Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 18/11/2020-23:10:00 PM
Xây dựng Chương trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp (Xem tin ảnh)
(MPI) - Phát biểu tại buổi làm việc diễn ra ngày 18/11/2020 về Chương trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cần tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phát triển nhanh, khai thác được nguồn lực, giúp nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là khu vực tư nhân nhanh chóng chuyển mình và trỗi dậy.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MPI

Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) cho doanh nghiệp đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nghiên cứu, xây dựng. Chương trình được nghiên cứu dựa trên kinh nghiệm quốc tế về các khái niệm, bản chất các hoạt động, các giai đoạn CĐS trong doanh nghiệp; đánh giá thực trạng CĐS ở các doanh nghiệp Việt Nam, các giải pháp công nghệ số đang được cung ứng trên thị trường; phân tích những thuận lợi, khó khăn, thách thức của doanh nghiệp trong quá trình CĐS và khuyến nghị các hoạt động của Chương trình.

CĐS trong doanh nghiệp là việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý của doanh nghiệp và tạo ra các giá trị mới. Các hoạt động CĐS có thể bao gồm từ việc số hóa dữ liệu quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp, áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp.

CĐS bao gồm các giai đoạn từ áp dụng công nghệ số để số hóa các hoạt động của doanh nghiệp (doing digital) đến CĐS hoàn toàn mô hình kinh doanh và mô hình quản trị của doanh nghiệp (being digital).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MPI

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, CĐS cho doanh nghiệp có ý nghĩa lớn và hiện nay số lượng doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhưng năng lực, nguồn lực, quản trị, công nghệ còn yếu. Do vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhanh chóng chuyển đổi, nâng cao năng lực, năng suất, chất lượng dựa trên nền tảng công nghệ số để cải tiến, thay đổi quy trình sản xuất nhằm tăng năng suất, chấtlượng và giảm thiểu chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường tính kết nối.

Nhiệm vụ của chúng ta là hiện thực hóa CĐS cho tất cả các doanh nghiệp để doanh nghiệp lớn mạnh hơn, góp phần vào tăng trưởng của nền kinh tế, tạo ra giá trị gia tăng cao, tạo ra nhiều việc làm, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và thích ứng cao hơn. Xây dựng chương trình CĐS có ý nghĩa rất lớn và đây là cơ hội ngàn năm có một để giúp doanh nghiệp chuyển mình trỗi dậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức đã nhận thức được xu hướng chung cũng như tầm quan trọng của việc thực hiện CĐS. Tuy nhiên, việc CĐS mới đang được áp dụng ở một số công đoạn chứ chưa được triển khai một cách toàn diện. Hầu hết các doanh nghiệp đang chuyển đổi tốt ở hoạt động tiếp thị, phân phối, bán hàng và các ứng dụng để tăng cường trải nghiệm khách hàng./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3349
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)