(MPI) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngày 06/11/2020 đã diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Đây là phiên chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày làm việc nhằm đánh giá lại một cách toàn diện kết quả triển khai các yêu cầu của Quốc hội được nêu trong các Nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
|
Quốc hội khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quochoi.vn |
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đây là lần thứ 2 trong nhiệm kỳ, Quốc hội tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn theo đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Trước đó, lần đầu tiên tiến hành là tại Kỳ họp thứ 6 - kỳ họp giữa nhiệm kỳ.
Để triển khai hoạt động này, ngay từ rất sớm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch để các cơ quan chức năng chủ động triển khai thực hiện. Các cơ quan liên quan đã tích cực chuẩn bị và gửi đến các đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đó, các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra, đánh giá cụ thể về các nội dung đã thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, về tổng thể các báo cáo cho thấy, nhiều kết quả tích cực, thể hiện tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, quyết tâm rất cao của Chính phủ, các bộ, ngành cũng như từng thành viên Chính phủ và các vị trưởng ngành trong việc triển khai các yêu cầu của Quốc hội. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và những khó khăn do thiên tai trong năm nay nhưng những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận, tạo được niềm tin trong Nhân dân và xã hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần chủ động, sâu sát, tập trung phân tích, làm rõ những vấn đề còn tồn tại, những nhiệm vụ chưa hoàn thành cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, đề ra các yêu cầu, giải pháp cần tiếp tục thực hiện để xây dựng Nghị quyết chuyển giao cho Quốc hội khóa sau tiếp tục giám sát, theo dõi.
Trong phiên chất vấn này, cách thức tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ không theo nhóm chuyên đề mà đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn tất cả các vấn đề, lĩnh vực nào thì người đứng đầu các cơ quan liên quan sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp trả lời theo điều hành của Chủ tọa kỳ họp. Những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, thì Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực trả lời, làm rõ thêm. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng, với sự chủ động chuẩn bị từ rất sớm của các cơ quan, cùng với kinh nghiệm qua nhiều kỳ chất vấn trước đây, phiên chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra chất lượng, hiệu quả với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, đáp ứng được sự kỳ vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.
Trước khi tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan, Quốc hội được nghe Báo cáo tóm tắt việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII; việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII; việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII; báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Trình bày Báo cáo tóm tắt việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, về lĩnh vực Kế hoạch và đầu tư, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả thực chất hơn. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét, doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và chất lượng. Phát triển đồng bộ các loại thị trường, kinh tế tư nhân từng bước trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đã thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài có tính lan tỏa, áp dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Khung chính sách, pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động đầu tư công được hoàn thiện và nâng cao, giảm tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản; giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 có nhiều điểm sáng. Ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đạt được những kết quả nổi bật, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự đi vào cuộc sống; tiến độ một số công trình trọng điểm quốc gia chưa đạt yêu cầu; giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2019, nhất là vốn ODA còn chậm. Báo cáo cũng nêu rõ kết quả thực hiện của các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế, tư pháp,…/.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư