Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/10/2020-13:33:00 PM
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thực hiện, giải ngân ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài
(MPI) - Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan, địa phương về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài diễn ra ngày 29/10/2020 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự và phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận về nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân thấp, về công tác giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng, việc giải quyết thủ tục giải ngân ở địa phương…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra các nguyên nhân về phía chủ đầu tư, ban quản lý dự án kém năng lực, lúng túng, không có kinh nghiệm trong tổ chức thi công. Việc chuẩn bị dự án còn sơ sài, đơn giản.

Bên cạnh thảo luận đánh giá tình hình, nguyên nhân, Hội nghị phải thảo luận về các giải pháp thiết thực, rõ ràng để có bước tiến mới trong nhận thức và hành động, không chỉ cho năm 2020 mà cho cả các năm tới, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ảnh: Chinhphu.vn

Báo cáo về tình hình triển khai, giải ngân kế hoạch đầu tư công 10 tháng năm 2020, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và các giải pháp chủ yếu trong những tháng còn lại của năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp quyết liệt tại các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ và Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công, tổ chức 03 Hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thành lập các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sửa đổi, hoàn thiện nhiều quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai và tăng cường phân cấp cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhằm thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Đến nay, kết quả thực hiện đã có những biến chuyển rõ rệt. Về việc giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020, tổng số vốn NSNN các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có quyết định/văn bản giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân.

Về tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ cuối tháng 7 đến nay đã có chuyển biến tích cực.

Về tình hình thực hiện, giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, trong 10 tháng năm 2020, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các đoàn công tác của Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, bao gồm vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Nhờ đó, tình hình thực hiện và giải ngân vốn nước ngoài đã có những chuyển biến tích cực. Mức giải ngân vốn nước ngoài đã tăng từ 21,26% trong 8 tháng lên 30,15% trong 10 tháng, cao hơn cùng kỳ năm 2019. Nếu tính theo số vốn kế hoạch năm 2020 đã điều chỉnh theo Quyết định số 1638/QĐ-TTg ngày 23/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ thì mức giải ngân này đạt trên 35%.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị, thực hiện giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài như do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Do hầu hết hoạt động của các dự án gắn với yếu tố nước ngoài nên tiến độ thực hiện chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án, tổ chức đấu thầu; thiếu thiết bị, vật tư tại các công trường xây dựng, quy định giãn cách xã hội nên nhiều địa phương phải dừng thi công một số dự án... ảnh hưởng đến việc triển khai thi công các gói thầu xây lắp.

Bên cạnh đó, do vướng mắc trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành về việc quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế dự án không đảm bảo yêu cầu; vốn đối ứng không được bố trí đầy đủ và kịp thời; khó khăn do quy trình, thủ tục (khó khăn trong việc xác định chi đầu tư và chi thường xuyên sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; quy trình, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư phức tạp; chậm trễ trong việc kỷ kết các hiệp định vay vốn, hợp đồng vay lại và cung cấp ý kiến tư pháp; vướng mắc về ký hợp đồng vay lại; thủ tục kiểm soát chi, giải ngân, rút vốn tại Kho bạc Nhà nước kéo dài…)

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Theo đó, một là cần thực hiện ngay các giải pháp như các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 18/7/2020 và Thông báo số 310/TB-VPCP ngày 27/8/2020 với sự tham gia của cả hệ thống chính trị; thường xuyên cập nhật, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về tình hình thực hiện và giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Hai là, xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc của các dự án đầu tư lớn, tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, triển khai ngay việc ký kết các hợp đồng đối với các gói thầu đã có ý kiến “không phản đối” của nhà tài trợ.

Ba là, thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị, thực hiện giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài. Theo đó, Chính phủ ban hành các chính sách đặc thù cho phép các chuyên gia, tư vấn nhập cảnh với các điều kiện như áp dụng với các chuyên gia nhập cảnh ngắn hạn, có cơ chế tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu vật tư, trang thiết bị của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đối với việc triển khai các chương trình, dự án.

Đồng thời, giải quyết các vướng mắc về thể chế, chính sách, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan đi đôi với cải cách hành chính. Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và thiết kế dự án, tránh điều chỉnh chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư trong quá trình thực hiện. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ ký kết các hiệp định vay vốn, hợp đồng vay lại và cung cấp ý kiến tư pháp để đảm bảo sử dụng hiệu quả khoản vay.

Về lập, giao, phân bổ điều chỉnh kế hoạch, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm việc điều chuyển vốn theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tránh tình trạng trả lại vốn, hủy dự toán sau ngày 30/9/2020.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm việc ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA, hạn chế cân đối từ nguồn thu từ đất. Đồng thời, tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ở cấp cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án, đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý dự án có năng lực, trình độ chuyên môn cao.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục cứu trợ, cứu nạn, nhất là các tỉnh miền Trung bị bão số 9 tàn phá nặng nề; tìm kiếm ngư dân gặp nạn trên biển ở tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, tìm kiếm nạn nhân bị mất tích do lở đất ở tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam. Các địa phương trong khu vực miền Trung không được để người dân đói rét. Các bộ, ngành tiếp tục vận động, hỗ trợ, giúp đỡ những người dân bị nạn.

Về vấn đề giải ngân ODA, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công khi 9 tháng mới đạt tỉ lệ giải ngân 60%, như vậy còn lượng vốn rất lớn chưa giải ngân.

Đồng thời, đánh giá và thống nhất cao với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính được trình bày tại Hội nghị. Đặc biệt, ghi nhận quyết tâm của nhiều địa phương về giải ngân ODA cao hơn nữa trong năm nay mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn. Chỉ khi nào chúng ta quyết tâm, đưa ra một mục tiêu cụ thể thì mới hành động được. ODA là một nguồn lực quan trọng phát triển đất nước. Đất nước đang thiếu nguồn vốn phát triển, các bộ, ngành có trách nhiệm trong việc tìm nguồn lực để phát triển đất nước khi hiện nay còn nhiều vấn đề bức xúc về vốn mà nguồn nhân sách Nhà nước chưa đủ như phát triển cơ sở hạ tầng, văn hóa xã hội, giao thông…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành phải tiếp tục hoàn chỉnh khung pháp lý nhằm đơn giản thủ tục phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư. Hằng tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chuyển nội bộ vốn ODA giữa các dự án trong bộ, ngành, địa phương, đặc biệt các hiệp định vay sắp kết thúc năm 2020-2021.

Các bộ, ngành, địa phương phải chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý giải quyết tồn tại, bất cập và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong việc bố trí đủ nguồn vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA trong năm 2020, trong đó cả việc tìm các nguồn hợp pháp để cân đối. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020 để nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ thực thi chính sách, chấm dứt tình trạng trì trệ, sợ trách nhiệm, tâm lý nhiệm kỳ, quan liêu, nhũng nhiễu. Cương quyết thay đổi cán bộ không biết làm việc, không hoàn thành, không có trách nhiệm tích cực hoặc là những cán bộ tiêu cực, không vì nhiệm vụ mà vì lợi ích nhóm trong đầu tư ODA, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2816
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)