Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/10/2020-15:15:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2020 của thành phố Hải Phòng

Thành phố Hải Phòng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng sự đoàn kết, thống nhất của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân, được ghi nhận là một trong những tỉnh, thành phố đã thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh tốt nhất cả nước. Mặc dù dịch bệnh bùng phát trở lại tại các tỉnh lân cận nhưng thành phố đã chủ động kiểm soát tốt tình hình, quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhập, vì vậy tổng quan 9 tháng đầu năm 2020, một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của thành phố tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ. Kết quả 9 tháng đầu năm 2020 đạt được như sau:

I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh 2010, ước tính 9 tháng năm 2020 tăng 11,39% so cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2019 ước tăng 16,42%), đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,11% (kế hoạch tăng 1,91%); đóng góp 0,09 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 17,92% (kế hoạch tăng 24,12%), đóng góp 8,93 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 4,73% (kế hoạch tăng 9,89%), đóng góp 1,91 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng 2,11% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng/2019 giảm 0,52%). Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và dịch cúm gia cầm H5N6 nhưng có nhiều tín hiệu tích cực giúp ngành phục hồi tăng trưởng: ứng dụng cơ giới hóa trong trồng trọt; chăn nuôi lợn đang dần được hồi phục sau dịch tả lợn Châu Phi; khai thác thủy sản tiếp tục tăng khá.

Khu vực công nghiệp - xây dựng có mức tăng 17,92% so với cùng kỳ năm trước, (thấp hơn mức tăng 24,89% của 9 tháng/2019), đóng góp 8,93 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, trong đó giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 17,89%, đóng góp 7,84 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là ngành chủ lực chính trong phát triển kinh tế thành phố, với giá trị tăng thêm tăng 19,5%, đóng góp 7,78 điểm phần trăm, chủ yếu đóng góp của các ngành sản xuất xe có động cơ; sản xuất thiết bị truyền thông; sản xuất xe máy điện; sản xuất đồ gỗ xây dựng tăng; sản xuất sản phẩm từ cao su; sản xuất pin và ắc quy... Ngành xây dựng 9 tháng/2020 tăng 18,14%, thấp hơn mức tăng 24% của 9 tháng/2019; đóng góp 1,08 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Dịch Covid-19 bùng phát lần 2 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch, lưu trú, thương mại và dịch vụ khác trên địa bàn thành phố, ước tính 9 tháng năm 2020, khu vực dịch vụ có giá trị tăng thêm tăng 4,73%, thấp hơn mức tăng 9,69% của 9 tháng/2019, đóng góp 1,91 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Về cơ cấu kinh tế trên địa bàn 9 tháng/2020, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 4,62%, khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 50,84%; khu vực dịch vụ chiếm 39,31%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,23%.

2. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số phát triển sản xuất (PTSX) công nghiệp (IIP) tháng 9 năm 2020 ước tăng 4,48% so với tháng trước và tăng 19,35% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng so cùng kỳ cao nhất kể từ tháng 3/2020 do sự đóng góp tích cực của một số ngành công nghiệp trọng điểm như: sản xuất thiết bị truyền thông, sản xuất điện tử dân dụng tăng mạnh so với cùng kỳ do các doanh nghiệp thuộc tập đoàn LG tăng cường công suất cho các nhà máy tại Hải Phòng, bổ sung các sản phẩm mới, thị trường mới; sản xuất phân bón có chiều hướng phát triển thuận lợi hơn do giá phân bón trên thị trường thế giới liên tục tăng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu; sản xuất linh kiện, phụ tùng xe ô tô, sản xuất lốp xe có dấu hiệu phục hồi tốt ...

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ hai tại Việt Nam trong giai đoạn quý III năm 2020, tuy nhiên dự kiến 9 tháng đầu năm nay, chỉ số PTSX công nghiệp của thành phố ước tăng 14,02% so với cùng kỳ năm trước. Trong các ngành công nghiệp cấp 1, ngành chế biến, chế tạo tăng 15,25%, đóng góp 13,95 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,87%, đóng góp 0,21 điểm phần trăm; hai ngành có chỉ số giảm là ngành khai khoáng giảm 33,8% và ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 5,86%, tác động làm giảm lần lượt 0,08 và 0,06 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Trong 54 nhóm ngành công nghiệp cấp 4, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 9 tháng đầu năm 2020 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: sản xuất xe có động cơ tăng 124,82%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 89,07%; sản xuất xe máy điện tăng 73,85%. Một số ngành có mức tăng khá: sản xuất đồ gỗ xây dựng tăng 9,14%; sản xuất sản phẩm từ cao su tăng 18,45%; sản xuất pin và ắc quy tăng 22,38%; sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng 35,45%; ...

Bên cạnh đó cũng có một số ngành công nghiệp quan trọng có chỉ số sản xuất 9 tháng/2020 giảm sâu so cùng kỳ như: sản xuất bê tông giảm 35,89%; sản xuất lốp xe giảm 34,2%; sản xuất phụ tùng ô tô giảm 26,1%; sản xuất máy in giảm 24,99%; sản xuất trang phục giảm 20,79%; sản xuất giày dép giảm 16,46%; ...

* Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng/2020 ước giảm 11,96% so với cùng kỳ năm trước; trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh như: sản xuất trang phục giảm 22,46%; sản xuất giày dép giảm 12,84%; sản phẩm bia và mạch nha ủ men bia giảm 10,54%; sản phẩm xi măng, vôi và thạch cao giảm 8,97%; ...

* Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tại thời điểm 30/9/2020 tăng 5,19% so với tháng trước và tăng 16,27% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so cùng kỳ: sản xuất trang phục tăng 115,37%; sản xuất cấu kiện kim loại tăng 65,16%; sản xuất máy móc thiết bị văn phòng tăng 61,03%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 152,48%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 265,69%; ...

* Chỉ số sử dụng lao động: sản xuất đình trệ, nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp sụt giảm dẫn đến tình trạng cắt giảm lao động, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm 01/9/2020 dự kiến giảm 0,31% so với tháng trước và giảm 6,94% so với cùng kỳ, có đến 23/29 ngành công nghiệp cấp 2 có chỉ số lao động giảm, trong đó có một số ngành sử dụng nhiều lao động phải cắt giảm lao động như sản xuất giày dép (giảm 14,9%), may mặc (giảm 8%), sản xuất nến, văn phòng phẩm (giảm 6%) …

* Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu ước 9 tháng năm 2020 tăng cao so với cùng kỳ: xe máy điện tăng 73,85%; thức ăn cho gia cầm tăng 59,24%; modul camera điện thoại tăng 40,76%, giấy và bìa nhăn tăng 41,35%,...Một số sản phẩm tăng khá: thức ăn cho gia súc tăng 25,96%; các loại ắc quy điện tăng 22,38%... Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ: sắt thép các loại tăng 1,05%; quần áo các loại giảm 21,44%; phân bón giảm 7,21%; nước mắm giảm 7,39%; xi măng giảm 8,09%; lốp xe ô tô giảm 34,2% ...

3. Hoạt động của doanh nghiệp

3.1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Trước tác động, ảnh hưởng chung của tình hình dịch Covid-19, hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong thời gian qua đã gặp không ít khó khăn, việc bảo đảm sản xuất kinh doanh, khôi phục kinh tế đang là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cấp chính quyền và các doanh nghiệp.

Trong tháng 9/2020, toàn thành phố có 143 doanh nghiệp (DN) thành lập mới (giảm 49,65% so với cùng kỳ năm 2019), với tổng số vốn đăng ký ước đạt 1.849 tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân một DN ước đạt 12,9 tỷ đồng. Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thành lập mới trong tháng là 83 cơ sở, giảm 44,30% so với cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, toàn thành phố có 2.039 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký ước đạt 18.964,6 tỷ đồng, giảm 10,29% về số DN và tăng 17,45% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019; vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 9,3 tỷ đồng. Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thành lập mới là 1.005 cơ sở, giảm 9,78% so với cùng kỳ năm trước.

3.2. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của 175 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy: Có 62,29% số DN đánh giá tổng thể chung về tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2020 so với quý II/2020 là tình hình tốt lên và giữ ổn định (30,29% DN đánh giá tốt lên và 32,00% DN đánh giá giữ ổn định), có 37,71% số DN cho rằng khó khăn hơn. Trong đó, khu vực DN nhà nước lạc quan nhất với 92,31% DN cho rằng tốt lên và giữ ổn định (38,46% tốt lên; 53,85% giữ ổn định). Tỷ lệ này ở khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN ngoài nhà nước lần lượt là 62,69% (32,84% tốt lên; 29,85% giữ ổn định) và 57,90% (27,37% tốt lên và 30,53% giữ ổn định).

4. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

4.1. Nông nghiệp

* Trồng trọt

Cây hàng năm:

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm cả năm 2020 toàn thành phố đạt 78.715,4 ha, bằng 92,34% (-6.529,9 ha) so với năm 2019. Đây là mức giảm lớn nhất trong những năm gần đây đối với ngành trồng trọt do xu thế phát triển của các đô thị hiện nay; sự dịch chuyển cơ cấu ngành nghề trong lao động khu vực nông thôn, nông nghiệp; hiệu quả kinh tế từ canh tác và sản xuất cây trồng nông nghiệp đem lại không cao; thiếu thị trường tiêu thụ cũng như đầu ra cho sản phẩm đã hạn chế sức sản xuất trong dân và nhu cầu mở rộng diện tích của ngành.

- Diện tích trồng cây lúa cả năm 2020 đạt 58.572,1 ha, bằng 90,21% so với năm 2019, giảm 6.359,1 ha (vụ Đông Xuân giảm 3.616,9 ha, vụ Mùa giảm 2.742,2 ha). Diện tích gieo trồng cây lúa giảm là do: chuyển đổi từ đất lúa sang quy hoạch các dự án, khu công nghiệp, khu tái định cư là 353,9 ha; chuyển chân ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản 208,6 ha; chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây hằng năm khác 530,7 ha; cây ăn quả lâu năm 227,2 ha và diện tích bỏ không gieo cấy 5.038,7 ha.

Cây lâu năm

Diện tích cây lâu năm trên địa bàn thành phố 9 tháng năm 2020 đạt 8.171 ha, bằng 104,78% (+327,4 ha) so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cây hàng năm tăng do chuyển đổi từ một số diện tích đất lúa kém hiệu quả; mở rộng quy mô cây trồng tại những vùng trồng tập trung chuyên canh và cây trồng phân tán trên đất vườn tạp của các hộ dân.

* Chăn nuôi

Ước tính tháng 9/2020, số lượng đầu con gia súc gia cầm trên địa bàn thành phố hiện có như sau: đàn trâu đạt 4.556 con, giảm 4,25% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò đạt 10.332 con, giảm 9,22%. Chăn nuôi đàn trâu, bò hiện nay không nhằm mục đích cày kéo mà chủ yếu phục vụ nhu cầu thực phẩm tiêu dùng của xã hội, hiệu quả kinh tế không cao mà vốn đầu tư lớn nên người chăn nuôi không mở rộng quy mô nuôi mà chỉ duy trì ở mức hiện tại.

Tổng đàn lợn toàn thành phố tháng 9/2020, ước đạt 144,4 nghìn con, tăng 67,91% so với cùng kỳ năm trước và giữ mức ổn định so với tháng trước. Hiện nay tổng đàn đã có xu hướng tăng do các hộ chăn nuôi sau thời gian dài ngừng nuôi bởi ảnh hưởng của dich tả lợn Châu Phi đã bắt đầu tái đàn trở lại, tuy nhiên tốc độ tái đàn còn chưa cao do nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh còn hiện hữu.

* Tình hình dịch bệnh: cuối tháng 8/2020 dịch cúm gia cầm H5N6 đã xảy ra tại huyện Kiến Thụy; tổng số gia cầm phải tiêu hủy do dịch là: 6.171 con (3.332 con vịt, 2.829 con gà, 10 con ngan). Trong 9 tháng/2020, dịch cúm A/H5N6 bùng phát 2 lần tại huyện Kiến Thụy: lần 1 vào cuối tháng 2, lần 2 cuối tháng 8 với tổng số lượng gia cầm tiêu hủy 17.217 con.Trước diễn biễn trên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các huyện, quận triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch vì vậy tính đến hết ngày 15/9/2020 trên địa bàn thành phố không phát sinh thêm ổ dịch cúm gia cầm mới nào.

4.2. Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp quý III và 9 tháng năm 2020 trên địa bàn thành phố vẫn giữ ở mức ổn định, sản lượng gỗ, củi khai thác chủ yếu được thu nhặt từ cây lâm nghiệp trồng phân tán nên có xu hướng giảm. Ước tính quý III/2020, sản lượng gỗ khai thác đạt 306,5 m3, giảm 3,31% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 12.295 ste, giảm 1,15%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 68 nghìn cây, giảm 1,45%. Ước 9 tháng/2020, sản lượng gỗ khai thác đạt 1.255 m3, giảm 3,57% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 34.735 ste, giảm 2,04%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 199 nghìn cây, giảm 0,5%.

Trong 9 tháng toàn thành phố xảy ra 01 vụ cháy rừng trên địa bàn huyện Thủy Nguyên với diện tích là 3 ha (mức độ thiệt hại: các thảm thực bì dưới tán rừng và cây tái sinh cao dưới 1m bị thiêu rụi hoàn toàn, cây trưởng thành bị cháy lớp vỏ ngoài phía dưới gốc làm ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của cây) và 10 vụ cháy rừng nhỏ chủ yếu là thảm thực bì nên không làm ảnh hưởng đến diện tích rừng hiện có; 01 vụ chặt phá rừng trái phép ở huyện Cát Hải với diện tích bị chặt phá 0,049 ha, đã áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả, trồng lại rừng.

4.3. Thủy sản

Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản quý III năm 2020 ước đạt 45.275,2 tấn, tăng 4,75% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: cá đạt 28.768,8 tấn, giảm 0,9%; tôm đạt 4.068,9 tấn, tăng 1,7%; thủy sản khác đạt 12.437,5 tấn, tăng 22,04%. Tính chung 9 tháng năm 2020, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 137.662,5 tấn, tăng 5,57% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: cá đạt 84.323,5 tấn, tăng 7,79%; tôm đạt 11.791,5 tấn, tăng 6,33%; thủy sản khác đạt 41.547,5 tấn, tăng 1,12%.

4. Đầu tư xây dựng

Dự tính vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội các quý năm 2020

Quí II Quí III Ước tính 9 tháng 9 tháng/2020 so với

đầu năm cùng kỳ năm trước

(Tỷ đồng) (Tỷ đồng) (Tỷ đồng) (%)

Tổng số 41.639,7 49.417,1 121.615,8 107,77

Khu vực Nhà nước 2.949,6 5.927,6 10.467,5 108,55

Khu vực ngoài Nhà nước 24.864,4 32.374,2 77.693,2 106,91

Khu vực vốn đầu tư nước ngoài 13.825,7 11.115,3 33.455,1 109,58

* Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Tính đến 15/9/2020 Hải Phòng có 741 dự án còn hiệu lực:

Tổng vốn đầu tư : 18.549,1 triệu USD

Vốn điều lệ : 6.761,3 triệu USD

Vốn Việt Nam góp : 250,6 triệu USD

Nước ngoài góp : 6.510,7 triệu USD

Từ đầu năm đến 15/9/2020, toàn thành phố có 54 dự án cấp mới đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ với số vốn đầu tư đạt 478,75 triệu USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: cấp mới trong khu công nghiệp, khu kinh tế đạt 467,2 triệu USD, (chiếm 97,6%); cấp mới ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế đạt 11,6 triệu USD (chiếm 2,4%).

Điều chỉnh tăng vốn đầu tư có 17 dự án, với số vốn tăng là 325,28 triệu USD, các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Cấp mới và tăng vốn toàn thành phố có 71 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 804,03 triệu USD.

Tính từ nửa cuối tháng 8 đến 15/9/2020 có 8 dự án cấp mới, tuy nhiên tổng vốn đăng ký của hoạt động đầu tư đối với các dự án không lớn.

Cũng từ đầu năm đến 15/9/2020, có 01 dự án hết thời hạn, 14 dự án nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động dự án và 02 dự án tạm ngừng hoạt động.

5. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 năm 2020 ước đạt 12.473,5 tỷ đồng, tăng 1,99% so với tháng trước, tăng 9,15% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 9 tháng/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 104.060,1 tỷ đồng, tăng 7,14% so với cùng kỳ năm trước.

* Doanh thu chia theo ngành hoạt động

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ

Ước tháng 9/2020

(Tỷ đồng) Cộng dồn 9 tháng/2020 (Tỷ đồng) Ước tháng 9/2020 so với tháng trước (%) Ước tháng 9/2020 so với tháng cùng kỳ năm trước (%) Cộng dồn 9 tháng/2020 so với cùng kỳ năm trước (%)

Tổng số 12.473,5 104.060,1 101,99 109,15 107,14

Bán lẻ hàng hóa 9.896,1 84.429,3 101,08 113,56 111,32

Dịch vụ lưu trú 171,9 1.262,7 103,80 92,52 89,21

Dịch vụ ăn uống 1.605,8 12.142,1 107,50 94,00 91,00

Du lịch lữ hành 17,0 104,8 - 90,50 65,09

Dịch vụ khác 782,7 6.121,2 100,32 97,75 96,26

6. Hoạt động lưu trú và lữ hành

Tổng lượt khách tháng 9/2020 do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 696,3 nghìn lượt, tăng 4,04% so với tháng trước và giảm 26,22% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách quốc tế đạt 12,5 nghìn lượt, giảm 5% so với tháng trước và giảm 86,65% so với cùng kỳ năm trước.

Cộng dồn 9 tháng/năm 2020, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 5.710,1 nghìn lượt, giảm 16,63% với với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế đạt 257 nghìn lượt, giảm 65,21%.

Đối với hoạt động lữ hành, lượt khách lữ hành tháng 9/2020 đạt 7,9 nghìn lượt, giảm 30,25% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 9 tháng/2020, lượt khách lữ hành đạt 51,7 nghìn lượt, giảm 41,43% so với cùng kỳ năm trước.

7. Vận tải hàng hóa và hành khách

7.1. Vận tải hàng hoá

Khối lượng hàng hoá vận chuyển tháng 9 năm 2020 ước đạt 19,5 triệu tấn, tăng 3,17% so với tháng trước và tăng 11,64% so với cùng kỳ năm trước; quý III/2020 ước đạt 57,4 triệu tấn, tăng 11,17% so với cùng quý năm trước. Ước tính 9 tháng/2020 khối lượng hàng hoá vận chuyển đạt 156,2 triệu tấn, tăng 4,88% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng hàng hóa luân chuyển tháng 9 năm 2020 ước đạt 9.177,4 triệu tấn.km, tăng 1,47% so với tháng trước và tăng 7,61% so với cùng kỳ năm trước; quý III/2020 ước đạt 27.210,5 triệu tấn, tăng 10,24% so với cùng quý năm trước. Ước tính 9 tháng/2020 khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 77.602 triệu tấn.km, tăng 7,14% so với cùng kỳ.

7.2. Vận tải hành khách

Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 9 năm 2020 ước đạt 4,18 triệu lượt, tăng 11,56% so với tháng trước, giảm 29,32% so với cùng kỳ năm trước; quý III/2020 ước đạt 12,5 triệu lượt giảm 29,71% so với cùng quý năm trước. Ước tính 9 tháng năm 2020 khối lượng hành khách vận chuyển đạt 37,1 triệu lượt, giảm 28,66% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng hành khách luân chuyển tháng 9 năm 2020 đạt 167,88 triệu Hk.km, tăng 13,9% so với tháng trước và giảm 29,44% so với cùng tháng năm trước; quý III/2020 ước đạt 490,7 triệu lượt, giảm 30,75% so với cùng quý năm trước. Ước tính 9 tháng/2020 khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 1.473,1 triệu Hk.km giảm 29,18% so với cùng kỳ năm trước.

7.3. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải

Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 9 năm 2020 ước đạt 3.016,7 tỷ đồng, tăng 2,94% so với tháng trước và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Quý III/2020, doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 8.915,4 tỷ đồng tăng 16,45% so với quý cùng kỳ. Ước tính 9 tháng/2020 doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 24.212,6 tỷ đồng, tăng 8,16% so với cùng kỳ năm trước.

7.4. Ga Hải Phòng

Tổng doanh thu tháng 9 năm 2020, Ga Hải Phòng ước đạt 5,2 tỷ đồng, tăng 8,37% so với tháng trước, giảm 37,81% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 9 tháng/2020, tổng doanh thu của Ga Hải Phòng đạt 65,95 tỷ đồng, giảm 23,59% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số hành khách vận chuyển tháng 9 năm 2020 ước đạt 11 nghìn lượt người, tăng 8,25% so với tháng trước, giảm 71,46% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 9 tháng/2020, tổng số hành khách vận chuyển ước đạt 185,5 nghìn lượt người, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số hàng hóa vận chuyển tháng 9 năm 2020 ước đạt 67,5 nghìn tấn, tăng 4,71% so với tháng trước, giảm 0,53% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 9 tháng/2020, tổng số hàng hóa vận chuyển ước đạt 713,42 nghìn tấn, giảm 10,10% so với cùng kỳ năm trước.

7.5. Sân bay Cát Bi

Ước tính tháng 9 năm 2020, tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi đạt 11,85 tỷ đồng, tăng 6,98% so với tháng trước; giảm 54,25% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 9 tháng/2020, tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi đạt 151,93 tỷ đồng, giảm 33,86% so với cùng kỳ năm trước.

Số lần máy bay hạ, cất cánh tháng 9/2020 ước đạt 800 chuyến, tăng 26,18% so với tháng trước, giảm 45,80% so với cùng kỳ năm trước (trong đó không có chuyến bay ngoài nước). Ước tính 9 tháng/2020, số lần máy bay hạ, cất cánh đạt 9.921 chuyến, giảm 20,59% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số hành khách tháng 9/2020 ước đạt 92,0 nghìn lượt người, tăng 6,02% so với tháng trước, giảm 57,32% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 9 tháng/2020, tổng số hành khách đạt 1.412,66 nghìn lượt người, giảm 29,29% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số hàng hóa tháng 9/2020 ước đạt 860 tấn, tăng 1,90% so với tháng trước, giảm 51,66% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 9 tháng/2020, tổng số hàng hóa đạt 9.425 tấn, giảm 35,81% so với cùng kỳ năm trước.

8. Hàng hoá thông qua cảng

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng tháng 9 năm 2020 ước đạt 11,866 triệu TTQ, giảm 3,45% so với tháng trước và tăng 7,04% so với cùng kỳ năm trước

* Doanh thu cảng biển tháng 9 năm 2020 của khối cảng trên địa bàn thành phố ước đạt 478,1 tỷ đồng, giảm 0,8% so với tháng trước. Cộng dồn 9 tháng/2020 doanh thu cảng biển ước đạt 4.031,84 tỷ đồng, giảm 1,13% so với cùng kỳ năm trước.

9. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thành phố Hải Phòng tháng 9 năm 2020 tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 3,60% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,33% so với tháng 12/2019. CPI bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 8 nhóm có chỉ số giá tháng 9/2020 tăng so với tháng trước với mức tăng như sau: nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,03%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,07%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,24%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; nhóm giao thông tăng 0,01%; nhóm giáo dục tăng 1,68% và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,01%. 02 nhóm có chỉ số giá giảm là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,02% và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,16%. 01 nhóm còn lại là nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số giá không thay đổi so với tháng trước.

* Chỉ số giá vàng 99,99% và Đô la Mỹ:

- Chỉ số giá vàng tháng 9/2020 giảm 0,29% so với tháng trước, tăng 28,92% so với cùng tháng năm 2019, tăng 30,74% so với tháng 12/2019. Giá vàng bình quân tháng 9/2020 dao động ở mức 5,46 triệu đồng/chỉ, giảm 16.000 đồng/chỉ.

- Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2020 giảm 0,01% so với tháng trước, giữ nguyên so với cùng tháng năm 2019, tăng 0,13% so với tháng 12/2019. Tỷ giá USD/VND bình quân tháng 9/2020 dao động ở mức 23.261 đồng/USD, giảm 3 đồng/USD.

10. Bưu chính viễn thông

* Bưu chính, viễn thông Hải Phòng

Tổng doanh thu bưu chính, viễn thông Hải Phòng tháng 9 năm 2020 ước đạt 125,6 tỷ đồng, tăng 0,67% so với tháng trước, giảm 15,46% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 9 tháng/2020, tổng doanh thu bưu chính, viễn thông Hải Phòng ước đạt 1.132,5 tỷ đồng, tăng 1,89% so với cùng kỳ năm trước.

Số thuê bao điện thoại phát triển mới tháng 9 năm 2020 ước đạt 715 thuê bao, tăng 1,71% so với tháng trước, giảm 25,83% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 9 tháng/2020, số thuê bao điện thoại phát triển mới đạt 5.203 thuê bao, giảm 42,66% so với cùng kỳ năm trước.

Số thuê bao Internet phát triển mới tháng 9 năm 2020 ước đạt 2.800 thuê bao, tăng 1,34% so với tháng trước, tăng 18,49% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 9 tháng/2020, số thuê bao Internet phát triển mới ước đạt 25.070 thuê bao, tăng 14,85% so với cùng kỳ năm trước.

11. Hoạt động tài chính, ngân hàng

11.1. Tài chính

Thu, chi ngân sách nhà nước tháng 9, 9 tháng năm 2020

Ước tính tháng 9 năm 2020 (Tỷ đồng) Ước tính 9 tháng năm 2020 (Tỷ đồng) Ước 9 tháng năm 2020 so với 9 tháng năm 2019 (%)

1. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6.260,7 55.445,2 86,1

Thu ngân sách nhà nước địa phương 2.260,7 20.654,5 106,7

Trong đó: Thu nội địa 1.942,5 17.423,0 96,3

Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 4.000,0 34.790,7 77,2

2. Tổng chi ngân sách địa phương 2.307,7 14.663,1 109,8

Trong đó:

Chi đầu tư phát triển 1.004,9 5.326,8 94,6

Chi thường xuyên 905,9 7.550,3 111,5

11.2. Ngân hàng

* Công tác huy động vốn:

Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến 30/9/2020 đạt 229.808 tỷ đồng, tăng 13,04% so với cùng kỳ năm trước, bằng 109,05% so với năm 2019.

* Công tác tín dụng:

Tổng dư nợ cho vay đến 30/9/2020 ước đạt 131.864 tỷ đồng, tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, bằng 102,16% so với năm 2019.

II. VĂN HÓA - XÃ HỘI

1. Giải quyết việc làm, an sinh xã hội

* Công tác Lao động, việc làm

Tháng 9 năm 2020, thành phố đã tổ chức 05 phiên giao dịch việc làm, với sự tham gia tuyển dụng của 140 lượt doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng là 5.286 lượt lao động; ước cấp mới 120 giấy phép lao động, cấp lại 100 giấy phép lao động, miễn cấp 07 giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, sàn giao dịch việc làm thành phố tổ chức được 20 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia tuyển dụng của 591 lượt doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng là 40.631 lượt lao động. Cung lao động tại sàn đạt 39.415 lượt người, bằng 97% nhu cầu tuyển dụng.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, ước giải quyết được 41.220 lượt lao động, bằng 74,40% kế hoạch năm và bằng 96,99% so với cùng kỳ năm 2019 (số lao động giải quyết việc làm giảm so với cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài giảm 60% và lao động được giải quyết việc làm trong ngành dịch vụ giảm 9,97% so với cùng kỳ).

* Công tác giáo dục nghề nghiệp

Tháng 9 năm 2020, tổ chức kiểm tra hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại 02 đơn vị, triển khai kế hoạch giám sát hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2019-2020, thẩm định danh mục thiết bị đầu tư nghề trọng điểm theo Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động năm 2020.

* Công tác người có công

Trong 9 tháng đầu năm 2020, thành phố đã tiếp nhận và tiến hành giải quyết theo đúng chế độ đối với 2.632 đối tượng chính sách trên địa bàn như sau: trợ cấp một lần cho 2.018 người; trợ cấp hàng tháng: 97 người; chế độ thờ cúng liệt sĩ: 517 trường hợp; thực hiện tiếp nhận và thẩm định để thực hiện chính sách và phục vụ công tác quản lý đối với 8.335 trường hợp.

Bên cạnh đó, tiến hành thẩm định, xem xét hộ gia đình người có công trong việc đề nghị hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng theo Nghị quyết số 32/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố, tính đến nay đã thực hiện đối với 2.436 trường hợp.

* Công tác giảm nghèo - bảo trợ xã hội

Trong 9 tháng đầu năm 2020, thành phố đã tiếp nhận 26 đối tượng đưa vào điều trị, chăm sóc và nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, tập trung được 219 lượt người người lang thang trên địa bàn (giảm 258 lượt người, tương ứng giảm 40,6% so với cùng kỳ). Thực hiện chi trả trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng và các chế độ hỗ trợ kinh phí đối với 75.013 đối tượng (tăng 188 người, tương ứng tăng 0,25% so với cùng kỳ).

Hướng dẫn, đốc đốc các quận, huyện cấp 85.162 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo (bằng 82,4% so với cùng kỳ).

* Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

Trong 9 tháng đầu năm 2020, thành phố đã tổ chức quản lý, cai nghiện ma túy tập trung tại các cơ sở cai nghiện cho 2.409 lượt người (bằng 94,54% so với cùng kỳ năm 2019), cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 178 người (bằng 66,92% so với cùng kỳ năm 2019). Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo các đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả đã tiến hành kiểm tra 95 buổi tại 351 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke ...

2. Giáo dục - Đào tạo

Tháng 9/2020, thành phố yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các nhà trường, cơ sở giáo dục tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2020-2021 đảm bảo ngắn gọn, trang trọng, ý nghĩa, tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe của học sinh và giáo viên.

Bên cạnh việc triển khai thực hiện kế hoạch học kỳ I năm học 2020-2021, thành phố tăng cường tổ chức thanh, kiểm tra nề nếp, chuyên môn, kế hoạch năm học của các đơn vị giáo dục, tiếp tục triển khai các quy trình, thủ tục mua sắm sách thiết bị dạy học cho các trường học.

3. Y tế và An toàn vệ sinh thực phẩm

* Công tác y tế dự phòng

Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19

Trong thời gian qua, các cấp, các ngành và cơ sở trên toàn địa bàn thành phố đã tăng cường kiểm tra, tuyên truyền hướng dẫn nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, đồng thời chú trọng tập trung khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội theo các mục tiêu Chính phủ đã đề ra.

Công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm khác

Diễn biến một số bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố tính từ đầu năm đến 01/9/2020 so với cùng kỳ như sau: Bệnh sốt xuất huyết: ghi nhận 20 ca (giảm 306 ca); Bệnh Tay chân miệng là 640 ca (tăng 39 ca); Bệnh Thủy đậu ghi nhận 112 ca (giảm 129 ca); Quai bị là 38 ca (giảm 102 ca); Bệnh Tiêu chảy ghi nhận 798 ca (giảm 12 ca); Bệnh viêm não virus ghi nhận 15 ca (tăng 02 ca); Bệnh liên cầu lợn ở người ghi nhận 01 ca mắc (giảm 04 ca).

* Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm

Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể kết hợp tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 tại các đơn vị trên toàn thành phố.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, thành phố tăng cường thực hiện công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống nhằm đảm bảo công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn. Kết quả kiểm tra có 15 cơ sở bị phạt tiền (chiếm tỷ lê 6,2%), với số tiền phạt là 128,45 triệu đồng; có 35 cơ sở không đạt yêu cầu bị nhắc nhở, thực hiện biện pháp khắc phục (chủ yếu là các bếp ăn tập thể, căng tin đã xuống cấp về cơ sở vật chất, sổ lưu mẫu chưa đúng quy định, các nhà hàng - cafe mới đi vào hoạt động chưa là thủ tục xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm).

* Công tác phòng chống HIV/AIDS

Tính đến 01/9/2020, lũy tích người nhiễm HIV là 11.319 người, số người chuyển sang AIDS là 6.320 người, số người chết do AIDS là 5.323 người, và số người nhiễm HIV hiện còn sống là 5.996 người.

Về việc thực hiện chương trình cai nghiện Methadone, tính đến tháng 9/2020, trên địa bàn toàn thành phố có tổng số bệnh nhân đang điều trị là 3.970 người (đạt 86,4% chỉ tiêu được giao), số bệnh nhân đạt liều duy trì là 95%.

4. Văn hóa - Thể thao

Lĩnh vực văn hóa: Trong 9 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao theo kế hoạch đã dừng hoặc tạm hoãn như: Hoãn tổ chức giải vô địch vật tự do, ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân; dừng tổ chức Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2020, Lễ hội nghề cá Cát Bà, Liên hoan du lịch Đồ Sơn, gặp mặt kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Hải Phòng; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao về công tác phòng, chống dịch; thanh tra, kiểm tra các hoạt động, dịch vụ văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố.

Lĩnh vực thể thao: Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” thành phố Hải Phòng giai đoạn 2013 - 2020, đối với thể thao thành tích cao, tiếp tục chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng vận động viên, chú trọng duy trì và phát huy các môn thể thao Hải Phòng có thế mạnh. Triển khai xây dựng đề án đoàn vận động viên Hải Phòng tham dự Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2020 và Đề án phát triển thể thao thành tích cao thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2026, định hướng đến năm 2030.

5. Tình hình trật tự an toàn giao thông

Từ ngày 15/8/2020 đến ngày 14/9/2020, toàn thành phố xảy ra 06 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 05 người chết và 04 người bị thương. Thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa gắn với đẩy mạnh tuyên truyền góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân, qua đó góp phần giữ cho tình hình trật tự an toàn giao thông được đảm bảo, không để xảy ra đua xe trái phép, ùn tắc giao thông kéo dài.

Tính từ đầu năm 2020 đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 52 vụ tai nạn giao thông. Các vụ tai nạn giao thông làm chết 41 người và bị thương 23 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 19 vụ (tương ứng giảm 26,76%), số người chết giảm 13 người (tương ứng giảm 24,07%) và số người bị thương giảm 7 người (tương ứng giảm 23,33%). Nhìn chung trên địa bàn thành phố không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, chủ yếu do sự bất cẩn khi tham gia giao thông của người dân.

6. Công tác phòng chống cháy, nổ

Từ ngày 15/8/2020 đến ngày 14/9/2020 trên địa bàn thành phố Hải Phòng xảy ra 05 vụ cháy, làm 01 người bị thương, hiện xác định được giá trị thiệt hại về tài sản ước tính của 01 vụ là 30 triệu đồng, còn 04 vụ cháy đang trong quá trình xác minh và thống kê thiệt hại.

Tính chung từ đầu năm 2020, toàn thành phố đã xảy ra 61 vụ cháy (bằng 96,83% so với cùng kỳ năm 2019), làm 01 người chết và 04 người bị thương, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính là 8.948 triệu đồng và 3,4 ha rừng. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành để kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại các đơn vị, cơ sở trên toàn thành phố./.


Cục Thống kê thành phố Hải Phòng

    Tổng số lượt xem: 691
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)