mạng lưới thông tin bưu chính, viễn thông, thực hiện phương án phân tải, phân lượng, xây dựng và củng cố hạ tầng công nghệ thông tin nhằm hạn chế tới mức thấp nhất hiện tượng nghẽn mạng. Triển khai xây dựng, nhân rộng Hệ thống thông tin một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công của tỉnh, kết nối đồng bộ với Cổng dịch vụ công Quốc gia; hệ thống hội nghị họp trực tuyến tiếp tục được duy trì từ Trung ương đến cấp xã đều hoạt động tốt, ổn định,… Đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, phục vụ tốt nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân.

Kết quả tổng doanh thu bưu chính, viễn thông tháng 8/2020 ước đạt 180 tỷ đồng, nâng tổng doanh thu bưu chính, viễn thông 8 tháng ước đạt 1.494 tỷ đồng. Tổng số thuê bao phát triển mới trong tháng 2.150 thuê bao, tính tổng số thuê bao hiện đang hoạt động đạt 1.489.050 thuê bao. Tổng số vị trí lắp đặt trạm BTS trên địa bàn toàn tỉnh là 1.417 trạm.

5. Thương mại, giá cả

Tổng mức bán lẻ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 8/2020 đã có sự chuyển biến tích cực, ước đạt 2.209,8 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ, trong đó có một số nhóm hàng tăng, như: Lương thực, thực phẩm tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ; nhóm vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 10,9% so với tháng trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 16.418,8 tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ.

Lương thực, thực phẩm tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ. Ảnh minh họa: BGP/ Huyền Giang.

Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2020 giảm 0,19% so với tháng trước, trong đó khu vực thành thị giảm 0,28%, khu vực nông thôn giảm 0,17%, qua đó phản ánh được các chính sách của Nhà nước nhằm kiềm chế lạm phát. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ, 02 nhóm có chỉ số giá tăng và 04 nhóm có chỉ số tương đương tháng trước. Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,71% do nhu cầu sử dụng điện trong thời gian nắng nóng tăng cao, mặt khác giá gas và dầu hỏa tăng; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,2% do chủ yếu ảnh hưởng của giá vàng tăng… Trong tháng có 05 nhóm có chỉ số giá giảm so với tháng trước: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,46% do giá các sản phẩm chế biến từ thịt lợn giảm 1,07%, mặt khác nguồn cung nhập khẩu thịt lợn lớn nên đẩy giá lợn hơi trong nước giảm; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,43% do các nhà sản xuất đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu mua sắm; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,21%; nhóm văn hóa du lịch giảm 1,83%,…

6. Tài chính, ngân hàng

Hoạt động tài chính

Về Thu: Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tháng 8 ước thực hiện 657,4 tỷ đồng, tính chung 8 tháng ước thực hiện 5.489,8 tỷ đồng, bằng 61,9% so với dự toán và bằng 78,1% so với cùng kỳ; trong đó một số lĩnh vực thu đạt khá như: Thu từ thuế Doanh nghiệp nhà nước địa phương ước đạt 93,2 tỷ đồng, bằng 101,3% so với kế hoạch và bằng 146% so với cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 711,9 tỷ đồng, bằng 68,2% so với kế hoạch và bằng 125,1% so với cùng kỳ; thu nhập cá nhân ước đạt 555,4 tỷ đồng, bằng 74% dự toán và bằng 121,2% so với cùng kỳ;... Tuy nhiên vẫn còn một số lĩnh vực thu đạt thấp như thu từ xổ số kiến thiết ước đạt 17,1 tỷ đồng, bằng 68,5% so với dự toán và bằng 95,8% so với cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất ước đạt 2.063,9 tỷ đồng, bằng 51,6% so với dự toán và bằng 52,4% so với cùng kỳ; thu lệ phí trước bạ ước đạt 306,1 tỷ đồng, bằng 54,7% so với kế hoạch dự toán và bằng 96,3% so với cùng kỳ,... Về chi: Dự tính tháng 8 tình hình chi ngân sách của địa phương cơ bản đã đảm bảo được các nhiệm vụ chi theo dự toán được giao.

Hoạt động ngân hàng

Trong tháng, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bắc Giang đã thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về huy động và lãi suất, áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đó có các giải pháp hỗ trợ để chia sẻ khó khăn với khách hàng; làm tốt chức năng điều hoà tiền mặt, tiếp tục bám sát mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tăng cường cải cách thủ tục, giải pháp ngân hàng trong lĩnh vực tín dụng cũng như huy động vốn; chỉ đạo các tổ chức tín dụng khai thác nguồn vốn huy động và tiếp tục cân đối nguồn vốn vay đảm bảo ổn định lãi suất.

Tổng nguồn vốn huy động ước đến 31/8/2020 đạt 63.628 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước; trong đó: Tiền gửi của tổ chức kinh tế ước đạt 11.008 tỷ đồng, bằng 100,3% so với tháng trước; tiền gửi dân cư ước đạt 52.620 tỷ đồng, bằng 100,4% so với tháng trước. Tiền gửi tập trung chủ yếu là tiền gửi ngắn hạn ước đạt 41.995 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước.

Dư nợ tín dụng trên địa bàn tăng, ước đến 31/8/2020 dư nợ cho vay đạt 54.294 tỷ đồng, bằng 100,3% so với tháng trước; trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn ước đạt 30.873 tỷ đồng, bằng 100,4% so với tháng trước; dư nợ trung và dài hạn ước đạt 23.375 tỷ đồng, bằng 100,2% so với tháng trước; dư nợ cho vay ngành công nghiệp ước đạt 8.982 tỷ đồng, bằng 100,2% so với tháng trước.

7. Một số vấn đề xã hội

Công tác giải quyết việc làm và chế độ chính sách đối với người có công

Trong tháng, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 05 phiên giao dịch việc làm định kỳ; phối hợp tổ chức 01 phiên giao dịch việc làm chuyên đề xuất khẩu lao động; tư vấn việc làm trực tiếp cho 1.760 lao động đến đăng ký, tìm hiểu thông tin việc làm; giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 1.353 lao động.

Công tác quản lý, chăm sóc, giải quyết chế độ chính sách đối với người có công được thực hiện kịp thời, đúng quy định; đã ra quyết định trợ cấp hàng tháng đối với người có công và thân nhân của họ cho 19 trường hợp; trợ cấp một lần đối với người có công hoặc thân nhân người có công cho 73 trường hợp; trợ cấp 01 lần và mai táng phí đối với người có công hoặc thân nhân người có công cho 335 trường hợp;....

Đời sống dân cư và công tác bảo trợ

Tình hình đời sống dân cư trong tháng nhìn chung ổn định, hiện tượng thiếu đói giáp hạt trong dân cư không xảy ra.

Công tác bảo trợ xã hội được quan tâm, tiếp tục thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước đối với người khuyết tật và trẻ em; đôn đốc cập nhật thông tin trẻ em vào phần mềm quản lý; tăng cường các giải pháp thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025; báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững;...

Tình hình Y tế và chăm sóc sức khỏe người dân

Trước tình hình diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 trên thế giới, trong nước dịch Covid-19 tái bùng phát lần 2, khởi phát tại Đà Nẵng, đến nay mặc dù cơ bản được kiểm soát, song số ca mắc ở cộng đồng vẫn tiếp tục tăng. Với tinh thần chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ cũng như của tỉnh Bắc Giang vừa phòng, chống vừa từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tỉnh Bắc Giang đã thiết lập vùng cách ly y tế để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn xã Yên Định, huyện Sơn Động, tập trung xử lý ổ dịch trên địa bàn tỉnh đến nay cơ bản không có ca lây nhiễm ngoài cộng đồng.

Tháng 8 và 8 tháng năm 2020 không ghi nhận dịch bệnh nguy hiểm xảy ra, nhìn chung các bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm so với tháng trước và với cùng kỳ. Trong tháng, tiếp tục chỉ đạo triển khai công tác khám, chữa bệnh an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình tái bùng phát lần 2; luôn kiểm tra, giám sát công tác quản lý bệnh nhân, người nhà và các dịch vụ thuê khoán ngoài tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn. Kết quả tổng số lần khám bệnh trong tháng là 169.934 lượt (tuyến tỉnh 56.998, tuyến huyện 112.936).

Công tác giáo dục và đào tạo

Trong tháng, tiếp tục tuân thủ nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của ngành Giáo dục về đẩy mạnh triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát lần 2 và xuất hiện các ca nhiễm tại huyện Sơn Động, ngành giáo dục đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị chu đáo các điều kiện, phối hợp tổ chức kỳ thi THPT trên địa bàn tỉnh đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Ngành giáo dục đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, với 35 điểm thi, 19.350 thí sinh đăng ký dự thi, tỷ lệ dự thi trên 99,8%...

Tình hình văn hóa - thể dục thể thao

Xây dựng Kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19; các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Ngành Văn hóa; phối hợp và lập hồ sơ khoa học 02 di tích (Mộ và Đền thờ Tiến sĩ Đào Toàn Bân, thành phố Bắc Giang; di tích lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên, huyện Hiệp Hòa) đề nghị xếp hạng di tích quốc gia; trưng bày chuyên đề “Đảng bộ tỉnh Bắc Giang - Những chặng đường lịch sử”;…

Tổ chức đoàn vận động viên tham gia thi đấu giải Cầu lông, Bóng bàn gia đình toàn quốc tại tỉnh Đăk Lăk, đoạt 10 huy chương các loại; chỉ đạo đội tuyển luyện tập, tham gia thi đấu 07 giải thể thao toàn quốc, đoạt 54 huy chương (12 HCV, 15 HCB, 27 HCĐ), có 05 vận động viên đạt đẳng cấp quốc gia.

Công tác an ninh chính trị và trật tự xã hội

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai công tác tăng cường các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ; bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang; bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong điều kiện diễn biến mới, phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh; tăng cường các giải pháp quản lý xe quá tải hoạt động trên các tuyến đê; ban hành Kế hoạch thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các khu công nghiệp. Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản xử lý 3.727 trường hợp vi phạm, tạm giữ 923 phương tiện các loại, tước có thời hạn 589 giấy phép lái xe, thu nộp Kho bạc Nhà nước 4,8 tỷ đồng.

Về tai nạn giao thông, tính từ 15/7/2020 đến 14/8/2020, tổng số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn tỉnh là 26 vụ (giảm 10 vụ so với cùng kỳ năm trước); số người bị chết 11 người (giảm 06 người so với cùng kỳ), số người bị thương 18 người (giảm 09 người so với cùng kỳ). Tổng 8 tháng đầu năm xảy ra 203 vụ tai nạn giao thông (giảm 79 vụ so với cùng kỳ năm trước); số người bị chết 114 người (giảm 28 người so với cùng kỳ năm trước); số người bị thương 155 người (giảm 88 người so với cùng kỳ năm trước).

Về an ninh chính trị, nhìn chung trong tháng, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định và giữ vững. Tình hình vi phạm môi trường trong tháng đã phát hiện và xử lý 07 vụ và xử phạt 517 triệu đồng, nâng tổng số vụ vi phạm môi trường 8 tháng là 164 vụ, với số tiền xử phạt 1.870 triệu đồng./.


Cục Thống kê Bắc Giang

    Tổng số lượt xem: 655
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)