(MPI) – Ngày 11/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 169/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các địa phương cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, rà soát những nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, chủ động xây dựng phương án, huy động lực lượng di dời kịp thời người dân đến nơi an toàn, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả, hỗ trợ lương thực, thực phẩm.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, nhất là cấp ủy, chính quyền các địa phương chủ động ứng phó quyết liệt, kịp thời với phương châm “4 tại chỗ”; thành lập Sở chỉ huy tiền phương ngay tại tâm bão để chỉ đạo công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lũ và tìm kiếm cứu nạn, chỉ đạo sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm; xuất cấp hàng chục nghìn tấn gạo và bảo đảm nhu yếu phẩm cho người dân; có biện pháp bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu, góp phần hạn chế tối đa thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhân dân và hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương khắc phục hậu quả …
Chính phủ đánh giá cao Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương, các lực lượng quân đội, công an, nhất là các đơn vị trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, trong đó có hàng chục cán bộ, chiến sỹ, có những sỹ quan cao cấp đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân.
Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các địa phương cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, rà soát những nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, chủ động xây dựng phương án, huy động lực lượng di dời kịp thời người dân đến nơi an toàn; chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người dân vùng bị thiên tai, bão lũ, sạt lở đất với tinh thần không để người dân bị đói rét, không có chỗ ở; bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; giúp người dân sửa chữa nhà cửa hư hỏng, khôi phục các cơ sở hạ tầng bị thiệt hại để sớm ổn định đời sống và sản xuất của Nhân dân vùng bị thiên tai.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cùng các địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo huy động phương tiện, lực lượng cần thiết, khẩn cấp triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm các nạn nhân, người mất tích. Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để khôi phục sản xuất tại vùng bị thiệt hại do thiên tai; hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại về nhà ở do thiên tai gây ra trên địa bàn một số địa phương miền Trung và Tây Nguyên; khôi phục các cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là những khu vực giao thông bị chia cắt; …
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, Nhân dân cả nước và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội nước ta có chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục xu hướng giảm dần, bình quân 10 tháng tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định. Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công tiếp tục là điểm sáng; vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 69,8% kế hoạch cả năm. Tiếp tục thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn, công nghệ cao, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng. Xuất khẩu tăng 4,7%; xuất siêu đạt kỷ lục 18,72 tỷ USD. Sản xuất công nghiệp tháng 10 có dấu hiệu khởi sắc, trong đó ngành chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng chính, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có xu hướng tăng, tháng 10 tăng 2,4% so với tháng trước. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10 tăng 18,4% và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 10,4% so với tháng 9/2020.
Bên cạnh đó, để hoàn thành mức cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cả năm từ 2,5 - 3%; Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, nhất là kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, đeo khẩu trang tại nơi công cộng và nơi tập trung đông người…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị toàn quốc về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA, vốn vay ưu đãi, bảo đảm gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong công tác này, nhất là công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI; các mô hình kinh tế mới.
Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, đánh giá những ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai, bão lũ đối với hoạt động dự báo khí tượng thủy văn tại khu vực miền Trung thời gian vừa qua để có biện pháp khắc phục kịp thời theo quy định, trường hợp vượt thẩm quyền, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ để báo cáo Quốc hội việc sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường cho các nhiệm vụ quan trọng cấp bách như quy định tại Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngày 12/11/2019 của Quốc hội.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, địa phương tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để sớm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Thành phố Hà Nội khẩn trương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đẩy nhanh việc bố trí trụ sở làm việc phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ …
Chính phủ thống nhất thông qua các chính sách và Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; tiếp tục rà soát toàn diện các nhóm chỉ tiêu, bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống để không tạo ra khoảng trống trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, phù hợp với quy định của các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành có liên quan và phản ánh kịp thời diễn biến tình hình kinh tế - xã hội trước những thay đổi nhanh chóng của kinh tế số, xã hội số dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, trình Chính phủ trong tháng 6/2021…
Chính phủ yêu cầu Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giao, nhất là liên quan đến công tác hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính; chủ động làm việc với các Hiệp hội doanh nghiệp trong nước và các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, rào cản mà doanh nghiệp đang gặp phải, kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có hướng xử lý, tháo gỡ … ./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư