Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 21/11/2020-21:41:00 PM
Trí thức trẻ Việt Nam cần tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển ngọn lửa khát vọng
(MPI) - Phát biểu tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ III - năm 2020 với chủ đề: “Việt Nam 2045” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức ngày 21/11/2020 tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ một số vấn đề về quan điểm, định hướng phát triển đất nước, cũng như những vấn đề đặt ra, mong muốn của Đảng, Nhà nước đối với các bạn thanh niên mà hạt nhân là đội ngũ trí thức thanh niên để từ đó xác định những trọng trách, nhiệm vụ mà mỗi người trong các bạn thanh niên sẽ phải suy nghĩ, hành động vì một quốc gia phát triển thịnh vượng trong tương lai.

Khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng, ý chí tự lực, tự cường

Tham dự Diễn đàn có Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn; đại diện lãnh đạo bộ, ban, ngành trung ương và 206 đại biểu trí thức trẻ Việt Nam tại 15 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, người khởi xướng Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2018 bày tỏ sự quan tâm sâu sắc tới Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu và cho biết, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên, tính tự chủ của nền kinh tế cũng được cải thiện. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu dịch chuyển sang chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể, tăng độ mở nền kinh tế và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn. Khu vực tư nhân đóng góp ngày càng lớn và trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Chính trị - xã hội ổn định, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được quan tâm và có sự chuyển biến tích cực; tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh; tiếp tục tận dụng cơ hội dân số vàng; thành quả xây dựng nông thôn mới được củng cố, đời sống mọi mặt của người dân không ngừng được cải thiện. Khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng, ý chí tự lực, tự cường là sức mạnh nội sinh cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Trong giai đoạn sắp tới, công cuộc đổi mới ở nước ta sẽ được tiến hành trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, thậm chí trải qua những biến động sâu sắc chưa từng có, đặc biệt là do những tác động khó lường của đại dịch Covid-19 và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh thương mại, công nghệ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ diễn ra gay gắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhân tố bất ổn mới. Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể kéo dài do đại dịch Covid-19. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số trên toàn cầu đang tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho các nước trên thế giới, trong đó có nước ta. Những vấn đề toàn cầu như bảo vệ hòa bình, an ninh con người, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trước tình hình đó đòi hỏi sự phấn đấu, đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng, tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, huy động có hiệu quả mọi nguồn lực, động lực, tạo đột phá trong đổi mới, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn. Điều này càng được thể hiện rõ hơn trong quan điểm của Đảng về phát triển đất nước trong giai đoạn tới.

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước tiên, để phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chúng ta cần phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Trong đó, thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sản xuất, nhất là đất đai. Cùng với đó, hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới. Phải coi trọng hơn quản lý phát triển kinh tế - xã hội; mở rộng dân chủ phải gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương. Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Đồng thời, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc, ý chí tự cường và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Phải có cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của Nhân dân.

Ngoài ra, xây dựng nền kinh tế tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hoá thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các cú sốc từ bên ngoài. Phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại. Không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế, phát triển lực lượng doanh nghiệp của người Việt Nam ngày càng vững mạnh và huy động sức mạnh tổng hợp của đất nước, nâng cao hiệu quả và lợi ích do hội nhập quốc tế mang lại.

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; giữ vững an ninh chính trị; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Hình ảnh tại Diễn đàn. Ảnh: MPI

Khát vọng "Việt Nam 2045"

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ với các trí thức trẻ giàu nhiệt huyết về khát vọng "Việt Nam 2045", đó là một nước đang phát triển có thu nhập cao. Để có thể thực hiện được mục tiêu đó, vai trò của lực lượng thanh niên, tri thức trẻ là rất quan trọng. Hơn 200 bạn trẻ tham dự Diễn đàn là đại diện cho hàng trăm nghìn trí thức trẻ Việt Nam cả ở trong nước và nước ngoài cần phải tiên phong, đi đầu, xung kích trên mọi mặt trận, trong từng lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Các bạn là lực lượng đi đầu cho sự phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tương lai của đất nước, là lực lượng có khả năng tiếp thu nhanh tri thức thế giới, sáng tạo và áp dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học và công nghệ vào thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn tới, đồng thời, là một trong những những mắt xích quan trọng trong việc hình thành và kết nối mạng lưới đổi mới, sáng tạo trên phạm vi toàn cầu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Thế hệ trí thức trẻ cần tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển ngọn lửa khát vọng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên của các thế hệ đi trước. Đồng thời, tiếp tục tham gia mạnh mẽ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, tích cực tích lũy tri thức nhân loại để làm giàu vốn sống cho bản thân, tăng thêm năng lực phản biện để từ đó góp phần đổi mới, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Bác Hồ đã từng căn dặn, mong ước lúc sinh thời./.

Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2541
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)